Để phổ cập GDMN từ 3-5 tuổi cần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở vùng cao

01/05/2025 07:10
Khánh Hòa
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Việc phổ cập giáo dục mầm non từ 3-5 tuổi mang lại nhiều lợi ích, nhưng vấn đề thiếu giáo viên ở vùng khó khăn sẽ là một thách thức.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự kiến Quốc hội sẽ xem xét trong kỳ họp sắp tới.

Trong đó, có chính sách thu hút đối với giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập (tối thiểu 1 năm tiền lương cơ bản) và chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mẫu giáo (960.000 đồng/1 tháng, hưởng không quá 9 tháng/năm học, mỗi đơn vị 2 người).

Nội dung này được lãnh đạo trường mầm non vùng cao ủng hộ vì có thể phần nào giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Tuy nhiên, để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi cần có thêm những đãi ngộ khác để giữ chân thầy cô và thu hút giáo viên trẻ.

Thiếu giáo viên mầm non và những thách thức đối với các trường vùng cao

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Thị Quang – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Lượng (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) cho rằng: “Việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Đầu tiên, chính sách này góp phần thay đổi nhận thức của người dân vùng cao, do họ thường có thói quen để trẻ ở nhà thay vì cho đi học. Khi đến trường, các em không chỉ được tiếp cận giáo dục sớm mà còn được chăm sóc tốt hơn về dinh dưỡng, giấc ngủ và sức khỏe.

Tiếp theo, trẻ đi học từ 3 tuổi vừa giúp xây dựng nền tảng giáo dục vững chắc hơn vừa góp phần ổn định sĩ số lớp, hạn chế tình trạng gom lớp, đồng thời giúp phụ huynh yên tâm lao động, nâng cao thu nhập và cải thiện kinh tế gia đình.

Mặc dù, có nhiều lợi ích nhưng số lượng giáo viên mầm non hiện nay vẫn còn thiếu, đặc biệt ở vùng khó khăn, vùng núi, hải đảo. Tại Trường Mầm non Xá Lượng, tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang diễn ra, nhà trường còn thiếu 3 biên chế so với quy định, khiến công việc của các cô giáo cũng khá vất vả”.

co-quang.jpg
Cô Lê Thị Quang – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Lượng (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An). Ảnh: NVCC

Cô Quang cho rằng, một trong những khó khăn lớn nhất đối với giáo viên mầm non, đặc biệt tại vùng núi, chính là điều kiện địa hình phức tạp, gây nhiều trở ngại trong việc di chuyển.

Ví dụ, xã Ngôn Mai (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) là một xã giáp biên giới Lào. Để đến trường, giáo viên phải di chuyển bằng nhiều phương tiện như xe máy, ô tô, thuyền, thậm chí đi bộ do đường sá rất hiểm trở. Việc này ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và hiệu quả công việc giảng dạy, gây thêm áp lực cho giáo viên khi thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn tại các điểm trường khiến cuộc sống của giáo viên gặp nhiều khó khăn, vất vả. Việc thiếu thốn những tiện nghi cơ bản, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần làm việc và chất lượng giảng dạy của giáo viên.

Bên cạnh đó, cường độ làm việc của giáo viên mầm non cũng khá lớn. Các cô thường phải làm thêm ngoài giờ như chăm sóc trẻ buổi trưa hoặc trông trẻ muộn hơn do phụ huynh chưa thể đón con đúng giờ.

Điều kiện làm việc của các cô giáo cũng gặp nhiều thiếu thốn. Dù một số trường đã được đầu tư xây dựng khang trang, nhưng các công trình như nhà bếp, nhà vệ sinh cho trẻ em vẫn trong tình trạng xuống cấp. Một số điểm trường phải sử dụng cơ sở vật chất tạm bợ, ảnh hưởng đến chất lượng công việc và sức khỏe của cả giáo viên lẫn học sinh. Hơn nữa, đồ dùng dạy học và đồ chơi cho trẻ em cũng thiếu thốn, khiến công tác giảng dạy gặp nhiều trở ngại.

