Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục: Đề xuất bỏ cấp bằng THCS, xóa sổ hệ trung cấp

11/05/2025 06:17
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Đó là những nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Thời gian lấy ý kiến góp ý từ nay đến hết ngày 9/7/2025.

Đề xuất bỏ cấp bằng trung học cơ sở

Một trong những điểm đáng chú ý tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là đề xuất bỏ bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, thông qua việc sửa đổi, bổ sung Điều 12 của Luật Giáo dục.

Theo lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điều này nhằm đảm bảo phù hợp với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, theo Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng thời, phù hợp với mục tiêu phổ cập giáo dục; Cũng như phù hợp với xu thế quốc tế hiện nay, khi đã có nhiều quốc gia phát triển (Mỹ, Canada, Anh, Úc, Phần Lan) không cấp bằng Tốt nghiệp trung học cơ sở mà sử dụng xác nhận của Hiệu trưởng về kết quả học tập ở lớp dưới để xét học ở bậc học cao hơn hoặc phân luồng.

Bên cạnh đó, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc xác nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở sẽ không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người học. Dự thảo cũng sửa đổi tương ứng Điều 34 của Luật Giáo dục và các quy định liên quan trong Luật Giáo dục nghề nghiệp (nếu có).

Ngoài ra, Dự thảo Luật đề xuất sửa đổi khoản 3 Điều 12, nhằm làm rõ khái niệm "chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân", và bổ sung Khoản 6 để triển khai dịch vụ công toàn trình trong quản lý văn bằng, chứng chỉ. Theo đó, văn bằng, chứng chỉ số sẽ được cấp dựa trên cơ sở dữ liệu về văn bằng, chứng chỉ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ trì xây dựng Cơ sở dữ liệu về văn bằng, chứng chỉ của Bộ (ngành giáo dục). Cơ sở dữ liệu này được xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị...đảm bảo theo đúng quy định pháp luật (Luật Dữ liệu, Luật Giao dịch điện tử ...) và sẽ đồng bộ/tương thích/kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục và đào tạo.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ ban hành Thông tư quy định cụ thể về văn bằng, chứng chỉ số và lộ trình cấp, sử dụng văn bằng, chứng chỉ số (trong đó sẽ quy định cụ thể việc xử lý, sử dụng dữ liệu số, lộ trình thực hiện sao cho phù hợp, khả thi, an toàn ...).

LUẬT GIÁO DỤC 2019 DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁO DỤC

Điều 12. Văn bằng, chứng chỉ
1. Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc sau khi hoàn thành chương trình giáo dục, đạt chuẩn đầu ra của trình độ tương ứng theo quy định của Luật này.
2. Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.
3. Chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học để xác nhận kết quả học tập sau khi được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp hoặc cấp cho người học dự thi lấy chứng chỉ theo quy định.
4. Văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục thuộc các loại hình và hình thức đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cấp có giá trị pháp lý như nhau.
5. Chính phủ ban hành hệ thống văn bằng giáo dục đại học và quy định văn bằng trình độ tương đương của một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù.
Sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau:
Điều 12. Văn bằng, chứng chỉ
1. Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc sau khi hoàn thành chương trình giáo dục, đạt chuẩn đầu ra của trình độ tương ứng theo quy định của Luật này.
2. Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung học nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.
3. Chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân là văn bản do người có thẩm quyền cấp để xác nhận kết quả học tập cho người học sau khi được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp theo chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hoặc cấp cho người học khi dự thi để lấy chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục thuộc các loại hình và hình thức đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cấp có giá trị pháp lý như nhau.
5. Văn bằng, chứng chỉ số là văn bằng, chứng chỉ được cấp dưới dạng kỹ thuật số từ cơ sở dữ liệu về văn bằng, chứng chỉ của cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc từ cơ sở dữ liệu về văn bằng, chứng chỉ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Văn bằng, chứng chỉ số có giá trị pháp lý như văn bằng, chứng chỉ giấy.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về văn bằng, chứng chỉ của Bộ Giáo dục và Đào tạo; quy định cụ thể về văn bằng, chứng chỉ số và lộ trình cấp, sử dụng văn bằng, chứng chỉ số”.

Thiết kế lại hệ thống giáo dục quốc dân: Thêm trung học nghề, bỏ trung cấp

gdnv-thituduy-5-9052 - Copy.jpg
Ảnh minh hoạ: DN

Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 6, Luật Giáo dục quy định về hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng bổ sung trung học nghề là cấp học. Không còn trường trung cấp; thay vào đó, chương trình trung học nghề sẽ tích hợp kiến thức trung học phổ thông và không cấp bằng trung cấp, mà thay bằng bằng trung học nghề. Bổ sung định nghĩa về giáo dục đại học để đảm bảo tính nhất quán trong toàn hệ thống.

Theo thiết kế mới, chương trình trung học nghề sẽ có hai lựa chọn đầu ra cho học sinh: được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề hoặc trung cấp nghề.

Như vậy, sau khi hoàn thành lớp 9, học sinh sẽ có ba lựa chọn: (i) vào trung học phổ thông, (ii) học trung học nghề với chứng chỉ sơ cấp, (iii) học trung học nghề với chứng chỉ trung cấp nghề. (sửa đổi, bổ sung Điều 6, Luật Giáo dục quy định về hệ thống giáo dục quốc dân).

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hướng sửa đổi này nhằm mở rộng cơ hội lựa chọn và phân luồng sau trung học cơ sở, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập liên thông sau này. Mô hình này cũng đảm bảo phù hợp với cách tiếp cận hệ thống giáo dục của UNESCO.

LUẬT GIÁO DỤC 2019 DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁO DỤC


Điều 6. Hệ thống giáo dục quốc dân
1. Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.
2. Cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:
a) Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo;
b) Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông;
c) Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác;
d) Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.
3. Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam; quy định thời gian đào tạo, tiêu chuẩn cho từng trình độ đào tạo, khối lượng học tập tối thiểu đối với trình độ của giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.
4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định ngưỡng đầu vào trình độ cao đẳng, trình độ đại học thuộc ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe.
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:
Điều 6. Hệ thống giáo dục quốc dân
1. Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông thực hiện giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.
2. Cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:
a) Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo;
b) Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông;
c) Giáo dục nghề nghiệp gồm trung học nghề và cao đẳng, đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng;
d) Giáo dục đại học gồm đại học và sau đại học, đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ”.
3. Thủ tướng Chính phủ quy định Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam”.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung Điều 19, quy định về hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong giáo dục. Nội dung sửa đổi nhằm thể chế hóa nội dung Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và bổ sung quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục và đào tạo.

Tài liệu giáo dục địa phương không phải là sách giáo khoa

Tại Dự thảo này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 32 quy định về “Sách giáo khoa giáo dục phổ thông” thành “Sách giáo khoa giáo dục phổ thông và tài liệu giáo dục địa phương”.

Sự thay đổi này nhằm xác định rõ: tài liệu giáo dục địa phương không phải là sách giáo khoa. Đồng thời, Dự thảo cũng sửa đổi quy định về thẩm quyền biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương theo hướng: giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương.

Việc sửa đổi này nhằm thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền rõ ràng hơn: Giao việc tổ chức biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; chuyển thẩm quyền phê duyệt từ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Sửa đổi quy định này cũng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan; Bên cạnh đó, thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính theo chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ (không còn thủ tục trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt như trước).

Các đề xuất thay đổi tại Điều 32 cũng nhằm khắc phục bất cập của Luật hiện hành. Cụ thể: tên điều là “Sách giáo khoa” nhưng nội dung lại bao gồm cả quy định về “tài liệu giáo dục địa phương”. Theo Luật Giá năm 2023 (Phụ lục số 2), Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có trách nhiệm định giá tối đa đối với sách giáo khoa, không bao gồm tài liệu giáo dục địa phương. Tuy nhiên, do cách quy định hiện tại, tài liệu địa phương dễ bị hiểu nhầm là sách giáo khoa, từ đó làm phát sinh trách nhiệm không phù hợp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc định giá - điều này không phù hợp với thực tiễn, không hợp lý.

