Từ 1/1/2026, Luật Nhà giáo có hiệu lực: Bỏ chia hạng, nhiều chính sách hỗ trợ GV

02/07/2025 09:05
Bùi Nam
Theo dõi trên Google News

GDVN - Chức danh nhà giáo mới được xác định theo yêu cầu của hoạt động nghề nghiệp trong từng cấp học, trình độ đào tạo.

Luật số 73/2025/QH15 Luật Nhà giáo 2025 chính thức có hiệu lực ngày 1/1/2026 được đông đảo nhân dân trong đó có nhà giáo cả nước vui mừng, lần đầu tiên có bộ luật dành riêng cho nhà giáo, Luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua là cột mốc quan trọng khẳng định chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo đó, Luật Nhà giáo có nhiều quy định mới về lương, chính sách lương, chức danh nghề nghiệp nhà giáo, trong đó quy định không còn chia hạng nhà giáo thành các hạng I, II, III như hiện nay làm giáo viên cả nước vui mừng, tiến tới trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc, đặt giáo viên vào đúng vai trò, vị trí để chi trả lương, chính sách phù hợp hơn.

Dưới đây là một số nội dung mới đáng chú ý về chức danh, lương, chính sách nhà giáo trong Luật Nhà giáo 2025.

la-tien-326.jpg
Ảnh minh họa

Chính thức bỏ chia hạng nhà giáo thành các hạng I, II, III

Tại Điều 12. Chức danh nhà giáo

1. Chức danh nhà giáo là tên gọi thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo trong từng cấp học, trình độ đào tạo.

2. Chức danh nhà giáo được xác định theo yêu cầu của hoạt động nghề nghiệp trong từng cấp học, trình độ đào tạo.

3. Việc bổ nhiệm, thay đổi chức danh nhà giáo được thực hiện phù hợp với cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

4. Việc xác định tương đương chức danh nhà giáo trong từng cấp học, trình độ đào tạo thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. Chính phủ quy định chi tiết các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Theo đó tại Điều 12 Luật Nhà giáo đã không còn quy định chức danh nhà giáo được chia thành các hạng I, II, III như hiện nay, việc chia hạng thời gian qua rất nhiều bất cập, bất công. Từ 01/01/2026, Chức danh nhà giáo được xác định theo yêu cầu của hoạt động nghề nghiệp trong từng cấp học, trình độ đào tạo và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để xác định tương đương chức danh nhà giáo trong từng cấp học, trình độ đào tạo.

Lương nhà giáo sẽ được xếp cao nhất thang bậc lương hành chính sự nghiệp

Tại Điều 23. Tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo

1. Tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được quy định như sau:

a) Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp;

b) Phụ cấp ưu đãi nghề và phụ cấp khác theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật;

c) Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo ở một số ngành, nghề đặc thù được hưởng chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với nhà giáo làm việc trong điều kiện bình thường.

2. Tiền lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

3. Nhà giáo công tác ở ngành, nghề có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù theo quy định của pháp luật và chỉ được hưởng ở một mức cao nhất nếu chính sách đó trùng với chính sách dành cho nhà giáo.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Quy định cụ thể lương nhà giáo sẽ được xếp cao nhất thang bậc lương hành chính sự nghiệp sẽ là cơ sở rất quan trọng để Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sắp xếp để từ 01/01/2026, lương nhà giáo sẽ được xếp cao nhất thang bậc lương hành chính sự nghiệp nhằm ghi nhận, tôn vinh những công sức, cống hiến của nhà giáo cả nước.

Các chính sách hỗ trợ Nhà giáo từ 01/01/2026

Tại Điều 24. Chính sách hỗ trợ nhà giáo

1. Chính sách hỗ trợ nhà giáo bao gồm:

a) Chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng;

b) Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng;

c) Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp;

d) Phụ cấp lưu động đối với nhà giáo làm công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, biệt phái, dạy tăng cường, dạy liên trường, dạy ở các điểm trường;

đ) Chính sách hỗ trợ khác cho nhà giáo theo quy định của pháp luật về viên chức, pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Ngoài chính sách quy định tại khoản 1 Điều này, nhà giáo công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật được hưởng một số chính sách hỗ trợ trong các chính sách sau đây:

a) Được thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc được bảo đảm chỗ ở tập thể khi đến công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trường hợp không bố trí được chỗ ở tập thể hoặc nhà ở công vụ thì được hỗ trợ tiền thuê nhà ở theo mức hỗ trợ thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật;

b) Được hỗ trợ thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;

c) Chế độ phụ cấp, trợ cấp theo đối tượng.

3. Địa phương, cơ sở giáo dục có chính sách hỗ trợ nhà giáo bảo đảm cuộc sống, phát triển nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn và nguồn tài chính của địa phương, cơ sở giáo dục.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Tại Điều 25. Chính sách thu hút, trọng dụng đối với nhà giáo

1. Đối tượng hưởng chính sách thu hút, trọng dụng bao gồm:

a) Người có trình độ cao, người có tài năng, người có năng khiếu đặc biệt, người có kỹ năng nghề cao;

b) Người đến làm việc tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

c) Nhà giáo làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục, nghiên cứu khoa học trong một số lĩnh vực trọng yếu, thiết yếu theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

2. Chính sách thu hút, trọng dụng bao gồm ưu tiên trong tuyển dụng, tiếp nhận; tiền lương, phụ cấp; đào tạo, bồi dưỡng; quy hoạch, bổ nhiệm; điều kiện làm việc, trang thiết bị làm việc; phúc lợi và chính sách khác theo quy định của pháp luật.

3. Địa phương, cơ sở giáo dục có chính sách thu hút, trọng dụng đối với nhà giáo phù hợp với điều kiện thực tiễn và nguồn tài chính của địa phương, cơ sở giáo dục.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Từ 01/01/2026, giáo viên mầm non có thể được nghỉ hưu trước tuổi

Theo Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 135/NĐ-CP quy định tuổi nghỉ hưu của giáo viên nữ là 57 tuổi. Điều này áp dụng theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, trong đó cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với giáo viên nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Tại Điều 26. Chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo

1. Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này và Điều 27 của Luật này.

2. Nhà giáo trong cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường nhưng không quá 05 tuổi. Trường hợp có đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Từ 01/01/2026, Luật Nhà giáo có hiệu lực, ở năm 2026 giáo viên mầm non ở độ tuổi 52 tuổi có nguyện vọng có thể nghỉ hưu (tuổi nghỉ hưu giáo viên nữ năm 2026 là 57 tuổi), giáo viên mầm non có nguyện vọng có thể nghỉ hưu trước 05 năm. Theo lộ trình, đến năm 2035, giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu ở 55 tuổi. Giáo viên còn sức khỏe, có nguyện vọng tiếp tục cống hiến, công tác thì tiếp tục đến tuổi nghỉ hưu theo Luật Lao động, tiếp tục công tác sẽ được hưởng lương cao hơn, sau này hưởng lương hưu cao hơn. Đây là quy định rất đúng đắn, được giáo viên mầm non, cả nước vui mừng vì công việc họ áp lực, vất vả.

Xem toàn văn Luật Nhà giáo 2025 có hiệu lực từ 01/01/2026 TẠI ĐÂY

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam