Vừa qua, có ý kiến cho rằng, các thành phố lớn với ưu thế thu hút xã hội hóa giáo dục tốt nên tiên phong thí điểm ký hợp đồng với chuyên gia, doanh nhân làm nhiệm vụ của quản lý, lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Bởi, chọn được nhân sự từ chính chuyên gia, lãnh đạo cơ sở giáo dục tư thục… để tạo điểm đột phá cho phát triển giáo dục tư thục ở khu vực có lợi thế (như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh).
Để hiểu rõ hơn về những đóng góp của cơ sở giáo dục tư thục trong việc thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều giáo viên, nhân viên trường học, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu (Hà Nội) (gọi tắt là Trường Nguyễn Siêu).

Chuyên gia, nhà đầu tư giáo dục có góc nhìn thực tế, trải nghiệm trong quá trình vận hành
Về đề xuất trên, Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy nhìn nhận: “Theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc thúc đẩy hợp tác công tư, nhằm mang đến tính bình đẳng cho sự phát triển của giáo dục, thời gian qua, có một số ý kiến đề xuất đưa các chuyên gia ở khối trường tư tham gia vào các công tác liên quan đến xây dựng, phát triển chính sách giáo dục tư thục.
Tôi cho rằng, đây là điều cần thiết để có những chính sách “sát sườn” và phù hợp thực tiễn hoạt động của các cơ sở giáo dục. Bởi, thực tế, khi làm việc ở các trường tư thục hay các đơn vị tư nhân, ngoài việc có kiến thức, kỹ năng, các nhà đầu tư, nhà quản lý còn có cái nhìn thực tế, trải nghiệm trong quá trình vận hành”.
Nữ Hiệu trưởng chỉ ra, trong suốt 30 năm hình thành và phát triển hệ thống trường tư thục tại Việt Nam, đại diện, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục tư thục uy tín, có tên tuổi như Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng; Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm; Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh hay Trường Nguyễn Siêu,… cũng đã tham gia đóng góp rất nhiều vào công tác xây dựng chính sách và đều thể hiện được tính hiệu quả.
Đối với các hoạt động của giáo dục tư nhân hiện nay, không chỉ có Luật Giáo dục chi phối, mà còn có rất nhiều quy định khác nhau như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp…, đôi khi có thể dẫn đến sự chồng chéo. Và chính các nhà đầu tư giáo dục, lãnh đạo cơ sở giáo dục tư thục sẽ hiểu rõ nhất, không chỉ am hiểu các luật liên quan đến lĩnh vực giáo dục, mà còn am hiểu cả các luật của ngành khác, các quy định của liên ngành… để vận hành, hoạt động như một doanh nghiệp vừa và nhỏ trên lĩnh vực giáo dục. Cho nên, đòi hỏi các nhà đầu tư vừa có hiểu biết về lĩnh vực giáo dục, vừa có hiểu biết liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân.
Chính vì vậy, trong quá trình vận hành ấy, từ kinh nghiệm thực tế của nhà trường, nhà đầu tư, lãnh đạo cơ sở giáo dục tư nhân có thể tham gia, đóng góp để góp phần xây dựng chính sách phù hợp với thực tiễn của xã hội.
“Đặc biệt, trong thời gian qua, giáo dục tư thục vẫn chưa có những chính sách riêng, các nội dung về giáo dục tư thục có thể chỉ được đề cập trong một vài dòng ở một vài điều khoản rất nhỏ. Vì thế, tôi cho rằng, thực tế, cần có những chương mục rõ ràng hơn nữa để thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với giáo dục tư nhân. Còn nếu không có những chính sách ưu đãi dành cho giáo dục tư thục, thì sự phát triển sẽ là rất khó khăn.
Nếu có thể đưa các chuyên gia, nhà đầu tư giáo dục, nhà quản lý giáo dục tư thục đứng từ kinh nghiệm thực tiễn đó tham gia xây dựng chính sách, sẽ sát sao hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển giáo dục tư thục (nói riêng) và thúc đẩy sự phát triển của cả nền giáo dục (nói chung)” - cô Thúy phân tích.
Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), trong đó, có một nội dung được dư luận quan tâm là: 3 hình thức thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ngoài khu vực công, gồm Tiếp nhận vào công chức; Ký hợp đồng đối với doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc, luật gia, luật sư giỏi, chuyên gia, nhà khoa học thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; Ký hợp đồng đối với nhân lực chất lượng cao để thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ.
Điều này được nhận định như một trong những tiền đề thuận lợi để thực hiện đưa chuyên gia, nhà đầu tư giáo dục tư thục tham gia vào việc xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục tư thục trong thời gian tới.
Trước sự “mở đường” trên, Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy đánh giá, đây là những cơ hội rất lớn để phát triển hệ thống giáo dục tư thục (nói riêng) cũng như hệ thống giáo dục (nói chung).
Cô Thúy chia sẻ: “Có thể nói, đây là việc huy động sức mạnh, trí tuệ của tập thể các trí thức Việt Nam. Thông qua đó, chúng ta sẽ có cơ hội để khai thác tài nguyên trí tuệ trong nước thay vì phải phụ thuộc vào nước ngoài. Hoặc giống như Trường Nguyễn Siêu, huy động nguồn lực từ chính lực lượng cựu học sinh, du học sinh ở nước ngoài đã thành công, kiều bào về phụng sự Tổ quốc. Thực tế, cũng cần những chính sách cởi mở hơn, có thể mời gọi được các chuyên gia đang học tập, sinh sống và làm việc tại nước ngoài trở về phục vụ cho quê hương, đất nước, để tạo điều kiện cho người giỏi cống hiến, phát triển cho giáo dục nước nhà.
Đồng thời, về mặt kinh phí, do họ đang là chuyên gia ở nước ngoài, nên khi mời về Việt Nam làm việc, cần được chi trả mức lương xứng đáng với tầm chuyên gia mà họ đã từng làm việc tại nước ngoài…
Việc mở rộng đội ngũ các chuyên gia này cũng góp phần thu hút nguồn nhân lực trong nước cùng phối hợp, đóng góp, xây dựng chính sách. Đây là chính là tận dụng tối đa nguồn lực. Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa hợp tác công tư để khai thác các tài nguyên của Nhà nước, nhưng theo hướng có thể công bằng cho giáo dục tư. Tức là, giáo dục tư thục có thể được hưởng các chế độ chính sách về thu hút, đào tạo, tập huấn giáo viên như tại các trường công lập…”.

Cần tiêu chí rõ ràng để đảm bảo chất lượng chuyên gia
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu cũng đề cập, để đi từ chủ trương đến những văn bản hướng dẫn cụ thể, cũng cần chú ý đẩy nhanh tiến độ và cải cách các thủ tục hành chính. Bởi vì, nếu như không nhanh nhạy, kịp thời trong việc đưa từ nghị quyết biến thành hành động, đôi khi có thể sẽ làm lỡ đi những cơ hội.
Tuy nhiên, Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy cũng nhấn mạnh, không thể buông lỏng quản lý về chất lượng của chuyên gia: “Chẳng hạn, ở Anh, họ có trung tâm đào tạo và thẩm định chuyên gia. Chuyên gia phải đạt được những tiêu chí cụ thể như thế nào mới được công nhận và hoạt động, ký hợp đồng. Từ đó, cũng sẽ có căn cứ để quản lý số lượng và chất lượng chuyên gia một cách thường xuyên, minh bạch.
Chính vì vậy, theo tôi, chúng ta cũng cần xem xét để đưa ra những chuẩn mực về chuyên gia. Bởi vì, khi đã là chuyên gia, tức là sẽ tham gia với vai trò cố vấn, không chịu trách nhiệm trực tiếp. Việc sử dụng những chuyên gia kém chất lượng sẽ còn tệ hơn cả việc không có chuyên gia”.
Theo đó, cô Thúy cho rằng: “Có lẽ, để rành mạch cho chức trách, nhiệm vụ của chuyên gia, cũng như thẩm định được chất lượng của chuyên gia, thì cũng cần có các tiêu chí cụ thể để phân loại chuyên gia theo các cấp độ.
