Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đang được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập toàn diện.
Theo nội dung bản dự thảo 6 của Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, bộ luật mới gồm 8 chương và 83 điều, tăng 2 điều so với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013.
Dự thảo được thiết kế theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm, chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý và hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thay đổi tư duy quản lý theo hướng quản lý hiệu quả, không quản lý quá trình. Thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tài trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Đồng thời, tiếp tục kế thừa tối đa những nội dung của Luật Khoa học và Công nghệ 2013 đã được triển khai có hiệu quả trong thời gian qua và phù hợp với yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện nay.
Một số quy định đáng chú ý tại dự thảo như chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cho phép cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; quy định rõ về việc phân chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước.

Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học: Không hoàn trả kinh phí nếu làm đúng quy trình
Cụ thể, theo Điều 9, dự thảo nêu: Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hành chính hay dân sự nếu tuân thủ đầy đủ quy trình, quy định, không gian lận, vi phạm pháp luật hay sử dụng sai mục tiêu, phạm vi kinh phí. Kể cả khi sản phẩm không được thị trường chấp nhận hoặc nhiệm vụ nghiên cứu không thành công, nhưng nếu đã thực hiện đúng quy định, thì tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước hoặc vốn doanh nghiệp nhà nước không phải hoàn trả kinh phí.
Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của doanh nghiệp nhà nước không phải hoàn trả kinh phí đã sử dụng đúng mục tiêu, phạm vi nếu đã thực hiện đầy đủ quy định quản lý nhiệm vụ, quy trình và nội dung nghiên cứu, nhưng kết quả nghiên cứu không đạt mục tiêu hoặc sản phẩm không được thị trường chấp nhận.
Đồng thời, người phê duyệt và quản lý nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng được miễn trách nhiệm nếu đã làm đúng quy trình, không vi phạm pháp luật.
Chính phủ sẽ hướng dẫn cụ thể về tiêu chí xác định rủi ro được chấp nhận, quy trình đánh giá việc tuân thủ và cơ chế bảo vệ người thực hiện và quản lý nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Theo Tờ trình số 262/TTr-CP ngày 23/4/2025 của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, việc giao tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu không có nghĩa là buông lỏng trách nhiệm, mà để tạo cơ chế linh hoạt hơn để khuyến khích đổi mới. Sự dám chấp nhận rủi ro sẽ tạo động lực cho các nhà khoa học theo đuổi những vấn đề thách thức, đưa khoa học tiến xa hơn và mang lại những đột phá quan trọng. Những nghiên cứu không đạt mục tiêu ban đầu mang lại bài học quý giá, giúp tránh lặp lại sai lầm trong tương lai hoặc mở ra những hướng đi mới tiềm năng. Thêm vào đó, cơ chế đánh giá hiệu quả gắn với giao kinh phí đảm bảo tài chính nghiên cứu được phân bổ một cách hợp lý và tạo động lực nâng cao chất lượng khoa học, công nghệ.
Đề xuất tác giả được hưởng tối thiểu 30% lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu
Tiếp theo, một nội dung mới quan trọng khác được đề cập tại Điều 20 và 21 của dự thảo là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát với các công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Chính phủ sẽ thiết lập môi trường thử nghiệm có kiểm soát để triển khai công nghệ, quy trình, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong điều kiện thực tế, trong phạm vi giới hạn, trong một số lĩnh vực mà pháp luật liên quan chưa quy định hoặc đã có quy định nhưng chưa phù hợp. Kết quả thử nghiệm là cơ sở để cơ quan nhà nước đánh giá rủi ro và đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật.
Thời hạn thử nghiệm phải xác định rõ khung tối đa, nguyên tắc gia hạn, số lần và thời gian gia hạn cụ thể. Các quy định cũng xác lập rõ trách nhiệm pháp lý của bên tham gia và bên phê duyệt thử nghiệm.
Đáng lưu ý, Điều 21 quy định nguyên tắc loại trừ trách nhiệm. Theo đó, cơ quan cho phép thử nghiệm và các bên liên quan sẽ không phải chịu trách nhiệm dân sự, hành chính hay hình sự nếu đã tuân thủ đúng quy định, trừ trường hợp biết hoặc buộc phải biết về nguy cơ rủi ro mà không có biện pháp ngăn ngừa phù hợp. Doanh nghiệp thử nghiệm cũng được miễn trách nhiệm dân sự với thiệt hại gây ra cho Nhà nước và không bị xử phạt hành chính, miễn trách nhiệm hình sự nếu đã báo cáo rủi ro kịp thời và thực hiện đúng quy định. Việc xem xét trách nhiệm còn gắn với các yếu tố bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.
