Vừa qua, Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã được Quốc hội biểu quyết thông qua, nhằm góp phần thúc đẩy nhiều hoạt động như: Hình thành sàn giao dịch công nghệ, thúc đẩy chuyển giao và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tháo gỡ rào cản hành chính, tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Để khuyến khích thương mại hóa kết quả nghiên cứu, Luật đã đưa ra cơ chế phân chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước. Cụ thể, tối thiểu 30% lợi nhuận sau thuế sẽ được thưởng cho tác giả nếu kết quả được cho thuê, bán, chuyển nhượng, chuyển giao quyền sử dụng; và tối thiểu 30% giá trị nếu góp vốn, hợp tác, liên kết kinh doanh.
Bước tiến thể hiện tư duy đổi mới trong quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Dũng - Trưởng khoa Khoa Công nghệ hóa học và thực phẩm, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hồ Chí Minh cho biết: Theo quy định hiện nay, các kết quả nghiên cứu được tài trợ hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước, dù có tạo ra sản phẩm chất lượng nhưng vẫn rất khó để thương mại hóa. Điều này không chỉ hạn chế hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu mà còn chưa tạo được động lực thực sự cho các nhà khoa học.
Theo Nghị định 08/2014/NĐ-CP và Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi năm 2017, tập thể hoặc cá nhân tạo ra công nghệ được hưởng từ 20% đến tối đa 30% lợi nhuận thu được từ hợp đồng chuyển giao công nghệ. Trường hợp tổ chức chủ trì sử dụng công nghệ đó để sản xuất, thì tác giả được hưởng phần trăm lợi nhuận trong thời gian tối đa là 10 năm. Phần lợi nhuận còn lại được phân chia là 50% dành cho đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, 50% đưa vào quỹ phúc lợi, khen thưởng của tổ chức chủ sở hữu công nghệ.
Từ thực tiễn hoạt động nghiên cứu khoa học hiện nay, thầy Vũ cho rằng việc quy định tác giả được hưởng tối thiểu 30% lợi nhuận từ việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu như Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã nêu là một bước tiến quan trọng. Chính sách này không chỉ tạo động lực trực tiếp cho các nhà khoa học, mà còn là nền tảng để hình thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo lành mạnh và bền vững.
Trước hết, nó khơi dậy động lực sáng tạo nội sinh của quốc gia, khiến các nhà khoa học chủ động hơn trong việc lựa chọn đề tài có tiềm năng ứng dụng và giá trị thị trường, thay vì chỉ chạy theo các đề tài hàn lâm hay phục vụ báo cáo thành tích.
Thứ hai, cơ chế phân chia lợi ích rõ ràng và lợi ích mà tác giả hay nhóm nghiên cứu được hưởng đủ để khích lệ sẽ giúp thay đổi cách thức đầu tư, theo hướng tập trung vào các nhóm nghiên cứu mạnh, các hướng nghiên cứu có khả năng chuyển giao và thương mại hóa cao. Điều này cũng giúp các trường, viện cân nhắc hiệu quả đầu tư và xây dựng chiến lược R&D gắn với nhu cầu thực tiễn, thay cho trước đây đa phần đầu tư mạo hiểm.
Thứ ba, cơ chế này có thể khuyến khích hợp tác công – tư mạnh mẽ hơn, khi doanh nghiệp thấy rõ cơ hội chia sẻ lợi ích với nhà khoa học, còn các viện/trường có động lực tạo điều kiện để nhà nghiên cứu hợp tác với bên ngoài.
Tuy nhiên, để cơ chế này phát huy hiệu quả thực sự, cần đi kèm với các điều kiện hỗ trợ như hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả, đơn vị trung gian hỗ trợ chuyển giao, chính sách đánh giá, khen thưởng dựa trên tác động thực tiễn thay vì chỉ dựa vào công bố khoa học.
Đặc biệt, nên có quy định rõ ràng tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa cá nhân/tập thể nghiên cứu, tổ chức chủ trì, và các bên liên quan khác. Thiết lập quy trình xác định giá trị công nghệ và hợp đồng chuyển giao một cách minh bạch, có sự tham gia của đơn vị trung gian độc lập hoặc hội đồng thẩm định.
