Đưa tiếng Anh vào giảng dạy ở chương trình đại trà của GDĐH phải là xu thế tất yếu

03/07/2025 06:24
Tường San

GDVN -Việc lồng ghép tiếng Anh vào chương trình đào tạo đại trà trong trường đại học là cần thiết nhưng cần được thực hiện theo lộ trình hợp lý.

“Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra tại Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, trên thực tế, tại nhiều cơ sở giáo dục đại học, nơi trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội thì vấn đề này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Việc lồng ghép tiếng Anh vào giảng dạy hiện mới chỉ phổ biến ở những chương trình tiên tiến, chương trình tài năng, trong khi đó, phần lớn sinh viên các chương trình đại trà vẫn đang học hoàn toàn bằng tiếng Việt.

Muốn nguồn nhân lực có khả năng hội nhập quốc tế, cần đưa tiếng Anh vào chương trình đào tạo đại trà

Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) là một trong những cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo một số ngành học thuộc chương trình tiên tiến như ngành Công nghệ thực phẩm, Kinh tế nông nghiệp, Khoa học và Quản lý môi trường, Quản lý du lịch quốc tế.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quang – Hiệu trưởng Nhà trường bày tỏ, từ thực tế triển khai đào tạo một số ngành thuộc chương trình tiên tiến, có thể thấy, sinh viên được học tập bằng tiếng Anh có nhiều thuận lợi nổi bật.

Trước hết, sinh viên được tiếp cận tri thức hiện đại một cách trực tiếp. Do tài liệu, giáo trình, bài giảng đều bằng tiếng Anh, vậy nên, sinh viên có cơ hội tiếp cận nguồn tài liệu khoa học phổ biến trên thế giới mà không cần qua các bản dịch thuật. Điều này đặc biệt hữu ích trong những lĩnh vực đang phát triển mạnh như Công nghệ thực phẩm, Khoa học và quản lý môi trường, Kinh tế nông nghiệp, Quản lý du lịch quốc tế...

Bên cạnh đó, người học còn được nâng cao năng lực ngoại ngữ toàn diện. Có thể thấy rằng, việc học tập bằng tiếng Anh giúp sinh viên phát triển đồng thời cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Trên thực tế, sau 4 năm học, nhiều sinh viên theo chương trình này của nhà trường có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo trong học thuật lẫn công việc thực tế.

Ngoài ra, giúp sinh viên được tăng khả năng hội nhập quốc tế. Việc giảng dạy, học tập bằng tiếng Anh giúp các em có thể tự tin tham gia các chương trình trao đổi, học bổng, hội thảo quốc tế hoặc làm việc tại các công ty nước ngoài mà không gặp rào cản ngôn ngữ. Đây là lợi thế rất lớn khi cạnh tranh trên thị trường lao động trong nước và quốc tế.

img-2969-850.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quang – Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: Website Nhà trường.

Cũng theo Phó Giáo sư Nguyễn Hưng Quang, đối với Nhà trường, việc đưa tiếng Anh vào chương trình đào tạo đại trà chính quy là xu hướng tất yếu nếu muốn đào tạo ra nguồn nhân lực có khả năng hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, điều này cần được thực hiện theo lộ trình hợp lý và phù hợp với điều kiện thực tế.

Một số đề xuất dành cho các cơ sở giáo dục đại học mà thầy Quang đưa ra nhằm thuận lợi hơn trong việc đưa tiếng Anh vào đào tạo trong chương trình đại trà chính quy.

Thứ nhất là, lồng ghép tiếng Anh chuyên ngành vào các học phần bắt buộc. Theo đó, giảng viên không cần dạy toàn bộ học phần bằng tiếng Anh, nhưng có thể yêu cầu sinh viên đọc tài liệu, làm bài tập, thuyết trình hoặc viết báo cáo bằng tiếng Anh từng phần.

Thứ hai là, xây dựng học phần “kỹ năng học tập bằng tiếng Anh” cho sinh viên năm nhất. Đây sẽ là bước chuẩn bị nền tảng để sinh viên có thể tiếp thu các nội dung chuyên môn bằng tiếng Anh ở các học kỳ sau.

Thứ ba là, tăng cường đào tạo giảng viên. Cụ thể, trường đại học nên tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh giảng dạy cho đội ngũ giảng viên, vì đây là yếu tố then chốt để triển khai thành công.

Thứ tư là, khuyến khích học thuật bằng tiếng Anh. Sinh viên nên được khuyến khích viết khóa luận, báo cáo nghiên cứu hoặc tham gia các hội thảo khoa học bằng tiếng Anh, ngay cả trong chương trình thông thường.

Thứ năm là, Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên của các trường đại học nên kết hợp mở các câu lạc bộ tiếng Anh là nơi giao lưu, trao đổi về kinh nghiệm học tiếng Anh. Ngoài ra, Nhà trường nên tổ chức các cuộc thi English speaking contest với nhiều chủ đề phong phú cũng sẽ thúc đẩy việc học và sử dụng tiếng Anh trong trường học.

Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) thông tin thêm, hiện nay, bên cạnh chương trình tiên tiến, nhà trường cũng đã có những bước thử nghiệm và từng phần lồng ghép tiếng Anh vào chương trình đào tạo đại trà, tuy nhiên mức độ còn hạn chế và chưa đồng bộ.

Một số khó khăn chính mà nhà trường gặp phải khi thực hiện vấn đề trên có thể kể đến như trình độ tiếng Anh đầu vào của sinh viên chưa đồng đều, đặc biệt là với sinh viên đến từ các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Điều này khiến việc tiếp thu nội dung giảng dạy bằng tiếng Anh gặp nhiều rào cản.

Hơn nữa, Nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu giảng viên có khả năng giảng dạy bằng tiếng Anh. Trên thực tế, dù có nhiều giảng viên có chuyên môn tốt nhưng thầy cô lại chưa tự tin trong việc giảng dạy toàn bộ hoặc một phần học phần bằng tiếng Anh.

Ngoài ra, việc thiếu tài liệu giảng dạy phù hợp cũng tác động đến việc lồng ghép tiếng Anh vào chương trình đại trà. Bởi, việc chuyển đổi giáo trình, tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng Anh cần thời gian, kinh phí và sự đầu tư bài bản.

Mặc dù đứng trước nhiều khó khăn trên, nhà trường vẫn đang tích cực khuyến khích giảng viên và sinh viên nâng cao năng lực tiếng Anh, từng bước hướng tới mục tiêu biến tiếng Anh thành công cụ học thuật hiệu quả trong toàn trường.

Nơi sẵn sàng, nơi đã thực hiện việc lồng ghép tiếng Anh trong chương trình đào tạo đại trà

Theo Đề án tuyển sinh năm 2025, Trường Đại học Cần Thơ hiện đang triển khai đào tạo nhiều ngành theo chương trình tiên tiến và chương trình chất lượng cao.

Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang – Phó Trưởng phòng Phòng Đào tạo của Nhà trường cho biết, Trường Đại học Cần Thơ có hai ngành đang đào tạo theo chương trình tiên tiến là Công nghệ sinh học và Nuôi trồng thủy sản, với toàn bộ chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, nhiều ngành học thuộc chương trình chất lượng cao của nhà trường cũng đang được triển khai, trong đó khoảng 40–60% nội dung học được giảng dạy bằng tiếng Anh. Còn đối với chương trình đại trà, sinh viên sẽ học hoàn toàn bằng tiếng Việt.

Thạc sĩ Duy Khang khẳng định, nếu có quy định về cần sử dụng tiếng Anh trong dạy và học kể cả đối với chương trình đại trà trong cơ sở giáo dục đại học, Trường Đại học Cần Thơ luôn sẵn sàng đáp ứng bởi có đội ngũ giảng viên có trình độ ngoại ngữ cao.

475256188-1053656386563805-6735589157610248620-n.jpg
Sinh viên Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: Website Nhà trường.

Cũng theo Thạc sĩ Duy Khang, khi tiếng Anh đã được đưa vào như một ngôn ngữ thứ hai từ bậc phổ thông, việc triển khai sử dụng tiếng Anh trong các trường đại học là xu hướng tất yếu. Bởi, muốn giảng dạy cho sinh viên bằng tiếng Anh, điều mà cơ sở giáo dục đại học quan tâm hơn cả là trình độ đầu vào tiếng Anh của sinh viên. Để triển khai hiệu quả, không chỉ cần giảng dạy một phần chương trình bằng tiếng Anh mà còn phải xây dựng môi trường học tập sử dụng tiếng Anh thường xuyên trong toàn trường.

Cùng trao đổi về vấn đề này, thầy Lương Minh Sâm – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Đông Á cho biết, đối với các ngành trong chương trình đào tạo đại trà, ngoài những học phần tiếng Anh tăng cường, nhà trường còn lồng ghép tiếng Anh vào bài giảng thông qua các slide, trong khi giảng viên vẫn truyền tải, giảng bài bằng tiếng Việt. Cách làm này giúp sinh viên vừa tiếp cận được từ vựng chuyên ngành bằng tiếng Anh, vừa dễ dàng tiếp thu nội dung nhờ sự hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt.

Theo thầy Sâm, đây là việc làm rất cần thiết và mang ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế, khi người lao động ngày càng phải đáp ứng tốt hơn về trình độ ngoại ngữ. Đây cũng là trách nhiệm mà các cơ sở giáo dục đại học cần chủ động thực hiện.

Tường San