Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 đã được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2025. Theo đó, sắp xếp 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh để hình thành 23 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới; 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không thực hiện sắp xếp.
Mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp (cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và cấp xã/phường/thị trấn) đã được triển khai trên phạm vi toàn quốc. Sau khi sáp nhập, các địa phương đã kiện toàn bộ máy và công bố các quyết định bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý các sở, ngành.
Sau đây là danh sách giám đốc, phụ trách Sở giáo dục và đào tạo của 34 tỉnh, thành sau sáp nhập:

Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo của địa phương đông dân nhất sau sáp nhập
Theo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025: Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương thành thành phố mới có tên gọi là Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi sắp xếp, Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích tự nhiên là 6.772,59km2, quy mô dân số là 14.002.598 người.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu được chỉ định tiếp tục làm giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh sau khi sáp nhập với Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương.

Ông Nguyễn Văn Hiếu sinh ngày 18/6/1966, quê quán ở xã Tân An Hội, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Văn Hiếu tốt nghiệp đại học sư phạm chuyên ngành Toán, cử nhân chính trị, cao cấp lý luận chính trị, tiến sĩ Quản lý Giáo dục.
Ông đã từng là giáo viên, phó hiệu trưởng rồi hiệu trưởng các Trường trung học phổ thông Quang Trung, Trường trung học phổ thông Trung Lập.
Tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (cũ), ông Hiếu từng giữ chức Phó Chánh Văn phòng, Phó Trưởng phòng rồi Trưởng phòng Giáo dục trung học, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ.
Vào tháng 4/2014, ông Nguyễn Văn Hiếu được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.
Tháng 8/2021, ông Nguyễn Văn Hiếu được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu vẫn là đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (cũ).
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo của tỉnh có diện tích lớn nhất sau sáp nhập
Theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh có hiệu lực từ ngày 12/6/2025, tỉnh Lâm Đồng được thành lập trên cơ sở sắp xếp toàn bộ diện tích, dân số của tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng.
Tỉnh Lâm Đồng có diện tích 24.233,07 km2, dân số 3.872.999 người.
Sáng ngày 3/7, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị công bố các quyết định về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, trong đó bổ nhiệm lãnh đạo các cơ quan. Bà Lê Thị Bích Liên được bổ nhiệm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng sau sáp nhập.

Theo bản tiểu sử tóm tắt của người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận (cũ) nhiệm kỳ 2021-2026, bà Lê Thị Bích Liên sinh ngày 25/8/1981, quê Bình Thuận.
Bà Lê Thị Bích Liên tốt nghiệp đại học chuyên ngành sinh học, thạc sĩ chuyên ngành sinh học, cao cấp lý luận chính trị và có nhiều năm gắn bó với công tác Đoàn.
Về quá trình công tác, từ tháng 3/2008 đến tháng 8/2011 bà Liên là giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận, Uỷ viên Ban chấp hành Tỉnh đoàn Bình Thuận (từ tháng 7/2009), Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh đoàn Bình Thuận (từ tháng 2/2010).
Từ tháng 8/2011 đến tháng 9/2017, bà là Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Phó Bí thư chi bộ Tỉnh đoàn Bình Thuận (từ tháng 6/2014).
Từ tháng 9/2017 đến tháng 10/2017, bà Liên là Bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận.
Từ tháng 11/2017 đến tháng 8/2020, bà là Tỉnh ủy viên (từ tháng 11/2018), Bí thư Tỉnh đoàn, Bí thư Chi bộ Tỉnh đoàn Bình Thuận, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Cơ quan và doanh nghiệp tỉnh.
Từ tháng 2020 đến 2021 (thời điểm kê là tháng 3/2021), bà là Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy kiêm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Cơ quan và doanh nghiệp tỉnh.
Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bình Thuận (cũ), tháng 10/2024, bà Liên được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh. Trước khi được bổ nhiệm, bà là Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Nam.
Tháng 2/2025, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận (cũ) có quyết định điều động, bổ nhiệm bà Lê Thị Bích Liên - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước khi sắp xếp đến nhận công tác tại Sở Giáo dục Đào tạo và giữ chức vụ Giám đốc Sở.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo có thẩm quyền ra sao?
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 142/2025/NĐ-CP quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục đối với trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông quy định tại khoản 1 Điều 28 và khoản 2 Điều 29 Nghị định số 125/2024/NĐ-CP do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Thẩm quyền cho phép thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tư thục quy định tại khoản 1 Điều 33, khoản 2 Điều 34, khoản 2 Điều 35 và khoản 2 Điều 36 Nghị định số 125/2024/NĐ-CP do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên quy định tại điểm b khoản 1 Điều 44, khoản 2 Điều 45, khoản 2 Điều 46 và khoản 2 Điều 47 Nghị định số 125/2024/NĐ-CP do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Thẩm quyền cho phép thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tư thục quy định tại khoản 1 Điều 49, khoản 2 Điều 50, khoản 2 Điều 51 và khoản 2 Điều 52 Nghị định số 125/2024/NĐ-CP do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Đối với trường chuyên biệt, thẩm quyền cho phép trường phổ thông dân tộc nội trú có cấp học cao nhất là trung học phổ thông hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục trường phổ thông dân tộc nội trú có cấp học cao nhất là trung học phổ thông quy định tại khoản 1 Điều 56 và điểm b khoản 1 Điều 57 Nghị định số 125/2024/NĐ-CP do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục trường trung học phổ thông chuyên quy định tại khoản 1 Điều 73 và khoản 1 Điều 74 Nghị định số 125/2024/NĐ-CP do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Thẩm quyền cho phép trường năng khiếu nghệ thuật, thể dục, thể thao thuộc địa phương hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục trường năng khiếu nghệ thuật, thể dục, thể thao thuộc địa phương quy định tại khoản 1 Điều 78 và điểm b khoản 1 Điều 79 Nghị định số 125/2024/NĐ-CP do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Thẩm quyền cho phép trường dành cho người khuyết tật hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục trường dành cho người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều 83 và điểm b khoản 1 Điều 84 Nghị định số 125/2024/NĐ-CP do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 16, khoản 2 Điều 20 Nghị định số 143/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 và khoản 16 Điều 1 Nghị định số 24/2022/NĐ-CP) do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Thẩm quyền đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với các trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với các trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 21, điểm b khoản 2 Điều 22 Nghị định số 143/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 và khoản 18 Điều 1 Nghị định số 24/2022/NĐ-CP) do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài, đình chỉ đối với hoạt động liên kết đào tạo của trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, chấm dứt hoạt động liên kết đào tạo quy định tại khoản 2 Điều 24, điểm b khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 6 Điều 26 và Điều 26a Nghị định số 15/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 24/2022/NĐ-CP) do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện...
Theo Thông tư số 12/2025/TT-BGDĐT, thẩm quyền đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11; lựa chọn và phê duyệt danh sách cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT do Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Thẩm quyền lựa chọn, phê duyệt giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán quy định tại điểm b khoản 2 Điều 12 Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT do Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Thẩm quyền đánh giá hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11; lựa chọn và phê duyệt danh sách cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non cốt cán quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 25/2018/TT- BGDĐT do Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Thẩm quyền lựa chọn giáo viên mầm non cốt cán quy định tại điểm b khoản 2 Điều 12 Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 26/2018/TT-BGDĐT do Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện.