SGK Kết nối tri thức với cuộc sống giúp HS phát triển năng lực công dân hiện đại

11/07/2025 08:37
Lưu Diễm

GDVN - Nhiều giáo viên phổ thông đánh giá cao bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống, mang lại cho học sinh các hoạt động trải nghiệm thú vị.

Được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực toàn diện của học sinh, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp người học phát triển hài hoà về cả thể chất và tinh thần, trở thành những công dân sáng tạo, có văn hóa, có trách nhiệm, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh tri thức và kĩ năng nền tảng, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời.

Xuất phát từ mục tiêu đó, sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới giờ đây không còn là “pháp lệnh” theo khuôn mẫu dạy học cố định, mà trở thành nguồn tài liệu mở được biên soạn nhằm khuyến khích sự tích cực, chủ động, sáng tạo trong học sinh cũng như đổi mới phương pháp và hình thức sư phạm của giáo viên.

Sách giáo khoa trở thành hành trang bồi dưỡng năng lực công dân hiện đại

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trần Thị Bích Thuỷ - giáo viên môn Ngữ văn Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) cho biết: Bám sát mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa không còn mang tính pháp lệnh, tính duy nhất và tính bắt buộc. Thay vào đó, sách được xem như công cụ hỗ trợ đắc lực cho giáo viên và học sinh trong quá trình truyền thụ kiến thức, là tài liệu tham khảo cần thiết và hữu hiệu.

Các thầy cô được khuyến khích sử dụng linh hoạt sách giáo khoa, kết hợp cùng nhiều nguồn tư liệu khác nhau để làm phong phú hơn cho nội dung bài giảng, phù hợp với nhu cầu, trình độ và đặc điểm học tập của học sinh.

“Nếu biết tận dụng sách giáo khoa một cách hiệu quả và sử dụng các phương pháp giảng dạy nhằm phát huy phẩm chất và năng lực của người học, thì giáo viên có thể định hướng giúp các em học sinh học tập tốt. Từ đó, người học có thể đáp ứng được những yêu cầu cần đạt và khơi dậy ở các em niềm yêu thích, say mê, hứng thú hơn với môn Ngữ văn,” cô Thủy cho hay.

img-5924-8791-6102.jpg
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn.

Cô Thủy cho biết thêm, hiện nay, môn Ngữ văn tại nhà trường đang triển khai giảng dạy theo bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Theo nhận xét của cô Thủy, sách giáo khoa có sự đầu tư chỉn chu, thiết kế kết hợp hài hòa giữa nội dung khoa học, logic và hình thức trình bày mạch lạc, rõ ràng.

Thứ nhất, mỗi bài học đều xây dựng theo cấu trúc mạch lạc, gồm các yêu cầu cần đạt, tri thức ngữ văn, các bài học đọc hiểu, bài học viết, nói và nghe cùng các bài tập luyện tập vận dụng. Cách thiết kế này tạo điều kiện thuận lợi giúp học sinh có thể chủ động tự học theo định hướng của sách giáo khoa, cũng như hỗ trợ giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch, thiết kế bài giảng hiệu quả.

Thứ hai, sách giáo khoa sử dụng các ngữ liệu được người viết sách biên soạn kĩ lưỡng với những văn bản hay, mới mẻ, hấp dẫn, truyền tải thông điệp nhân văn, mang giá trị tư tưởng sâu sắc, phù hợp với đối tượng học sinh phổ thông. Những ngữ liệu gần gũi, gắn bó mật thiết với cuộc sống, góp phần khơi dậy cảm hứng văn học cho các em.

Thứ ba, bộ sách còn gây ấn tượng nhờ phần trình bày sinh động, hình ảnh đẹp mắt. Ở bậc trung học phổ thông, khi dung lượng hình ảnh giảm dần để nhường chỗ cho nhiều chữ viết vì thông tin chuyên sâu hơn nhưng sách vẫn thu hút người học bằng cách sử dụng các sơ đồ, bảng biểu, phần in đậm,… giúp thông tin được tổ chức rõ ràng, dễ tiếp cận và trực quan hơn cho người học.

