Chiến thắng 30/4/1975: Bài học lịch sử và khát vọng Việt Nam trong kỷ nguyên mới

30/04/2025 06:30
Đào Mai

GDVN - Sau 50 năm nhìn lại, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 để lại cho các thế hệ sau những bài học vô giá, vượt thời gian.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc và kháng chiến chống ngoại xâm, lập nên nhiều chiến công hào hùng. Trong đó, không thể không nhắc tới Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng nhìn lại chặng đường hào hùng của dân tộc, khẳng định giá trị lịch sử to lớn của thắng lợi 30/4, đồng thời tiếp thêm niềm tin, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

30-4.jpg
Xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân.

4 bài học lớn từ chiến thắng 30/4/1975 cho thế hệ trẻ

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung - Nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Sau 50 năm nhìn lại, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đã để lại cho Đảng và nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ những bài học vô cùng quý giá. Những bài học ấy càng trở nên quan trọng khi toàn thể dân tộc Việt Nam đang quyết tâm vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bài học quan trọng nhất đối với thế hệ trẻ hôm nay đó là lòng biết ơn những người đã hy sinh vì tổ quốc. Đó là những thanh niên tuổi mười chín, đôi mươi, đã ra đi khi còn chưa kịp sống trọn một đời, chưa kịp yêu, chưa kịp thực hiện ước mơ, chưa kịp trở về gặp lại cha mẹ, bạn bè.

Nhờ có những hy sinh to lớn ấy, đất nước mới giành được độc lập, thống nhất, để hôm nay chúng ta có thể sống trong hòa bình, có cơ hội học tập, làm việc, giao lưu, vui chơi và phát triển. Không có nền tảng ấy, sẽ không thể có một Việt Nam năng động, hội nhập và tự do như hiện nay.

Chính vì vậy, chúng ta hôm nay cần sống sao cho xứng đáng với những người đã hy sinh. Không chỉ là thế hệ trẻ, mà tất cả những người đang được sống trong hòa bình hôm nay đều phải học bài học về lòng biết ơn với những người ở tiền tuyến, ở hậu phương đã góp phần làm nên một đất nước tự do, hòa bình và phát triển.

Bài học vô giá thứ hai mà cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 để lại cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng và nhân ta khi bước vào kỷ nguyên mới là bài học về phát huy cao độ hào khí dân tộc trên nguyên tắc đặt đại nghĩa dân tộc và lợi ích quốc gia lên trên hết.

Lịch sử đã cho thấy, trong những thời khắc quyết định, nếu hào khí dân tộc được phát huy, đại nghĩa dân tộc được giương cao thì nhất định dân tộc Việt Nam sẽ vượt qua mọi thử thách và lập được những chiến công hiển hách.

Trong bối cảnh mới khi toàn dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, sẵn sàng chấp nhận những thách thức sống còn của thời đại, hào khí dân tộc càng rất cần được khơi dậy và phát huy để toàn dân tộc chung sức, đồng lòng, cộng trí, cộng lực để đưa đất nước không bị tụt hậu, xây dựng thành công một nước Việt Nam hùng cường, phát triển bền vững.

Bài học lớn thứ ba là bài học về tinh thần đoàn kết. Chính nhờ sự đoàn kết bền bỉ, rộng lớn và kiên trì của toàn dân tộc mà chúng ta đã giành được thắng lợi trong các cuộc kháng chiến, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Bước vào thời kỳ hòa bình, bài học về đại đoàn kết tiếp tục được phát huy. Trong suốt 50 năm qua, chúng ta đã không ngừng nỗ lực để hòa giải và hòa hợp dân tộc, khôi phục và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Ngày nay, khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, hội nhập sâu rộng, tinh thần đoàn kết càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trong nền kinh tế thị trường, khi kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển, khi công nghệ cao là yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng, nếu thiếu sự đồng thuận, thiếu đoàn kết từ trong mỗi gia đình, doanh nghiệp đến toàn xã hội thì khó có thể giúp đất nước vươn lên.

Vì vậy, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” vẫn còn nguyên giá trị. Đó là bài học của ngày hôm qua nhưng cũng là kim chỉ nam cho sự phát triển hôm nay và mai sau.

Bài học thứ tư là bài học về sự chỉ huy dũng cảm và thao lược. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là minh chứng tiêu biểu nhất của tài nghệ cầm quân xuất chúng của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương.

Bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay cũng đặt ra yêu cầu rất cao về tính sáng tạo và mưu lược đối với sự lãnh đạo và chỉ đạo chiến lược của Đảng và Nhà nước. Đương nhiên, sự sáng tạo và mưu lược đó không có sẵn trong sách vở nào, cũng không chỉ dựa vào kinh nghiệm và óc thông minh, tài trí cá nhân, mà trước hết phải là thành tựu của sự lãnh đạo tập thể.

Bên cạnh đó, cũng cần phải phát huy trí tuệ, tham mưu của đội ngũ chuyên gia, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và của toàn thể nhân dân. Sự sáng tạo và mưu lược trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và văn minh trí tuệ lại càng phải dựa vào những kết quả nghiên cứu, phân tích thực sự khách quan, khoa học của các cơ quan và đội ngũ nghiên cứu chuyên nghiệp, cũng như những sáng kiến phong phú của nhân dân”.

bài đăng (1).png
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung - Nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: USSH

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung nhận định, trong thời đại công nghệ số, việc học Lịch sử đã vượt ra khỏi khuôn khổ sách vở truyền thống. Với sự hỗ trợ của internet, thực tế ảo (VR), trí tuệ nhân tạo (AI) và học liệu số, học sinh có thể “sống cùng lịch sử”, tham gia vào những trận chiến hào hùng hay hòa mình vào bối cảnh cổ xưa, giúp việc học trở nên sinh động và hiệu quả hơn.

Không chỉ dừng ở đó, công nghệ còn mở ra cơ hội kết nối toàn cầu. Giới trẻ có thể tham gia các diễn đàn, lớp học trực tuyến, giao lưu với bạn bè quốc tế, từ đó lan tỏa văn hóa Việt Nam ra thế giới và tiếp thu những tinh hoa từ các nền văn hóa khác.

Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội là thách thức. Trong thế giới số, học sinh cần làm chủ công nghệ, ngoại ngữ và biết cách chọn lọc thông tin giữa bạt ngàn tin tức thật, giả lẫn lộn. Những nội dung độc hại thường được ngụy trang bằng hình thức hấp dẫn, dễ gây nhầm lẫn. Do đó, vai trò định hướng của thầy cô, cha mẹ là vô cùng quan trọng. Với sự đồng hành đúng đắn, các em sẽ tự tin học hỏi, vững vàng trước cám dỗ và luôn sẵn sàng làm lại nếu vấp ngã.

Dấu mốc lịch sử cho sự phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình

Cùng chia sẻ về ý nghĩa thiêng liêng của ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học/Nhân học năm 2024 cho biết: “Sự kiện 30/4/1975 là dấu mốc có ý nghĩa đặc biệt trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Chiến thắng 30/4 đã mở ra một kỷ nguyên mới, một chặng đường phát triển hòa bình, thống nhất và vươn lên mạnh mẽ.

Kể từ 30/4/1975 đến năm 2024, chỉ sau gần 50 năm, Việt Nam từ một quốc gia nghèo, bị tàn phá bởi chiến tranh, đã vươn lên đứng thứ 35 trong top 40 nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới. So với chiều dài lịch sử, 50 năm là khoảng thời gian rất ngắn và chúng ta đã tạo nền tảng vững chắc cho một kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ”.

ad-4nxd-dq-vfszp-rikgwpqgc0tvceqde3x3fi6kjtb14twkftv2pih4-vxdtw7tcvu-n2f6qqxhko1ptpiupqrwfl2doqfhwl3ohhitwwaqed9laaw-d3x4-t214mkfpssnxk8vkg1ifdcwxlrrrnspxfnqomv-141.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học/Nhân học năm 2024. Ảnh: website Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen, chiến thắng 30/4/1975 không chỉ kết thúc một thời kỳ chiến tranh kéo dài mà còn để lại những giá trị cốt lõi vĩnh hằng cho lịch sử dân tộc Việt Nam. Trên hết, đó là tinh thần yêu nước và chủ nghĩa dân tộc – giá trị xuyên suốt hàng ngàn năm lịch sử.

Việt Nam là một trong 2 quốc gia hiếm hoi trên thế giới từng mất nước hơn 1000 năm nhưng vẫn giành lại được độc lập, tự chủ và tiếp tục vươn lên mạnh mẽ. Chủ nghĩa yêu nước của người Việt không chỉ thể hiện ở ý chí chống ngoại xâm, mà còn là khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, giàu mạnh.

Chiến thắng 30/4/1975 cũng để lại nhiều bài học sâu sắc, đặc biệt có ý nghĩa đối với thế hệ trẻ hôm nay. Trước hết, đó là bài học về giá trị của độc lập, tự do, chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do…”. Đây không chỉ là khẩu hiệu mà là kim chỉ nam cho mọi hành động dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tinh thần ấy tiếp tục là động lực để thế hệ trẻ ngày nay vươn lên, khẳng định bản lĩnh, xây dựng đất nước hùng cường.

Thứ hai, là bài học gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Văn hóa Việt Nam mang tinh thần cởi mở, linh hoạt và bao dung, có khả năng tiếp nhận cái mới mà không đánh mất cốt lõi truyền thống. Chính đặc điểm này giúp dân tộc ta thích ứng, hội nhập sâu rộng với thế giới mà vẫn giữ vững bản sắc riêng.

Hiện nay, việc giáo dục môn Lịch sử đối với thế hệ trẻ còn nhiều điều cần làm để chất lượng dạy học đáp ứng yêu cầu đặt ra. Để Lịch sử thực sự đi vào chiều sâu nhận thức và cảm xúc của người học, cần tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng tính hấp dẫn và sự liên hệ thực tiễn trong từng bài học, giúp môn học này trở nên gần gũi và có ý nghĩa hơn với học sinh.

Lịch sử là một ngành khoa học xã hội nền tảng, cùng với Văn học và Triết học tạo nên ba trụ cột quan trọng trong hệ thống tư duy của con người. Trong đó, Lịch sử giữ vai trò đặc biệt, bởi nếu thế hệ trẻ không hiểu được quá khứ của dân tộc thì cũng giống như con người bị mất trí nhớ, không thể hiểu mình là ai, đang đứng ở đâu và sẽ đi về đâu.

Hiểu lịch sử là hiểu cội nguồn, là nhận diện bản thân trong dòng chảy dân tộc. Chỉ khi nắm vững quá khứ, chúng ta mới có thể vững vàng định hướng tới tương lai. Do đó, giáo dục Lịch sử không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức, mà còn là quá trình xây dựng bản lĩnh, lòng tự tôn và ý thức trách nhiệm đối với đất nước trong mỗi thế hệ người Việt Nam.

Để giáo dục Lịch sử thực sự phát huy vai trò trong việc bồi dưỡng thế hệ trẻ, cần có những thay đổi mạnh mẽ từ chính sách vĩ mô đến cách tổ chức và thực hiện ở cơ sở.

Thứ nhất, cần nâng tầm ngành khoa học xã hội và nhân văn. Lịch sử không thể phát triển đơn lẻ, mà cần nằm trong tổng thể phát triển của ngành khoa học xã hội và nhân văn. Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cả về đào tạo, nghiên cứu và kinh phí. Đây là nền tảng quan trọng để tạo đòn bẩy phát triển bền vững cho giáo dục Lịch sử nói riêng và khoa học xã hội nói chung.

Thứ hai, thúc đẩy tinh thần làm việc tập thể trong giới nghiên cứu. Một hạn chế hiện nay là sự thiếu gắn kết trong cộng đồng các nhà sử học và các nhà khoa học xã hội. Vì vậy, cần xây dựng các nhóm nghiên cứu, các tập thể sư phạm đoàn kết, phối hợp chặt chẽ để nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. Chỉ khi có sự chia sẻ, cộng tác và phát huy sức mạnh tập thể, chúng ta mới có thể đạt được những thành tựu nghiên cứu lớn, lan tỏa đến giảng đường và thế hệ học sinh, sinh viên.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên môn Lịch sử. Muốn Lịch sử trở nên sống động, gần gũi với giới trẻ, cần chú trọng đào tạo từ người thầy, những người không chỉ cần có kiến thức sâu mà còn phải thật sự yêu nghề, đam mê môn học mình giảng dạy. Người thầy dạy Lịch sử vừa là một nhà khoa học, vừa là một nghệ sĩ cần biết trình bày, truyền cảm hứng, biến bài giảng thành những câu chuyện hấp dẫn, ý nghĩa.

Các cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên cần cải tiến chương trình, phương pháp giảng dạy để chuẩn bị cho người học một nền tảng vững chắc, sẵn sàng bước vào nghề giáo với tinh thần trách nhiệm và tình yêu lịch sử dân tộc.

Đào Mai