Từ 14/2, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT chính thức có hiệu lực, hoạt động dạy thêm, học thêm phải tuân thủ quy định mới với rất nhiều điểm mới được đa số cán bộ quản lý, giáo viên và nhân dân đồng thuận.
Bên cạnh đó, mọi người kỳ vọng việc quản lý dạy thêm, học thêm sẽ thực chất, thực hiện nghiêm quy định như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, quan trọng nhất là xử lý nghiêm vi phạm, không để giáo viên “lách luật” để dạy thêm trái quy định.
Là giáo viên bậc trung học cơ sở, qua tìm hiểu quy định pháp luật và đọc thông tin từ báo chí và các kênh chính thống, uy tín, tôi thấy những vấn đề băn khoăn, hạn chế liên quan dạy thêm, học thêm đã được làm rõ.
![Ảnh minh họa GDVN_dạy thêm.png](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/haotgs/2024_09_11/gdvn-day-them-5068.png)
Đa số những băn khoăn về quy định về dạy thêm, học thêm đã được làm rõ
Ngày 30 tháng 12 năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ký ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, khi chưa tìm hiểu kỹ các quy định mới trong Thông tư đã có một số ý kiến phản biện một số vấn đề quy định mới.
Tuy nhiên, đến nay khi Thông tư đã chính thức có hiệu lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giải đáp gần như hầu hết các quy định trong Thông tư 29, khiến mọi người hiểu và có nhìn tích cực hơn về quy định mới như:
Không tổ chức dạy thêm văn hóa với học sinh tiểu học, đây là quy định không mới vì đã có trong các quy định trước đây. Thông tư 29 vẫn tiếp tục áp dụng quy định này và quy định này là đúng đắn vì học sinh tiểu học đã học 2 buổi/ngày, các em cần được học và nghỉ ngơi phù hợp.
Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh mà giáo viên dạy chính khóa, đây là quy định đúng đắn, giúp mối quan hệ thầy trò tốt lên, giáo viên dạy hết mình trên lớp, giáo viên nào cũng phải phấn đấu dạy tốt hơn.
Quy định dạy thêm trong nhà trường là miễn phí cũng được đánh giá là phù hợp, tiến tới giáo dục trong nhà trường là miễn phí vì quyền lợi người học. Giáo viên dạy tại trường, giúp đỡ học sinh tiến bộ, học tốt là nhiệm vụ của giáo viên, giáo viên dạy tại trường đã được nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, thanh toán các chi phí khác nên dạy thêm thu tiền thực sự cũng chưa hợp lý.
Hay quy định giáo viên phải báo cáo hiệu trưởng về danh sách học sinh học thêm, địa điểm dạy thêm, thời gian dạy thêm,...để nhà trường quản lý tốt hơn, tránh trường hợp giáo viên dạy thêm những giờ không phù hợp như từ 6 giờ sáng hay sau 21 giờ đêm hoặc 12 giờ trưa,...
Ngày 11/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 545/BGDĐT-GDTrH gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo đối với giáo dục phổ thông.
Công văn có nội dung: “Theo điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các cơ sở giáo dục để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là học sinh còn gặp khó khăn trong học tập, học sinh cuối cấp, đối tượng yếu thế, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.”
Băn khoăn lớn nhất trong Thông tư 29 là giáo viên ôn tuyển sinh lớp 10, ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông miễn phí, với chỉ đạo tại Công văn 545/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu các địa phương thực hiện hỗ trợ kinh phí chi, hỗ trợ giáo viên dạy ôn tuyển 10, ôn tốt nghiệp trung học phổ thông là cơ bản những băn khoăn của Thông tư 29 được giải quyết, năm học tới, các trường cũng có thể xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để hỗ trợ giáo viên ôn tuyển 10, ôn thi tốt nghiệp,…
Do đó, đến thời điểm này, hầu như những vấn đề quy định trong Thông tư 29 được đánh giá tiến bộ, phù hợp.
