Chuyên gia giám định "mổ phanh" kết luận nguyên nhân cháy, nổ xe

28/04/2012 06:54
Tuệ Minh
(GDVN) - “Nguyên nhân của việc xe cháy do các bộ công bố có 5 yếu tố. Nhưng tôi e rằng là chưa hết, chưa giải thích được toàn bộ các vụ cháy”.
LTS: Sau khi liên bộ công bố những kết quả ban đầu về nguyên nhân gây cháy, nổ xe máy, ô tô, Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã buổi phỏng vấn PGS. TS Hoàng mạnh Hùng – Giám đốc Trung tâm giám định dân sự về những nội dung này.

PV: Thưa PGS, ông đánh giá như thế nào về kết luận của liên bộ về nguyên nhân cháy, nổ xe máy, ô tô?

PGS. TS Hoàng Mạnh Hùng: Nguyên nhân của việc xe cháy do các bộ công bố có 5 yếu tố. Nhưng tôi e rằng là chưa hết, chưa giải thích được toàn bộ các vụ cháy. Trong thực tế, những trường hợp xăng xe cháy, xăng bị làm rởm, chúng ta đã gặp nhiều. Nhưng một số mẫu phân tích chưa ra kết quả, chưa có những công bố chi tiết về thành phần của xăng cũng như chất pha tạp vào xăng...
Ví dụ như xăng ở Đồi Nên, chúng ta cần công bố cho công luận biết, ngoài thành phần octan thấp như thế thì cái gì pha được vào xăng, hợp chất ấy nguy hiểm như thế nào khi pha vào xăng.

PGS. TS Hoàng Mạnh Hùng phát biểu tại buổi họp báo công bố kết luận ban đầu về nguyên nhân cháy, nổ xe máy, ô tô ngày 26/4
PGS. TS Hoàng Mạnh Hùng phát biểu tại buổi họp báo công bố kết luận ban đầu về nguyên nhân cháy, nổ xe máy, ô tô ngày 26/4

PV: Ông có đồng tình với bản kết luận của liên bộ về nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ xe máy, ô tô?
PGS. TS Hoàng Mạnh Hùng: Tôi không nói là đồng tình hay không đồng tình nhưng tôi e rằng cách đặt vấn đề nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu chưa đúng hướng. Chúng ta cần xem xét lại các tiêu chuẩn cũ của Việt Nam và tham khảo các phương pháp hiện đại để áp dụng đánh giá chất lượng xăng dầu sao cho theo kịp trình độ thế giới. Phải chăng các tiêu chuẩn cũ của chúng ta không còn phù hợp? Còn những vấn đề rất mới mà chúng ta không làm được hết thì tôi e rằng sẽ nguy hiểm đến người dân.
PV: Thưa ông, rất nhiều phản hồi của bạn đọc đã được gửi về tòa soạn. Trong đó có ý kiến cho rằng những nguyên nhân dẫn đến cháy nổ do liên bộ đưa ra như vậy là không thuyết phục, cơ quan chức năng chưa xác định được cụ thể chất bị cháy đầu tiên để làm mồi lửa dẫn đến cháy cả xe là gì. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?
PGS. TS Hoàng Mạnh Hùng: Độc giả đó nói có ý đúng. Hỗn hợp cháy trên cơ sở do hơi khí nhiều hơn bởi vì xăng cũng như nhiều chất khác bay hơi rất nhanh cho nên tạo ra hỗn hợp cháy nổ. Còn chất lỏng thì khó cháy hơn, nếu ném một cục than vào trong xăng ở dạng lỏng mà không có không khí thì cũng không cháy được. Có một số nhà khoa học không biết nguyên lý trên nên làm thí nghiệm không chuẩn.
PV: Có nhiều ý kiến cho rằng nếu nguyên nhân tại xăng thì tại sao khi cùng mua xăng ở một cửa hàng mà có xe cháy, có xe lại không cháy. Ông suy nghĩ sao về lập luận này để loại trừ khả năng có hay không nguyên nhân cháy xuất phát từ nhiên liệu?
PGS. TS Hoàng Mạnh Hùng: Theo tôi, quá trình tạo hỗn hợp gây cháy, nổ không phải là xảy ra ngay lập tức. Việc pha chế các chất phụ gia vào tác động với xăng thì phải hội đủ các điều kiện: giải phóng từ từ những hỗn hợp khí, hơi khí. Quá trình này không xảy ra ngay tức khắc khi đổ xăng vào. Trong quá trình xe chạy, xe hoạt động thì mới xảy ra quá trình đó nhiều hơn. Vấn đề này cũng còn phụ thuộc vào chất lượng xe nữa. Nếu xe mới, dây dẫn, gioăng mới thì tác dụng sẽ chậm hơn và những thành phần nhiên liệu với không khí có thể cháy nổ ra chậm hơn.
PV: Một bạn đọc cho rằng vật liệu trên xe chủ yếu là vật liệu composite và kim loại. Kim loại thì khó cháy, còn để cháy được composite thì nhiệt độ cần phải cao hơn so với việc đốt cháy nhựa. Cái gì làm mồi bắt lửa để gây ra các vụ hỏa hoạn trong xe. Bạn đọc này cho rằng đó chỉ có thể do nhiên liệu gây ra. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?
PGS. TS Hoàng Mạnh Hùng: Thực ra các dây dẫn ở đây không phải là composite mà là polime. Composite nhiệt độ cháy còn cao hơn nhiều. Dây dẫn, gioăng cao su, nhôm hợp kim trong động cơ là quan trọng nhất.

