Bài viết "Dạy học 2 buổi/ngày bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông: Làm sao cho hiệu quả?" được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 10/4/2025, xuất phát từ thực tiễn dạy học, người viết là giáo viên nêu quan điểm:
"Việc dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh với các nội dung như năng lực số, trí tuệ nhân tạo, hướng nghiệp,..." [1]
Tuy vậy, cần phải thừa nhận rằng, việc dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông hiện nay vẫn còn đó những khó khăn nhất định, chưa thể khắc phục một sớm một chiều vì liên quan đến nhân lực, vật lực và tài lực.

Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học có hiệu lực kể từ ngày 22/4/2025 nêu rõ: Định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần của giáo viên trường trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trường trung học phổ thông là 17 tiết.
Như vậy, nếu trường trung học cơ sở, trung học phổ thông dạy học 2 buổi/ngày thì phải tăng định mức cho giáo viên dạy các bộ môn và hoạt động giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nghĩa là phải đảm bảo về mặt nhân lực.
Việc tăng định mức tiết dạy không phải để tăng số tiết dạy chính khoá mà giáo viên sử dụng thời gian buổi 2 để hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm; hướng nghiệp; rèn kỹ năng sống; thể chất; nghệ thuật; hoạt động câu lạc bộ;...
Chẳng hạn, học sinh tham gia đọc sách ở thư viện thì sau đó giáo viên phải cho các em phải viết nhật kí đọc sách. Học sinh viết nhật kí đọc sách cần được giáo viên môn Ngữ văn hướng dẫn bài bản; tổ chức thảo luận, kể cả chấm, sửa bài viết cho các em.
Để học sinh có thời gian đọc và hấp thụ được các kiến thức trong sách thì giáo viên cần tối thiểu 2 tiết/tuần, có thể triển khai xen kẽ các hoạt động buổi 2 giữa các tuần với nhau.
Hoặc các tổ chuyên môn có thể tổ chức cho học sinh hoạt động trải nghiệm STEM (Giáo dục, Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học) giới thiệu thư viện học liệu số, thí nghiệm ảo, mô phỏng, phần mềm học tập để học sinh tìm hiểu, khám phá các thí nghiệm, ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong thực tiễn đời sống.
Muốn triển khai hoạt động STEM hiệu quả thì cần cả nhân lực (năng lực giáo viên), vật lực (phòng thí nghiệm đạt chuẩn) và tài lực (tài chính).
Thực tiễn dạy học cho thấy, không phải giáo viên nào cũng đủ khả năng tổ chức cho học sinh hoạt động trải nghiệm STEM. Bởi vì giáo dục STEM là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng của chúng trong thực tiễn.
Đó cũng là lí do có không ít giáo viên dạy giỏi nhưng việc hướng dẫn học sinh thực hiện một dự án hay hoạt động STEM vẫn gặp nhiều trở ngại, khó khăn.
Chưa kể, để triển khai một hoạt động STEM thì cần sự phối hợp giữa các giáo viên bộ môn như: Toán học, Công nghệ, Tin học,... Thầy, trò phải mất hàng chục tiết (45 phút/tiết) mới có sản phẩm. Việc này cần quy đổi định mức tiết dạy cho giáo viên thì mới có cơ sở thực hiện.
Cùng với đó, việc không được đầu tư bài bản là thực trạng chung tại phòng thí nghiệm của nhiều trường phổ thông hiện nay. Các trường muốn sắm mới nhưng thiếu tiền, chỉ có thể sắm lẻ tẻ theo từng năm học, gây khó khăn cho học sinh khi làm thực hành, thí nghiệm.
Do thiếu thốn phòng học nên nhiều trường không thể bố trí phòng thí nghiệm thực hành, trang thiết bị; dụng cụ thí nghiệm, thực hành phải chất vào kho. Thậm chí, giờ thực hành, vẫn có trường thầy cô và học sinh không được trang bị quần áo, găng tay bảo hộ đúng quy định.
Bên cạnh đó, nhiều học sinh bậc trung học phổ thông có nhu cầu được học âm nhạc, mĩ thuật vào buổi 2 nhưng nhiều trường không thể đáp ứng vì nguồn tuyển được giáo viên khan hiếm.
Chẳng hạn, cho đến thời điểm này Thành phố Hồ Chí Minh vẫn gặp khó khăn đối với giáo viên các môn nghệ thuật (mỹ thuật, âm nhạc) khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.
Những năm qua, nhiều trường trung học phổ thông ở Thành phố này vẫn không tuyển đủ giáo viên mỹ thuật, âm nhạc.
Được biết, Trường Đại học Sài Gòn có đào tạo ngành Sư phạm Mĩ thuật nhưng vẫn rất ít sinh viên theo học. [2]
Ngoài ra, tình trạng thiếu nhà đa năng tại các trường học vẫn rất khó khắc phục, nhất là ở những thành phố lớn, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai dạy 2 buổi/ngày.
Theo ghi nhận của người viết, không gian nhiều trường công lập và tư thục bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh quá chật hẹp nên phải đưa học sinh ra ngoài công viên, trung tâm văn hóa, nhà thi đấu để hoạt động thể chất, thể thao.
Vào thời điểm cận Tết Nguyên đán hàng năm, nhiều trường học ở địa phương này vẫn không thể tổ chức hội xuân cho học sinh vì không có không gian.
Điều đáng băn khoăn, học sinh học 2 buổi/ngày thì nhiều em nhà ở xa trường phải ở lại buổi trưa. Học sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn tiền đóng tiền bán trú cho nhà trường theo thoả thuận cũng là vấn đề.
Thiết nghĩ, để dạy học 2 buổi/ngày mang lại hiệu quả thì ngành giáo dục địa phương cần huy động nguồn lực trên cả ba phương diện: nhân lực, vật lực và tài lực thì mới có thể triển khai đồng bộ ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/day-hoc-2-buoingay-bac-thcs-thpt-lam-sao-cho-hieu-qua-post250417.gd
[2] https://daibieunhandan.vn/tp-ho-chi-minh-kho-khan-trong-tuyen-giao-vien-cac-mon-nghe-thuat-post352642.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.