Còn băn khoăn về chia hạng, GV mong sớm được trả lương theo vị trí việc làm

15/09/2023 06:50
Mỹ Tiên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên mong sớm được trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc, giáo viên làm việc năng suất cao được trả lương cao.

Hiện nay, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021 (được hợp nhất bởi các Văn bản hợp nhất 08,09,10,11/VBHN-BGDĐT), và hướng dẫn bởi Công văn 4306/BGDĐT-NGCBQLGD về việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông, các địa phương đang thực hiện các phương án bổ nhiệm, chuyển xếp lương từ hạng cũ (các Thông tư 20-22/2015/TTLT-BGDĐTBNV sang Văn bản hợp nhất 08,09,10,11/VBHN-BGDĐT).

Nếu theo đúng hướng dẫn của Công văn 4306 của Bộ Giáo dục, quá trình chuyển xếp lương từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang chức danh nghề nghiệp mới sẽ tương đối thuận lợi, cơ bản sẽ không có rào cản, tuy vẫn có nhiều băn khoăn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Giáo viên đồng tình nhiều nhưng cũng có rất nhiều băn khoăn

Lực lượng giáo viên đồng tình, vui mừng sau khi có Công văn 4306/BGDĐT-NGCBQLGD của Bộ Giáo dục và Đào tạo chính là lực lượng khá lớn giáo viên có bằng đại học đã được bổ nhiệm hạng I, II cũ trước đây vì họ sẽ được bổ nhiệm hạng I, II mới khi đủ thời gian công tác và khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới hầu như không còn rào cản nào như không cần giữ nhiệm vụ, không cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, không cần chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ, cũng không cần đảm bảo tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp,…

Dù những điều chỉnh cơ bản thuận lợi cho quá trình chuyển xếp lương, có lợi cho giáo viên, tuy nhiên cũng gây băn khoăn khi nhiều người không đủ tiêu chuẩn, không có thành tích, thậm chí bị kỷ luật ở những năm trước,…vẫn có thể được bổ nhiệm ở hạng I, II mới.

Quan trọng không phải xếp ở hạng I, II có hệ số lương cao hơn bao nhiêu mà quan trọng là họ không có thành tích, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ những vẫn có thể xếp hạng hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn cả thủ trưởng, tổ trưởng và nhiều giáo viên có thành tích tiêu biểu, nổi trội,…điều này tạo nên nhiều bất cập, bất công trong quá trình chuyển xếp lương.

Một lực lượng khác cũng còn nhiều băn khoăn đó chính là nhưng giáo viên trẻ mới ra trường, theo quy định dù họ có trình độ gì nhưng khi bổ nhiệm họ phải xếp ở hạng thấp nhất, hệ số lương thấp,…muốn chuyển lên hạng cao hơn phải đảm bảo thời gian công tác, cho dù họ có phấn đấu, thành tích cao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thì về cơ bản thu nhập họ vẫn thấp, vẫn chênh lệch lớn so với một số giáo viên không giữ nhiệm vụ gì, hết khả năng phấn đấu nhưng vẫn ở hạng I, II.

Giáo viên mới ra trường trong khoảng 5 năm đầu lương và các khoản phụ cấp chỉ khoảng 4-5 triệu đồng mỗi tháng, khi giáo viên hạng I, II lâu năm cùng công việc như nhau thì lại hưởng lương, phụ cấp đến khoảng gần 15 triệu mỗi tháng, chênh lệch quá cao, đôi khi giáo viên trẻ thực hiện nhiều công việc hơn, năng suất và hiệu quả cao hơn. Đó chính là tồn tại quá lớn của việc chia hạng giáo viên thời gian qua và sắp tới mà chưa có định hướng giải quyết.

Vẫn còn nhiều bất cập khi chia hạng nhà giáo

Nhiều ngành nghề lĩnh vực, công việc vẫn có việc chia hạng, người hạng cao hơn phải làm việc nhiều hơn, hiệu quả năng suất cao hơn, được trả lương thưởng cao hơn, sản phẩm làm ra tốt hơn, đó là điều hợp lý.

Nếu kỹ sư hạng II làm việc kém hiệu quả thì họ phải xuống hạng III hoặc IV bị giảm lương, thưởng đó là điều hết sức bình thường, đúng theo nguyên lý, tính chất, mức độ phức tạp và hiệu quả công việc.

Việc chia hạng giáo viên thời gian qua theo đánh giá của người viết là còn cảm tính, thiếu hiệu quả, giáo viên công việc như nhau, nhiều người thành tích cao, làm việc nhiều hơn vẫn xếp ở hạng thấp, giáo viên được xếp ở hạng cao thì gần như suốt đời ở hạng cao, vì chưa có quy định nào “xuống hạng”.

Bất cập của việc chia hạng không phải là mới mà đã hình thành vào năm 2015, khi các Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV được ban hành, giáo viên được chia thành các hạng I đến hạng IV (gọi là hạng I-IV cũ).

Quy định của Thông tư 20-23/2015, bổ nhiệm hạng chỉ căn cứ vào hệ số lương cũ để bổ nhiệm hạng mới (không cần tiêu chuẩn, điều kiện), giáo viên tiểu học, mầm non có hệ số lương 1,86-4,06 được bổ nhiệm hạng IV cũ; có hệ số lương 2,1-4,89 được bổ nhiệm hạng III cũ; có hệ số lương 2,34-4,98 được bổ nhiệm hạng II cũ.