Thông tư 29 được ban hành nhằm mục đích bảo vệ sự tôn nghiêm cho nhà giáo, giúp học sinh có ý thức tự học tốt hơn, dạy thêm trong nhà trường miễn phí vì người học…đều rất hay và phù hợp, không vì những lý do không có chỗ gởi con hay sợ con học không tốt mà chấp nhận dạy thêm trái phép, dạy thêm quá mức ảnh hưởng đến sự tự học, sự phát triển tư duy người học.
Vẫn còn lo ngại giáo viên lách luật để dạy thêm trái phép
Khi Thông tư 29 có hiệu lực nếu giáo viên có tâm, có trách nhiệm sẽ thực hiện nghiêm quy định, tuy vậy vẫn có 1 số giáo viên vì tiền vẫn tìm cách “lách luật” để dạy thêm như:
Chuyển sang dạy online; dạy thêm học sinh chính khóa với danh nghĩa không thu tiền và phụ huynh phải trả phí bằng các hình thức khác như tặng quà, tự nguyện,…; trao đổi đề kiểm tra để dạy chéo lớp; dạy “trá hình” với danh nghĩa dạy kỹ năng sống, viết chữ đẹp, văn hay chữ tốt, toán tư duy,…
Có thể nói, quy định mới của Thông tư 29 rất phù hợp, ban hành đúng thời điểm, là cơ hội để bảo vệ sự tôn nghiêm cho nghề giáo, tác dụng của nó vô cùng tích cực, mong các giáo viên đừng vì giảm thu nhập mà làm trái lương tâm, đạo đức, dạy trái quy định để thu tiền.
Xử phạt nghiêm vi phạm dạy thêm sẽ nâng cao ý thức chấp hành
Khi Chính phủ ban hành Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe với mức xử phạt tăng cao để mọi người có ý thức tuân thủ an toàn giao thông,…ban đầu đã nhận một số ý kiến chưa đồng tình, tuy nhiên sau một thời gian triển khai và thực hiện, giao thông đi vào nền nếp, mọi người đều tuân thủ luật giao thông, số vụ vi phạm giao thông giảm cả 3 tiêu chí,…đến thời điểm này được sự đồng thuận cao và ý thức người dân được nâng lên.
Thực chất, Thông tư 17 trước đây cũng quy định cấm dạy thêm tiểu học, cấm dạy thêm ở trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày,..nhưng các giáo viên vẫn dạy lén lút thu tiền bất hợp pháp, giáo viên vẫn còn tình trạng o ép học sinh dạy thêm để thu tiền,…
Số vụ vi phạm dạy thêm diễn ra cả nước rất nhiều, nhưng vụ việc chỉ xử lý ở mức nhắc nhở, phê bình, hầu như rất ít trường hợp bị kỷ luật nên gần như ít có tác dụng răn đe, khó xây dựng việc tự ý thức của giáo viên.
Nên, người viết cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29 rất hợp lý, phù hợp cả về nội dung, thời điểm ban hành,…vấn đề còn lại là giám sát và xử lý nghiêm vi phạm dạy thêm để mọi người chấp hành quy định mới.
Để hoạt động dạy thêm được lành mạnh, thực chất, điều kiện cần là có quy định đúng đắn, Thông tư 29 đã giải quyết được điều kiện cần, còn điều kiện đủ là xử lý nghiêm vi phạm dạy thêm học thêm để mọi người phải chấp hành, ai cố tình vi phạm phải xử lý nghiêm minh.
Do đó, người viết mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu và tham mưu với Chính phủ tăng thật nặng mức phạt khi giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm học thêm, cả về hành chính và kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự nếu vi phạm nghiêm trọng, chỉ như vậy, giáo viên mới nghiêm túc chấp hành nghiêm quy định, khi đó không còn hình ảnh giáo viên lén lút dạy thêm, dạy chui hay cố tình dạy thêm thu tiền trái phép,… góp phần bảo vệ sự tôn nghiêm của nghề giáo.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.