Yêu cầu ngưỡng đầu vào ngành Vi mạch bán dẫn sẽ giúp đảm bảo chất lượng đào tạo

28/03/2025 06:38
Đào Hiền

GDVN - Khi đặt ra tiêu chí cao đối với đầu vào ngành Vi mạch bán dẫn sẽ giúp ngành học có được thí sinh chất lượng, từ đó tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang ghi nhận ý kiến đóng góp xây dựng chuẩn chương trình đào tạo ngành Vi mạch bán dẫn nhằm đảm bảo công tác đào tạo phù hợp với thực tiễn.

Theo đó, yêu cầu chuẩn đầu vào đối với thí sinh muốn ứng tuyển vào các ngành về vi mạch bán dẫn phải đảm bảo điểm các môn đạt 80% trở lên, thông thường là 8/10 điểm đang nhận được nhiều sự quan tâm và đa dạng ý kiến góp ý.

Đầu vào tốt thì đầu ra mới chất lượng

Bàn về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quỳnh - Đồng Trưởng khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, vi mạch và bán dẫn thuộc các ngành công nghệ cao, đòi hỏi nhân lực không chỉ có kiến thức chuyên sâu mà còn phải có kỹ năng, chuyên môn vững vàng.

Trên thực tế, đội ngũ này không chỉ có sự hiểu biết sâu rộng về vật lý bán dẫn, thiết kế mạch điện tử và công nghệ sản xuất tiên tiến mà còn phải có khả năng sử dụng các phần mềm mô phỏng, thiết kế mạch (như CAD) và hiểu biết về các quy trình sản xuất vi mạch. Vì là ngành kỹ thuật công nghệ cao nên việc lựa chọn đầu vào chất lượng, có nền tảng vững vàng về Toán học, Vật lý, điện tử và kỹ thuật là điều dễ hiểu. Bởi những kiến thức này đóng vai trò then chốt trong việc thiết kế, sản xuất và tối ưu hóa vi mạch.

Chưa kể, đặc thù của ngành học khá chuyên sâu và có độ khó nhất định thì yêu cầu về tố chất, năng lực học tốt các ngành khoa học tự nhiên sẽ tạo tiền đề cho người học dễ dàng theo đuổi lĩnh vực này.

Theo đánh giá của thầy Quỳnh, việc đặt ra những tiêu chí, yêu cầu chặt chẽ trong khâu lựa chọn đầu vào đối với ngành Vi mạch bán dẫn sẽ mang lại nhiều điểm tích cực. Đầu tiên là tạo cơ hội lựa chọn được những thí sinh có năng lực vượt trội, phù hợp với yêu cầu chuyên môn cao của ngành thay vì tuyển sinh ồ ạt để lấy số lượng.

Trên thực tế, khi Nhà nước đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, trong đó đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên đã vô hình tạo hiệu ứng tâm lý đám đông cho xã hội. Không thể phủ nhận rằng, khi thị trường có nhu cầu về một công việc, ngành nghề, lĩnh vực nào đó thì người lao động sẽ có xu hướng chạy theo các ngành học hot theo xu thế mà không chú ý đến việc liệu mình có phù hợp với các ngành học này hay không?

Việc học tập, theo đuổi một ngành nghề diễn ra trong một quá trình. Để công tác đào tạo có hiệu quả thì bản thân người học phải có năng lực, tố chất phù hợp với đặc thù của từng ngành nghề. Do đó, việc đặt ra tiêu chí cao đối với đầu vào ngành Vi mạch bán dẫn sẽ hạn chế tình trạng thí sinh “đổ xô” đăng ký vào ngành học này chỉ vì sức nóng, độ hot của ngành. Giảm thiểu tình trạng sinh viên bỏ dở giữa chừng vì không theo kịp chương trình đào tạo.

Đối với cơ sở đào tạo khi đặt ra những tiêu chí chặt chẽ sẽ giúp đơn vị tuyển chọn được người học có trình độ, qua đó tạo nhiều sự thuận lợi trong hoạt động đào tạo, phối hợp giữa nhà trường và người học, giảm thiểu rủi ro chương trình đào tạo không tương xứng với năng lực, trình độ của sinh viên.

