Tạp chí đã có bài viết phản ánh về một số vấn đề liên quan đến việc thu hút xã hội hóa lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Hà Nội:
- "Hà Nội: Tỉ lệ học sinh học tư thục chưa đạt mục tiêu, làm gì để tạo đột phá?"
- Lo ngại về tương lai của giáo dục tư thục ở Hà Nội nhìn từ việc tuyển sinh vào 10.
Theo một số chuyên gia, nhà đầu tư giáo dục, thực tế hiện nay, cán bộ, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đều xuất phát từ môi trường giáo dục công. Vì vậy, việc thực thi các chính sách, kế hoạch để trường tư phát triển bền vững, công bằng đang gây nhiều băn khoăn.
Có ý kiến đề xuất Hà Nội cần tiên phong thí điểm ký hợp đồng với các chuyên gia, doanh nhân làm nhiệm vụ của quản lý, lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo để có chính sách phát triển giáo dục tư thục mang tính kiến tạo, bền vững hơn.
Vừa qua, nhiều chuyên gia chia sẻ tới Tạp chí bày tỏ lo ngại với một số chính sách có thể sẽ ảnh hưởng đến tương lai phát triển ổn định của giáo dục tư thục tại thành phố Hà Nội. Đồng thời, với thực tế hiện nay, sẽ khó thu hút được xã hội hóa khi trường công bậc phổ thông cũng mở ra các dịch vụ chất lượng cao thu tiền. Trong khi đó, việc xây dựng trường công được đầu tư bằng ngân sách, nhiều chi phí của trường công cũng được Nhà nước đảm bảo. Điều này là không công bằng với trường tư thục, nơi mà nhà đầu tư phải bỏ vốn để xây trường, vận hành, đóng thuế...và được tính toán vào học phí của người học.
Trường công cũng dạy song bằng, mở lớp liên kết quốc tế…
Để làm rõ nội dung này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thống kê một số thông tin về các chương trình giáo dục hiện nay tại một số trường phổ thông công lập.
Theo thông báo tuyển sinh năm học 2025-2026, Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng áp dụng mức học phí dự kiến 5.500.000 đồng/tháng cho hệ tiêu chuẩn. Đối với những học sinh đăng ký học chương trình bổ sung nâng cao các môn theo sách giáo khoa của tiểu học Cambridge, nhà trường thu thêm 1.000.000 đồng/tháng/học sinh (tương đương tổng là 6.500.000 đồng/tháng).
Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 1 năm học 2025-2026, Trường Tiểu học Nam Từ Liêm dự kiến mức học phí theo quyết định của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội là 4.650.000 đồng/tháng cho hệ chất lượng cao và 5.700.000 đồng/tháng cho hệ Cambridge.
Trong khi đó, học phí hệ Cambridge tại các trường tư thục cao hơn rất nhiều. Có thể kể đến:
Trên website Trường Liên cấp Newton, hiện đang công khai học phí tiểu học như sau: Hệ Bán quốc tế: 73.000.000-75.000.000 đồng/năm (tương đương khoảng 7.300.000-7.500.000 đồng/tháng); Hệ Cambridge (Anh): 79.000.000-83.000.000 đồng/năm (tương đương khoảng 7.900.000-8.300.000 đồng/tháng); Hệ Song ngữ (Mỹ): 87.000.000-93.000.000 đồng/năm (tương đương khoảng 8.700.000-9.300.000 đồng/tháng).
Trường Tiểu học Nguyễn Siêu có mức học phí năm học 2025-2026 như sau:
Hệ đào tạo CI (Cambridge tiêu chuẩn) có học phí 105.000.000 đồng/năm. Hệ đào tạo CS (Cambridge chuyên sâu) có học phí 135.000.000 đồng/năm.
Học phí tiểu học ở Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Everest năm học 2025-2026 đối với hệ chất lượng cao Evy từ 60.000.000-64.000.000 đồng/năm (tùy khối lớp); còn hệ song ngữ Acadia21 có học phí là 98.000.000 đồng/năm.

Học phí tiểu học của Trường Alfred Nobel gồm: Đối với hệ chất lượng cao, học phí là 58.200.000 đồng/năm. Đối với hệ song ngữ Cambridge, học phí là 97.000.000 đồng/năm.

