Câu chuyện lan nhanh như cơn gió từ làng này sang làng khác, từ huyện này sang huyện kia, đến nỗi mỗi khi bình minh của ngày mới bắt đầu, người ta lại hỏi nhau không biết hai cụ đã được về ở cùng nhau chưa?
Bà mẹ vĩ đại
Chúng tôi tìm đến Ấp Chợ, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre vào một buổi trưa nắng gắt. Cái ấp Chợ thường ngày luôn yên ả nhưng mấy hôm nay nóng lên như sắp có núi lửa phun trào. Bởi lẽ từ khi cha sinh mẹ đẻ đến nay, người ta mới nghe một câu chuyện hết sức lạ lùng là hai cụ già đã gần đất xa trời rồi vẫn đòi kết hôn với nhau.
Chẳng khó khăn gì khi hỏi nhà của cụ Nguyễn Thị Vinh, người dân ở đây thường gọi cụ là “Mụ Bảy”. Lý giải cho cái tên đệm Mụ là trước đây cụ làm nghề bà đỡ. Khi chúng tôi đến thì cụ Vinh đang ngủ trong nhà, cụ lãng tai nên chúng tôi gọi mãi cụ mới chống gậy ra mở cửa. Cụ hỏi chúng tôi là con cái nhà ai. Khi được giới thiệu là nhà báo, cụ vui vẻ tiếp chuyện và còn hóm hỉnh một cách rất thời cuộc: “Con viết về Bảy, mai báo mà ra thì không đủ mà bán, vì người ta đọc thấy cụ bà 91 tuổi mà đòi lấy chồng chỉ làm trò cười cho thiên hạ thôi. Nhưng Bảy kệ, ai nói gì thì nói, mình có làm gì sai trái đâu mà mình lo, phải không con?”.
Câu nói của cụ làm chúng tôi cực kỳ ngạc nhiên và thú vị. Trước khi đến đây tôi cứ nghĩ ở tuổi cụ chắc cũng không còn minh mẫn nữa, nhưng trò chuyện với cụ, chúng tôi nhận ra rằng, cụ vẫn còn sáng suốt và tràn đầy sức sống. Cụ kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình như một cuốn phim quay chậm, và cụ nhớ chính xác đến từng chi tiết về cuộc đời mình.
Cụ Vinh vẫn còn minh mẫn, trông trẻ hơn tuổi 91 nhưng con cháu cho rằng cụ lú lẫn |
Cụ già 74 tuổi “sống trong sợ hãi“ vì bị cháu họ cuồng dâm
Hà Nội: 40 hãng taxi đồng loạt tăng giá cước
Khách Tây "hãi hùng" rượu mãng xà, tinh hoàn gấu chỉ có ở Việt Nam
Mất chồng, một mình nuôi con, không nghề nghiệp, nỗi đau chồng lên nỗi đau khi ba mẹ cụ cũng lần lượt qua đời. Lúc đó cụ Vinh cứ nghĩ mãi về cái nghề y, bởi giá như cái vùng cụ ở có một cái bệnh viện hay trạm xá thì ít nhất là cứu giúp những đứa trẻ mới chào đời. Nghĩ thế, cụ gửi con cho mẹ chồng rồi đi học nghề y, vừa học cụ vừa thực hành luôn trong ấp.
Ngày đó, theo cụ kể thì vùng ấp Chợ này toàn kênh rạch chẳng chịt, cái dòng sông Phú Phụng quanh năm nước ngập không có cầu như bây giờ, đi lại cực kỳ khó khăn. Học nghề xong, cụ Vinh quyết định về dựng mấy cái chòi gần nhà để đỡ đẻ cho người dân. Chiến tranh ác liệt, trạm xá và bệnh viện quá xa nên mang tiếng là bà mụ nhưng cô y tá Vinh ngoài việc đỡ đẻ còn nhận thêm những bệnh nhân bị bệnh nhẹ như cảm cúm, chảy máu ngoài da…
Dù chỉ có mấy phòng nhỏ nhưng bệnh nhân lúc nào cũng chật cứng. Cụ Vinh còn sắm thêm một chiếc xuồng gọi là phương tiện đi lại cho những bệnh nhân nghèo ở xa. Nếu bệnh nhân nào mà không có tiền thì cụ sẽ chữa trị miễn phí, đôi khi còn cho người ta thêm tiền.
Cụ còn nhớ như in một kỷ niệm khó quên là năm 1972, trong một đêm mưa gió, có người đàn bà vác bụng bầu to tướng đến phòng khám của cụ khóc tấm tức vì đau bụng đẻ mà không có ai đi cùng. Cụ Vinh nhanh chóng đưa lên bàn sinh, chừng chưa đầy nửa tiếng thì một bé gái xinh xắn chào đời, cụ bế đứa bé trên tay và giao lại cho người mẹ, nhưng kỳ lạ thay người mẹ ấy không đón nhận thiên thần của mình với nụ cười như bao bà mẹ khác, chỉ quay mặt vào tường và khóc. Cụ Vinh thấy thế sợ cô gái tủi thân nên không dám hỏi nhiều, ngày ngày nấu cơm chăm sóc hai mẹ con, nhưng chỉ được 2 ngày sau thì người mẹ đã bỏ đứa bé ở lại và đi mất tăm. Từ đó đến nay đã hơn 40 năm trôi qua, đứa bé ngày xưa giờ được đặt tên là Nguyễn Thị Thảo L. Nhưng L. cũng không phải là đứa con gái duy nhất cụ Vinh nhận làm con, sau này cũng có những người sinh ra vì trăm ngàn lý do mà để lại tất thảy 11 đứa bé cho cụ nuôi.