512986918-4129969590616933-8490088349537934892-n-3385.jpg
Cô Trần Thị Bích Thuỷ - giáo viên môn Ngữ văn Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cô Thủy nhận định, mỗi bộ sách giáo khoa hiện nay đều có nhiều ngữ liệu ý nghĩa, thú vị, được lựa chọn kỹ lưỡng và giàu tính thẩm mỹ. Đặc biệt, đối với bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, những văn bản có cấu trúc nội dung gần gũi, phù hợp với học sinh trong việc dễ dàng tiếp cận và chủ động tìm hiểu, nghiên cứu thêm trong quá trình học tập.

Chia sẻ về điều khiến bản thân tâm đắc, cô Thủy bày tỏ sự ấn tượng với mạch "Nói và nghe" được đưa vào bộ sách giáo khoa Ngữ văn hiện hành, đây là một điểm mới khác biệt so với chương trình trước. Theo đó, sách mở ra không gian để các em có thể rèn luyện kỹ năng giao tiếp thông qua việc trình bày, chia sẻ trước lớp, thể hiện chính kiến, suy nghĩ cá nhân một cách chủ động và tự tin. Đồng thời, học sinh có thể phát triển kỹ năng lắng nghe bằng cách ghi chép, phản hồi và theo dõi phần trình bày của bạn bè.

Trong quá trình giảng dạy, cô Thủy đã thiết kế nhiều hoạt động sinh động, hấp dẫn để phát huy tối đa hiệu quả của mạch học này. Ví dụ, tổ chức các cuộc thi tranh biện về những chủ đề có nhiều góc nhìn khác nhau; giao cho học sinh đóng vai như những “nhà lãnh đạo” hay “nhà quản trị” để trình bày quan điểm về các vấn đề xã hội như môi trường, giáo dục,…

Ngoài ra, học sinh còn được nhập vai nhà báo, nhà văn hoặc nhà nghiên cứu để tham gia những buổi talkshow phân tích tác phẩm văn học, hay cùng cả lớp lớp xem và thảo luận những bài thuyết trình TED Talk nhằm rèn luyện kỹ năng nghe – ghi chép.

"Những hoạt động này giúp học sinh không chỉ phát triển năng lực nói và nghe, mà còn nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp và hợp tác. Đây đều là những năng lực thiết yếu của công dân hiện đại. Vì các tiết học luôn đa dạng, sáng tạo và được cộng điểm chuyên cần nên học sinh rất hào hứng tham gia,” cô Thủy chia sẻ.

Lối dẫn dắt linh hoạt giúp học sinh tiếp cận tri thức từ khơi mở đến hiểu sâu

Cũng sử dụng bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, giáo viên Lê Thị Loan – Tổ phó chuyên môn Tổ Khoa học tự nhiên, Trường Trung học cơ sở Giảng Võ (Hà Nội) đánh giá cao chất lượng và tính thực tiễn mà bộ sách mang lại.

Ưu điểm nổi bật có thể dễ dàng nhận thấy trước tiên là cách thức trình bày nội dung trong sách có sự mạch lạc, khoa học và rõ ràng. Cụ thể, mỗi bài học đều được thiết kế, tổ chức chặt chẽ với cấu trúc hợp lý, đồng thời được hỗ trợ bởi hệ thống hình ảnh minh họa sinh động, hấp dẫn, góp phần khơi gợi hứng thú học tập ở các em học sinh.

Đặc biệt, nội dung kiến thức của các bài học trong sách giáo khoa được thiết kế theo hướng mở, tạo điều kiện để giáo viên có thể linh hoạt lựa chọn phương pháp giảng dạy cũng như hình thức tổ chức lớp học sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Không chỉ chú trọng vào việc truyền tải kiến thức, bộ sách còn khéo léo dẫn dắt học sinh thông qua những hoạt động khởi động, những tình huống gần gũi với thực tế đời sống. Từ đó giúp các em dễ dàng tiếp cận, hình dung và ghi nhớ nội dung cốt lõi của bài học một cách tự nhiên.

488599192-1223339735979377-7650837177217114898-n.jpg
Ảnh minh họa: Trường Trung học cơ sở Giảng Võ (Hà Nội).

Qua sự đối chiếu với nhiều bộ sách của các nhà xuất bản khác nhau, cô Loan nhận xét một trong những điểm mạnh cần kể đến của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống là phần tổng kết kiến thức trọng tâm, giúp học sinh hệ thống lại những nội dung đã học và giáo viên thuận lợi trong việc kiểm tra, đánh giá, mà không phải bộ sách giáo khoa nào cũng có chi tiết này.

