12 năm phổ thông, tôi không cho con học thêm và dạy con '3 không' trong học tập

25/02/2025 06:38
Mạnh Đoàn

GDVN - Tiến sĩ Vũ Thu Hương chưa từng cho con đi học thêm trong 12 năm học phổ thông nhằm khơi dậy tính tự học, không bị động trong học tập.

Thông tư 29/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm được ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 14/2/2025, thu hút sự quan tâm của xã hội trong thời gian vừa qua. Thực tế, có nhiều phụ huynh, giáo viên coi học thêm, dạy thêm là phần không thể thiếu trong giáo dục với vô vàn lý do được viện dẫn.

Quy định mới quản lý việc dạy thêm, học thêm quy định, trong trường chỉ dạy thêm không thu tiền cho 3 đối tượng học sinh (học sinh giỏi, học sinh không đạt, học sinh cuối cấp tự nguyện ôn thi); không dạy thêm cho học sinh tiểu học (trừ trường hợp bồi dưỡng năng khiếu, nghệ thuật, rèn luyện kỹ năng sống); ở ngoài nhà trường, giáo viên không dạy thêm thu tiền với học sinh chính khóa. Điều này khiến nhiều phụ huynh có lo lắng.

Về những băn khoăn nêu trên của phụ huynh, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Tiến sĩ Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên khoa Sư phạm tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), là người cứng rắn với quan điểm không cho con học thêm suốt 12 năm học phổ thông.

Theo Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương, con cô sinh sống thuở nhỏ ở Đức và khi lên lớp 1 thì trở về Việt Nam học tập. Vì vậy, con yếu về ngôn ngữ và được mẹ yêu cầu phải cố gắng thi vào lớp chọn Văn khi lên bậc trung học cơ sở.

Thực hiện mong muốn của mẹ, con gái đã thi đỗ lớp chọn Văn và trong quá trình học bốn năm bậc trung học cơ sở, con học tốt môn này.

Khi bước vào bậc trung học phổ thông, mỗi năm học con đều giành được giải cấp thành phố, rồi được tuyển thẳng vào đại học. Tuy nhiên, cô Hương nhận thấy ngành của con không phù hợp nên đề nghị con tạm dừng một năm để suy nghĩ về việc lựa chọn ngành học.

Sau đó, con của cô Hương đã nộp hồ sơ du học sang Úc và trúng tuyển học bổng, mặc dù con chưa từng học thêm tại trung tâm tiếng Anh. Ngay học kỳ đầu tiên tại Úc, con đã có được kết quả cao trong học tập, tốt nghiệp con là thủ khoa.

tien-si-vu-thu-huong.jpg
Tiến sĩ Vũ Thu Hương. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Vũ Thu Hương nhìn nhận lại quá trình dạy dỗ con trong 12 năm học phổ thông: "Con tôi không phải trường hợp thông minh đặc biệt nhưng được tôi rèn luyện ý thức học tập. Qua việc con không có sự hỗ trợ từ học thêm, con sẽ phải tự học, tự bơi", Tiến sĩ Vũ Thu Hương chia sẻ.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương luôn căn dặn con thực hiện 4 không trong học tập. Đó là, không học thêm, không quay cóp bài của bạn, không quan trọng điểm số, không để cô giáo than phiền về ý thức học tập.

Bên cạnh việc răn dạy con thực hiện 4 không, vị phụ huynh này còn đưa ra những hình phạt nếu con vi phạm.

"Nhiều lần con mang điểm kém về để yêu cầu tôi cho con đi học thêm. Tuy nhiên, tôi trả lời, con dốt là việc của con", Tiến sĩ Vũ Thu Hương nhớ lại.

Bên cạnh việc khơi dậy ý thức tự học của con, Tiến sĩ Vũ Thu Hương nhận thấy, con của cô rất ham đọc sách, đây là kiến thức giúp con có những kỹ năng học tập.

Ví dụ, trước khi học kiến thức trên lớp, con sẽ đọc sách và tìm hiểu, làm những dạng bài liên quan. Nếu ra đáp án sai, con sẽ lấy quyển vở khác để làm lại bài cho đúng.

Chia sẻ về công việc hiện tại của con gái, Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho hay, con gái của cô đang làm việc ở vị trí sáng tạo chuyên môn của một trung tâm giáo dục.

Học thêm - tác động nhiều hệ lụy tới học sinh, phụ huynh

Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, cô rất ủng hộ nội dung của Thông tư 29, trong đó có quy định không dạy thêm cho học sinh tiểu học (trừ bồi dưỡng nghệ thuật, kỹ năng sống, thể dục thể thao). Bởi lẽ, với trẻ khi còn học bậc mầm non, các con trong một ngày chỉ học 35 phút và thời gian còn lại là vui chơi.

Đến khi trẻ lên lớp 1, thời lượng học trong ngày tăng lên gấp bảy lần với 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút.

"Nếu học sinh tiểu học đi học thêm sẽ khiến các con bị stress tâm lý", Tiến sĩ Vũ Thu Hương nhận định.

Từng là giảng viên khoa Sư phạm tiểu học, nên Tiến sĩ Vũ Thu Hương hiểu, chương trình bậc tiểu học chủ yếu là kiến thức lặp đi lặp lại, rèn kỹ năng cho học sinh. Vì vậy, học sinh tiểu học không cần đi học thêm và chỉ cần học trên lớp là đủ kiến thức.

Đối với bậc trung học cơ sở trở lên, Thông tư 29 quy định, dạy thêm ngoài nhà trường, giáo viên không được dạy thêm thu tiền với học sinh chính khóa; trong nhà trường chỉ có 3 nhóm đối tượng cụ thể là rất đúng, phù hợp thực tế.

Bởi lẽ, giáo viên có thể sẽ "mớm" đề thi cho học sinh, dù không cố tình nhưng họ nắm được những dạng đề khả năng được ra. Hệ lụy tác động tới học sinh là các em có thể được điểm cao trên lớp nhưng thực chất không chắc kiến thức. Còn với phụ huynh, họ đánh giá sai về năng lực của con em.

Kết quả là khi con tham gia kỳ thi lớn được điểm thấp do không "trúng tủ", sẽ khiến học sinh, phụ huynh bị sốc.

"Nếu đi học thêm quá nhiều, học sinh sẽ không có khả năng tự học. Các em không biết bản thân bị hổng kiến thức ở đâu, vì thầy cô ôn như nào thì trò chỉ học như vậy", Tiến sĩ Vũ Thu Hương nhận định.

Việc học thêm quá nhiều còn khiến cho học sinh bị căng thẳng thần kinh, không có thời gian để cơ thể tái tạo năng lượng.

"Tôi từng gặp nhiều trường hợp bị trầm cảm, stress do học tập quá nhiều", Tiến sĩ Hương nói.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng, với học sinh có học lực yếu do ý thức kém, nếu được nhà trường ôn luyện miễn phí, vẫn khó cải thiện được năng lực học tập.

Còn với trường hợp học lực yếu do hổng kiến thức, giáo viên cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân học sinh bị hổng từ đâu để khắc phục. Giáo viên có thể giảng kỹ nội dung mà học sinh chưa hiểu, hay nhắc nhở trò về nhà ôn luyện. Như vậy, học sinh sẽ nắm được kiến thức bị hổng.

"Việc ôn luyện miễn phí cho học sinh yếu là việc rất bình thường. Nếu không cải thiện được năng lực học tập cho học sinh yếu, giáo viên có thể phối hợp với phụ huynh để tăng sự hỗ trợ con", Tiến sĩ Vũ Thu Hương chia sẻ.

Mạnh Đoàn