Tại Đại hội Hiệp hội trường đại học, cao đẳng ngoài công lập nhiệm kỳ II (2012 – 2017) diễn ra sáng nay ngày 20/4 ở ĐH Dân lập Thăng Long, nhiều ý kiến lãnh đạo các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) cho rằng: cần có một quy định mới về đất đai, cần thoái thuế và phải có quy chế công bằng với sinh viên trường NCL.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Tại buổi họp báo ngày 19/4, GS Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội nêu ra vấn đề: “Hiện nay, Nhà nước đang chi trả tới 70% học phí cho các trường công lập, vì vậy sự lựa chọn đầu tiên của thí sinh sẽ là nhóm trường này, trong khi đó các trường ngoài công lập phải bỏ mọi chi phí xây dựng, đào tạo thì không hề được hỗ trợ điều này. Như vậy, chúng ta thấy có sự không công bằng ở đây. Các sinh viên đều là công dân của đất nước này, họ được điều chỉnh bởi một hệ thống pháp luật chung, nhưng sinh viên học trường tư thục, dân lập lại bị thiệt thòi so với sinh viên học trường công lập”.
Nhiều ý kiến cho rằng các trường ĐH, CĐ NCL đang phải gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tuyển sinh, đào tạo. Ông Trương Đức Huy - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Dân lập Lương Thế Vinh (Nam Định) bày tỏ: “Chúng tôi không được nhà nước hỗ trợ học phí cho sinh viên mà còn phải đóng thuế đào tạo, thuế xây dựng… Và trong quy chế của Bộ quy định mỗi SV trường NCL phải có 25 m2 đất. Điều ấy là khó có thể thực hiện được, ngay cả các trường công lập cũng chưa thực hiện được như vậy”.
Ông Trương Đức Huy - Chủ tịch HĐQT ĐHDL Lương Thế Vinh |
Một vấn đề nữa là các trường NCL việc quy định về cán bộ cơ hữu, đội ngũ giảng viên. Theo ông Huy thì nhà trường phải tự tìm giảng viên, tự thỏa thuận 100%, trong khi đó trường công lập được phân bổ. “Có nên chăng cần điều chỉnh tỷ lệ giáo viên của các trường có trình độ thạc sỹ chỉ dưới 50 % ở các trường NCL?”, ông Tĩnh bày tỏ.
Theo Quyết định 63/2011/QĐ-TTg của Chính phủ về tổ chức và hoạt động tư thục thì một trong những tiêu chí bắt buộc để các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tuyển sinh là phải đảm bảo diện tích đất đai so với số lượng đào tạo.
Ông Nguyễn Thanh Tĩnh - Chủ tịch HĐQT ĐH Đông Đô bày tỏ về những khó khăn: “Năm 2012 trường chúng tôi không được phép tuyển sinh vì thiếu quỹ đất. Hiện nay chúng tôi phải đi thuê đất để đào tạo. Năm 2004, Thành phố Hà Nội đã cấp 18000 m2 đất tại xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm. Tuy nhiên, sau đó, Công ty Giống cây trồng thuộc Bộ Y tế cho rằng trước đây họ đã xây dựng khu đất này. Vì thế đến nay, Trường ĐH Đông Đô không thể khởi công xây dựng”.
Ông Nguyễn Thanh Tĩnh - Chủ tịch HĐQT ĐH Đông Đô |
Bên cạnh đó, Ông Nguyễn Đình Ngộ - Hiệu trưởng Trường ĐH DL Phú Xuân, Huế cho rằng vấn đề hợp tác quốc tế, chương trình tiên tiến của các trường NCL cũng nên được quan tâm, đối xử công bằng. Bản thân sinh viên còn gặp nhiều khó khăn như học phí rất cao, vay vốn tín dụng chưa được mở rộng nhiều để giúp các em nghèo. “Chúng tôi đồng ý nộp thuế, nhưng tại sao nhà nước không hỗ trợ thoái thuế để chúng tôi đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, đổi mới cán bộ giáo viên và hỗ trợ sinh viên? Trường NCL có phải một doanh nghiệp hay không thì phải xem xét”, ông Ngộ nhấn mạnh.
Cần công bằng giữa sinh viên công lập và ngoài công lập
Từ những khó khăn đang gặp phải, lãnh đạo của các trường NCL thông qua đại hội để kiến nghị các cấp Bộ, Nhà nước với mong muốn thay đổi và tạo điều kiện cho các trường NCL thuận tiện hơn trong công tác đào tạo.
“Nên có những văn bản pháp quy cụ thể, càng cụ thể càng tốt một số vấn đề hỗ trợ đất đai bởi 25 m2 cho một sinh viên trường công lập đã khó, ngoài công lập lại càng khó hơn. Cần có hướng dẫn quyết định chuyển tư thục cụ thể, ai là người chịu trách nhiệm?”, Hiệu trưởng Trưởng ĐH DL Phú Xuân nói.
Ông Nguyễn Đình Ngộ - Hiệu trưởng ĐH Phú Xuân |
Đại diện Trường ĐH DL Đông Đô chia sẻ: “Chúng tôi không yêu cầu Nhà nước phải đầu tư hoàn toàn cho các trường NCL, nhưng cũng phải tạo điều kiện tốt hơn để chúng tôi tập trung đào tạo. Sự hỗ trợ của Nhà nước bằng những nguồn khác nhau như miễn thuế, sinh viên nghiên cứu khoa học được hỗ trợ kinh phí… hỗ trợ chính sách đất đai phải rõ ràng, giáo dục cần được giao đất sạch”.
Ông Tĩnh cũng khẳng định rằng chất lượng đào tạo của các trường NCL không quá kém so với các trường ĐH ở tốp giữa, minh chứng rõ nhất là 80 – 90% sinh viên ra trường kiếm được việc làm luôn. Hiện nay, trường đang chuyển đổi mô hình tư thục, kêu gọi các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của lãnh đạo các trường nhất trí rằng, điểm tuyển sinh của các trường NCL phải có ngưỡng nhất định để đảm bảo chất lượng đào tạo. “Giao tự chủ thấp điểm vẫn lấy là không hợp lý. Không phải chúng tôi 'vơ bèo vạt tép' để thu lợi nhuận, nhiều trường NCL lấy 10 điểm là không chấp nhận được”, ông Trương Đức Huy bày tỏ.
Trong Đại hội sáng nay 20/04, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các trường NCL nói chung và các trường ĐH, CĐ NCL nói riêng phát triển, kiện toàn về mọi mặt.
ĐIỂM NÓNG