Còn nếu không có các “thước đo” để định nghĩa chuyên gia, cũng như không có hình thức quản lý, sẽ rất dễ dẫn đến lo lắng về chất lượng. Đặc biệt là chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, bởi, giáo dục là ngành đòi hỏi sự hiểu biết học thuật và kinh nghiệm trong quá trình quản lý tại các cơ sở giáo dục”.
Cần tìm ra những “trí thức ẩn dật” để cống hiến cho nền giáo dục
Theo cô Thúy, mặc dù những quy định mới đang được quan tâm vốn là sự “mở đường” để các chuyên gia, nhà đầu tư giáo dục tham gia đóng góp, xây dựng chính sách, tuy nhiên, trên thực tế, không phải nhà đầu tư giáo dục nào cũng sẽ mặn mà với công việc đó.
Chính vì vậy, công tác truyền thông cần làm rõ hơn nữa những thuận lợi của điều này mang lại, cũng như những trường hợp thực tiễn có đủ sức truyền cảm hứng, để khích lệ các chuyên gia có thể mạnh dạn dám nói, dám làm, dám tham gia vào đổi mới giáo dục, đặc biệt là giáo dục tư thục.
Cô Thúy cũng chia sẻ thêm: “Trong ngành giáo dục có một điều rất thú vị, đó là nhiều người rất giỏi nhưng lại sống “ẩn dật”, trầm lặng và cống hiến âm thầm, bởi họ vốn sống rất dung dị. Chúng ta phải là người tìm thấy những “trí thức ẩn dật” này, mời họ làm chuyên gia và đôi khi phải tự đánh giá lại “cơ chế đã phù hợp hay chưa?", “làm thế nào để chiêu mộ được người tài?”.
Bởi lẽ, đối với một chuyên gia giỏi, sẽ không thể nào thu phục được bởi tài chính, mà chủ yếu là các vấn đề liên quan đến chính sách, có thể công nhận và ghi nhận công sức của họ đối với ngành giáo dục. Như vậy, quan trọng nhất vẫn là phải xây dựng chính sách và đưa ra bộ tiêu chí thật rõ ràng, công bằng, ghi nhận đúng người”.

Cũng theo nữ Hiệu trưởng, ở chiều ngược lại, có rất nhiều người tại các trường tư mong muốn làm chuyên gia và đóng góp xây dựng chính sách, nhưng đâu đó vẫn còn định kiến là “không thể vào công, thì mới vào tư” (kể cả ở học sinh lẫn giáo viên). Điều này đã tạo hệ quả khiến những người giỏi ở khối tư thục ít có cơ hội được đóng góp.
“Trên thực tế, ở môi trường giáo dục tư thục cũng rất nhiều người giỏi, nhưng cũng cần có những sự ghi nhận xứng đáng, thì mới có thể thu hút được họ tham gia đóng góp vào các chính sách” - cô Thúy bày tỏ.
Đề xuất có một “liên minh” giáo dục tư thục
Ngoài ra, Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy cũng đề xuất, thời gian tới, có thể xem xét thành lập Hiệp hội Các trường phổ thông tư thục, thông qua đó, “liên minh” các trường tư thục sẽ đóng góp vào chính sách với góc độ là tiếng nói xuất phát từ thực tế của nhiều trường, còn nếu chỉ tiếp cận trên góc độ của một nhà trường, thì vẫn là tiếng nói đơn lập, chỉ là “một trong những” mô hình giáo dục tư thục.
“Đặc biệt, hiện nay, giáo dục tư nhân cũng đang phát triển rất nhiều các loại hình khác nhau so với thời kỳ ban đầu. Vì vậy, theo tôi, rất cần thiết trong việc định nghĩa các loại mô hình giáo dục tư thục này, xây dựng các chính sách cụ thể của từng mô hình khi đưa vào các điều luật để khu trú hoạt động, từ đó đưa ra các tiêu chí đánh giá và tạo dựng uy tín trên trường quốc tế” - cô Thúy nhận định.