Tiến sĩ Lương Văn Việt làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng sau sáp nhập

03/07/2025 08:46
LÃ TIẾN
Theo dõi trên Google News

GDVN - Ông Lương Văn Việt - Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương (cũ) được bổ nhiệm là Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng sau sáp nhập.

Theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Thành phố Hải Phòng sau khi sáp nhập với tỉnh Hải Dương có diện tích tự nhiên là 3.194,72km2, dân số là 4.664.124 người.

Trung tâm hành chính Thành phố Hải Phòng mới (Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân) được đặt tại khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, phường Thủy Nguyên, Thành phố Hải Phòng.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hải Phòng đặt tại Trung tâm Chính trị - Hành chính quận Ngô Quyền (cũ) - Lô 26A, khu đô thị mới Ngã 5 - sân bay Cát Bi, Hải Phòng.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng mới gồm 1 giám đốc, 6 phó giám đốc

Chiều 2/7, Thành ủy Hải Phòng tổ chức hội nghị công bố các quyết định thành lập và chỉ định nhân sự của 4 đảng bộ cấp trên cơ sở; các quyết định bổ nhiệm lãnh đạo các ban đảng và nhân sự lãnh đạo 14 sở ngành thuộc Ủy ban nhân dân thành phố.

Trong đó, ông Lương Văn Việt, Giám đốc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương (cũ) được giao giữ chức Giám đốc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng.

gd-so-gd-1.jpg
Ông Lương Văn Việt là tân Giám đốc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng.

Ông Lương Văn Việt sinh ngày 03/02/1971, quê ở xã Lê Lợi, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (cũ). Ông tốt nghiệp đại học chuyên ngành Vật lý, là tiến sĩ Vật lý, lý luận chính trị cao cấp.

Tiến sĩ Lương Văn Việt từng nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2011; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2017.

Quá trình công tác của tân Giám đốc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng như sau:

Từ tháng 9/1990 đến tháng 8/1992, ông là giáo viên giảng dạy tại Trường Bổ túc văn hóa cụm Đồng Quang - Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (cũ);

Từ tháng 9/1992 đến tháng 11/1992 ông là giáo viên giảng dạy tại Trường cấp 2 Nghĩa Hưng - Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (cũ);

Từ tháng 12/1992 đến tháng 10/2000 ông là giáo viên giảng dạy tại Trường Trung học phổ thông Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (cũ);

Từ tháng 11/2000 đến tháng 9/2003, ông là Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (cũ);

Từ tháng 10/2003 đến tháng 3/2013 ông là Bí thư Chi bộ - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (cũ);

Từ tháng 4/2013 đến tháng 12/2014 ông là Bí thư chi bộ - Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục;

Từ tháng 01/2015 đến tháng 4/2019 ông là Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương (cũ);

Từ tháng 5/2019 đến tháng 4/2020 ông là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương (cũ);

Từ tháng 5 năm 2020 đến 1/7/2025 ông là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương (cũ);

Ngoài ra, bộ máy hiện tại của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng mới có 6 phó giám đốc gồm: ông Đỗ Duy Hưng, ông Uông Minh Long, ông Vũ Trí Quang, ông Phạm Hồng Quân, ông Đinh Minh Tuấn, bà Phí Thị Thùy Vân.

hb-chuyen-de-thu-vien-so-7-2163.jpg
Hải Phòng và Hải Dương sáp nhập mở ra nhiều cơ hội phát triển giáo dục và đào tạo. Ảnh minh họa: Lã Tiến

Định vị mới về giáo dục và đào tạo trong vùng kinh tế trọng điểm

Việc hợp nhất Hải Phòng và Hải Dương sẽ làm tăng gấp đôi diện tích và dân số của thành phố, đưa quy mô kinh tế tổng hợp của vùng lên mức đứng thứ 3 cả nước.

Cả Hải Phòng và Hải Dương đều thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Việc sáp nhập Hải Phòng và Hải Dương giúp mở rộng hệ thống giáo dục với nhiều trường phổ thông, trường nghề và cơ sở giáo dục đại học – cao đẳng. Có thể huy động nhân lực và cơ sở vật chất, tạo ra sức mạnh tổng hợp trong đầu tư phát triển giáo dục.

Đồng thời, tạo cơ hội rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường học trên quy mô lớn hơn để tránh manh mún, phân tán. Từ đó có thể thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực giáo dục (trong và ngoài nước); Có cơ hội xây dựng các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp, logistics, nông nghiệp công nghệ cao,…

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng (cũ) về một số kết quả phát triển nổi bật của ngành giáo dục và đào tạo từ tháng 01/2025 đến hết tháng 4/2025, toàn thành phố có 756 cơ sở giáo dục (635 cơ sở giáo dục công lập, 121 cơ sở giáo dục ngoài công lập); 4 cơ sở giáo dục đại học.

Tổng số học sinh tính đến tháng 4/2025 là 538.375 em. Số sinh viên, học viên theo học tại các cơ sở giáo dục đại học là 35.657.

Toàn ngành có 34.329 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 đạt trên 89%. Tổng số giảng viên của 4 trường đại học là 2.040 người.

hb-chuyen-de-thu-vien-so-6-5668.jpg
Tính đến tháng 4/2025, toàn thành phố Hải Phòng có 477/629 đơn vị công lập đạt chuẩn quốc gia. Ảnh minh họa: Lã Tiến

Tính đến tháng 4/2025, toàn thành phố có 477/629 đơn vị công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 75,8%, trong đó có 359 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đạt tỷ lệ 75,3%; 118 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đạt tỷ lệ 24,7%.

Năm 2025, thành phố có 1/4 học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Chuyên Trần Phú trong đội tuyển Kỳ thi Olympic quốc tế môn Sinh học; 1/9 dự án khoa học kỹ thuật của Trường Trung học phổ thông An Dương tham gia Hội thi nghiên cứu Khoa học kỹ thuật tại Hoa Kỳ.

Hải Phòng ghi dấu ấn trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2025 với 102 giải (7 giải Nhất, 24 giải Nhì, 37 giải Ba, 34 giải Khuyến khích), tăng 5 giải so với năm học trước, đứng thứ 3 toàn quốc sau Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Cuộc thi khoa học kỹ thuật thu hút 1.482 dự án khoa học đã được triển khai tại nhà trường, từ đó lựa chọn 320 dự án tham gia vòng sơ khảo cấp thành phố, 142 dự án vòng chung khảo. 3 dự án của Hải Phòng tham dự cấp Quốc gia đều đạt giải: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 1 giải Ba.

Tổng chi ngân sách cho giáo dục giai đoạn 2021-2024 là 22.867,395 tỷ đồng, tăng 10.845,591 tỷ đồng so với giai đoạn 2016-2020. Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố, thành phố bắt đầu thực hiện hỗ trợ học phí cho học sinh bậc học mầm non, trung học cơ sở từ năm học 2020-2021; hỗ trợ học phí cho học sinh trung học phổ thông từ năm học 2021-2022 (trong đó có cả học sinh ngoài công lập) với mức chi trên 300 tỷ đồng mỗi năm.

Thành phố luôn quan tâm đầu tư phát triển về hạ tầng và trang thiết bị cho giáo dục nhằm đồng bộ và hiện đại, 22 dự án đầu tư giáo dục và đào tạo được đầu tư, phê duyệt chủ trương và triển khai thực hiện với tổng kinh phí là 1.975,986 tỷ đồng, tăng 284,275 tỷ đồng so với giai đoạn 2016-2020.

Đối với tỉnh Hải Dương (cũ) trước khi sáp nhập, theo Dự thảo lần 3 Báo cáo chính trị trình đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030 của tỉnh Hải Dương cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 845 trường mầm non, phổ thông. Trong đó, mầm non có 289 trường; tiểu học có 245 trường; trung học cơ sở (bao gồm liên cấp tiểu học và trung học cơ sở có 251 trường; trung học phổ thông (bao gồm liên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông; liên cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) có 60 trường.

