Tôi gặp Trần Thị Tâm (SN 1973, quê TP Vinh, Nghệ An) tại trại giam số 6 - Bộ Công an (đóng tại xã Hạnh Lâm, Thanh Chương, Nghệ An), khi Tâm đã thụ án được 15 năm. Người đàn bà đã từng bị kết án tử hình dường như đã tĩnh tâm trở lại và lạc quan hơn. Thị rất hay cười và dường như đẹp hơn thời điểm bị bắt rất nhiều.
Thị khoe, ở trại thị được Ban giám thị giao nhiệm vụ trực buồng, giữ trật tự trong buồng giam. “Em đã được giảm án một lần rồi, giảm được 10 tháng, thế là thoát án chung thân rồi. Giờ em đang cố gắng để có trong danh sách giảm án vào dịp 30/4 tới để được sớm trở về với con em”.
May mắn thoát khỏi án tử hình và qua một lần giảm án, Trần Thị Tâm có quyền mơ đến ngày trở về |
Sống trong gia đình ma túy, nhưng Trần Thị Tâm vẫn giữ được mình trước cảm dỗ của thứ hàng siêu lợi nhuận này. Lấy chồng, sinh con nhưng trời không chiều lòng người, gã chồng vô tích sự chỉ biết cờ bạc. Khi gã bị kết án 6 tháng tù về tội đánh bạc cũng là khi đứa con đầu lòng ra đời. Khó khăn, bế tắc, thị đã nhắm mắt đưa chân, “tiếp nối truyền thống” của gia đình.
Nhớ lại chuyến hàng cuối cùng bị bắt, Trần Thị Tâm kể: “Đó là một đêm mùa đông năm 1997, chỉ còn một tuần nữa là chồng em hết thời hạn cải tạo. Đêm hôm ấy, được sự chỉ đạo từ trước, em đến đón và chở Nguyễn Thị Thu Hà (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đi nhận hàng. Nhiệm vụ của 2 đứa em là vào khách sạn ở Vinh nhận 2 bánh heroin của một người đàn ông rồi vận chuyển ra Bắc. Vừa nhận xong hàng thì công an ập vào…”.
Những ngày trong trại tạm giam, nhìn vào những “tấm gương” của anh, em trai, Tâm biết mình không còn đường về. Thế nhưng đứa con thơ dại đã thôi thúc ước muốn được sống của Tâm. Thị cuống cuồng làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng tòa phúc thẩm quyết định giữ nguyên mức án tử hình đối với Trần Thị Tâm và Nguyễn Thị Thu Hà. Thị viết đơn xin Chủ tịch nước ân xã nhưng không được chấp nhận.
“Những ngày nằm trong phòng biệt giam để đợi thi hành án là những ngày khủng khiếp nhất trong cuộc đời em. Đêm nào cũng không dám ngủ vì sợ sẽ bị gọi dậy để trả án. Một bữa gần sáng, em thực sự hoảng loạn sợ hãi khi vừa thiu thiu ngủ thì nghe tiếng khóc não ruột của Hà ở phòng biệt giam kế bên. Đó là ngày cuối cùng của cô ấy ở dương gian. Em biết, ngày trả án của mình cũng không còn bao xa nữa”, Tâm kể tiếp.
Thế nhưng, đến năm 1999, nghĩa là sau hơn 2 năm thấp thỏm chờ đợi cái án tử hình, Tâm vẫn không có lệnh thi hành án. Đó cũng là thời điểm Bộ luật Hình sự đã có sự điều chỉnh, không thi hành án tử hình đối với phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Khi đó, con trai của Tâm chưa tròn 3 tuổi. Từ án tử hình, Trần Thị Tâm được giảm xuống chung thân. Sau một thời gian thụ án tại trại 5 (Thanh Hóa), Tâm được chuyển về Trại 6 này.
Được sống, đối với Tâm đó là món quà lớn nhất mà đứa con trai ban tặng cho mình. Chính thằng bé cũng là động lực để Tâm phấn đấu cải tạo thật tốt, để có cơ hội được trở về xã hội. Vừa ra đời, nó chỉ cảm nhận được tình yêu của mẹ vì cha lúc đó đang thụ án trong trại giam. 8 tháng tuổi, nó phải quên dòng sữa ngọt ngào của mẹ. Năm 2005, bố mẹ chính thức ly dị, thằng bé chuyển qua sống cùng dì út - người duy nhất trong gia đình không bị cuốn vào cơn lốc ma túy. Thỉnh thoảng, nó bắt xe đò lên trại thăm và động viên mẹ.
Qua lần giảm án 10 tháng tù, Trần Thị Tâm thoát án chung thân và có quyền mơ về ngày trở về bên đứa con trai duy nhất: “Có cha, có mẹ mà con em phải nương nhờ ở đậu người khác. Em làm khổ con nhưng chính con lại cứu em thoát khỏi cái chết. Giờ thì em phải sống, sống thật tốt để sau này còn có cơ hội trở về bù đắp cho con”.
Điểm nóng |
|
Phụ nữ chết thảm vì áp vong: Chủ tịch xã tin có hiện tượng vong nhập |
|
Nghệ An: Kinh hoàng người đàn ông chết trong tình trạng bị mổ bụng |