Ở bậc trung học cơ sở: Theo kế hoạch tuyển sinh lớp 6 năm học 2025-2026, Trường Trung học cơ sở Nam Từ Liêm dự kiến mức học phí đối với lớp chất lượng cao là 4.420.000 đồng/tháng (thu 9 tháng/năm học). Học phí các năm tiếp theo dự kiến tăng 10% so với năm học trước. Đối với lớp chất lượng cao hệ Cambridge: 5.780.000 đồng/tháng (thu 9 tháng/năm học, tương đương 52.020.000 đồng/năm). Học phí các năm tiếp theo dự kiến tăng 10% so với năm học trước.

Học phí bậc trung học cơ sở ở Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Everest năm học 2025-2026 đối với hệ chất lượng cao Evy từ 60.000.000-64.000.000 đồng/năm (tùy khối lớp); còn hệ song ngữ Acadia21 có học phí là 98.000.000 đồng/năm.
Đối với cấp trung học phổ thông, nhiều trường trung học phổ thông công lập cũng mở “dịch vụ” học tiếng Anh thông qua chương trình tiếng Anh tăng cường và liên kết quốc tế.

Tại thông báo thủ tục nhập học lớp 10 năm học 2025-2026 của Trường Trung học phổ thông Xuân Phương, có nội dung: Đối với Khối D (Toán, Văn, Anh), nhà trường có 02 lớp Tiếng Anh liên kết quốc tế (40 học sinh). Đối với khối A01 (Toán, Lý, Anh), nhà trường có 01 lớp Tiếng Anh liên kết quốc tế (40 học sinh).
Các lớp học này ngoài việc học chính khóa, sẽ học IELTS với giáo viên người nước ngoài. Thời lượng 06 tiết/tuần (2 buổi/tuần) với cam kết đầu ra tối thiểu 6.0 IELTS sau thời gian học 20 tháng.
Kinh phí học IELTS và các hoạt động trải nghiệm là 3.200.000 đồng/tháng.
Lớp học được đầu tư về cơ sở vật chất, có phòng học riêng trong suốt 3 năm học.

Theo thông báo tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026 của Trường Trung học phổ thông Đống Đa, nhà trường xây dựng 2 phương án, trong đó, có mô hình lớp phát triển theo năng lực và liên kết đào tạo IELTS (lớp liên kết quốc tế).
Học đầy đủ chương trình chính khóa của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Luyện thi IELTS: Giáo viên nước ngoài luyện IELTS 06 tiết/tuần, sĩ số mỗi lớp không quá 25 học sinh.
Đối với lớp liên kết quốc tế: 2.500.000 đồng/tháng/học sinh (bao gồm toàn bộ kinh phí học IELTS, hoạt động tham quan trải nghiệm và kỹ năng sống).
Ngoài ra, nhà trường còn có chương trình luyện thi SAT, dành cho học sinh lớp liên kết IELTS có nguyện vọng học chương trình luyện thi SAT. Sau bài Kiểm tra đánh giá IELTS lần 1 hoặc lần 2 của lớp 11 đến hết học kỳ I lớp 12 (Từ thời điểm học sinh đạt điểm IELTS 6.5 trở lên, học sinh sẽ dừng học IELTS và chuyển sang học SAT, nếu có nguyện vọng). Học phí SAT là 2.900.000 đồng/tháng.
Kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026 của Trường Trung học phổ thông Dương Xá cũng thông báo, nhà trường tổ chức tuyển sinh lớp Tiếng Anh quốc tế (quy mô lớp học từ 20-25 học sinh/lớp). Học sinh sẽ học trực tiếp tại Trường Trung học phổ thông Dương Xá. Mỗi học sinh được trang bị 1 tài khoản học IELTS bằng Smartcom AI chuyên biệt.
Thời lượng đào tạo IELTS kéo dài 4 học kỳ, mỗi học kỳ học 20 tuần, mỗi tuần học 6 tiết chia thành 2 buổi học. Mức thu: 2.200.000 đồng/tháng với khóa IELTS.
Theo Giới thiệu mô hình lớp tăng cường ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Trung dành cho học sinh lớp 10 năm học 2025-2026 của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ, học sinh sẽ học chính khóa theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào buổi chiều và học tăng cường lớp Tiếng Anh, Tiếng Trung vào buổi sáng.
Trong đó, với lớp mũi nhọn 10A1, 10D1: Học 6 tiết IELTS/tuần. Mức thu 2.200.000 đồng/tháng (chưa bao gồm lệ phí thi IELTS, phí hoạt động ngoại khóa và phí mua tài khoản Prep - bài tập về nhà, luyện tập và phòng thi ảo là 500.000 đồng/học kỳ).
Với lớp mũi nhọn 10A5, 10D5: Học 6 tiết tiếng Trung/tuần. Mức thu 1.000.000 đồng/tháng (chưa bao gồm lệ phí thi HSK, phí hoạt động ngoại khóa).
Tại các trường tư thục, mặc dù cung cấp các dịch vụ giáo dục tương tự, song, lại rất khó cạnh tranh về mặt mức thu từ người học.
Cụ thể, theo thông báo tuyển sinh lớp 6 năm học 2025-2026 của Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, nhà trường có 3 loại hình lớp học, cụ thể:
Lớp H (lớp chất lượng cao): Học đều các môn theo chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tăng số tiết Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh). Học phí 4.700.000 đồng/tháng.
Lớp E (lớp tăng cường Toán - Anh): Môn Toán và Tiếng Anh được học chuyên sâu định hướng thi vào lớp 10 chuyên, bên cạnh đó, học sinh được định hướng theo khoa học tự nhiên. Học phí cộng thêm 1.500.000 đồng/tháng (tương đương tổng là 6.200.000 đồng/tháng).
Lớp G (lớp tăng cường tiếng Anh): Môn Tiếng Anh học tăng cường: Tiếng Anh chuyên sâu với giáo viên nước ngoài và chương trình Tiếng Anh quốc tế do giáo viên nước ngoài giảng dạy. Học sinh được định hướng thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (TOEFL Junior và IELTS)…, đặc biệt môn Tiếng Anh học sinh được học chương trình luyện thi IELTS trong tiết chính khóa. Học phí cộng thêm 1.500.000 đồng/tháng (tương đương tổng là 6.200.000 đồng/tháng).
Với thông tin tại các khoản thu trung học phổ thông năm học 2025-2026 của Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, học phí cơ bản là 4.200.000 đồng/tháng. Học phí đóng thêm cho chương trình luyện thi là 2.000.000 đồng/tháng.
Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh cũng đang công khai thông tin tuyển sinh khối lớp 6 trên website, với học phí cơ bản là 5.000.000 đồng/tháng. Chương trình ngoại ngữ do giáo viên người nước ngoài dạy dao động từ 1.000.000-1.600.000 đồng/tháng. Phụ phí lớp năng khiếu, lớp chọn là 800.000 đồng/tháng.
Đối với thông tin tuyển sinh khối 10: Học phí cơ bản là 5.000.000 đồng/tháng. Học phí bán trú (tăng cường, bổ trợ các môn chuyên đề) là 1.700.000 đồng/tháng. Chương trình tin học văn phòng quốc tế chứng chỉ M.O.S là 300.000 đồng/tháng.

Có thể, thấy mức kinh phí/học phí mà các trường công lập thu với dịch vụ giáo dục chất lượng cao, chương trình liên kết có yếu tố nước ngoài đang thấp hơn nhiều so với trường tư thục. Một phần do các trường công lập vốn đã có nhiều lợi thế về nguồn lực đầu tư về đất đai, cơ sở vật chất được ngân sách đầu tư... Các chi phí chi cho người học sẽ không phụ thuộc hoàn toàn vào khoản học phí mà người học đóng.
Cùng với đó, từ năm học 2025-2026, khi áp dụng miễn học phí cho học sinh mầm non và phổ thông công lập và hỗ trợ cho học sinh tư thục thì trường công lập càng có nhiều ưu thế hơn, trong khi mức này tại trường tư thục lại giảm không đáng kể (về tỉ lệ). Điều đó đồng nghĩa, khoảng cách chi phí giữa “dịch vụ” giáo dục tại trường công và trường tư sẽ càng tăng lên. Các trường tư thục sẽ càng khó cạnh tranh bình đẳng.
