Người đương thời Đỗ Việt Khoa:

Người đương thời Đỗ Việt Khoa bàn về vụ "học trò cãi thầy"

25/04/2012 12:50
Thu Hòe (thực hiện)
(GDVN) - Vụ việc này xảy ra ở cấp đại học đã là chuyện lạ và càng trở nên "hiếm lạ" khi nó đã xảy ra ở cấp sau đại học, xảy ra ở học viên là một thầy giáo mà lại là thầy giáo của  một trường cao đẳng lớn...
Clip “khẩu chiến” giữa học viên cao học Trần Lê Công và PGS. TS Vũ Văn Yêm, ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục khiến dư luận xã hội quan tâm. Hành động của học viên Trần Lê Công không chỉ khiến dư luận khó chấp nhận và lượng thứ mà những người “đồng nghiệp” cũng không tìm ra được lý do nào để “châm trước” cho hành động này.

Để tiếp tục cung cấp đến độc giả những ý kiến, phân tích, đánh giá, quan điểm của những nhà giáo nổi tiếng, những nhà quản lý giáo dục hàng đầu về vấn đề này, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với “người đương thời” Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường THPT Thường Tín (Hà Nội) - một giáo viên nổi tiếng về chống tiêu cực trong giáo dục.
Người đương thời - Đỗ Việt Khoa (Ảnh Tùng Linh)
Người đương thời - Đỗ Việt Khoa (Ảnh Tùng Linh)

- Thưa ông, những ngày gần đây, báo chí rầm rộ đăng tải về vụ việc học viên cao học Trần Lê Công bật lại thầy giáo, lớn tiếng cãi nhau tay đôi với thầy giáo trước sự chứng kiến của tất cả các học viên trong lớp. Trên quan điểm của một nhà giáo, ông có quan điểm thế nào?

Những vụ việc trong ngành giáo dục tôi đều theo dõi, do đó tôi biết vụ việc này ngay khi báo chí bắt đầu đăng tải... Chuyện học sinh bật" lại thầy giáo, cãi nhau tay đôi với thầy, cô giáo thậm chí là học sinh đánh thầy (và ngược lại) là chuyện không lạ đối với giáo dục ở cấp phổ thông hiện nay. Nhưng vụ việc này xảy ra ở cấp đại học là chuyện lạ và càng trở nên hiếm lạ khi nó đã xảy ra ở cấp sau đại học, xảy ra ở học viên là một thầy giáo mà lại là thầy giáo của  một trường cao đẳng lớn.

PGS. Văn Như Cương:

PGS. Văn Như Cương: "Cãi nhau tay đôi với thầy là vô giáo dục"

Đạo nghĩa thầy trò nay còn không?

Đạo nghĩa thầy trò nay còn không?

Sực việc này đã cung cấp thêm một bằng chứng, chứng tỏ đạo đức học đường ngày càng đi xuống, đi xuống đến đáng lo ngại, nhất là từ phía người thầy.

Thời gian 2 năm qua, chúng ta thấy những chuyện xấu của nhà giáo là vô số, từ ăn tiền đi thầy ở bậc sau phổ thông; ép học sinh học thêm để kiếm tiền; gian lận, làm ngơ trong thi cử; hút thuốc nơi công cộng; có mùi bia rượu khi lên lớp; nói tục chửi bậy khi đứng lớp; xúc phạm học sinh gây bức xúc khiến các em tự tử; đánh chửi lẫn nhau và cả những vụ hình sự như lừa đảo tham nhũng, ma túy, dâm ô trẻ em, xã hội đen, giết người…

Bài học cảnh tỉnh đầy ra đấy nhưng nhiều nhà giáo không tự sửa mình.

Vụ việc học viên Trần Lê Công lớn tiếng cãi nhau tay đôi với thầy giáo ở Trường ĐH Bách Khoa, người ta đổ lỗi do rượu nên không kiềm chế được hành vi và vin vào lý do đó để được tha thứ, được dư luận rộng lượng... Nhưng theo tôi, rượu chỉ là tác nhân làm phát lộ cái bản chất thật trong hành vi của con người.

Cách xử lý tình huống sư phạm của học viên Trần Lê Công và cũng là một người thầy trong vụ này là chưa được.

- Qua sự việc này, ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ thầy trò trong xã hội hiện đại ngày nay?

Đại đa số thì thầy vẫn ra thầy và trò vẫn ra trò. Chuyện xấu chỉ xảy ra lẻ tẻ ở nơi này hay nơi khác và tùy thời điểm. Nhưng do yếu tố tiền bạc và lợi ích cục bộ, do đạo đức xã hội nói chung thì gần đây chuyện xấu nó đang nhiều lên nhanh chóng.

