Đào tạo vi mạch bán dẫn yêu cầu 25-30% tín chỉ thực hành, trường ĐH nêu khó khăn

21/04/2025 06:50
Ngọc Mai

GDVN - Dự thảo chuẩn chương trình đào tạo đại học, thạc sĩ về vi mạch bán dẫn đang nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý từ cơ sở giáo dục đại học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về dự thảo chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ về vi mạch bán dẫn. Theo dự thảo, chuẩn này là cơ sở để các cơ sở đào tạo xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn; là nền tảng để thiết kế, triển khai các chương trình đào tạo ngành chính - ngành phụ, song bằng hoặc liên ngành về vi mạch bán dẫn.

Dự thảo đang nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ góp ý từ cơ sở giáo dục đại học đào tạo về vi mạch bán dẫn.

Điểm trung bình môn Toán và Khoa học tự nhiên trên 80% có phải là trở ngại?

Đánh giá về sự cần thiết của chuẩn chương trình đào tạo, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Chiến Thắng - Phó trưởng khoa Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn đóng vai trò then chốt, là nền tảng cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), và các hệ thống tự động hóa. Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển công nghiệp công nghệ cao, do đó, việc ban hành chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ về vi mạch bán dẫn là vô cùng cần thiết và kịp thời.

“Chuẩn chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn giúp thống nhất nội dung, phương pháp giảng dạy và đánh giá, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có đủ kiến thức, kỹ năng để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của ngành. Đồng thời, việc có một chuẩn chung sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu, giúp cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với các tiêu chuẩn giáo dục toàn cầu”, thầy Thắng cho biết.

Một buổi học thực hành của sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên. Ảnh: NTCC
Một buổi học thực hành của sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên. Ảnh: NTCC

Dự thảo yêu cầu đầu vào đối với chương trình đào tạo cử nhân ngành vi mạch bán dẫn – cụ thể là thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương với điểm trung bình môn Toán và Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học) đạt từ 80% trở lên. Có ý kiến cho rằng, yêu cầu này sẽ gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục đại học trong tuyển sinh, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến mục tiêu đào tạo nhân lực ngành bán dẫn.

Chia sẻ về nội dung này, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc đào tạo vi mạch bán dẫn trình độ cử nhân không hề dễ dàng, do đó việc đặt ra những tiêu chuẩn tối thiểu đối với sinh viên theo học là hoàn toàn hợp lý.

“Theo phân tích thực tiễn của nhà trường, những sinh viên đạt được mức điểm đầu vào cao thường có khả năng học tập tốt, thích nghi nhanh và theo kịp cường độ đào tạo”, thầy Nhân chia sẻ.

Mặt khác, thầy Thắng cho rằng, việc đặt yêu cầu đầu vào cao về kiến thức cơ bản, đặc biệt là Toán và Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học) là hợp lý và cần thiết đối với chương trình đào tạo cử nhân ngành vi mạch bán dẫn. Bởi, ngành đòi hỏi sinh viên phải có nền tảng vững chắc về các môn học về Toán, Khoa học tự nhiên để có thể tiếp thu và phát triển các kiến thức chuyên sâu về thiết kế, chế tạo vi mạch.

Tuy nhiên, thầy Thắng cũng nhận thấy rằng, với xu hướng giảm số lượng học sinh lựa chọn các môn Vật lý và Hóa học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, yêu cầu điểm trung bình môn Toán và Khoa học tự nhiên trên 80% có thể gây khó khăn cho cơ sở giáo dục đại học trong việc tuyển sinh.

“Để đảm bảo mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực ngành bán dẫn vào năm 2030, tôi cho rằng, bên cạnh việc duy trì yêu cầu đầu vào hợp lý, các cơ sở giáo dục đại học cần có các chương trình hỗ trợ, bồi dưỡng cho sinh viên trong quá trình học tập, giúp các em củng cố và nâng cao kiến thức nền tảng. Đồng thời, có thể xem xét linh hoạt các yêu cầu đầu vào, kết hợp với các hình thức đánh giá khác như phỏng vấn, kiểm tra năng lực để đảm bảo chất lượng đầu vào mà không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục của sinh viên”, thầy Thắng bày tỏ.

