Vấn đề quy định lương nhà giáo, bổ nhiệm, chuyển xếp lương, xét thăng hạng,...luôn được đông đảo cán bộ quản lý, nhà giáo đặc biệt quan tâm. Kỳ vọng trong thời gian tới, khi Luật Nhà giáo được thông qua và có hiệu lực sẽ có thang, bảng lương, phù hợp, công bằng hơn.

Dự kiến chức danh nhà giáo không còn chia hạng I, II, III như hiện nay
Hiện nay, chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông đang chia thành các hạng I, II, III với các hệ số lương của từng hạng khác nhau. Tại dự thảo Luật Nhà giáo nhiều lần trước, nhà giáo vẫn còn chia thành các hạng I, II, III để trả lương, tuy nhiên việc chia hạng này nảy sinh nhiều bất cập, chia hạng không theo vị trí việc làm, gây một số bất công nhất định trong việc trả lương.
Theo tìm hiểu của người viết, thông qua các phương tiện thông tin và qua các bản dự thảo Luật Nhà giáo được lấy ý kiến gần đây, dự kiến sẽ bỏ chia hạng nhà giáo.
Cụ thể, dự thảo lần 7 tại Điều 12. Chức danh nhà giáo dự kiến quy định chức danh nhà giáo như sau:
“1. Chức danh nhà giáo là tên gọi thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo trong từng cấp học, trình độ đào tạo;
2. Chức danh nhà giáo được xác định theo yêu cầu của hoạt động nghề nghiệp trong từng cấp học, trình độ đào tạo.
3. Việc bổ nhiệm, thay đổi chức danh nhà giáo được thực hiện phù hợp với loại hình cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
4. Các chức danh nhà giáo trong từng cấp học, trình độ đào tạo được xác định tương đương khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Với dự thảo mới này đã không còn quy định chức danh nhà giáo theo các hạng mà được xác định theo yêu cầu của hoạt động nghề nghiệp của từng cấp học.
Vì đã dự kiến nhà giáo không còn chia hạng nên cũng sẽ không còn xét thăng hạng từ thấp lên hạng cao như hiện nay (hạng III lên hạng II hoặc hạng II lên hạng I), điều này hoàn toàn phù hợp, được giáo viên đồng thuận.
Khi chưa có công cụ hiệu quả để xác định hạng thì bỏ chia hạng, xét thăng hạng để tiến tới trả lương theo vị trí việc làm là đúng đắn, được đồng thuận cao.
Dự kiến trình các phương án cải cách tiền lương trong quý II năm 2025
Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, rà soát các nội dung liên quan tại Kết luận số 83 để đề xuất, tham mưu sửa đổi, bổ sung về cải cách chính sách tiền lương. Thông tin trên được ông Đặng Đức Thuận - Phó Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ - cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ tại cuộc họp báo cung cấp thông tin báo chí định kỳ tháng 4/2025 của Bộ Nội vụ.
Bộ Nội vụ dự kiến, trong quý II/2025 sẽ nghiên cứu, rà soát các nội dung liên quan tại Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024 để đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội bảo đảm đồng bộ, thống nhất các nội dung về tiền lương trong khu vực công và khu vực tư [1]
Bảng lương hiện nay chia hạng nhà giáo kể cả bổ nhiệm, xếp lương, thăng hạng, chuyển hạng đều tồn tại nhiều bất cập, chưa công bằng, người giỏi vẫn xếp hạng thấp, người làm việc kém hiệu quả có thể xếp ở hạng cao nên chưa được đồng thuận cao nên nếu tiếp tục nghiên cứu trả lương theo vị trí việc làm là phù hợp và kỳ vọng sẽ là cú hích để mọi cán bộ, công chức, viên chức làm việc hiệu quả hơn.
Đây là tín hiệu đáng mừng, được chờ đợi từ mọi phía, kỳ vọng sớm được thông qua và thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương là trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc.
Lương nhà giáo dự kiến được xếp cao nhất đơn vị hành chính sự nghiệp
Cũng tại Dự thảo mới nhất, dự kiến nhà giáo vẫn được xếp lương cao nhất, cụ thể tại Điều 25. Tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo dự kiến như sau:
1. Tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được quy định như sau:
a) Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp;
b) Phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật;
c) Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo ở một số ngành, nghề đặc thù được hưởng chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với nhà giáo làm việc trong điều kiện bình thường.
2. Tiền lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.
3. Nhà giáo công tác ở các ngành, nghề có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù theo quy định và chỉ được hưởng ở một mức cao nhất nếu chính sách đó trùng với chính sách dành cho nhà giáo.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.” [2]
Được xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương của đơn vị hành chính sự nghiệp là tín hiệu đáng mừng, nếu được các cấp thông qua, nhà giáo sẽ có thể được trả lương tương xứng vị trí việc làm, cải thiện thu nhập, đồng thời nâng cao năng suất và hiệu quả công việc, khắc phục những bất cập lương hiện nay, nâng cao vai trò vị thế nhà giáo.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoducthoidai.vn/bo-noi-vu-se-de-xuat-sua-doi-bo-sung-chinh-sach-tien-luong-trong-quy-ii2025-post729106.html
[2] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/du-thao-luat-nha-giao-chinh-sach-tien-luong-cua-nha-giao-duoc-bo-tri-uu-tien-119250307154611312.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.