Vì vậy, Luật sửa theo hướng tách riêng quy định về tài liệu giáo dục địa phương thành 1 khoản riêng (khoản 4), không nằm trong khoản quy định về sách giáo khoa (khoản 1,2,3) và sửa tên Điều thành “Sách giáo khoa giáo dục phổ thông và tài liệu giáo dục địa phương”, Giữ nguyên nội dung điểm a, b khoản 1; sửa điểm c khoản 1 (Phân quyền cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo). Bỏ điểm d khoản 1; Sửa nội dung khoản 2, 3 theo hướng Luật chỉ quy định nguyên tắc chung, nội dung cụ thể giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định (không liệt kê như hiện hành); Khoản 4 quy định về Tài liệu giáo dục địa phương: Giao việc tổ chức biên soạn cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; chuyển thẩm quyền phê duyệt từ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Thực hiện phân cấp, phân quyền).

LUẬT GIÁO DỤC 2019 DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁO DỤC

Điều 32. Sách giáo khoa giáo dục phổ thông
1. Sách giáo khoa giáo dục phổ thông được quy định như sau:
a) Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; nội dung và hình thức sách giáo khoa không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội; sách giáo khoa thể hiện dưới dạng sách in, sách chữ nổi Braille, sách điện tử;
b) Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật;
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; d) Tài liệu giáo dục địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức biên soạn đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương, được hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
2. Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học để thẩm định sách giáo khoa. Hội đồng gồm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng. Hội đồng và thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định.
3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về sách giáo khoa giáo dục phổ thông; phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định; quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa giáo dục phổ thông; quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa và hội đồng thẩm định cấp tỉnh.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định tài liệu giáo dục địa phương.
Sửa đổi, bổ sung Điều 32 như sau:
Điều 32. Sách giáo khoa giáo dục phổ thông và tài liệu giáo dục địa phương
1. Sách giáo khoa giáo dục phổ thông
a) Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; nội dung và hình thức sách giáo khoa không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội; sách giáo khoa thể hiện dưới dạng sách in, sách chữ nổi Braille, sách điện tử;
b) Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật;
c) Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
d) Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học để thẩm định sách giáo khoa. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định. Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
2. Tài liệu giáo dục địa phương do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương, được hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định và Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt. Tiêu chuẩn kỹ thuật về tài liệu giáo dục địa phương theo quy định pháp luật”.

Đề xuất bỏ Hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập

Ngoài ra, một điểm đáng chú ý khác trong Dự thảo là đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 55 theo hướng bỏ Hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trên thực tế thì đa số các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập không phải là cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ, vì vậy phần lớn nhiệm vụ của Hội đồng trường trong trường mầm non, phổ thông công lập quy định tại Điều lệ nhà trường đều được thực hiện mang tính chất hình thức, không thực chất; thành phần Hội đồng trường đa dạng, đại diện cho nhiều thành phần trong nhà trường và ngoài nhà trường, tuy nhiên có hạn chế là một số người tham gia hội đồng trường cho “đủ” thành phần và số lượng, không có đóng góp thực tế cho hoạt động của Hội đồng trường. Trên thực tế, Chủ tịch Hội đồng trường cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập thường là Hiệu trưởng kiêm nhiệm, đồng thời là Bí thư đảng ủy/chi bộ. Vì vậy, về cơ bản không đáp ứng được mục tiêu đề ra khi quy định hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục này.

Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 103 liên quan đến chính sách ưu đãi đối với các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Mục tiêu của sửa đổi này là nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các trường ngoài công lập, phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, nội dung này cũng đáp ứng kiến nghị của một số địa phương về việc cần bổ sung các chính sách ưu đãi cụ thể cho khối trường ngoài công lập.

Xem chi tiết Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục TẠI ĐÂY.

Doãn Nhàn