LTS: Đưa ra góc nhìn về vị thế và vai trò của người giáo viên trong xã hội ngày nay, thầy Nhật Khoa đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Từ xưa đến nay, bất kể trong thời kỳ nào, nghề dạy học luôn được coi là nghề cao quý, được xã hội tôn trọng và tôn vinh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc ta luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của người thầy – những người mở trí, khai tâm cho con người bằng câu nói: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục…Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”.
Trải qua nhiều năm qua bao cuộc đổi thay, cho dù có những thay đổi nhưng hình ảnh người thầy vẫn rất trân quý.
Nghề dạy học luôn được coi là nghề cao quý (Ảnh minh họa: vov.vn). |
Nhưng hiện nay hình ảnh người thầy trở nên méo mó, nghề cao quý lại được ví von “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, hình ảnh người thầy gắn với sự mệt mỏi vì áp lực “kinh khủng” của thành tích, gắn với những lời than vãn về môi trường làm việc, về đồng lương ít ỏi nhưng lại mang trên mình sứ mạng quá lớn lao, hình ảnh người thầy không còn là thần tượng cho các em học sinh, phụ huynh…
Nhiều người nói nghề giáo hiện nay là một nghề “nguy hiểm” nhất trong các nghề.
Vấn đề học sinh đến trường phải hạnh phúc, kêu gọi giáo viên phải làm tất cả mọi chuyện để học sinh được hạnh phúc…nhưng rất ít lần tôi thấy, nghe được có ai hỏi hiện nay giáo viên có hạnh phúc không, nếu giáo viên không hạnh phúc thì học sinh khó mà hạnh phúc.
Hạnh phúc sao được khi lỗi hầu hết là của giáo viên
Tôi xin được phép lướt qua những vụ việc đã xảy ra trong trường phổ thông để mọi người thấy rằng, hầu như tất cả các vụ việc xảy ra trong trường thì khi bắt đầu và kết thúc thì lỗi đều thuộc về nhà giáo.
Giáo viên đánh học trò, lỗi là của giáo viên vì giáo viên đã vi phạm luật ngành, luật pháp rồi nên khỏi bàn khỏi cãi, cũng chẳng ai thèm quan tâm lý do vì sao giáo viên làm vậy đâu.
Giáo viên đánh dù nhẹ hay nặng, đánh khẽ vào tay, mông hay vào bất kỳ nơi đâu, đánh vì thương yêu muốn dạy dỗ hay vì lợi ích gì khác tất cả đều là lỗi của giáo viên.
Đây là lỗi xúc phạm thân thể người học, thuộc những điều giáo viên không được làm, chỉ vì học trò ngỗ ngược, hỗn láo đôi khi để răn đe, chỉ cần 1 roi nhẹ là giáo viên sẽ “ăn không ngon ngủ không yên” là vi phạm đạo đức nhà giáo.
Học trò đánh giáo viên, đây sẽ được nhìn nhận là lỗi của giáo viên vì giáo viên dạy dỗ sao, đạo đức sao để học trò “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”.
Đôi khi học sinh ngỗ ngược vì lý do giáo viên dạy dỗ một vài câu nên bị học sinh đánh thì sự việc cũng quy là có phần lỗi giáo viên.
Học sinh tối đa chỉ bị cảnh cáo, nếu nghiêm trọng thì tối đa chỉ bị đình chỉ học 1 năm vì quyền hạn của trường chỉ đến đó. Giáo viên nếu vì tự vệ cũng có thể bị buộc thôi việc.
Giáo viên mắng học trò, lỗi là của giáo viên vì vậy là không đúng chuẩn sư phạm rồi, dạy học trò phải bằng sự yêu thương, bằng khuông vàng thước ngọc, lời lẽ hoa mỹ.
Mắng nhiếc là sai đừng đổ thừa bất kỳ lý do gì. Không được biện minh là yêu thương học sinh, mắng dù kiểu gì cũng sai, mắng là xúc phạm nhân phẩm người học, cũng quy định trong những điều giáo viên không được làm.
Học trò mắng giáo viên, lỗi là của giáo viên. Khi đó mọi việc sẽ được mổ xẻ theo kiểu “không có nhang làm sao có khói”.
Vì giáo viên như thế nào, nên mới bị học sinh chửi, mắng, đôi khi cần lập cả hội đồng sư phạm để tìm hiểu, phân tích nguyên nhân giáo viên làm gì để bị học sinh mắng. Tất nhiên lúc đó, học sinh tối đa chỉ bị nhắc nhở, còn giáo viên chắc chắn là tơi tả.
Lên lớp nói nhiều, dạy nhiều, lỗi là của giáo viên. Vì giáo viên không có năng lực sư phạm, dạy dỗ kiểu đó làm cho học sinh căng thẳng là sai, phải chừa chỗ cho nó thấy bớt căng thẳng. Nếu giáo viên lên lớp ít nói, lỗi là của giáo viên.
Vì trách nhiệm của giáo viên là giảng dạy, là truyền đạt nếu giáo viên không chịu dạy, dạy ít là vi phạm, phải cố gắng mà dạy, mà nói cho hết thời gian.
Giáo viên vô lớp chỉ dạy bài không thôi, lỗi là của giáo viên. Vì bên cạnh dạy chữ, giáo viên còn phải giáo dục nhân cách, kỹ năng sống, đạo đức, tham gia dạy trải nghiệm, nhắc nhở học sinh an toàn giao thông, yêu thương gia đình…
Nếu giáo viên vô lớp chia sẻ những vấn đề bên ngoài, trao đổi cùng học sinh ngoài chuyện chuyên môn, lỗi cũng là của giáo viên vì đã không tập trung vào trọng tâm bài dạy, làm phí thời gian của học sinh.
Vì sao các thầy cô biết học sinh yếu vẫn phải "đôn" các em lên lớp? |
Giáo viên lên lớp đúng chuẩn mực giao tiếp lỗi là của giáo viên. Vì giáo viên tạo không khí xa cách, thiếu gần gũi và thân thiện. Nhà giáo phải như mẹ hiền, phải quan tâm đến từng biểu hiện dù nhỏ nhất của học sinh.
Nếu giáo viên lên lớp quá thân thiện, coi học sinh như con em ở nhà, lỗi là của giáo viên. Vì giáo viên quá suồng sã, thiếu chuẩn mực sư phạm trong lời ăn tiếng nói. Phải giữ vững tác phong, chuẩn mực đạo đức nhà giáo phải đạo mạo, nghiêm chỉnh.
Giáo viên không trách phạt, không kỷ luật, lỗi là của giáo viên vì giáo viên vô trách nhiệm khi học sinh vi phạm phải xử lý để học sinh biết và không tái phạm.
Nếu giáo viên trách phạt và nghiêm khắc, lỗi là của giáo viên vì giáo viên đã lạm quyền, giáo viên thiếu sư phạm, bất tài nên mới dùng tới kỷ luật, trừ khi không còn biện pháp thì mới kỷ luật, phải luôn uốn nắn, răn dạy học sinh bằng lời lẽ yêu thương, trìu mến dù học sinh có vi phạm như thế nào đi chăng nữa.
Học sinh đánh nhau, lỗi của giáo viên vì giáo viên không nắm bắt tâm tư, tình cảm, diễn biến tâm lý của học sinh, tại vì học sinh muốn đánh nhau nó phải có quá trình từ lúc quen biết, nói chuyện, xích mích, mâu thuẫn rồi chuẩn bị,…rồi mới đánh, giáo viên không ngăn được nên phải bị kỷ luật, thôi việc. Vấn đề này giáo viên có là thần thánh, có phép thuật cũng chưa chắc ngăn được.
Giáo viên bị cấp trên điều đi nhậu nhẹt, tiếp khách nếu đồng ý lỗi của giáo viên là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, bỏ việc giờ hành chính, biết vi phạm mà không phản kháng.
Nếu giáo viên không chấp hành lệnh đi tiếp khách (điều này nguy hiểm hơn) lỗi của giáo viên là dám chống lệnh cấp trên có thể bị đì suốt đời, chuyển công tác, thậm chí mất việc.
Giáo viên bị chỉ đạo cho điểm khống, nâng điểm, sửa bài thi cho học sinh nếu chấp hành thì lỗi của giáo viên là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tạo ra học sinh ngồi nhầm lớp, nếu giáo viên không chấp hành thì lỗi của giáo viên là chống lệnh cấp trên, đương nhiên bị cắt thi đua, xếp không hoàn thành nhiệm vụ, cho tinh giảm biên chế,…
Giáo viên nghỉ nhiều là lỗi của giáo viên (đương nhiên) vì làm mất tiết của học sinh, học sinh ồn ào, học sinh mất kiến thức, do sức khỏe yếu kém (đi khám bệnh chẳng hạn), không chú trọng công việc, không yêu nghề (có thể gia đình có việc).
Nếu suốt năm học mà giáo viên không nghỉ ngày nào, giáo viên quá nghiêm túc là lỗi của giáo viên quá đạo mạo, ảnh hưởng đến môi trường làm việc của giáo viên khác (đương nhiên của giáo viên lười).
Và còn nhiều lỗi khác như: học sinh học dở, lỗi là của giáo viên vì giáo viên dạy dở, không cần biết đầu vào như thế nào, học sinh ngồi nhầm lớp như thế nào, học sinh dở là lỗi của giáo viên.
Học sinh vô lễ, lỗi là của giáo viên vì giáo viên kém năng lực giáo dục, không biết dạy dỗ để học sinh vô lễ với giáo viên.
Học sinh thi rớt, lỗi là của giáo viên vì giáo viên chưa làm tròn trách nhiệm, không đạt chỉ tiêu của trường đề ra, và học sinh có bầu, học sinh gặp tai nạn, học sinh bị bạn bè nghỉ chơi, học sinh bị tẩy chay, cô lập, học sinh nghỉ, bỏ học, tất cả đều là lỗi là của giáo viên,…
Đâu chỉ có thế học sinh không tham gia bảo hiểm y tế, học sinh không đi lao động, thậm chí học sinh ở dơ khi đến lớp,…cũng là lỗi của giáo viên.
Giáo viên đã bị gò bó trong những chỉ tiêu, thành tích, áp lực,…mà hầu như là không có lối thoát, phải co mình chịu đựng dẫn đến nhiều việc vô cảm.
Đành rằng có rất nhiều giáo viên vi phạm nhưng vi phạm thì phải xử lý nghiêm khắc, nghiêm minh hoặc cho ra khỏi ngành, thậm chí khởi tố hình sự,…còn trong trường học phải để giáo viên có được quyền dạy, quyền học, quyền giao tiếp, quyền cho học sinh lên lớp, ở lại,…
Khi mà mọi thứ “thượng vàng hạ cám” đều đổ lên đầu những người làm nghề giáo thì chỉ khiến cho giáo viên thu mình lại, giáo dục sẽ không bao giờ tiến bộ.
Đến khi nào giáo viên mới có quyền được đánh giá chính xác năng lực, phẩm chất học sinh thông qua việc có thể cho học sinh được ở lại lớp mà không phải chạy theo các chỉ tiêu 100% học sinh lên lớp thẳng ở một số cấp học, bậc học như hiện nay? Câu hỏi này xin chuyển đến Bộ Giáo dục và Đào tạo.