Vẫn còn một số hạn chế khi triển khai mô hình trường chất lượng cao
Tại Báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện mô hình giáo dục chất lượng cao tại các cơ sở giáo dục của thành phố Hà Nội ngày 25/6 của Ban Văn hóa - Xã hội (Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội) cho thấy, đến thời điểm này, toàn thành phố có 22 trường mầm non, phổ thông được công nhận chất lượng cao, trong đó có 17 trường công lập (7 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 5 trường trung học cơ sở và 2 trường trung học phổ thông; 5 trường ngoài công lập (2 trường tiểu học, 3 trường liên cấp); về phân cấp quản lý có 6 trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo; 16 trường trực thuộc 7 quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông (cũ).
06 trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo bao gồm: Trường Mầm non Việt Triều Hữu nghị, Trường Mầm non B; Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - Đống Đa, Trường Trung học phổ thông Lê Lợi; Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm; 16 trường trên địa bàn và trực thuộc 7 quận gồm: Trường Mầm non 20/10, Trường Tiểu học Tràng An (Hoàn Kiếm); Trường Mầm non Việt - Bun (Hai Bà Trưng); Trường Mầm non Mai Dịch, Trường Tiểu học Nguyễn Siêu, Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy (Cầu Giấy); Trường Mầm non Đô thị Sài Đồng, Trường Mầm non Đô thị Việt Hưng, Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng, Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (Long Biên); Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Trường Tiểu học Nam Từ Liêm, Trường Trung học cơ sở Nam Từ Liêm (Nam Từ Liêm); Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (Hà Đông); Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ngôi Sao Hà Nội (Thanh Xuân).
Từ năm 2013 đến nay, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành 7 Nghị quyết quy định về cơ chế tài chính và học phí áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô. Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các văn bản quy định về các tiêu chí cụ thể áp dụng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao, xác định nhiệm vụ và chỉ tiêu xây dựng, phát triển trường chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn như:
Nhiều địa phương vẫn chưa xây dựng được trường chất lượng cao theo kế hoạch; chưa có cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể khuyến khích, thu hút cơ sở giáo dục ngoài công lập đăng ký, xây dựng mô hình trường chất lượng cao.
Trong khi đó, một số trường công lập chất lượng cao không duy trì được ưu thế, giảm sức hút; trong đó, 7/7 trường mầm non chất lượng cao đều có tỉ lệ tuyển sinh qua các năm thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô triển khai chương trình, việc đầu tư cơ sở vật chất, trả lương đội ngũ và duy trì các hoạt động nâng cao chất lượng.
Ngoài ra, một số trường chất lượng cao có sĩ số học sinh vượt quá quy định.
Nhiều trường bố trí số lượng giáo viên đứng lớp thấp hơn so với quy định tại Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ảnh hưởng đến khả năng tổ chức dạy học cũng như triển khai các hoạt động giáo dục ngoài chương trình chính khóa.
Cụ thể: Các trường bố trí giáo viên đứng lớp thấp hơn quy định: 7 trường mầm non công lập chất lượng cao. Trường Tiểu học Nam Từ Liêm (1,37 giáo viên/lớp); các trường: Trường Trung học cơ sở Nam Từ Liêm, Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân, Trường Trung học cơ sở Chu Văn An - Long Biên (bố trí 1,63-1,85 giáo viên/lớp); Trường Trung học phổ thông Lê Lợi (1,65 giáo viên/lớp).
Sau khi được đầu tư ban đầu và quá trình hoạt động, đến nay một số trường công lập chất lượng cao cơ sở vật chất xuống cấp, không còn ưu thế nổi trội, thậm chí không đồng bộ, hiện đại so với một số trường công lập đại trà được đầu tư mới.
Đến thời điểm báo cáo (25/6), nhiều trường vẫn triển khai chậm, chưa xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật làm căn cứ xác định mức thu học phí cho năm học 2025-2026 và những năm tiếp theo.
Những tồn tại trên cho thấy, mặc dù được chú trọng đầu tư, nhưng một số trường công lập chất lượng cao chưa đảm bảo những điều kiện, tiêu chí ban đầu được đưa ra trong vận hành. Mặt khác, một số địa phương chưa có chính sách phù hợp để thu hút cơ sở giáo dục ngoài công lập đăng ký, xây dựng mô hình trường chất lượng cao.
Bên cạnh đó, bức tranh tuyển sinh đầu cấp những năm gần đây cũng khiến các nhà đầu tư giáo dục có nhiều băn khoăn.
Gần đây nhất, ngay trong năm tuyển sinh 2025, tại Hà Nội đã có 70 trường trung học phổ thông công lập ở Hà Nội tăng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026, có trường tăng đến 180 chỉ tiêu so với năm học trước.
Thậm chí, có trường công lập còn lấy điểm trúng tuyển rất thấp, chỉ 3 điểm/môn.
Đáng chú ý, vào mùa tuyển sinh vào lớp 10 năm học trước, ngày 12/7/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có văn bản số 1738/QĐ-SGDĐT quyết định điểm chuẩn trúng tuyển bổ sung vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2024-2025. Theo đó, 60 trường công lập không chuyên được tuyển bổ sung, trong đó có 2 trường tuyển tràn tuyến.
Một số chuyên gia nhận định, đây có thể là yếu tố khiến học sinh đã đăng ký học trường tư bất ngờ rút hồ sơ để quay lại trường công. Điều này khiến trường tư rơi vào thế khó trong tuyển sinh, trong khi đó, họ phải đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, không sử dụng ngân sách Nhà nước. [1]
Vấn đề đặt ra, phải làm sao phát triển cân bằng cả hai “cánh” của hệ thống giáo dục: giáo dục công lập và giáo dục tư thục để giáo dục và đào tạo phát triển bền vững. Ngân sách tập trung đảm bảo các dịch vụ giáo dục cơ bản, các dịch vụ chất lượng cao nên để cho tư nhân. Điều này sẽ giảm áp lực lên ngân sách nhà nước và phù hợp chủ trương "những gì tư nhân làm tốt thì Nhà nước nên tạo điều kiện cho tư nhân làm".
Bảo đảm kinh tế tư nhân cạnh tranh bình đẳng trong tiếp cận cơ hội
Trước đó, tại bài viết “Hệ thống giáo dục tư thục có nhiều đóng góp nhưng chưa được ghi nhận xứng đáng” đăng tải ngày 12/5/2025 trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, từng đưa ý kiến phỏng vấn Tiến sĩ Trịnh Ngọc Thạch - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội) về vấn đề này.
Cụ thể, Tiến sĩ Trịnh Ngọc Thạch nhấn mạnh, trên thực tế, giáo dục tư thục vẫn chưa được coi trọng một cách đúng mức, do đó hệ thống tư thục chưa khai thác được hết tiềm năng to lớn của mình. Theo đó, Nhà nước cần “mở đường” cho hệ thống giáo dục tư thục phát triển mạnh hơn nữa.
Đặc biệt, theo quan điểm chỉ đạo mới đây của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó hệ thống giáo dục tư thục cũng là một bộ phận của kinh tế tư nhân. [2]
Trước đó, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân nêu một trong những quan điểm chỉ đạo quan trọng: “Xoá bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam; đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước; nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân, xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế; bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, được tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm; tạo dựng, củng cố niềm tin giữa Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và doanh nhân; bảo đảm kinh tế tư nhân cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực hợp pháp khác của đất nước theo quy định của pháp luật...”.
Cũng từ sự “gợi mở” này, cùng với quy định mới trong Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Hà Nội nên xem xét sớm triển khai thí điểm ký hợp đồng với các chuyên gia, doanh nhân làm nhiệm vụ của quản lý, lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo để có thể nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển giáo dục tư thục sát thực tiễn và mang tính kiến tạo, bền vững hơn.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/lo-ngai-ve-tuong-lai-cua-giao-duc-tu-thuc-o-ha-noi-nhin-tu-viec-tuyen-sinh-vao-10-post252808.gd
[2]https://giaoduc.net.vn/he-thong-giao-duc-tu-thuc-co-nhieu-dong-gop-nhung-chua-duoc-ghi-nhan-xung-dang-post250792.gd