Trường MN sẵn sàng công tác phổ cập giáo dục trẻ 3-5 tuổi dù còn nhiều thách thức

16/07/2025 06:38
Thanh Trà

GDVN - Tại vùng khó, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 5 tuổi gặp nhiều trở ngại, nhưng giáo viên vẫn kiên trì “gõ cửa từng nhà” để vận động trẻ đến lớp.

Trước đây, phổ cập giáo dục mầm non chỉ áp dụng với trẻ 5 tuổi - tức năm cuối cùng trước khi vào lớp 1. Tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết mở rộng phổ cập cho trẻ mầm non từ 3 - 5 tuổi, với mục tiêu đến năm 2030, 100% tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho toàn bộ trẻ từ 3 - 5 tuổi.

Như vậy, từ nay, trẻ 3 tuổi và 4 tuổi cũng sẽ trở thành đối tượng bắt buộc trong thống kê, đánh giá phổ cập. Khảo sát trên một số địa bàn, đặc biệt ở vùng khó khăn, số lượng trẻ 3, 4 tuổi đến lớp vẫn chưa nhiều.

Nhiều địa phương gặp khó trong công tác giáo dục cho trẻ 3 - 5 tuổi

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hồ Thị Mỹ Trang - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca (xã A Lưới 2, thành phố Huế) chia sẻ: "Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi cho thấy, giáo dục mầm non đang ngày càng được quan tâm.

Đặc biệt, với trẻ từ 3 tuổi, việc phổ cập giáo dục là vô cùng quan trọng. Trước đây, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 5 tuổi rất được quan tâm, có rất nhiều chính sách, chế độ được đề ra. Đối với trẻ 3 tuổi thì cũng có chính sách, nhưng các em là đối tượng trẻ đặc thù hơn, nên cũng cần có những chính sách riêng, phù hợp hơn".

467125737-525333603831426-8759387953157714190-n.jpg
Cô Hồ Thị Mỹ Trang - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca (đứng thứ 2 từ phải sang) trong buổi công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Ảnh: Website Trường.

Theo cô Trang, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 - 5 tuổi là bước tiến mạnh mẽ trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực bền vững. Giai đoạn mầm non là giai đoạn "vàng" để trẻ phát triển các kỹ năng, nhận thức và cả thể chất. Phổ cập giáo dục cho độ tuổi từ 3 - 5 tuổi sẽ tạo nền tảng bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, giúp mọi trẻ em đều có cơ hội phát triển tối ưu tiềm năng cá nhân.

Ngoài ra, khi các trường đồng loạt đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục cho trẻ 3, 4 tuổi, sẽ góp phần tạo tiền đề cho trẻ để khi trẻ lên 5 tuổi tiếp thu những kỹ năng về chữ cái tốt hơn.

Sẵn sàng bước vào năm học mới với nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi, cô Trang cho biết nhà trường đã có những bước chuẩn bị nhất định, từ rà soát sĩ số đến sắp xếp lớp học, đội ngũ. Tuy nhiên, cô cũng bày tỏ không ít trăn trở khi cho rằng phổ cập là một hành trình dài hơi, không thể hoàn tất trong ngày một, ngày hai.

"Hiện tại, tỷ lệ trẻ 3 tuổi đến trường mới đạt khoảng 97%, sĩ số lớp của trẻ 3, 4 tuổi còn thấp hơn so với trẻ 5 tuổi. Trong những năm học trước, công tác vận động trẻ 3, 4 tuổi đến trường gặp một số khó khăn nhất định. Ví dụ như trẻ quen trò chuyện với bố mẹ bằng tiếng dân tộc thiểu số, nên khi đến lớp, trẻ và cô giáo chưa giao tiếp với nhau hiệu quả. Ngoài ra, do đặc điểm về vùng miền, nên việc giữ trẻ 3, 4 tuổi đến lớp thường xuyên khá khó", cô Trang bộc bạch.

Tại thành phố Huế, cũng còn những trường mầm non khác ở vùng đặc biệt khó khăn gặp thách thức với công tác phổ cập giáo dục. Cô Trần Thị Thanh Kim Huệ - Phó Hiệu trưởng Trường Mần non A Đớt (xã A Lưới 4, thành phố Huế) bày tỏ: "Hiện tỷ lệ trẻ từ 3 đến 4 tuổi ra lớp tương đối khả quan. Nhiều năm qua, nhóm tuổi này gần như đạt 100% sĩ số. Năm học vừa rồi chỉ có một trẻ 3 tuổi không đến lớp. Tuy vậy, việc duy trì sĩ số và đảm bảo chất lượng nuôi dạy vẫn còn nhiều khó khăn", cô chia sẻ.

Theo cô Huệ, việc mở rộng phổ cập xuống trẻ 3 tuổi là hướng đi đúng, nhưng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ cơ sở. Một trong những thách thức đầu tiên là cơ sở vật chất chưa đồng đều giữa các nhóm tuổi. Một số lớp đã có đủ đồ dùng, thiết bị, nhưng lớp 3, 4 tuổi vẫn còn thiếu nhiều đồ chơi và tài liệu học tập. Vừa qua, trường mới được cấp bổ sung một số bộ đồ chơi vào dịp lễ 2/9.

Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế - xã hội của phụ huynh cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc phổ cập. Nhiều phụ huynh còn rất trẻ, phải đi làm xa, để con lại cho ông bà chăm nom. Việc trao đổi giữa nhà trường và người chăm sóc gặp nhiều hạn chế, đặc biệt là rào cản ngôn ngữ do ông bà chưa thạo tiếng phổ thông. Cô Huệ cho rằng, để trẻ đến lớp đều đặn, ngoài chế độ chính sách, cần có những hỗ trợ thiết thực hơn cho gia đình như phương tiện đưa đón, hoặc tăng cường tuyên truyền bằng tiếng dân tộc.

Về phía nhà trường, cô cho biết đội ngũ giáo viên hiện nay cơ bản đảm bảo, tuy nhiên vẫn còn thiếu một giáo viên nếu tính theo định biên quy định. Mặt khác, việc chăm sóc trẻ 3, 4 tuổi cũng đặt ra yêu cầu cao hơn so với nhóm tuổi 5 tuổi, dù chương trình học không có nhiều khác biệt.

Với các chính sách hiện hành, cô Huệ cho biết, địa phương thực hiện tương đối đầy đủ, kịp thời chế độ cho trẻ em 3 - 5 tuổi, nhất là đối tượng thuộc diện đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, phụ huynh đã có ý thức hơn trong việc đưa con đến lớp.

Dù vậy, cô Huệ cũng nhìn nhận rằng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 5 tuổi là một hành trình dài hơi. Để chính sách đi vào thực chất, không chỉ cần sự quan tâm từ trung ương mà còn phải có giải pháp phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương.

“Phải xác định đây là một quá trình liên tục, có lộ trình, có giám sát và được hỗ trợ đúng trọng tâm, từ trang thiết bị, đội ngũ, cho đến việc phối hợp với phụ huynh. Có như vậy, phổ cập mới thực sự bền vững", cô nhấn mạnh.

Cũng lường trước những khó khăn trong công tác phổ cập sắp tới, cô Phùng Thị Trại - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Tiến (xã Nghĩa Đô, tỉnh Lào Cai) bộc bạch: "Dù tỷ lệ trẻ 3 tuổi ra lớp năm học 2024 - 2025 đạt 100%, song công tác phổ cập giáo dục mầm non cho nhóm tuổi này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, bởi độ chuyên cần của trẻ không cao, thường xuyên nghỉ học. Có năm đạt 100%, có năm lại không".

Theo chia sẻ của cô Trại, trẻ 3 tuổi thường có tỷ lệ chuyên cần thấp hơn so với trẻ 5 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu đến từ yếu tố thể chất và điều kiện gia đình. Trẻ nhỏ dễ ốm, phụ thuộc nhiều vào cha mẹ nên chỉ cần bố mẹ bận đi làm hay tham dự đám cưới, lễ hội là các em phải nghỉ học. Nhiều gia đình không có người trông, cũng không dám gửi hàng xóm nên đành cho trẻ theo cùng.

Bên cạnh đó, địa hình phức tạp, giao thông khó khăn cũng khiến việc đưa trẻ đến trường trở nên bất tiện. Trong khi trẻ 5 tuổi có thể tự đi học cùng anh chị thì trẻ 3, 4 tuổi hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn.

Một vấn đề khác là sự chênh lệch về cơ sở vật chất giữa các khu vực. Đối với nhiều phụ huynh, môi trường học sạch sẽ, đầy đủ đồ chơi, được giáo viên chăm sóc chu đáo là lý do quan trọng để yên tâm gửi con. Do đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, đồ dùng học tập và chế độ ăn cho trẻ là yếu tố then chốt để nâng cao tỷ lệ chuyên cần.

Nỗ lực từ nhà trường để phổ cập mầm non hiệu quả

Việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 - 5 tuổi do Nhà nước bảo đảm nguồn lực và huy động xã hội hóa theo quy định của pháp luật. Thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 - 5 tuổi theo lộ trình, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm các điều kiện phổ cập theo quy định.

Theo đó, Nghị quyết quy định 5 nhóm cơ chế, chính sách thực hiện, bao gồm: Đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp và bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo quy định; Bảo đảm đủ số lượng giáo viên mầm non theo định mức quy định; Bảo đảm chế độ, chính sách đối với trẻ em từ 3 - 5 tuổi, đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục mầm non; Huy động các nguồn lực xã hội phát triển giáo dục mầm non theo quy định của pháp luật; Ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn,...

Cũng theo Nghị quyết, kinh phí thực hiện chính sách phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 - 5 tuổi do ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước. Ngân sách trung ương hỗ trợ đối với các địa phương chưa cân đối được ngân sách để thực hiện chính sách phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 - 5 tuổi theo quy định của pháp luật.

Nhận định về các nhóm cơ chế, chính sách trên, cô Phùng Thị Trại bày tỏ: "5 nhóm cơ chế, chính sách mà Nghị quyết đặt ra là vô cùng cấp thiết, đánh trúng vào 'điểm khó' của các trường tại vùng đặc biệt khó khăn, giúp giải quyết triệt để những khó khăn còn tồn đọng".

481986930-666809026092578-5368800310125110393-n-908.jpg
Cô Phùng Thị Trại - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Tiến. Ảnh: NVCC

Theo cô Trại, những năm học trước đây, mặc dù có chế độ hỗ trợ đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục mầm non nhưng vẫn gặp nhiều bất cập. Theo quy định hiện hành, mỗi lớp cần có ít nhất 8 trẻ nhà trẻ để giáo viên được nhận hỗ trợ trông trưa. Tuy nhiên, ở các lớp ghép vùng cao, giáo viên không được hỗ trợ dù công việc vẫn vất vả như nhau.

“Từ việc trông ngủ, canh trẻ không đánh nhau, không nghịch ngợm, các cô phải rất cẩn trọng nhưng lại không có chế độ gì, đó là điều thiệt thòi rất lớn. Ở vùng cao, vì số trẻ không đông nên sẽ có những lớp ghép nhiều độ tuổi, lúc đó giáo viên trông sẽ vất vả hơn, mà lại không được chế độ gì”, đại diện nhà trường nói.

Bên cạnh đó, giáo viên mầm non vùng cao còn đối mặt với nhiều áp lực khác như điều kiện đi lại khó khăn, thời gian làm việc kéo dài tới 10 tiếng mỗi ngày và thiếu các chính sách hỗ trợ phù hợp. Dù có nhà công vụ nhưng nhiều giáo viên không thể ở lại do còn gia đình, con nhỏ.

Nhà trường cũng hy vọng trong thời gian tới, sẽ có những văn bản quy định cụ thể hơn về 5 nhóm cơ chế, chính sách trên, đặc biệt có chính sách hỗ trợ đại trà cho giáo viên trông trưa, không phân biệt theo độ tuổi trẻ hay theo điểm trường. Đồng thời, điều chỉnh mức hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo lên tương đương với nhà trẻ để giảm bớt gánh nặng đóng góp cho phụ huynh và nâng cao tỷ lệ trẻ đến lớp đều đặn hơn.

491223441-697304043043076-1437591034238680597-n.jpg
Một điểm trường của Trường Mầm non Tân Tiến. Ảnh: NVCC

Khi bước vào năm học mới, cô Trại cho biết nhà trường sẽ triển khai ngay kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mầm non từ 3 - 5 tuổi. Trường sẽ lên phương án đề xuất ngân sách để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, nhất là trang bị thêm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học phù hợp với trẻ 3 tuổi.

Song song với các kế hoạch chuyên môn, nhà trường cũng tiếp tục duy trì mô hình “gõ cửa từng nhà”, một hoạt động đã được thực hiện nhiều năm nay nhằm vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường đầy đủ.

“Chúng tôi đến tận nhà, gặp từng phụ huynh, giải thích lợi ích của việc cho con đi học sớm từ 3 tuổi. Đây là cách làm tuy vất vả nhưng mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhờ vậy, nhiều năm qua, tỷ lệ trẻ 3 tuổi ra lớp tại trường luôn đạt gần 100%. Trong năm học tới, trường đặt mục tiêu không chỉ duy trì con số này, mà còn nâng cao tỷ lệ chuyên cần, đảm bảo trẻ đến lớp đều đặn và được chăm sóc, giáo dục đúng độ tuổi", nữ hiệu trưởng bộc bạch.

Tại Trường Mầm non Sơn Ca, các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cũng đang nỗ lực hết mình để tất cả trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo được đến trường.

Cô Hồ Thị Mỹ Trang cho biết, do đặc thù kinh tế - xã hội của địa phương, công tác huy động nguồn lực xã hội cho giáo dục mầm non tại xã vẫn còn rất hạn chế. Trên địa bàn không có doanh nghiệp hay tổ chức kinh tế tư nhân nào nên gần như không thể trông chờ vào nguồn tài trợ thường xuyên từ bên ngoài.

Trong bối cảnh đó, giáo viên chính là lực lượng nòng cốt. Không chờ đợi sự hỗ trợ từ bên ngoài, nhiều cô giáo đã tự nguyện góp tiền, cùng xây dựng một quỹ nhỏ để "nuôi con" - tức hỗ trợ một hoặc hai trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đến trường.

“Các cô sẽ tự nguyện trích từ khoản lương ít ỏi của mình, hỗ trợ tiền ăn, sách vở, quần áo cho các em. Miễn sao các em được đi học, được ở trường đầy đủ như các bạn khác. Bên cạnh đó, mỗi đầu năm học, nhà trường đều có thông báo tuyển sinh đến từng thôn bản. Với những gia đình còn khó khăn hoặc chưa sẵn sàng cho con đến lớp, chúng tôi sẽ cử giáo viên đến gặp gỡ, thăm hỏi, chia sẻ để phụ huynh yên tâm đưa trẻ đến trường từ 3 tuổi”, cô Trang cho biết.

Với cách làm kiên trì và trách nhiệm đó, nhiều năm qua tỷ lệ trẻ 3 tuổi ra lớp của trường luôn duy trì ở mức cao. Trong năm học mới, cô Trang kỳ vọng, bên cạnh những chính sách đúng đắn từ Nhà nước, nhà trường sẽ nỗ lực để hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi như mục tiêu mà Nghị quyết đưa ra.

Thanh Trà