Nhiều nơi trở thành chỗ bán chữ giá cao, bán bằng giá cao. Cộng với vô vàn cái xấu nhiễm vào khiến truyền thống “tôn sư trọng đạo” mất mát dần.

- Từ sự việc này bàn rộng ra về hiện tượng giáo viên đánh học sinh, học sinh đánh giáo viên xảy ra liên tiếp như một hồi chuông báo động và cảnh tỉnh với xã hội. Phải chăng mối quan hệ thầy trò trong xã hội hiện đại ngày càng bất ổn? Sự thoải mai, tự do, bình đẳng, thoáng quá mức khiến trò không còn tôn trong người thầy của mình là nguyên ngân dẫn đến tình trạng đau lòng nói trên?

Tôi kể chuyện này chỗ tôi: Ngày khai trường một học sinh vì vục nước lọc ở  máy lọc lên đầu để hạ nhiệt do quá nóng, một thầy giáo dạy thể dục trông thấy đã túm lấy cổ của học sinh đó đấm, đá túi bụi luôn. Học sinh phản ứng lại. Thầy lôi trò vào phòng chốt cửa lại và lên gối liên tiếp. Sở Giáo dục không giải quyết. Báo chí không đăng tải. Ai biết đâu? Nhà trường vẫn trong sạch đấy chứ?

Vụ trường Bách Khoa nếu không có bạn sinh viên nào đó quay lại thì ai biết?

Rất nhiều vụ việc như thế thậm chí còn nghiêm trọng hơn thế mà mấy ai biết, mấy ai tin khi nghe người trong cuộc trần tình đâu. Gần đây có vô số câu chuyện bạo lực học đường như vậy.

Nguyên nhân thì có nhiều. Trước hết là lỗi ở chính người thầy. Người thầy cư xử tốt, hết lòng vì học trò thì tôi tin chẳng có chuyện gì.

- Ông có thể chia sẻ một vài những kỷ niệm về những trường hợp học sinh cá biệt và những ứng xử của thầy với những học sinh cá biết đó trong cuộc đời dạy học của mình ?

Tôi thì chưa bao giờ gặp phải, nhưng đồng nghiệp trong trường gặp phải chuyện này nhiều rồi. Mỗi người một cách xử lý, nhưng nhiều khi đến khâu cuối là nhà trường thì có cách xử lý khác thường. Ở trường THPT Vân Tảo (Thường Tín – Hà Nội), học sinh chỉ cần không hát quốc ca là đình chỉ một tuần. Mang máy ảnh đến trường ngày khai giảng là bị tịch thu và đình chỉ một tuần. Tát nhau một cái ngoài đường là bị đuổi học một năm, làm vỡ thùng rác phải đền gấp đôi rồi bị đuổi học một năm….

Có năm, trường có tới hơn 100 học sinh bị đình chỉ học. Như vậy có lẽ là kỷ lục cấp quốc gia. Lãnh đạo Sở giáo dục biết cả đấy nhưng…kệ. Kinh nghiệm xương máu đó, ai muốn thì về đây mà học hỏi kinh nghiệm.

Tất nhiên là tôi phản đối lối hành xử như vậy. Chuyện trường Bách Khoa đuổi học vĩnh viễn học viên Công, tôi cũng phản đối.

- Vậy theo ông, chúng ta cần có những cách thức riêng biệt như thế nào để giáo dục học trò cá biệt?

Ở bậc phổ thông, đa số học sinh chưa trưởng thành, rất bồng bột. Có học sinh cá biệt còn vì thân thể em, tâm sinh lý của em đó bất thường. Mình phải gần gũi tìm hiểu, phải răn dạy các em. Đừng đòi hỏi học sinh đến trường là phải ngoan ngay. Trẻ chưa ngoan càng phải dạy.

Cuối cùng nếu phải dùng đến kỷ luật thì phải có tính giáo dục, phải đúng luật, làm cho các em tâm phục khẩu phục… Khẩu hiệu “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” cho thấy chúng ta không được quên 2 vế sau: Tình thương, trách nhiệm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định trình tự kỷ luật học sinh: Nhắc nhở- cảnh cáo- mời phụ huynh- đình chỉ một tuần - đình chỉ một năm. Cứ thế mà làm. Vừa rồi có rất nhiều trường không thực hiện đúng quy trình này.

Tôi luôn tâm niệm rằng: Người thầy hết lòng vì học trò, khỏi lo gặp học trò cá biệt.

Trân trọng cảm ơn ông!


Thu Hòe (thực hiện)