Giáo viên trung học cơ sở có hệ số lương 2,1-4,89 được bổ nhiệm hạng III cũ; có hệ số lương 2,34-4,98 được bổ nhiệm hạng II cũ; có hệ số lương 4,0-6,38 được bổ nhiệm hạng I cũ.

Giáo viên trung học phổ thông có hệ số lương 2,34-4,98 được bổ nhiệm hạng III cũ; có hệ số lương 4,0-6,38 được bổ nhiệm hạng II cũ; có hệ số lương 4,4-6,78 được bổ nhiệm hạng I cũ.

Việc bổ nhiệm theo Thông tư 20-23/2015, giáo viên mầm non, phổ thông khi chuyển hạng mới có cùng hệ số lương, không tăng lương.

Cũng không phân biệt giáo viên giỏi, được tín nhiệm hay công tác tốt hay giáo viên chưa tốt, cũng không phân biệt trình độ đào tạo hay tiêu chuẩn nào khác.

Mấu chốt của bất cập là những giáo viên công tác ở mầm non đến trung học cơ sở có bằng trên chuẩn nhưng hưởng lương có hệ số thấp bị bổ nhiệm hạng thấp.

Ví dụ, một giáo viên tiểu học có bằng đại học 2012, nhưng do chưa chuyển lương nên thời điểm 2015 có hệ số lương 1,86-4,06 thì giáo viên này xếp lương giáo viên tiểu học hạng IV cũ, có địa phương đến thời điểm này giáo viên vẫn còn hưởng lương hạng IV cũ (trung cấp) dù đã có trình độ đại học hơn 10 năm.

Những giáo viên này khi bổ nhiệm lương mới theo Thông tư 08/2023 sửa đổi bổ sung Thông tư 01-04/2021 tiếp tục bị xếp ở hạng III mới có hệ số lương thấp, rất thiệt thòi.

Từ Thông tư 20-23/2015, đến Thông tư 08/2023 sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021, việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên theo các hạng nhưng chưa đúng ý nghĩa của chia hạng như giáo viên giỏi, công tác tốt, hiệu quả cao được bổ nhiệm hạng cao, lương cao.

Giáo viên cùng thực hiện nhiệm vụ, cùng giảng dạy, xét thi đua, khen thưởng, kỷ luật như nhau,…nhưng lại chia thành các hạng khác nhau, có người giỏi phải ở hạng thấp, chưa tạo được sự đồng thuận.

Việc chia hạng kiểu này không tạo động lực cho giáo viên mất đấu, không tạo công bằng mà còn tạo thêm bất công, khiến nhiều giáo viên có thành tích, nhiều phấn đấu băn khoăn.

Mong sớm được trả lương theo hiệu quả công việc, vị trí việc làm

Người viết cho rằng, nếu vẫn còn chia hạng thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm nghiên cứu để chia hạng phải công bằng, giáo viên giỏi, hạng cao lương cao, giáo viên hạng I, II phải làm việc nhiều hơn, hiệu quả cao hơn giáo viên hạng III, có thể giáo viên hạng I, II có số tiết định mức cao hơn, thời gian làm việc nhiều hơn,...

Và, cũng cần phải có cơ chế, quy định để giáo viên khi thiếu rèn luyện, làm việc kém hiệu quả, hiệu suất thấp,…phải bị “xuống hạng”. Hiện nay quy định kỷ luật viên chức hay các quy định pháp luật liên quan, người viết chưa tìm thấy quy định nào cho giáo viên xuống hạng khi làm việc kém hiệu quả, chống đối hay kỷ luật “xuống hạng”.

Tuy nhiên, điều này đối với ngành giáo dục là rất khó, vì rất khó định lượng được năng suất và hiệu quả công việc cụ thể khi chia hạng, thời gian qua giáo viên hạng I, II, III vẫn làm việc như nhau, vẫn giảng dạy, giáo dục, vẫn xét thi đua, khen thưởng, kỷ luật, tham gia phong trào như nhau,…người viết chưa thấy có địa phương nào tổ chức thi giáo viên hạng I, II giỏi.

Nên, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn 4306 hướng dẫn bổ nhiệm, chuyển xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông thuận lợi cho các trường nhưng nó vẫn chưa đúng ý nghĩa việc chia hạng, chưa theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc,…

Tại phiên họp thứ 25 ngày 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới 2018, trong đó, nội dung đáng chú ý là Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ quan xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý.

Theo đó, với bảng lương mới theo vị trí việc làm theo Nghị quyết số 27 của Trung ương năm 2018 về cải cách tiền lương, mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ được cải cách với cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo sẽ được xây dựng, thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Trong đó, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương theo nguyên tắc cùng mức độ phức tạp công việc có mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề.

Cũng tại phiên họp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng được đề nghị phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý.

Giáo viên mong sớm được trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc, giáo viên làm việc năng suất cao được trả lương cao, không chỉ chấm dứt những hạn chế của việc chia hạng hiện nay mà còn góp phần tạo công bằng cho giáo dục, góp phần tạo động lực cho cán bộ quản lý, giáo viên nâng cao hiệu quả công việc.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên