Luật Nhà giáo 2025 chính thức có hiệu lực ngày 1/1/2026 với nhiều điểm mới được ghi nhận về định danh nhà giáo, tuyển dụng, bổ nhiệm và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhà giáo.
Luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua trong đó giao ngành giáo dục tuyển dụng, bổ nhiệm….là cơ hội lớn để ngành giáo dục vươn mình mạnh mẽ.

Quy định về thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo mầm non, phổ thông theo Luật Nhà giáo có hiệu lực từ 1/1/2026
Tại Điều 14 Luật Nhà giáo 2025 như sau:
Điều 14. Tuyển dụng nhà giáo
…2. Thẩm quyền tuyển dụng được quy định như sau:
a) Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập, việc tuyển dụng nhà giáo do người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện;
b) Đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập, việc tuyển dụng nhà giáo do người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục;
c) Đối với trường của lực lượng vũ trang nhân dân, thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an;
d) Đối với cơ sở giáo dục không thuộc quy định tại các điểm a, b và c khoản này, thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thuộc cơ sở giáo dục ngoài công lập thì sẽ do người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện, người ký hợp đồng tuyển dụng là người đứng đầu cơ sở giáo dục (hiệu trưởng, giám đốc).
Đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thuộc cơ sở giáo dục công lập thì thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hiện tại chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với nội dung này.
Tuy nhiên, theo các định hướng của Luật Nhà giáo giao thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành giáo dục, điều này hoàn toàn khác biệt so với hiện hành là tuyển dụng theo viên chức hiện nay.
Dự kiến giao toàn quyền tuyển dụng giáo viên cho Sở Giáo dục là phù hợp
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và lĩnh vực giáo dục và đào tạo của phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường để lấy ý kiến.
Dự thảo được xây dựng nhằm cụ thể hóa các quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước đối với giáo dục.
Theo dự thảo, quyền và phạm vi quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo được mở rộng rất nhiều so với trước đây.
Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ được giao nhiệm vụ thực hiện toàn bộ việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng, tiếp nhận, điều động, biệt phái, thuyên chuyển, bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nghề nghiệp, thay đổi chức danh nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá đối với đội ngũ nhà giáo, nhân sự quản lý, viên chức và người lao động trong tất cả các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn quản lý.
Trước đây, đối với cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, việc tuyển dụng, điều động… đội ngũ nhà giáo do Ủy ban nhân dân cấp huyện và Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Hiện nay, khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, bỏ cấp huyện thì thẩm quyền tuyển dụng, bổ nhiệm, thuyên chuyển,…giáo viên giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện là hợp lý, đồng bộ, thống nhất toàn tỉnh, điều chuyển từ trường thừa sang trường thiếu, bố trí linh hoạt giáo viên.
Uỷ ban nhân dân cấp xã bổ nhiệm hiệu trưởng là hợp lý, đề xuất Hiệu trưởng được bổ nhiệm phó hiệu trưởng
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lĩnh vực giáo dục - đào tạo của phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự thảo Thông tư cũng quy định cụ thể vai trò tham mưu của bộ phận chuyên môn về giáo dục – đào tạo thuộc Phòng Văn hóa – Xã hội cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Đáng chú ý, dự thảo đã bổ sung hai nhiệm vụ mới mà trước đây, theo qui định tại Nghị định số 142/2025/NĐ-CP của Chính phủ không được giao cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã. Cụ thể:
Thứ nhất, tham mưu, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác đến tuổi nghỉ hưu, miễn nhiệm, thôi giữ chức vụ, biệt phái, thay đổi vị trí việc làm, khen thưởng và kỉ luật đối với người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lí.
Thứ hai, tham mưu, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập hội đồng trường; công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch hội đồng trường; bổ sung, thay thế thành viên hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục công lập.
Đồng thời, tham mưu quyết định công nhận hoặc không công nhận hội đồng trường, Chủ tịch, Phó Chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tại các cơ sở giáo dục tư thục theo đúng tiêu chuẩn chức danh và thủ tục pháp luật quy định.
Hiện nay, dự kiến Phòng Văn hóa - xã hội tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.
Tuy nhiên, để mạnh dạn giao quyền bổ nhiệm nhân sự do mình phụ trách và tăng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở giáo dục công lập (hiệu trưởng), nhằm góp ý cho dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lĩnh vực giáo dục - đào tạo của phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người viết xin có một số đề xuất như sau:
Thứ nhất, phó hiệu trưởng nên giao cho hiệu trưởng hoặc Chủ tịch hội đồng trường ký quyết định bổ nhiệm
Khi thực hiện đầy đủ quy trình tuyển dụng theo quy định của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua cấp ủy, Hội đồng trường, Hiệu trưởng ký quyết định bổ nhiệm phó hiệu trưởng.
Phó hiệu trưởng cũng như các bộ phận khác là giúp việc cho Hiệu trưởng nên tiến tới giao cho Hiệu trưởng bổ nhiệm là hoàn toàn hợp lý.
Thứ hai, đối với việc bổ nhiệm hiệu trưởng. Người viết thống nhất cao với dự thảo dự kiến giao quyền bổ nhiệm hiệu trưởng cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện, việc này là hợp lý, cấp cơ sở là cấp gần nhất việc thực hiện sẽ thuận lợi, dễ dàng và khách quan hơn.
Tuy vậy, sắp tới về quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng, trước khi ra quyết định bổ nhiệm nên có bước lấy ý kiến tập thể cấp ủy và toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nơi người dự kiến được bổ nhiệm, việc này nên được thực hiện nghiêm túc, khách quan, dân chủ, công khai để lựa chọn đúng người có bản lĩnh, có tâm, có tầm để lãnh đạo nhà trường.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.