Với người học khi nắm được những tiêu chí đặt ra của ngành thì sẽ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng ở bậc phổ thông như đầu tư kiến thức các môn khoa học tự nhiên để bổ trợ công việc học tập sau này. Việc trang bị tốt các kiến thức liên quan ngành học cũng góp phần giúp sinh viên dễ dàng theo đuổi chương trình đào tạo các ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn ở bậc đại học.

cong-nghe-vi-mach-ban-dan-usth_3.jpg
Ngành Vi mạch bán dẫn có đặc thù chuyên sâu và có độ khó nhất định. Ảnh minh họa: website USTH

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Lê Hòa - Trưởng khoa Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cũng cho rằng: Ngành Vi mạch bán dẫn đòi hỏi người học phải có tư duy logic, khả năng phân tích và tính toán, có nền tảng kiến thức sâu về vật lý, điện tử, khoa học máy tính. Do đó, việc đặt yêu cầu đối với người học ngành Vi mạch bán dẫn phải có kiến thức tốt về Toán, Lý, Hóa là một chủ trương hợp lý.

Theo chia sẻ của thầy Hòa, kết quả có thể nhìn thấy đầu tiên khi đặt ra tiêu chí cao đối với đầu vào ngành Vi mạch bán dẫn chính là giúp ngành học có được những thí sinh chất lượng. Từ đó sẽ dễ dàng tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao ở đầu ra.

Đồng thời, việc giới hạn ngưỡng điểm tuyển sinh đầu vào cũng sẽ hạn chế được tình trạng các trường “chạy theo mốt” đào tạo tràn lan, thiếu hiệu quả, không đảm bảo chất lượng dẫn đến việc sinh viên ra trường không đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Bên cạnh đó, Trưởng khoa Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cũng trăn trở rằng, khi chất lượng và số lượng luôn xung đột lẫn nhau thì việc đặt ra yêu cầu cao về chất lượng đầu vào có thể làm cho số lượng sinh viên đăng ký học ngành Vi mạch bán dẫn giảm. Chưa kể bên cạnh việc yêu cầu có kiến thức tốt về Toán, Lý, Hóa thì năng lực tiếng Anh, khả năng sáng tạo, thích ứng nhanh của người học cũng rất quan trọng đối với ngành học này. Do đó, thầy Hòa cho rằng cần phải cân nhắc, tính toán kỹ việc đặt ra tiêu chí đầu vào đối với ngành Vi mạch bán dẫn, sao cho vừa đủ cao để tuyển được thí sinh chất lượng, vừa phù hợp để không “bỏ sót” những thí sinh thực sự có tố chất.

image012 (1).jpg
Tiến sĩ Nguyễn Lê Hòa - Trưởng khoa Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: website nhà trường

Nên siết chặt đầu vào và kiểm soát đầu ra

Không thể phủ nhận rằng, ngành Vi mạch bán dẫn hiện đang sở hữu sức hot vô cùng mạnh mẽ và trở thành một trong những lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược trong nền kinh tế toàn cầu.

Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Lê Hòa, việc phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn không những đáp ứng nhu cầu cao về thị trường lao động mà còn giúp giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, tiến tới làm chủ công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh đó cũng tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho các ngành nghề khác, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đóng góp tích cực vào hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Tuy nhiên, để có được nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này, thầy Hòa cho rằng ngoài việc đặt mục tiêu số lượng nhân lực ngành thì cần chú trọng đến chất lượng, trình độ lao động để có thể đáp ứng trước những thay đổi nhanh chóng của xã hội.

Theo đó, bên cạnh việc chọn lựa đầu vào kỹ lưỡng, thì cần phải đồng thời kiểm soát chặt đầu ra đối với lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Tuy nhiên, việc tiếp cận cũng cần phải linh hoạt vì nếu làm quá chặt có thể làm thu hẹp nguồn nhân lực, dẫn đến khó đặt được mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được 50.000 nhân lực ngành vi mạch bán dẫn.

“Để phối hợp hài hòa các tiêu chí này, các cơ sở giáo dục đại học có thể kết hợp nhiều phương thức xét tuyển khác nhau thay vì chỉ dựa theo kết quả kỳ thi Trung học phổ thông. Có thể tính đến phương án xét tuyển ngành học dựa theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, tuyển sinh riêng theo tiêu chí của nhà trường đối với các thí sinh đạt giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi, cuộc thi khoa học kỹ thuật,…

Đồng thời, Nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ cho những sinh viên theo học ngành này như miễn, giảm học phí, cấp học bổng nhằm thu hút nhiều thí sinh đăng ký. Từ đó giúp các trường đại học thuận tiện trong việc sàng lọc để lựa chọn các thí sinh có chất lượng cao đầu vào”, thầy Hòa nêu quan điểm.