Bên cạnh việc đồng tình với quan điểm nên siết chặt chuẩn đầu ra để đảm bảo chất lượng nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, thầy Thắng cũng nhận định rằng, việc chỉ tập trung vào chuẩn đầu ra mà không chú trọng đến chất lượng đầu vào có thể dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình đào tạo vi mạch bán dẫn. Sinh viên cần có nền tảng kiến thức cơ bản vững chắc để có thể tiếp thu và phát triển các kiến thức chuyên sâu. Do đó, cần có sự cân đối hợp lý giữa yêu cầu đầu vào và chuẩn đầu ra. Các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt, kết hợp với các hoạt động thực hành, thực tập, dự án nghiên cứu để sinh viên có thể phát triển toàn diện, từ đó đáp ứng được chuẩn đầu ra khắt khe.

Trước đề xuất nên siết chặt đầu ra thay vì đặt yêu cầu cao về chuẩn đầu vào đối với đào tạo vi mạch bán dẫn, thầy Nhân chia sẻ, trên phương diện đào tạo, chuẩn đầu ra là mục tiêu cốt lõi mà chúng ta hướng tới. Các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng chương trình và phương pháp giảng dạy sao cho người học có thể đạt được các năng lực cần thiết đã xác định từ đầu. Trong cấu trúc đó, tiêu chí đầu vào là điều kiện tiên quyết nhằm đảm bảo người học có đủ nền tảng để tiếp cận các kiến thức chuyên sâu, đặc biệt trong những ngành đòi hỏi tư duy kỹ thuật cao như vi mạch bán dẫn.

Chuẩn đầu ra mang tính khung, còn các yêu cầu định lượng và cách thức tổ chức thực hiện sẽ do từng cơ sở giáo dục triển khai linh hoạt dựa trên năng lực và đặc thù riêng. Để đạt được chuẩn đầu ra này, thầy Nhân cho rằng việc xây dựng một đầu vào chất lượng là điều kiện không thể thiếu – đặc biệt với những ngành mũi nhọn như công nghiệp bán dẫn, nơi mà khoa học cơ bản đóng vai trò nền móng vững chắc cho phát triển chuyên sâu.

Doanh nghiệp lĩnh vực vi mạch bán dẫn có khả năng tiếp nhận sinh viên thực tập còn hạn chế

Dự thảo yêu cầu thời lượng thực hành thí nghiệm, trải nghiệm thực tế tối thiểu 25% (đối với đào tạo cử nhân), 30% (đối với đào tạo kỹ sư) trên tổng số tín chỉ, thầy Nhân cho rằng đây là một khó khăn.

Bởi, hiện tại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn chưa nhiều và khả năng tiếp nhận sinh viên thực tập cũng giới hạn. Vì vậy, vấn đề đặt ra là với thời lượng đào tạo thực hành thí nghiệm, trải nghiệm thực tế tối thiểu 20-30% tổng tín chỉ, các cơ sở đào tạo vi mạch bán dẫn sẽ phải thực hiện như thế nào để đáp ứng?

Liên quan đến nội dung này, thầy Thắng cũng đưa ra một số góp ý. Cụ thể, cần bổ sung các nội dung về công nghệ mới, xu hướng phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn. Vì trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng, chương trình đào tạo cần tích hợp các kiến thức về AI, IoT, và các ứng dụng của vi mạch trong các lĩnh vực này.

Ngoài ra, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để cập nhật chương trình đào tạo theo xu hướng thực tế của ngành công nghiệp, đồng thời tạo cơ hội cho sinh viên thực tập, làm việc thực tế, từ đó nâng cao kỹ năng và khả năng thích ứng với môi trường làm việc.

Hơn nữa, bên cạnh các phương pháp truyền thống, cần áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại như học tập dựa trên dự án, học tập trải nghiệm, và sử dụng công nghệ trong giảng dạy để tăng tính tương tác và hiệu quả học tập.

Thay đổi trong đào tạo vi mạch bán dẫn nhằm đáp ứng yêu cầu

Theo chia sẻ của đại diện một số cơ sở giáo dục đại học, sau khi chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học và thạc sĩ về vi mạch bán dẫn ban hành, công tác tuyển sinh và đào tạo các ngành học liên quan đến lĩnh vực này tại cơ sở giáo dục sẽ có điều chỉnh.

Đơn cử, thầy Thắng cho biết, nhà trường sẽ rà soát và cập nhật chương trình đào tạo hiện có để phù hợp với chuẩn chương trình, đảm bảo các nội dung giảng dạy đáp ứng yêu cầu của chuẩn. Đồng thời, tăng cường đầu tư vào các phòng thí nghiệm, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Công tác tuyển sinh đào tạo về vi mạch bán dẫn của nhà trường sẽ được thực hiện theo quy định của chuẩn chương trình; xây dựng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích sinh viên; đào tạo song song với doanh nghiệp, và các hoạt động ngoại khóa liên quan đến lĩnh vực này.

Ngoài ra, nhà trường sẽ mở rộng hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu quốc tế để trao đổi giảng viên, sinh viên, và chia sẻ tài nguyên giáo dục, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo.

“Đối với đội ngũ, nhà trường sẽ phát triển đội ngũ giảng viên có chuyên môn sâu về vi mạch và khả năng truyền đạt kiến thức cập nhật, phù hợp với yêu cầu của ngành. Còn đối với đào tạo, nhà trường chú trọng phát triển không chỉ kỹ năng chuyên môn mà còn kỹ năng mềm như làm việc nhóm, quản lý thời gian, và giao tiếp để sinh viên có thể làm việc hiệu quả trong môi trường công nghiệp quốc tế”, thầy Thắng cho biết.

Đối với Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, thầy Nhân chia sẻ, dựa trên chuẩn chương trình đào tạo, nhà trường sẽ xây dựng chương trình đào tạo ngành về vi mạch bán dẫn, nhằm đáp ứng yêu cầu cao về nền tảng khoa học cơ bản của ngành..

“Thực tế hiện nay, nhiều chương trình đào tạo đại học đang được thiết kế theo hướng rộng và liên ngành, nhằm tạo điều kiện cho sinh viên dễ dàng tiếp cận các lĩnh vực mới, trang bị kỹ năng mềm đáp ứng thị trường lao động. Do đó, một phần nội dung chuyên sâu về Toán và Vật lý ở nhiều chương trình đào tạo đã được rút gọn so với trước đây. Tuy nhiên, với ngành đào tạo về vi mạch bán dẫn - đòi hỏi nền tảng khoa học cơ bản vững chắc thì cách tiếp cận để xây dựng chương trình đào tạo cũng có những đặc thù. Căn cứ vào chuẩn chương trình đào tạo, nhà trường sẽ xây dựng lộ trình đào tạo có thể kéo dài thời lượng học tập hoặc bổ sung các học phần chuyên sâu, nhằm đảm bảo sinh viên đủ năng lực tiếp cận các kiến thức về công nghệ lõi của ngành”, thầy Nhân chia sẻ.

Theo dự thảo, người tốt nghiệp chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn được cấp bằng Cử nhân hoặc Kỹ sư (bậc 6) hoặc Kỹ sư (bậc 7) hoặc Thạc sĩ.

Về chuẩn đầu vào, với chương trình cử nhân, yêu cầu là người tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương, kiến thức về Toán và Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học) đạt điểm trung bình từ 80% trở lên của thang đánh giá.

Đối tượng chuyển tiếp là sinh viên năm 2, 3, 4 (không phải sinh viên năm cuối) từ các ngành đào tạo khác, tại thời điểm xét cần có các yếu tố: Thuộc hoặc gần nhóm ngành đang học; Điểm trung bình tích lũy đạt từ 2,5 trở lên; Tiếng Anh đạt từ bậc 3/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Với chương trình kỹ sư bậc 6 và bậc 7, chuẩn đầu vào tương tự chương trình cử nhân. Riêng với nhóm chuyển tiếp của chương trình kỹ sư bậc 7, cần đầu vào tiếng Anh là bậc 4/6 trở lên.

Chương trình đào tạo thạc sĩ yêu cầu tuyển sinh là người tốt nghiệp đại học (hoặc tương đương trở lên) ngành phù hợp do cơ sở đào tạo quy định. Yêu cầu ngoại ngữ bậc 3/6 trở lên hoặc tương đương. Với chương trình thạc sĩ định hướng nghiên cứu, người học phải tốt nghiệp đại học hạng khá trở lên hoặc có công bố khoa học liên quan tới lĩnh vực sẽ học tập.

Ngọc Mai