Ngoài ra, để khuyến khích thương mại hóa kết quả nghiên cứu, Điều 28 đưa ra cơ chế phân chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước.
Cụ thể, tối thiểu 30% lợi nhuận sau thuế sẽ được thưởng cho tác giả nếu kết quả được cho thuê, bán, chuyển nhượng, chuyển giao quyền sử dụng; và tối thiểu 30% giá trị nếu góp vốn, hợp tác, liên kết kinh doanh.
Lợi nhuận còn được dùng để thưởng cho cá nhân trực tiếp tổ chức thương mại hóa, tái đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và cho các hoạt động khác. Đặc biệt, nếu kết quả nghiên cứu là sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp và giống cây trồng được bảo hộ, tác giả còn được hưởng thêm quyền lợi theo Luật Sở hữu trí tuệ.
Mở rộng ưu đãi, định danh rõ nhân tài

Ngoài ra, để thu hút và giữ chân nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ngoài chính sách chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho các nhà khoa học nêu trên Dự thảo Luật còn đề xuất nhiều quy định mới như:có ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, mở rộng cơ chế thu hút chuyên gia nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài thông qua các chính sách về lương, ưu đãi, thủ tục thị thực, giấy phép lao động. Đặc biệt, Dự thảo lần đầu tiên đưa ra nguyên tắc và tiêu chí rõ ràng để xác định, tuyển chọn và đãi ngộ nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Điều 51).
Theo Điều 51, nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được nhận diện cơ bản dựa trên năng lực đột phá và khả năng thực tiễn, được xác định thông qua các thông tin bao gồm: Sở hữu bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được công nhận trong nước hoặc quốc tế; Đạt được các giải thưởng khoa học, công nghệ uy tín trong nước hoặc quốc tế; Có vai trò dẫn dắt, tham gia các dự án khởi nghiệp sáng tạo thành công; Có giải pháp công nghệ, sản phẩm, mô hình hoặc dịch vụ mới đột phá đã được ứng dụng trong thực tiễn; Giải pháp, sản phẩm hoặc dịch vụ mang lại giá trị kinh tế, xã hội hoặc môi trường rõ rệt, được kiểm chứng và công nhận; Đã tham gia hoặc đóng góp vào các dự án trọng điểm quốc gia hoặc quốc tế; Có công bố nghiên cứu trên các tạp chí khoa học uy tín hàng đầu thế giới hoặc trong các hội nghị quốc tế chuyên ngành;
Tại Điều 52, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ sẽ được ưu tiên về đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm, thu nhập, thuế thu nhập cá nhân, nhà ở và xuất nhập cảnh. Người chủ trì nhiệm vụ đặc biệt có thể thỏa thuận mức lương, phụ cấp ưu đãi, được bố trí nhà công vụ, phương tiện đi lại và quyền điều động nhân lực, thuê chuyên gia trong – ngoài nước, thậm chí tự quyết việc mua sáng chế, tài liệu kỹ thuật trong phạm vi kinh phí được cấp.
Chính sách cũng dành sự quan tâm đến thế hệ trẻ trong ngành. Nghiên cứu viên sau tiến sĩ, nghiên cứu sinh, học viên cao học sẽ được xét chọn cấp học bổng và tài trợ nghiên cứu từ ngân sách nhà nước. Những nhà khoa học, kỹ sư trẻ tài năng có thể được hỗ trợ ra nước ngoài học tập và chủ trì nhiệm vụ nghiên cứu với kinh phí ưu tiên.
Về mặt ghi nhận và động viên, Điều 53 quy định tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước, giải thưởng trong nước và quốc tế. Các bộ, ngành và địa phương được trao quyền xét, tặng giải thưởng trong phạm vi quản lý của mình.
Đáng chú ý, tại Điều 76, Dự thảo đề xuất bổ sung ba khoản mục mới vào Điều 4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể, miễn thuế đối với thu nhập từ tiền lương, công khi thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước (khoản 17); thu nhập từ quyền tác giả khi kết quả nghiên cứu được thương mại hóa (khoản 18); và thu nhập của nhà đầu tư cá nhân, chuyên gia công nghệ, sáng lập viên khởi nghiệp sáng tạo và người góp vốn vào quỹ đầu tư mạo hiểm (khoản 19).