Ngày đó một mình phụ trách phòng bệnh, vì toàn chữa bệnh cho dân nghèo nên không kiếm được nhiều tiền, lại nuôi cả con ruột lẫn con nuôi là 12 đứa nên cụ không có giờ nào được nghỉ ngơi. Sáng dậy từ 4 giờ bắc nồi cháo nấu cho các con và bệnh nhân, rồi đến giờ khám bệnh, trưa lại nấu ăn. Cứ thế khi xong việc của một ngày, đặt lưng xuống giường có khi đã gần sang ngày mới. Cụ kể, có những khi lên tỉnh mua thuốc, cụ đói lả người mà không dám lấy tiền ra mua một bát cháo cho đỡ đói lòng, vì sợ không đủ tiền nuôi mười mấy đứa con.
Giờ các con đều có gia đình và ra ở riêng, có những người ở rất xa. Chị Thanh V (con đẻ cụ) cũng theo chồng về Trà Vinh sinh sống, cụ một mình trong căn nhà không rộng nhưng lại quá bao la với thân già cô đơn.
Tình yêu sóng gió
Cụ Vinh tâm sự với chúng tôi rằng, 43 năm trôi qua kể từ ngày cụ Tam bỏ cụ ra đi, cụ luôn đau đáu nhớ thương chồng và một lòng một dạ nuôi con. Tuy có nhiều người đàn ông đặt vấn đề, nhưng tình yêu dành cho chồng và những đứa con cùng công việc đã không cho cụ sống vì bản thân mình. Gần cả cuộc đời, cụ đã trải qua bao vất vả khó khăn để nuôi con khôn lớn, mong hạnh phúc và bình yên là cụ vui rồi. Cụ cũng không thể ngờ rằng có một ngày mình lại mệt mỏi và cô đơn khủng khiếp như thế, ăn một mình, ngủ một mình. Nhiều đêm mất ngủ, cụ nhìn chăm chăm lên trần nhà và bắt đầu hoảng sợ, sự lạnh giá cô đơn tràn ngập lòng mình, lúc đó cụ chỉ ước mong có ai đó bên cạnh, dù chỉ nói với nhau đôi ba câu chuyện để lòng vơi bớt nỗi tủi buồn.
Rồi cách đây nửa năm, trong một lần đi lễ nhà thờ, như thể “duyên thiên định”, cụ Vinh gặp lại cụ T – người bạn ngày xưa, mấy chục năm rồi mới gặp lại. Cụ T vừa mất vợ gần một năm, nên từ đó hai người hay chuyện trò và tình yêu đã đến. Cụ T rất muốn về ở với cụ, nhưng vì hai người theo đạo công giáo nên không thể về ở với nhau khi chưa làm lễ. Ngày 18/3 vừa qua, hai cụ đã đến nhà thờ làm lễ nhưng các con bên gia đình cụ T chưa thực sự thuận lòng. Nói đến đây, cụ Vinh khóc như một đứa trẻ, cụ hỏi chúng tôi là như thế có quá đáng không, tại sao con cái không cho cụ lấy chồng, chúng có ở được với cụ đâu. Một bên mất vợ, một bên mất chồng, hai người có quyền đến với nhau chứ?
Cụ Vinh nằm đổ bệnh không ăn uống được, cụ nói với chúng tôi rằng, tối hôm trước cụ định tự tử vì sống từng này tuổi đầu rồi, lo cho con cái vuông tròn, giờ chỉ có một nguyện vọng muốn bên người bạn để thủ thỉ với nhau lúc xế chiều cũng không được, cuộc sống như thế còn có ý nghĩa gì nữa. Rất may, khi cụ đi mua thuốc để tự tử ông K hàng xóm phát hiện ra đã đưa cụ về và khuyên cụ đừng dại dột quyên sinh, hãy cứ vui vẻ mà sống. Ông K và nhiều người đều ủng hộ tình cảm của cụ.
Được sự động viên của ông K, cụ mừng lắm nên sáng ra, cụ bắt xe ôm sang nhà cụ T. Gặp nhau, hai cụ mừng mừng, tủi tủi. “Bây chừ tụi nó lộn xộn thế (ý nói là con cháu không cho hai cụ tổ chức đám cưới – PV) anh định tiến tới hay lui?”. Cụ Vinh hỏi người yêu. “Anh sẽ cưới em, phải tới chớ không lui gì hết ráo, chờ vài hôm nữa mình sẽ lại đến nhà thờ và bây giờ không đứa nào ngăn được mình nữa”, cụ T quả quyết.
Cụ Vinh vui vẻ và khỏe khoắn. Trước khi chúng tôi ra về, cụ còn khoe cái nhẫn vàng ở ngón tay mà cụ T mua để làm nhẫn đính hôn. “Cái nhẫn này hôm nào sang nhà thờ làm lễ đấy, cũng gần đến ngày lễ phục sinh rồi, nhất định tôi sẽ được ở bên ông ấy”, cụ Vinh nói.
Khi chúng tôi tìm đến nhà cụ T thì thấy cụ ngồi nhìn ra ngoài sân với ánh mắt buồn bã. Chưa kịp chào hỏi gì, chúng tôi đã bị một người đàn ông chừng 40 tuổi chạy ra nói lớn: “Nhà báo hả, ở đây không tiếp nhà báo”. Tôi nói chỉ muốn xác minh đúng là có việc cụ T muốn kết hôn với cụ Vinh không, người đàn ông đó dịu giọng xuống: “Tôi không muốn nói gì hết, cũng không xác nhận hay từ chối, còn nhà báo muốn lấy thông tin đâu viết thì cứ viết”.