Các trung tâm có: 1 trung tâm Giáo dục thường xuyên - Ngoại ngữ - Tin học tỉnh và 12 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện. 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng, phối hợp cùng mạng lưới các trường phổ thông thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời của nhân dân.

Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ước đạt 85,86% (tăng 14% so với năm 2020).

Việc lập danh mục bảo trì, sửa chữa từ nguồn chi thường xuyên ngân sách Nhà nước cho 35 trường trung học phổ thông trên toàn tỉnh với tổng số kinh phí gần 152 tỷ đồng. Trong đó, năm 2023 là 48 tỷ, năm 2024 là 50 tỷ và năm 2025 là 54 tỷ.

Đối với các dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, ủy ban nhân dân tỉnh bố trí phân bổ nguồn vốn cho 26 dự án xây dựng, cải tạo các hạng mục từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn gồm 623,1 tỷ đồng (trong đó giai đoạn 2021-2023 đã phân bổ 247,3 tỷ đồng, giai đoạn 2023 - 2025 tiếp tục phân bổ 375,8 tỷ đồng). Danh mục đầu tư công giai đoạn 2026-2030 đề xuất mức đầu tư 804,883 tỷ đồng dành cho 17 trường trung học phổ thông.

Số người làm việc (thời điểm báo cáo) tại các cơ sở giáo dục mầm non là 9.186, tiểu học là 8.689, trung học cơ sở là 6.821, trung học phổ thông là 2.508.

Thứ hạng điểm trung bình thi tốt nghiệp trung học phổ thông luôn nằm trong tốp 15 tỉnh có kết quả tốt nhất; thành tích học sinh giỏi quốc gia, Hải Dương luôn duy trì vị trí tốp đầu trên bảng xếp hạng toàn quốc.

Chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Tuyển mới giáo dục nghề nghiệp được 170.985 học sinh, sinh viên, tỷ lệ người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo đạt từ 80-90%.

hd-thi-thpt-2025-1.jpg
Giai đoạn 2026-2030 Hải Dương đề xuất mức đầu tư 804,883 tỷ đồng dành cho 17 trường trung học phổ thông. Ảnh: LT

Những thách thức về giáo dục và đào tạo Hải Phòng cần nỗ lực giải quyết

Bên cạnh những thuận lợi và thành tích nổi bật mà ngành giáo dục của thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương đã đạt được, việc sáp nhập cũng đặt ra không ít thách thức cho Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng (mới).

Theo dự thảo lần 3 Báo cáo chính trị trình đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030 của tỉnh Hải Dương (cũ) cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực giáo dục và đào tạo tỉnh Hải Dương (cũ) vẫn còn tồn tại một số bất cập.

Theo đó, công tác đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội; Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp và văn hóa, kỷ luật trong lao động chưa cao.

th-du-hang-10-2223.jpg
Để đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới, giáo dục Hải Phòng cần tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện gắn với xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. (Ảnh: LT)

Trong khi đó, theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị Quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố Hải Phòng của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng (cũ) cho thấy quá trình triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Ưu đãi về đầu tư cho giáo dục hiện nay chưa đủ mạnh để hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào giáo dục; còn gặp nhiều trở ngại về thủ tục hành chính trong cấp phép đầu tư, cấp phép hoạt động giáo dục. Quỹ đất đô thị vùng lõi không còn nhiều, diện tích nhỏ, giao thông không thuận lợi nên không đủ hấp dẫn các nhà đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Như vậy, việc sáp nhập Hải Phòng và Hải Dương mở ra nhiều cơ hội phát triển giáo dục theo hướng đồng bộ, quy mô lớn và hiện đại hơn. Tuy nhiên, để tận dụng thuận lợi và vượt qua thách thức, cần một chiến lược quản lý giáo dục khoa học, có lộ trình rõ ràng.

LÃ TIẾN