Học sinh vi phạm nghiêm trọng, nhiều lỗi chỉ viết bản kiểm điểm có hợp lý?

10/05/2025 07:25
Mỹ Tiên

GDVN - Hình thức cao nhất chỉ và viết bản kiểm điểm là không phù hợp, có thể có em học sinh viết bản kiểm điểm hàng chục lần mỗi năm vì tái phạm và vi phạm nhiều lần.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh, để lấy ý kiến góp ý rộng rãi. Thông tư mới khi được ban hành sẽ thay thế cho Thông tư 08/TT của Bộ Giáo dục từ năm 1988.

Sau khi dự thảo Thông tư này được công khai thì nhận được rất nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.

So với các quy định trước, dự thảo Thông tư mới dự kiến bãi bỏ, không còn áp dụng các biện pháp kỷ luật đối với học sinh như: Khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đình chỉ học tập, đuổi học một tuần lễ, đuổi học 1 năm...

Theo dự thảo, học sinh bị kỷ luật nếu vi phạm Luật Giáo dục, nội quy của trường hoặc cơ quan chức năng. Tùy mức độ vi phạm, học sinh cấp Tiểu học bị nhắc nhở hoặc yêu cầu xin lỗi; học sinh cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông bị nhắc nhở, phê bình hoặc viết bản tự kiểm điểm.

bao-luc-hoc-duong-6707.png

Vi phạm nghiêm trọng, tái phạm nhiều lần, bản kiểm điểm liệu có tác dụng?

Người viết đồng tình với những quy định mới trong việc kỷ luật học sinh tiểu học vì các em còn nhỏ tuổi, không cần thiết phải kỷ luật nặng, khả năng gây ảnh hưởng đến giáo viên và xã hội không cao, hiếm có vi phạm nặng.

Tuy vậy, với những hình thức kỷ luật như dự kiến đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông thì người viết cho rằng chưa có nhiều tác dụng giáo dục, răn đe, cần có thêm những bổ sung, điều chỉnh cho hợp lý hơn.

Các em học sinh từ lớp 6 trở lên, nhất là đối với các em ở cấp trung học phổ thông đang trong độ tuổi phát triển trưởng thành và đã đủ tuổi chịu trách nhiệm về các việc mình đã thực hiện nên việc giáo dục trong nhà trường phải gắn với kỷ luật tích cực, phù hợp, nhân văn và phải có tác dụng răn đe, phòng ngừa tái phạm.

Người viết là giáo viên đồng tình với dự thảo mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc bỏ hình thức kỷ luật định chỉ học sinh nhưng các em học sinh cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông đã lớn, vi phạm và tái phạm các lỗi nghiêm trọng nhiều lần nhưng hình thức cao nhất chỉ là viết bản kiểm điểm là không phù hợp, có thể có em học sinh viết bản kiểm điểm hàng chục lần mỗi năm vì tái phạm và vi phạm nhiều lần.

Dưới đây là một số lỗi nghiêm trọng mà học sinh mắc phải trong thời gian qua:

Học sinh vi phạm nhiều lần quy chế coi kiểm tra;

Học sinh nhiều lần vô lễ với giáo viên;

Học sinh nhiều lần tụ tập, đánh nhau, gây bè nhóm, đánh nhau tập thể quay clip,…

Học sinh nhiều lần vi phạm nghiêm trọng an toàn giao thông, gây tai nạn;

Học sinh nhiều lần nói tục, chửi thề;

Học sinh vi phạm xem, phát tán văn hóa phẩm đồi trụy, độc hại,...

Học sinh đánh, xúc phạm danh dự nhân phẩm thân thể học sinh khác hoặc xúc phạm thân thể, nhân phẩm nhà giáo,…

Học sinh buôn bán chất cấm, sử dụng chất cấm,..trong nhà trường nhiều lần,…

Học sinh hút thuốc lá, thuốc lá điện tử, chất gây nghiện,…

Hay học sinh vi phạm pháp luật, học sinh nói xấu lãnh đạo, quê hương, đất nước,…

Thực tế, các vụ việc trên xảy ra khá nhiều, thời gian qua việc xử lý học sinh vi phạm chưa có giải pháp phù hợp, học sinh xử lý nhẹ, thì lại tiếp tục tái phạm, để lại hậu quả vô cùng xấu.

Với các lỗi vi phạm nghiêm trọng trên, học sinh có thể tiếp tục tái phạm nhiều lần thì bản kiểm điểm sẽ không có tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa.

Khi học sinh vi phạm, tái phạm mà không có biện pháp giáo dục phù hợp, các em còn lôi kéo thêm nhiều học sinh khác vi phạm, môi trường giáo dục sẽ không tốt, giáo viên không có biện pháp phù hợp sẽ dễ thu mình, dạy kiểu “sống chết mặc bây”, hậu quả nhà trường và học sinh sẽ thiệt thòi.

Nếu không có biện pháp giáo dục, kỷ luật thích hợp sẽ gây nhiều hệ lụy xấu

Thực tế, khi làm giáo viên mới tận mắt chứng kiến số vụ việc vi phạm thời gian qua tại các trường học, mức độ nghiêm trọng hơn, nhà trường và giáo viên còn lúng túng trong xử lý học sinh vi phạm, xử lý chưa nghiêm và không có nhiều tác dụng răn đe, giáo dục học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến đưa ra việc thay thế hình phạt đình chỉ học bằng các biện pháp nhẹ nhàng hơn như nhắc nhở hoặc viết bản kiểm điểm đối với học sinh vi phạm kỷ luật, dù nhân văn nhưng nếu không thực hiện tốt sẽ để lại nhiều hệ lụy tiêu cực như:

Không có công cụ nào hiệu quả để tác dụng giáo dục và ngăn ngừa, học sinh vi phạm lần thứ nhất viết bản kiểm điểm, nếu tiếp tục vi phạm thì viết bản kiểm điểm lần 2, nếu tiếp tục vi phạm thì bản kiểm điểm lần 3,4,…những lỗi nghiêm trọng như bạo lực học đường, xúc phạm thầy cô nhưng chỉ mãi viết bản kiểm điểm sẽ không có tác dụng giáo dục, cảnh báo và học sinh sẽ không nhận thức được hành vi sai trái mà khắc phục, về lâu dài hơn, học sinh xem nhẹ kỷ luật, khi viết kiểm điểm còn xem thường hơn, thậm chí mong được vi phạm nghiêm trọng hơn để được viết kiểm điểm.

Khi một cá nhân vi phạm nghiêm trọng nhiều lần nhưng chỉ viết bản kiểm điểm thì nhiều học sinh khác cũng sẽ dễ làm sai theo, tâm lý không bị xử lý thì học sinh vi phạm nhiều hơn.

Môi trường học tập vì thế có phần sẽ sa sút, ảnh hưởng, khi học sinh bị học sinh khác xúc phạm nhiều lần nhưng không bị xử lý nghiêm minh sẽ tạo môi trường giáo dục thiếu an toàn, gây bất an cho học sinh, phụ huynh và cả giáo viên, học sinh có thể mắng, thậm chí đánh giáo viên tại lớp học nhưng hình thức chỉ viết bản kiểm điểm liệu có phù hợp, liệu có tính giáo dục, liệu học sinh khác có sợ mà không vi phạm theo...

Công cụ xử lý, kỷ luật học sinh vừa có tác dụng nhân văn, hướng học sinh đến không tái phạm, còn có tác dụng giúp môi trường giáo dục kỷ luật tốt hơn, duy trì trật tự và kỷ luật. Nếu xử lý quá nghiêm khắc sẽ không còn là giáo dục tích cực nhưng xử lý xuê xoa, dễ dãi sẽ dẫn đến nội quy trường lớp bị coi thường, mà còn làm suy giảm uy tín của nhà trường, giáo viên, phụ huynh không yên tâm khi học sinh không được học trong môi trường thiếu tính kỷ luật.

Làm cho phụ huynh mất an tâm vào môi trường giáo dục, học sinh vi phạm, tái phạm nhiều lần không chỉ là ảnh hưởng đến cá nhân mà còn ảnh hưởng đến lớp, đến cả môi trường giáo dục, phụ huynh không muốn con mình học trong môi trường thiếu sự an toàn, thiếu kỷ luật, phụ huynh có con em vi phạm cũng mong muốn con mình được xử lý nghiêm để nhận ra sai phạm và không tái phạm, không muốn nhà trường xử lý xuê xoa sau đó học sinh tiếp tục tái phạm, mang tiếng là học sinh hư hỏng.

Không những thế, nếu môi trường giáo dục thiếu kỷ luật sẽ thiếu tính công bằng, các em vi phạm nhẹ cũng bị kiểm điểm, học sinh vi phạm nghiêm trọng cũng chỉ viết kiểm điểm, điều này khiến học sinh bất an, cảm giác thiếu an toàn, học sinh khác thì không tuân thủ kỷ luật.

Việc thay thế đình chỉ học bằng các biện pháp nhẹ nhàng như nhắc nhở hoặc viết bản kiểm điểm có thể xuất phát từ ý định tốt, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ làm suy yếu kỷ luật học đường, ảnh hưởng đến môi trường học tập và gây bất công cho học sinh tuân thủ quy định.

Đề xuất các hình thức kỷ luật học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông

Các hình thức kỷ luật đối với người học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến gồm nhắc nhở, phê bình hoặc viết bản tự kiểm điểm sẽ khiến cho các trường khó khăn trong quản lý, học sinh sẽ dễ tái phạm nhiều hơn, giáo viên càng thu mình hơn, học sinh vi phạm có đà lấn tới, coi thường giáo viên hơn, dễ vi phạm hơn,…dễ phản tác tác dụng.

Bỏ hình thức đình chỉ học là đúng, nhưng kỷ luật phải nhân văn và nghiêm minh, có tác dụng kỷ luật, giúp học sinh nhận ra sai phạm và không tái phạm.

Do đó, người viết là giáo viên cấp trung học cơ sở đồng tình với việc bỏ đình chỉ học đối với học sinh nhưng về mức độ kỷ luật thì ngoài các biện pháp mà Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến gồm: nhắc nhở, phê bình hoặc viết bản tự kiểm điểm, thì người viết đề xuất các mức cụ thể như sau:

Mức 1: Nhắc nhở, phê bình

Mức 2: Viết bản kiểm điểm kèm hạ bậc rèn luyện

Mức 3: Cảnh cáo kèm hạ 2 bậc rèn luyện

Mức 4: Cảnh cáo kèm kết quả rèn luyện xếp loại Chưa đạt

Nếu học sinh xếp loại rèn luyện Chưa đạt, các em vẫn có cơ hội rèn luyện dịp hè, nếu có tiến bộ, hiệu trưởng nhà trường vẫn xem xét để các em còn có cơ hội được lên lớp, được học tập tiếp, có tác dụng nhân văn.

Nếu dịp hè, học sinh không tiến bộ, thiếu tu dưỡng, tiếp tục tái phạm, coi thường nhà trường, giáo viên thì các em sẽ phải ở lại lớp, các em vẫn có cơ hội sửa sai khi học lại, vừa có tác dụng nhân văn, vừa có tác dụng răn đe để các học sinh khác không vi phạm.

Kỷ luật nên cân bằng giữa giáo dục, nhân văn và răn đe mới tạo nên môi trường giáo dục lành mạnh, tích cực và hiệu quả, nếu quá nương nhẹ sẽ dẫn đến khó khăn cho cả nhà trường, giáo viên, phụ huynh.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên