Không nên để thuật ngữ "trình độ trung cấp" trong dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục

13/05/2025 06:27
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh

GDVN - Theo Khung phân loại chuẩn quốc tế về giáo dục ISCED 2011 của UNESCO, không có cấp học nào mang tên "trung cấp".

Trong quá trình sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục và đào tạo, việc rà soát, loại bỏ các thuật ngữ lỗi thời là bước đi quan trọng nhằm đảm bảo tính nhất quán, dễ hiểu và hội nhập quốc tế.

Một trong những khái niệm cần loại bỏ triệt để là “trình độ trung cấp”. Bởi lẽ, khái niệm này không chỉ thiếu vắng trong các chuẩn mực quốc tế mà còn đang gây rối trong phân tầng giáo dục quốc dân và làm trì trệ quá trình hiện đại hóa khung trình độ quốc gia.

Theo Khung phân loại chuẩn quốc tế về giáo dục ISCED 2011 của UNESCO, không có cấp học nào mang tên "trung cấp".

Các cấp trình độ quốc tế được chia mạch lạc từ giáo dục tiểu học (Level 1), trung học cơ sở (Level 2), trung học phổ thông (Level 3) đến các trình độ sau phổ thông như post-secondary (Level 4), cao đẳng (Level 5), đại học (Level 6) và sau đại học (Level 7–8).

Việc Việt Nam duy trì một khái niệm không có trong ISCED khiến cho hệ thống giáo dục của ta khó được đối sánh quốc tế và gây cản trở trong công nhận văn bằng, trao đổi lao động và hợp tác đào tạo.

doi-moi-phat-trien-giao-duc-nghe-nghiep-dap-ung-yeu-cau-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-dat-nuoc-trong-tinh-hinh-moi-1738915348152945051954.jpg
Hội nhập giáo dục quốc tế đòi hỏi sự chuẩn hóa về mặt thuật ngữ, khung trình độ và năng lực đầu ra. Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn

Về mặt pháp lý, Nghị định 90-CP năm 1993 quy định cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống văn bằng, chứng chỉ về giáo dục và đào tạo - được là văn bản định hướng rõ ràng cho phân luồng sau trung học cơ sở – chỉ công nhận hai hướng đi: Trung học nghề và Trung học kỹ thuật, tuyệt nhiên không có “trình độ trung cấp”.

Trên thực tế, không có quốc gia nào còn duy trì trình độ trung cấp như một cấp đào tạo chính thức. Các mô hình như trường nghệ thuật, trường thể thao ở nước ngoài – đôi khi bị hiểu nhầm là “trung cấp” – thực chất chỉ là trường trung học chuyên biệt, phục vụ định hướng năng khiếu ở bậc phổ thông.

Ở các nước phát triển thuộc OECD và những nước ASEAN, học sinh sau trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông đều đi vào hệ thống nghề rõ ràng, không có một bậc học trung gian là “trung cấp”.

Hội nhập giáo dục quốc tế đòi hỏi sự chuẩn hóa về mặt thuật ngữ, khung trình độ và năng lực đầu ra. Mỗi quốc gia nếu sử dụng những tên gọi khác nhau cho cùng một trình độ sẽ dẫn đến khó khăn trong đối sánh, đặc biệt trong các hiệp định công nhận lẫn nhau về văn bằng.

Nếu Việt Nam giữ lại "trình độ trung cấp" thì chúng ta không thể xếp tương đương bất kỳ Level nào trong ISCED – là nguyên nhân khiến các chương trình đào tạo này không được các nước khác hiểu hoặc công nhận.

Điều này cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu lao động và đầu tư giáo dục nước ngoài vào Việt Nam.

Thuật ngữ “trung cấp” xuất hiện trong hệ thống giáo dục Việt Nam như một giải pháp tình thế. Sau năm 2003, khi hơn 95% học sinh trung học phổ thông vào học trung học chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đổi tên Trung học chuyên nghiệp thành Trung cấp chuyên nghiệp nhằm tránh thiệt thòi cho người học khi ra nước ngoài hoặc tham gia thị trường lao động quốc tế (tác giả bài viết này nhiều lần đi hội thảo quốc tế không thể giải thích cho người nước ngoài hiểu vì sao đã tốt nghiệp trung học phổ thông học 2 năm nữa lại vẫn có bằng trung học (secondary education)).

Tuy nhiên, đây chỉ là một giải pháp hành chính kỹ thuật, không nên được duy trì như một trình độ trong hệ thống giáo dục.

Nếu vẫn duy trì tên gọi "trình độ trung cấp" thì trong giáo dục nghề nghiệp buộc phải tồn tại song song với trung học nghề – trong khi hai loại hình này gần như giống nhau về đối tượng, thời lượng và chương trình.

Sự chồng lấn này không chỉ làm rối hệ thống mà còn gây lãng phí nguồn lực, khiến các cơ sở đào tạo bối rối trong việc xây dựng mục tiêu và phân loại chương trình.

Hệ thống giáo dục quốc dân cần một danh xưng thống nhất, đó là trung học nghề để đảm bảo tính mạch lạc, minh bạch và dễ quản lý.

Đã tốt nghiệp trung học phổ thông, học từ 2-3 năm, dứt khoát phải được gọi là trình độ cao đẳng với chương trình tương xứng, phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Nhiều lập luận cho rằng cần giữ “trình độ trung cấp” vì cho rằng nó đại diện cho một cấp độ kỹ thuật viên trên thị trường lao động. Tuy nhiên, đây là một sự nhầm lẫn giữa phân loại vị trí công việc và phân loại trình độ đào tạo. Một kỹ thuật viên có thể được đào tạo từ trung học nghề, cao đẳng hoặc thậm chí đại học – tùy thuộc yêu cầu công việc.

ed6f00871d33af6df622.jpg
Trong dự thảo Luật giáo dục sửa đổi vẫn đang để "trình độ trung cấp"

Việc loại bỏ hoàn toàn thuật ngữ “trình độ trung cấp” khỏi Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp và Khung trình độ quốc gia là bước đi cần thiết để xây dựng một hệ thống giáo dục hiện đại, dễ hiểu, dễ đối sánh và minh bạch.

Đây không chỉ là điều chỉnh ngôn ngữ mà là hành động có tính cải cách hệ thống, giúp Việt Nam tháo gỡ nút thắt thể chế và nâng cao vị thế trong hợp tác giáo dục quốc tế.

Một hệ thống giáo dục không rõ ràng, mang tính hình thức và bất cập trong đối chiếu quốc tế sẽ là lực cản cho mọi nỗ lực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh