Hiện nay, các trường nghề đang gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức giảng dạy đồng thời hai chương trình – nghề và văn hóa cho học sinh theo học hệ 9+. Việc học sinh phải di chuyển giữa các cơ sở giáo dục khác nhau không chỉ gây trở ngại cho công tác quản lý mà còn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo tổng thể.
Trong bối cảnh hệ thống giáo dục nghề nghiệp vừa được chuyển giao về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, nhiều lãnh đạo các cơ sở đào tạo kỳ vọng đây sẽ là bước ngoặt quan trọng, góp phần tháo gỡ những nút thắt tồn tại lâu nay trong triển khai hệ 9+.
Khó khăn khi học sinh hệ 9+ phải học ở hai nơi

Chia sẻ với phóng viên, thầy Nguyễn Minh Quân – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kiên Giang cho biết hiện nay, chương trình đào tạo trung cấp tại trường đang triển khai theo hai hướng: học sinh vừa học nghề trung cấp, vừa học văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên; hoặc học nghề kết hợp với chương trình văn hóa nghề theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trước đây.
Trong đó, phần lớn học sinh lựa chọn học văn hóa giáo dục thường xuyên để có điều kiện thi tốt nghiệp trung học phổ thông, từ đó mở rộng cơ hội học lên cao hơn. Tuy nhiên, hiện nay, các trường nghề chỉ được phép giảng dạy chương trình văn hóa 4 môn (gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Giáo dục quốc phòng). Với chương trình này, học sinh sẽ không đủ điều kiện thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học, mà chỉ có thể liên thông trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, tối đa lên bậc cao đẳng.
Do đó, các trường nghề muốn được giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông (gồm 7 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý và Hóa học) phải phối hợp với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, việc phối hợp này gặp nhiều khó khăn, như xếp lịch học, di chuyển giữa hai cơ sở, chồng chéo trong công tác quản lý, và ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Để khắc phục khó khăn về di chuyển và tạo thuận lợi trong quản lý học sinh, Trường Cao đẳng Kiên Giang đã quyết định cho phép Trung tâm Giáo dục thường xuyên tổ chức dạy văn hóa ngay tại trường. Thầy Quân cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng bố trí cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đủ năng lực để học sinh có thể học tập tại một địa điểm duy nhất, thuận tiện cho việc tổ chức dạy và học, cũng như quản lý sinh viên”.
Từ những bất cập trong thực tiễn đào tạo, lãnh đạo Trường Cao đẳng Kiên Giang kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét ban hành hướng dẫn cụ thể, cho phép các trường cao đẳng, trung cấp tổ chức giảng dạy chương trình văn hóa giáo dục thường xuyên tại trường khi đáp ứng đủ điều kiện. Việc này không chỉ tạo thuận lợi tối đa cho người học mà còn giúp lồng ghép hiệu quả chương trình văn hóa và nghề, nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện. Đồng thời, điều này cũng sẽ góp phần tích cực vào việc triển khai và hoàn thành các mục tiêu trong Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thầy Quân khẳng định, Trường Cao đẳng Kiên Giang hoàn toàn đủ điều kiện để triển khai chương trình này, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên chất lượng, với hơn 50% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên.

Đồng tình với đề xuất trên, thầy Trần Mai Phong – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang cho rằng, việc cho phép các trường nghề từ bậc trung cấp trở lên được giảng dạy chương trình văn hóa phổ thông ngay tại trường là hoàn toàn hợp lý. Điều này không chỉ tạo thuận lợi trong công tác quản lý mà còn giúp nhà trường chủ động hơn trong việc sắp xếp thời khóa biểu, đảm bảo hài hòa giữa học văn hóa và học nghề, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của học sinh.
Bên cạnh đó, theo thầy Phong, nếu các trường đủ điều kiện và được giao quyền giảng dạy toàn bộ chương trình văn hóa giáo dục thường xuyên, việc tổ chức đào tạo sẽ thống nhất hơn về nội dung, phương pháp giảng dạy, quản lý lớp học cũng như đội ngũ giáo viên. Từ đó, chất lượng đào tạo có thể được nâng cao một cách đồng bộ, thay vì phụ thuộc vào sự phối hợp với đơn vị liên kết như hiện nay.
Hiện Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang vẫn đang phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh để tổ chức dạy văn hóa cho học sinh hệ 9+. Theo thầy Phong, dù hai bên có sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất cao trong quản lý học sinh, nhưng quá trình triển khai thực tế vẫn gặp nhiều vướng mắc. Bởi ngoài lịch học cố định, mỗi đơn vị đều có những hoạt động phát sinh đột xuất, dẫn đến việc thay đổi lịch trình, dẫn đến việc thay đổi lịch trình, ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo và gây khó khăn cho học sinh trong việc duy trì nền nếp học tập.
Vì vậy, thầy Phong kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở đào tạo, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, ổn định hơn cho người học.
Cần cơ chế giao quyền để trường nghề chủ động tổ chức đào tạo

Thầy Vũ Hữu Ý – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Hà Nam cũng cho rằng, việc “quy về một mối” trong tổ chức dạy học, tức cho phép học sinh học nghề và văn hóa ngay tại một trường nếu cơ sở đó đủ điều kiện và được cơ quan quản lý chấp thuận, sẽ giúp giải quyết nhiều bất cập thực tế. Hiện nay, có không ít học sinh hệ 9+ ở các địa phương phải học đồng thời ở hai đơn vị – sáng học nghề tại trường cao đẳng, chiều lại di chuyển đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên để học văn hóa – gây ra không ít bất tiện, áp lực trong sinh hoạt, học tập và cả công tác quản lý.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Hà Nam nhấn mạnh, việc tổ chức dạy nghề kết hợp dạy văn hóa tại cùng một cơ sở không chỉ hợp lý về mặt thực tiễn, mà còn phù hợp với tinh thần của Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị. Kết luận này nhấn mạnh yêu cầu “thực hiện đào tạo nghề, dạy văn hoá, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp” – nhằm tạo điều kiện để học sinh học nghề có nguyện vọng học văn hóa phổ thông được học ngay tại trường, thay vì phải học ở nhiều cơ sở khác nhau như hiện nay.
Theo thầy Ý, Trường Cao đẳng nghề Hà Nam nói riêng và nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác hiện nay hoàn toàn có đủ nguồn lực – từ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất đến kinh nghiệm quản lý – để tổ chức giảng dạy chương trình văn hóa trung học phổ thông cho học sinh hệ 9+. Việc cho phép các trường trung cấp, cao đẳng đủ điều kiện được trực tiếp đảm nhiệm chương trình văn hóa sẽ không chỉ nâng cao hiệu quả đào tạo mà còn tránh lãng phí nguồn lực, tạo thuận lợi tối đa cho người học.