Đồng thời, nên công khai thông tin về hợp đồng chuyển giao và phân bổ lợi nhuận trong nội bộ tổ chức để tránh phát sinh mâu thuẫn hoặc khiếu kiện. Đảm bảo vai trò và trách nhiệm của tổ chức chủ trì trong việc hỗ trợ thương mại hóa, chứ không chỉ giữ quyền sở hữu công nghệ.

Trên cơ sở đó, thầy Vũ đã đề xuất một phương án phân bổ lợi nhuận cụ thể hơn, đó là sau khi dành ít nhất 30% cho tác giả hoặc nhóm tác giả, phần lợi nhuận còn lại nên ưu tiên phân bổ 60–70% để tái đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm và marketing. Phần còn lại mới nên đưa vào quỹ phúc lợi, khen thưởng của tổ chức chủ sở hữu công nghệ.
“Việc tái đầu tư ngược trở lại cho quá trình nghiên cứu và thương mại hóa là yếu tố then chốt để tạo ra một vòng tuần hoàn đổi mới sáng tạo liên tục, hiệu quả và có chiều sâu. Đây là một chính sách có tính chất "mở đường", góp phần tạo hành lang pháp lý rõ ràng và thông thoáng cho hoạt động nghiên cứu gắn với thương mại hóa và chuyển giao công nghệ”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Dũng nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trương Nguyễn Luân Vũ – Trưởng khoa Khoa Cơ khí chế tạo máy, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc quy định tác giả được hưởng tối thiểu 30% lợi nhuận từ việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu là một bước tiến thể hiện tư duy đổi mới trong quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học.
Theo thầy Vũ, sự thay đổi này không chỉ bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhà khoa học mà còn khuyến khích họ đầu tư nhiều hơn cho các nghiên cứu có khả năng ứng dụng cao. Đặc biệt, với một số lĩnh vực đặc thù - nơi kết quả nghiên cứu thường gắn liền với công nghệ, mô hình, sản phẩm ứng dụng cơ chế này sẽ tạo ra động lực rõ ràng hơn để các giảng viên, nhà khoa học chủ động kết nối với doanh nghiệp, chuyển giao kết quả nghiên cứu ra thực tế.
Khi quyền lợi của nhà khoa học được quy định rõ ràng, họ sẽ có thêm động lực để lựa chọn những hướng nghiên cứu gắn với thực tiễn, có tiềm năng ứng dụng và chuyển giao. Điều này sẽ dần thay đổi cách các cơ sở giáo dục đầu tư cho nghiên cứu, từ nặng về lý thuyết sang tăng tính ứng dụng, kết nối với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường.
Tuy nhiên, để cơ chế này thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn, cần có hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc và cách thức phân chia lợi ích một cách minh bạch, công bằng và dễ áp dụng. Việc thiết lập các đơn vị trung gian như trung tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ hoặc sở hữu trí tuệ ngay trong các trường đại học là một giải pháp thiết thực. Những đơn vị này sẽ đóng vai trò cầu nối giữa nhà nghiên cứu và doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo quyền lợi hợp lý cho các bên liên quan, góp phần làm cho quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu diễn ra chuyên nghiệp, hiệu quả và bền vững hơn.

Tạo điều kiện thu hút, giữ chân đội ngũ nhân lực khoa học chất lượng cao
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học chất lượng cao và ngăn chặn tình trạng "chảy máu chất xám", việc tạo ra các cơ chế đãi ngộ hợp lý, đặc biệt là liên quan đến lợi ích từ kết quả nghiên cứu, trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trương Nguyễn Luân Vũ nhìn nhận, nếu quy định tác giả được hưởng tối thiểu 30% lợi nhuận từ việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu được triển khai một cách nhất quán và minh bạch sẽ tạo nên một môi trường làm việc hấp dẫn hơn cho đội ngũ nhân lực khoa học. Đặc biệt là những người trẻ đang cân nhắc giữa việc ở lại trong nước hoặc tìm kiếm cơ hội phát triển ở nước ngoài.
Trên thực tế, việc người làm khoa học được thụ hưởng một tỷ lệ rõ ràng, có cơ sở từ thành quả nghiên cứu không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng, mà còn là động lực thúc đẩy họ tiếp tục cống hiến, sáng tạo và gắn bó lâu dài với hệ thống giáo dục nghiên cứu trong nước.
Bên cạnh việc quy định tỷ lệ phân chia lợi nhuận cho tác giả, thầy Vũ nhấn mạnh rằng cần xây dựng một hệ sinh thái chính sách đồng bộ để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Trong đó, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính liên quan đến sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đăng ký sáng chế trong và ngoài nước.
Đồng thời, cần áp dụng các chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động nghiên cứu có tiềm năng chuyển giao. Tăng quyền tự chủ cho các trường đại học, viện nghiên cứu trong việc sử dụng và tái đầu tư nguồn thu từ chuyển giao công nghệ. Khi những điều kiện hỗ trợ này được hoàn thiện và triển khai hiệu quả, các nhà khoa học sẽ có thêm động lực và niềm tin để đưa sản phẩm nghiên cứu ra thị trường, từ đó góp phần hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thực chất, hiệu quả và bền vững hơn.

Trong khi đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Dũng lại cho rằng quy định này hoàn toàn có tiềm năng trở thành một công cụ quan trọng trong việc thu hút và giữ chân đội ngũ nhân lực khoa học chất lượng cao cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt.
Theo thầy Vũ, trong nhiều năm qua, một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhà khoa học giỏi rời bỏ môi trường nghiên cứu trong nước, hoặc không quay về sau khi du học chính là thiếu cơ chế đãi ngộ gắn liền với giá trị thực tế mà họ tạo ra. Khi một nhà khoa học bỏ ra nhiều năm nghiên cứu để tạo ra sản phẩm có khả năng thương mại, nhưng không được hưởng lợi tương xứng, thì động lực gắn bó và cống hiến sẽ bị bào mòn.
Do đó, việc cho phép nhà khoa học được hưởng lợi trực tiếp từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu không chỉ là một chính sách mang tính khuyến khích, mà còn là sự công nhận công bằng đối với công sức, chất xám và sáng tạo của họ. Đây chính là điều mà các quốc gia có nền khoa học phát triển đã áp dụng từ lâu và đã chứng minh hiệu quả trong việc giữ chân nhân tài ngoài việc đãi ngộ lương bổng.
Tuy nhiên, để chính sách này thực sự phát huy tác dụng, cần đồng bộ với các giải pháp khác như xây dựng môi trường nghiên cứu thuận lợi, tự chủ, minh bạch. Hỗ trợ mạnh mẽ về pháp lý, tài chính, và truyền thông cho hoạt động chuyển giao công nghệ, cũng như tạo cơ hội cho nhà khoa học được tiếp cận doanh nghiệp, thị trường và các nhà đầu tư.
Để hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu được triển khai đồng bộ, thầy Vũ kiến nghị có thêm cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả và đơn giản hóa thủ tục đăng ký. Bởi, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhanh chóng, minh bạch là nền tảng để nhà khoa học yên tâm đưa sản phẩm ra thị trường mà không lo mất quyền lợi.
Thứ hai, thành lập hoặc tăng cường vai trò của các đơn vị trung gian hỗ trợ chuyển giao công nghệ như trung tâm ươm tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo trong trường đại học. Những đơn vị này đóng vai trò cầu nối giữa nhà khoa học với doanh nghiệp, nhà đầu tư, giúp hoàn thiện công nghệ và hỗ trợ thương mại hóa. Có chính sách tài chính ưu đãi cho nhóm nghiên cứu có sản phẩm tiềm năng ứng dụng, ví dụ như quỹ mồi để phát triển sản phẩm mẫu, hỗ trợ chi phí đăng ký sở hữu trí tuệ, marketing, thử nghiệm thị trường...
Thứ ba, thay đổi tiêu chí đánh giá nhà khoa học và nhóm nghiên cứu, không chỉ dựa vào số lượng bài báo, mà cần coi trọng các sản phẩm chuyển giao, bằng sáng chế và tác động thực tiễn.
Và cần cho phép nhóm nghiên cứu được tự chủ cao hơn trong việc khai thác và hợp tác thương mại hóa kết quả nghiên cứu, trên cơ sở minh bạch, có giám sát và chia sẻ lợi ích hợp lý với tổ chức chủ trì.
“Chỉ khi có cơ chế rõ ràng thì mới có thể góp phần xây dựng được một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo minh bạch, thực tiễn và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp khoa học trong đội ngũ trí thức”, thầy Vũ cho hay.