“Trước áp lực chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, nhiều giáo viên mầm non đang phải gánh chịu khó khăn về tài chính, đặc biệt với những cô giáo đang nuôi con nhỏ. Theo tôi, mức lương hiện tại chưa đủ để đảm bảo cuộc sống, nhất là tại các nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, cần có chính sách đãi ngộ và ưu đãi tốt hơn cho đội ngũ giáo viên mầm non, nhằm giúp họ yên tâm công tác và gắn bó lâu dài với nghề”, cô Quang bày tỏ.

Cùng bàn về vấn đề này, cô Đào Thị Thúy Vân – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Sao (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) chia sẻ: “Hiện nay, giáo viên mầm non đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục và sự gắn bó lâu dài với nghề. Trước hết là tình trạng thiếu hụt nhân lực, số lượng giáo viên không đáp ứng được nhu cầu thực tế, dẫn đến khối lượng công việc tăng cao, khiến thầy cô có thể rơi vào tình trạng quá tải.

Tiếp đó, tại một số cơ sở giáo dục mầm non ở vùng khó khăn, tình trạng ghép lớp học chung nhiều độ tuổi vẫn khá phổ biến. Sự chênh lệch về độ tuổi, khả năng nhận thức và nhu cầu phát triển của các em khiến giáo viên gặp trở ngại trong quá trình tổ chức những hoạt động dạy và học, dẫn đến hiệu quả không cao.

Đặc biệt, rào cản về ngôn ngữ là thách thức lớn trong giáo dục mầm non ở vùng sâu, vùng xa. Tại nhiều điểm trường lẻ, trẻ em dân tộc thiểu số thường chưa được tiếp xúc với tiếng Việt từ sớm, dẫn đến khả năng giao tiếp hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiếp thu kiến thức.

Vì vậy, giáo viên còn phải đảm nhiệm cả vai trò “dạy tiếng”, giúp trẻ làm quen với tiếng phổ thông qua các hoạt động hàng ngày. Đây là quá trình đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và sự kiên trì. Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất ở các trường vùng cao vẫn chưa được đảm bảo. Nhiều lớp học có diện tích chật hẹp, không đáp ứng đủ không gian cho trẻ sinh hoạt và học tập. Trang thiết bị, đồ dùng dạy học vẫn còn thiếu thốn, chưa được đầu tư bài bản, gây khó khăn cho việc tổ chức hoạt động giáo dục một cách đồng bộ”.

Cô Vân cho rằng, mức thu nhập hiện nay của giáo viên mầm non vẫn chưa thực sự đủ để đảm bảo đời sống, đặc biệt ở những vùng khó khăn. Với những giáo viên đã có nhiều năm công tác, mức lương có phần ổn định hơn, trong khi, các cô giáo trẻ mới ra trường vẫn phải đối mặt với mức lương khá thấp.

Ở vùng sâu, vùng xa việc đi lại gặp không ít khó khăn. Nhiều điểm trường nằm cách xa trung tâm thành phố hàng chục cây số, đường sá gập ghềnh, đặc biệt vào mùa mưa, việc di chuyển càng trở nên vất vả hơn. Do đó, giáo viên thường phải ở lại trường cả tuần, ăn uống, sinh hoạt “tạm bợ” ngay tại lớp học do không có nhà công vụ.