Song, để khai thác tối đa giá trị và hiệu quả của sách giáo khoa trong quá trình dạy học, điều cốt lõi là phải có sự kết hợp linh hoạt và hợp lý giữa nội dung sách với phương pháp giảng dạy của giáo viên. Việc tổ chức các hoạt động học tập cần được thiết kế sao cho bám sát mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực người học theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chỉ khi giáo viên chủ động điều chỉnh cách tiếp cận, lựa chọn phương pháp sư phạm phù hợp với đối tượng học sinh và từng bối cảnh lớp học, thì sách giáo khoa mới thực sự phát huy được vai trò là công cụ hỗ trợ dạy học hiệu quả và hiện đại.

Chính vì vậy, trước mỗi chủ đề, cô Loan thường giao nhiệm vụ cho học sinh tìm hiểu, đọc trước một số nội dung trong sách giáo khoa. Nhờ việc chuẩn bị từ trước, khi đến lớp, học sinh không chỉ nắm được kiến thức cơ bản mà còn có thể cùng giáo viên thảo luận, vận dụng kiến thức vào các tình huống thực tiễn, từ đó phát triển năng lực tư duy và giải quyết vấn đề.

Có thể thấy, sách giáo khoa giờ đây là nguồn tư liệu phong phú, đa dạng, giúp nâng cao chất lượng dạy học. "Dù mỗi giáo viên có phương pháp giảng dạy và cách tiếp cận riêng, nhưng đều được xây dựng trên nền tảng mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với các mạch kiến thức, chủ đề chung đã được lựa chọn kỹ lưỡng. Đây chính là địa chỉ tin cậy để đội ngũ giáo viên có thể chủ động nghiên cứu, phát triển và không ngừng bồi dưỡng chuyên môn của mình", cô Loan bày tỏ.

491403432-1237335931246424-1724349073135103362-n.jpg
Tiết học kết hợp phương pháp thảo luận nhằm phát triển năng lực tư duy, giải quyết vấn đề và kỹ năng giao tiếp cho học sinh. Ảnh: Trường Trung học cơ sở Giảng Võ (Hà Nội).

Còn theo cô Hà Thị Hồng – giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Châu Hội (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An), nhà trường sử dụng bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và nhận thấy bộ sách phù hợp với đặc thù của học sinh toàn quốc, kể cả các em ở vùng cao. Nội dung phong phú, bài học đa dạng là những yếu tố giúp kiến thức trong sách phù hợp với đặc điểm của học sinh tại nhiều địa phương, ở các vùng miền khác nhau.

Nhiều bài học được xây dựng trên nền tảng những tình huống quen thuộc trong đời sống hằng ngày, giúp học sinh cảm thấy gần gũi, dễ tiếp cận với lượng kiến thức mới. Nhờ sự thiết kế gần gũi và khoa học ấy, người học không chỉ tiếp nhận tri thức một cách tự nhiên, nhẹ nhàng mà còn có điều kiện vận dụng vào thực tiễn, từng bước hình thành và phát triển các năng lực cốt lõi cũng như phẩm chất cần thiết theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ sách vì thế không đơn thuần là công cụ truyền đạt kiến thức, mà còn trở thành phương tiện hỗ trợ hiệu quả cho quá trình dạy học, lấy người học làm trung tâm.

Bên cạnh đó, cô Hồng cũng đánh giá cao những hoạt động trải nghiệm được thiết kế trong sách theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Học sinh không chỉ học qua sách vở mà còn được vận dụng kiến thức vào môi trường thực tế, kết nối trực tiếp với những tình huống trong bối cảnh địa phương nơi các em đang sinh sống.

Đây là cơ hội để người học có thể chủ động quan sát, suy nghĩ và phát triển những kỹ năng sống. Qua đó, việc học không còn dừng lại ở trang sách mà được mở rộng ra ngoài lớp học, trở thành những trải nghiệm thực tiễn sống động, có chiều sâu và giàu ý nghĩa, góp phần nuôi dưỡng tình yêu học tập và hình thành kỹ năng sống thiết yếu cho học sinh.

Lưu Diễm