Việc các trường nghề buộc phải phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên để dạy văn hóa khi đào tạo hệ 9+ lâu nay đã gây ra nhiều bất cập, khiến nhiều học sinh rơi vào cảnh “học chắp vá”, thiếu ổn định. Đây cũng là nỗi trăn trở của không ít lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Khi hệ thống giáo dục nghề nghiệp chính thức được chuyển giao về Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều trường nghề cho rằng đây là thời điểm cần thiết để thiết kế lại cơ chế vận hành mô hình 9+. Việc trao quyền tự chủ cho các trường trong tổ chức giảng dạy chương trình văn hóa không chỉ giúp giảm phụ thuộc vào các đơn vị liên kết, mà còn tạo điều kiện xây dựng mô hình đào tạo đồng bộ, liền mạch, góp phần nâng cao chất lượng và sự ổn định trong quá trình học tập của học sinh.
Bất cập khi sáng học nghề, chiều học văn hóa

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trịnh Cao Khải – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho biết, năm nay nhà trường bắt đầu đăng ký tuyển sinh hệ 9+ và hiện đang phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên để xây dựng kế hoạch liên kết đào tạo.
Tuy nhiên, từ quan sát thực tiễn, thầy Khải bày tỏ lo ngại về khả năng tiếp thu của học sinh khi phải sáng học nghề, chiều học văn hóa rất vất vả. "Trong khi thể chất và tâm lý của các em còn hạn chế. Việc học như vậy không dễ để đảm bảo hiệu quả,” thầy Khải nhận định.
Dựa trên thực tế, thầy Khải cho rằng nếu được phép tổ chức giảng dạy chương trình văn hóa giáo dục thường xuyên ngay tại trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ chủ động hơn trong việc thiết kế thời khóa biểu và phương pháp giảng dạy, từ đó linh hoạt triển khai chương trình phù hợp với đặc điểm tâm lý, thể chất và nhu cầu học tập của học sinh hệ 9+.
Đây cũng là mong muốn chung của nhiều trường hiện nay là được trao quyền tổ chức giảng dạy cả hai chương trình trong cùng một môi trường học tập thống nhất, vì lợi ích của người học.

Chỉ ra những bất cập từ thực tiễn triển khai chương trình đào tạo hệ 9+ hiện nay, hiệu trưởng một trường cao đẳng ở miền Trung cho biết, mô hình một nơi giảng dạy, một nơi quản lý đang bộc lộ nhiều hạn chế. Việc một Trung tâm Giáo dục thường xuyên cùng lúc liên kết với nhiều trường nghề dễ dẫn đến tình trạng quá tải, thiếu giáo viên, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giảng dạy.
Bên cạnh đó, thực tế, không ít Trung tâm Giáo dục thường xuyên hiện nay có cơ sở vật chất xuống cấp, trong khi các trường nghề lại bị động vì không thể chủ động tổ chức dạy văn hóa ngay tại trường, dù có đủ điều kiện. Trong khi đó dù nhiều trường nghề hiện đã có đầy đủ điều kiện về phòng học, giáo viên nhưng lại không được phép chủ động tổ chức dạy văn hóa tại chỗ. Điều này khiến các trường bị động trong xây dựng kế hoạch giảng dạy, đồng thời giảm tính linh hoạt trong điều phối nhân sự và thời khóa biểu.
Từ đó, vị lãnh đạo kiến nghị cần có sự điều chỉnh linh hoạt hơn về cơ chế. Cụ thể, nên cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ năng lực được tổ chức và quản lý việc dạy chương trình văn hóa giáo dục thường xuyên ngay tại trường. Việc này không chỉ tăng tính chủ động, linh hoạt trong xây dựng thời khóa biểu, mà còn góp phần nâng cao trách nhiệm của nhà trường trong đảm bảo chất lượng đào tạo.
Quan trọng hơn, mô hình tích hợp này sẽ tạo thuận lợi tối đa cho người học – đặc biệt là học sinh hệ 9+, và góp phần hiện thực hóa chủ trương phân luồng sau trung học cơ sở một cách hiệu quả.
Ngoài ra, vị hiệu trưởng cũng đề xuất Nhà nước cần tiếp tục quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và chương trình giảng dạy, nhằm tạo điều kiện cho các trường nghề phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn mới.
Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo hệ 9+

Cùng quan điểm, thầy Bùi Quang Thịnh – Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội cho rằng, việc cho phép các trường cao đẳng, trung cấp được chủ động tổ chức đào tạo nghề kết hợp với dạy văn hóa sẽ mang lại nhiều thuận lợi thiết thực. Đặc biệt, khi các trường được trực tiếp đảm nhiệm cả hai nội dung đào tạo, sẽ dễ dàng hơn trong việc xây dựng kế hoạch tổng thể, chủ động sắp xếp lịch học phù hợp, tránh xung đột giữa các môn nghề và môn văn hóa.
Theo thầy Thịnh, điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Khi được giao quyền giảng dạy văn hóa, các trường sẽ có cơ sở để xây dựng cơ chế thu hút và phát triển đội ngũ giáo viên có năng lực, tâm huyết – những người có khả năng đồng hành sát sao với học sinh hệ 9+.
“Đây là nhóm học sinh có những đặc điểm rất riêng,” thầy Thịnh nhận định. Nhiều em bước vào hệ 9+ không hoàn toàn theo định hướng nghề nghiệp từ đầu, mà do điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Vì vậy, đội ngũ giáo viên của hệ này không chỉ cần có chuyên môn vững vàng mà còn phải hiểu và đồng hành cùng học sinh, hỗ trợ họ không chỉ về kiến thức mà còn về tâm lý, cảm xúc.
“Nếu không có người thầy phù hợp, thực sự tâm huyết để đồng hành, rất dễ xảy ra tình trạng học sinh mất phương hướng, chán nản, thậm chí bỏ học giữa chừng,” thầy chia sẻ.
Việc tổ chức đồng bộ hai chương trình tại cùng một cơ sở cũng giúp giáo viên văn hóa hiểu rõ hơn về quá trình học nghề của học sinh, từ đó có sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực hơn. Đồng thời, khi giáo viên được gắn bó trực tiếp và chịu trách nhiệm về chất lượng đầu ra, họ cũng sẽ có động lực lớn hơn để nâng cao hiệu quả giảng dạy – điều mà các mô hình liên kết hiện nay còn chưa đáp ứng được.