6.jpg
Ngành Vi mạch bán dẫn đang sở hữu sức hot vô cùng mạnh mẽ đối với giới trẻ.
Ảnh minh họa: website dut.udn.vn

Trong khi đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quỳnh lại cho rằng Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế để phát triển ngành Vi mạch bán dẫn. Do đó cần tập trung đầu tư đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực này.

“Tại Việt Nam, các trường đại học đào tạo các ngành gần với ngành Vi mạch bán dẫn đã có truyền thống lâu đời. Ví dụ như ngành Khoa học vật liệu, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện - điện tử đã phát triển gần 20 năm đào tạo. Đó là những điều kiện thuận lợi, là tiền đề để nước ta phát triển tiếp ngành vi mạch bán dẫn”, thầy Quỳnh thông tin.

Đối với công tác đào tạo, thầy Quỳnh cho hay chính vì đây là một ngành trong khối ngành khoa học kỹ thuật nên tính chuyên môn hóa sẽ cao, đồng nghĩa với việc yêu cầu người học có một trình độ nhất định. Do đó, bên cạnh việc đặt ra các tiêu chí, yêu cầu đầu vào thì cần tập trung xây dựng chương trình đào tạo ngành Vi mạch bán dẫn. Trên thực tế, thành công của ngành học chính là việc thiết kế được một chương trình đào tạo phù hợp với lộ trình, năng lực của người học.

Tại Việt Nam hiện nay đã có nhiều cơ sở giáo dục đại học đào tạo các ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành chuẩn chương trình đào tạo của ngành học này để các đơn vị có thể dựa vào và xây dựng những chương trình riêng phù hợp với năng lực của từng trường.

Để đảm bảo chất lượng đầu ra thì cần phải rà soát, đảm bảo công tác đào tạo ở các trường phải theo đúng chuẩn đầu ra Bộ ban hành, tránh tình trạng một số đơn vị vì chạy theo độ hot của ngành học mà lơ là công tác, chất lượng đào tạo.

cong-nghe-vi-mach-ban-dan-usth_4.jpg
Cơ sở vật chất là yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc phát triển ngành vi mạch bán dẫn. Ảnh: Website USTH

Thứ hai chính là điều kiện cơ sở vật chất. Theo chia sẻ của thầy Quỳnh, cơ sở vật chất là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc phát triển ngành Vi mạch bán dẫn, đặc biệt khi đây là ngành công nghệ kỹ thuật, nơi việc thực hành và thực tập đóng vai trò quyết định trong việc rèn luyện và phát triển kỹ năng cho sinh viên.

Việc có một môi trường học tập và thực hành với các thiết bị, công nghệ hiện đại sẽ giúp sinh viên không chỉ nắm vững lý thuyết mà còn có cơ hội áp dụng kiến thức vào thực tế, từ đó phát triển kỹ năng thực tiễn và khả năng giải quyết vấn đề trong môi trường sản xuất.

Trong các chương trình đào tạo, việc phân bổ thời gian cho thực hành thực tập là rất quan trọng. Nếu khối lượng thực hành được xác định rõ ràng và chiếm tỷ lệ hợp lý trong tổng thời gian đào tạo sẽ giúp sinh viên có đủ cơ hội trải nghiệm và làm quen với các công nghệ mới, các quy trình sản xuất thực tế. Do đó, các cơ sở giáo dục đại học cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất như phòng lab, các thiết bị thử nghiệm, máy móc sản xuất vi mạch và các phần mềm thiết kế vi mạch chuyên dụng để đảm bảo rằng sinh viên có thể học hỏi, thực hành và nâng cao năng lực của mình trong một môi trường chuẩn mực.

Khi các trường có cơ sở vật chất đầy đủ và hiện đại, họ sẽ có khả năng tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng đúng nhu cầu của ngành Vi mạch bán dẫn. Sinh viên tốt nghiệp từ những chương trình đào tạo này sẽ tự tin hơn, có khả năng làm việc ngay sau khi ra trường và có thể tham gia vào các dự án công nghệ cao, đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn trong nước và quốc tế.

Đào Hiền