Việc xa gia đình cùng những thiếu thốn về điều kiện cơ sở vật chất, sinh hoạt khiến cuộc sống của giáo viên gặp nhiều áp lực. Tuy nhiên, với tình yêu nghề, yêu trẻ, thầy cô vẫn cố gắng bám lớp, bám trường để không gián đoạn việc học của học sinh.

co-van-2.jpg
Cô Đào Thị Thúy Vân – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Sao (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La). Ảnh: NVCC

Ngoài chính sách thu hút ngắn hạn, cần chế độ hỗ trợ lâu dài

Một nữ hiệu trưởng trường mầm non tại tỉnh Quảng Trị cho rằng, việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi là một chiến lược đúng đắn và phù hợp của Đảng và Nhà nước. Chủ trương này không chỉ bảo đảm quyền được đến trường của trẻ mà còn tạo điều kiện để huy động tối đa số lượng trẻ trong độ tuổi đến lớp, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho học sinh ngay từ giai đoạn đầu đời.

Tuy nhiên, hiện nay khó khăn lớn nhất đối với giáo viên mầm non là vấn đề về thời gian. Mặc dù quy định thời gian làm việc là 8 tiếng mỗi ngày, nhưng nhiều giáo viên thực tế phải làm việc từ 10-11 tiếng. Công việc của các cô kéo dài liên tục, từ sáng đến chiều tối, với khối lượng lớn và áp lực cao. Đây là một trong những rào cản ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy cũng như sức khỏe của giáo viên.

Thông thường, giáo viên mầm non sẽ bắt đầu công việc từ 6h30 và kết thúc vào khoảng 17h30, thậm chí có ngày 18h các cô mới tan làm. Trong suốt thời gian làm việc, giáo viên không chỉ giảng dạy mà còn trực tiếp chăm sóc trẻ, đặc biệt, vào buổi trưa, các cô gần như không được nghỉ ngơi mà phải lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho học sinh.

Mặc dù vậy, chế độ tiền lương đối với giáo viên mầm non vẫn còn khá thấp, chưa tương xứng với khối lượng công việc. Đáng chú ý, thời gian làm việc buổi trưa hiện nay hoặc không được phụ cấp, hoặc chỉ nhận phụ cấp mang tính "tượng trưng", trong khi khoảng thời gian này vẫn được tính là giờ làm việc chính thức.

Thực tế này cho thấy, chế độ đãi ngộ dành cho giáo viên mầm non vẫn còn bất cập, chưa đảm bảo quyền lợi cơ bản, đồng thời làm suy giảm động lực nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên đang ngày ngày gánh vác vai trò quan trọng trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ ở giai đoạn đầu đời.

Hệ số lương của giáo viên mầm non hạng II, theo quy định tại Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, vẫn thấp hơn so với hệ số lương của giáo viên bậc tiểu học và trung học cơ sở hạng II, theo các Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT và 03/2021/TT-BGDĐT.

Cụ thể, hệ số lương của giáo viên mầm non hạng II dao động từ 2,34 đến 4,98, trong khi hệ số lương của giáo viên tiểu học và trung học cơ sở hạng II là từ 4,00 đến 6,38. Điều này cho thấy mức lương của giáo viên mầm non hạng II vẫn thấp hơn so với giáo viên ở các bậc học khác, mặc dù công việc và trách nhiệm của họ không kém phần quan trọng.

hoc-sinh.jpg
Học sinh Trường Mầm non Xá Lượng (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) trong một tiết học. (Ảnh: NTCC)

Theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Sao, tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP, giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng, áp dụng trong thời gian không quá 5 năm (60 tháng). Tuy nhiên, sau khoảng thời gian này, không còn các khoản ưu đãi, hỗ trợ như trước, khiến nhiều giáo viên gặp khó khăn trong việc gắn bó lâu dài với nghề ở các địa phương vùng sâu, vùng xa.

Việc đề xuất, trợ cấp thu hút tuyển dụng giáo viên mẫu giáo từ năm học 2025-2026 vào làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mẫu giáo, mới chỉ là bước đi ban đầu. Để giáo viên thực sự yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài, cần có thêm các chính sách hỗ trợ khác trong suốt quá trình công tác.

Chẳng hạn, có thể cân nhắc việc kéo dài thời gian hưởng chế độ thu hút hoặc có thêm các chế độ ưu đãi riêng biệt dành cho giáo viên đang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Khi có chính sách, chế độ đãi ngộ hợp lý, chắc chắn thầy cô sẽ có thêm động lực bám trường, bám lớp, các bạn trẻ sẽ mong muốn theo đuổi và cống hiến cho ngành giáo dục mầm non nhiều hơn.

Bên cạnh đó, việc có chính sách hỗ trợ rõ ràng, minh bạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tuyển dụng, góp phần giúp ngành giáo dục đạt được các chỉ tiêu đặt ra một cách hiệu quả hơn.

Để thu hút và giữ chân giáo viên mầm non, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Sao đề xuất thêm:

Thứ nhất, cần xem xét chính sách cho phép giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm, trước tuổi 55 như dự thảo Luật Nhà giáo đã nêu. Bởi ở độ tuổi này, sức khỏe của nhiều cô giáo đã bắt đầu suy giảm, trong khi đặc thù công việc đòi hỏi cường độ cao, áp lực lớn. Giáo viên mầm non không chỉ giảng dạy mà còn trực tiếp chăm sóc, theo sát nhu cầu tâm sinh lý của trẻ nhỏ hằng ngày. Đây là một nhiệm vụ đòi hỏi thể lực, sự kiên nhẫn và tinh thần bền bỉ.

Thứ hai, việc công nhận giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc, độc hại đang được xem xét cũng là điều hết sức cần thiết.

Đây không chỉ là sự ghi nhận đúng đắn về tính chất công việc nặng nhọc, nhiều áp lực, mà còn góp phần tạo động lực lâu dài, thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên mầm non trong bối cảnh ngành giáo dục mầm non đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng.

Thứ ba, cần đầu tư xây dựng nhà công vụ cho giáo viên tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa nhằm cải thiện điều kiện sinh hoạt, giảm bớt gánh nặng trong việc di chuyển cho giáo viên. Việc này sẽ góp phần ổn định cuộc sống, giúp thầy cô yên tâm công tác lâu dài, đồng thời giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở những vùng khó khăn.

hoc-sinh-anh-sao-3.jpg
Học sinh Trường Mầm non Ánh Sao (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) trong một buổi học. (Ảnh: NTCC)

Còn theo Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Lượng, để thu hút đội ngũ giáo viên mầm non vào làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập, đặc biệt trong thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mẫu giáo, cần có chính sách đãi ngộ hợp lý và các chế độ hỗ trợ kèm theo. Bên cạnh đó, việc cải thiện cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện ăn ở và sinh hoạt cũng là yếu tố quan trọng.

Ngoài ra, mức lương và các phụ cấp đặc thù dành cho giáo viên, nhất là ở miền núi, cần được điều chỉnh phù hợp. Khi những chính sách này được triển khai đồng bộ cùng với sự đầu tư của Nhà nước vào các chương trình phổ cập giáo dục, tình hình sẽ từng bước được cải thiện.

Độ tuổi phổ cập giáo dục mầm non được điều chỉnh xuống dưới 5 tuổi là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, những chính sách hiện tại mới chỉ giải quyết được một phần vấn đề, chưa đủ để tạo ra sự thay đổi bền vững. Việc thu hút và tuyển dụng giáo viên là bước đi đầu tiên. Để duy trì lâu dài và căn cơ hơn, điều quan trọng là cần phải nâng cao mức lương cho giáo viên mầm non, đặc biệt tại khu vực khó khăn.

Bên cạnh chính sách đãi ngộ, cần chú trọng cải thiện điều kiện làm việc cho giáo viên, nhất là những người đang công tác xa nhà. Khi không thể yên tâm giảng dạy, chất lượng công việc bị ảnh hưởng, giáo viên sẽ có xu hướng rời bỏ vùng khó. Việc giữ chân đội ngũ này sẽ tiếp tục là thách thức lớn nếu không có những giải pháp toàn diện và bền vững.

Khánh Hòa