Một mùa xuân mới lại về, đất nước bước vào một năm mới đầy hứa hẹn với nhiều khát vọng phát triển lớn lao. Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trọng trách của đội ngũ trí thức càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Trí thức là lực lượng đại diện cho trí tuệ, tài năng của nhân dân và dân tộc, là một trong những nguồn lực và động lực quan trọng nhất mang lại sự đột phá và sự phồn vinh cho đất nước” [1]. Năm mới là cơ hội để mỗi trí thức Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong của mình, đóng góp vào sự phát triển bền vững và vươn tầm quốc tế của dân tộc.


Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Võ Văn Sen - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học/Nhân học nhận định: Nhìn từ góc độ lịch sử, dân tộc Việt Nam đã trải qua những giai đoạn phát triển rực rỡ, từ nền văn minh sông Hồng, văn minh Đại Việt, cho đến thời kỳ hiện tại, khi đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ với khát vọng phát triển vượt bậc. Đây chính là thời điểm Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong giai đoạn này, đội ngũ trí thức giữ vai trò then chốt, là lực lượng tiên phong, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao tiềm lực trí tuệ và xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của quốc gia. Họ chính là những người tạo dựng nền tảng tri thức, sáng tạo ra giá trị mới và dẫn dắt Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển cao, đúng như khát vọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh - đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu.

Theo Giáo sư Võ Văn Sen, để đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới, đội ngũ trí thức cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo và nâng cao năng lực, trở thành những "ngọn đuốc” dẫn đường về trí tuệ. Để làm được điều này, cần phải có sự cải cách toàn diện trong công tác giáo dục, đào tạo và phát triển nhân tài. Mặc dù đã đạt được những tiến bộ, nhưng để tạo ra những bước nhảy vọt, chúng ta cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các chính sách và chiến lược phát triển trí thức.
Đảng và Nhà nước cần tập trung xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam vươn tầm thế giới, thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu khoa học, khuyến khích đổi mới sáng tạo và đảm bảo môi trường làm việc thuận lợi cho trí thức. Chỉ khi đội ngũ trí thức được phát huy tối đa tiềm năng, đất nước mới có thể đạt được những mục tiêu phát triển bền vững và thịnh vượng trong tương lai.

Còn theo quan điểm của Phó giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Đức Chính - giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đội ngũ trí thức giữ trọng trách rất lớn, góp phần quyết định trong việc nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc.
Trong bối cảnh hiện nay, trí thức Việt Nam có hai nhiệm vụ chính. Thứ nhất, là đào tạo những con người có trí tuệ, bắt kịp với tầm thời đại, có kiến thức vượt trội và khả năng thích ứng với sự phát triển của khoa học và công nghệ mới. Thứ hai, trí thức cần tham gia xây dựng và phản biện những quyết sách của Đảng và Nhà nước, góp phần đưa đất nước hội nhập sâu rộng vào sự phát triển toàn cầu trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0.
''Cơ hội và cũng là trách nhiệm của đội ngũ trí thức Việt Nam đương đại trong tiến trình vươn lên của dân tộc là được chủ động tham gia sâu vào xây dựng những chính sách, quốc kế, dân sinh mang ý nghĩa nền móng của sự phát triển”, Phó giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Đức Chính nhấn mạnh.
Trong khi đó, Giáo sư Võ Văn Sen nhấn mạnh tới cơ hội nâng tầm tiềm lực trí tuệ dân tộc thông qua khả năng hội nhập toàn cầu sâu rộng ngày nay.
“Bước vào kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng, trí thức Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để góp phần nâng cao tiềm lực quốc gia, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của đất nước trên trường quốc tế. Một trong những cơ hội quan trọng nhất chính là khả năng hội nhập sâu sắc về tri thức, tiếp cận những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và áp dụng vào thực tiễn để đưa Việt Nam bắt kịp với sự phát triển của thế giới.”, Giáo sư Võ Văn Sen bày tỏ.
Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học/Nhân học khẳng định, Việt Nam hiện có một lực lượng trí thức trẻ đầy nhiệt huyết, năng động và có khả năng hội nhập tốt. Đây là một lợi thế quan trọng để tiếp thu tri thức mới, mở rộng hợp tác quốc tế và nâng cao trình độ khoa học – kỹ thuật. Tuy nhiên, để thực sự vươn tầm thế giới, cần tận dụng hiệu quả hơn nữa nguồn lực trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Sự kết nối và hợp tác chặt chẽ giữa trí thức trong và ngoài nước sẽ giúp nâng cao trình độ đội ngũ, tạo nên một hệ sinh thái tri thức mạnh mẽ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên mọi lĩnh vực.

Đề cao vai trò của đội ngũ trí thức, trong suốt quá trình phát triển đất nước, Đảng ta luôn thể hiện sự quan tâm sâu sắc thông qua việc ban hành nhiều chủ trương, đường lối về trí thức, cũng như huy động, sử dụng và trọng dụng trí thức.
Mới đây, Nghị quyết số 57-NQ/TW, được ban hành vào ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, tiếp tục thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong Nghị quyết này, nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, được xác định là yếu tố quyết định để tạo dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của quốc gia.
Giáo sư Võ Văn Sen nhận định, Nghị quyết số 57-NQ/TW là một đột phá căn bản, mở ra hướng đi mới trong việc thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, qua đó góp phần tạo dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của quốc gia.
Đồng quan điểm, Phó Giáo sư Phạm Đức Chính bày tỏ, Nghị quyết này không chỉ là nguồn động lực mới cho sự sáng tạo của giới trí thức và nhà khoa học, mà còn khẳng định Đảng và Nhà nước đã nhận thấy rõ về những hạn chế trong chính sách đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong những năm qua, chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
“Những trí thức, đội ngũ nhà khoa học tài năng của Việt Nam trên diễn đàn thế giới không thiếu, nhưng sự tham gia đóng góp của họ vào phát triển đất nước vẫn chưa xứng đáng, chưa xứng tầm thời đại. Thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chưa khẳng định được hết vị thế của đội ngũ các nhà khoa học.
Nhưng vấn đề lại không phải do chính nhà khoa học, đội ngũ trí thức mà hiệu quả bị tắc nghẽn nhất lại ở khâu quản lý, xác định các nhiệm vụ trọng tâm và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đó”, Phó giáo sư Phạm Đức Chính nêu nhận định.
Trên cơ sở đó, để khắc phục tình trạng này và triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW một cách hiệu quả, thực sự đi vào cuộc sống, Phó giáo sư Phạm Đức Chính cho rằng trước hết phải cải cách hệ thống các thể chế khoa học công nghệ, thu hút được đông đảo đội ngũ trí thức Việt trên khắp thế giới tham gia vào quá trình vận hành Nghị quyết này. Đặc biệt, chúng ta phải tổ chức được một hệ điều hành, kết nối được đông đảo những người con đất Việt, sao cho mỗi người trí thức phải nhìn thấy được những kết quả nhỏ bé trong chuỗi sáng tạo toàn cầu đều có hình bóng của mình ở trong đó.
Bước sang năm 2025, Giáo sư Võ Văn Sen kêu gọi đội ngũ trí thức Việt Nam tận dụng cơ hội hội nhập quốc tế và hiện đại hóa tri thức. Thầy Sen nhấn mạnh rằng Việt Nam cần kết hợp sức mạnh nội tại với tiềm lực khoa học - kỹ thuật toàn cầu để phát triển một cách mạnh mẽ và bền vững.

Để đạt được điều này, Phó Giáo sư Phạm Đức Chính cho rằng cải cách thể chế phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm. Việc cải cách này sẽ tạo nền tảng vững chắc để trí thức phát huy tối đa tiềm năng và đóng góp vào sự thịnh vượng của đất nước.
Theo thầy Chính, một quốc gia không thể phát triển nếu thể chế của nó không tạo ra những quy tắc vận hành xã hội khuyến khích sự sáng tạo và nỗ lực tạo dựng giá trị mới. Công cuộc phát triển của Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức to lớn. Trong đó, hệ thống thể chế với những quy tắc vận hành kinh tế xã hội như hiện nay chưa tạo ra động lực đủ mạnh mẽ để đội ngũ trí thức có thể cống hiến và sáng tạo những giá trị mới.
“Kinh nghiệm của thế giới chỉ ra rằng, trong hầu khắp các nước có nền kinh tế phát triển, thể chế chất lượng cao đều được sản sinh ra nhờ có một xã hội mà ở đó pháp luật là thượng tôn, thị trường là phương tiện và tiếng nói của tầng lớp trí thức, người dân được ghi nhận trước những vấn đề quốc kế, dân sinh.
Tôi thiết nghĩ rằng, cải cách hệ thống thể chế và nâng cấp nền móng phát triển không chỉ là bước đi khẩn thiết để Việt Nam có thể vượt qua khó khăn hiện tại mà còn là mệnh lệnh thiêng liêng để phát triển đất nước ta”, Phó giáo sư Phạm Đức Chính nhấn mạnh.
Tài liệu tham khảo:
[1]: https://daibieunhandan.vn/doi-ngu-tri-thuc-nha-khoa-hoc-mot-trong-nhung-nguon-luc-va-dong-luc-quan-trong-nhat-mang-lai-su-phon-vinh-va-dot-pha-cho-dat-nuoc-post400688.html