Tôi tìm hiểu thì mới phát hiện ra những chất cho thêm trong quá trình hoạt động của xe, nó tương tác với các bộ phận của xe, tương tác với nhiên liệu của xe và sinh ra những hỗn hợp mà hiện nay chúng ta chưa kiểm chứng được trong đó có 3 hỗn hợp mà chúng ta cần lưu ý: hỗn hợp hơi của nhiên liệu với không khí, thứ hai là chất phụ gia (oxygenate) với không khí, những khí phát sinh ra trong quá trình tương tác giữa oxygenate với nhựa cũng như kim loại của động cơ sinh ra những khí và tạo thành hỗn hợp của không khí để tạo thành những hỗn hợp cháy, nổ.

Theo PGS. TS Hoàng Mạnh Hùng, có thể còn nguyên nhân khác dẫn đến cháy, nổ xe
Theo PGS. TS Hoàng Mạnh Hùng, có thể còn nguyên nhân khác dẫn đến cháy, nổ xe

 Tôi cũng nghĩ đó là nguyên nhân giải thích tại sao có những xe bật bugi, hoặc va quệt thì dễ cháy. Rõ ràng, nếu có va chạm hoặc có tia lửa điện hoặc dây điện chập mạch thì cháy nhựa. Lúc đó nhiệt độ cao lắm chứ không phải vài trăm độ nữa thì đủ điều kiện cho các dây dẫn cháy thì sau đó mới dẫn đến cháy các bộ phận khác và cháy đến xăng.

Ngược lại, những hơi như tôi nói ở trên là cực kỳ nhạy với nhiệt. Hầu như, các xe cháy thường thì phần động cơ cháy. Có thể hơi phát sinh mà chúng ta chưa đo được. Máy của các nước hiện đại thì mình chưa có để đo khí phát sinh như thế nào. Nếu cho các cơ quan độc lập một mẫu xăng kém chất lượng để làm thí nghiệm thì tôi nghĩ sẽ có kết quả.

Sự việc xăng xe cháy đã nói lên tính chất cần thiết của một xã hội dân sự là yêu cầu phải có 1-2 cơ quan độc lập với các bộ chủ quản của nhà nước (Bộ GTVT và Bộ công thương) để kiểm tra ngay từ khâu nhập nhiên liệu vào cho đến việc kiểm tra xác suất và liên tục các địa điểm bán xăng riêng lẻ chứ không chờ sự việc xảy ra rồi cơ quan chức năng mới vào cuộc.
PV: Ông có nghĩ tác nhân chính là chất phụ gia cho vào xăng?
PGS. TS Hoàng Mạnh Hùng: Không chỉ có phụ gia. Hôm qua tôi có yêu cầu kiểm tra thành phần của xăng ngay từ khi nhập. Thêm nữa, khi nhập xăng về, người ta có thể pha chế thêm sao cho phù hợp với từng loại động cơ hoặc theo kiểu thời tiết của mỗi khu vực. Khi pha chế phần nào nhiều hơn thì được lợi về mặt này nhưng không được lợi về mặt khác. Thí dụ như pha AOMAC thì chỉ số octan cao nhưng lại nguy hiểm về mặt khác như nguy hiểm về cháy nổ. Thứ hai là xăng pha mà có chỉ số octan thấp thì khó cháy, khó nổ, động cơ chóng nóng.

Người tiêu dùng đề nghị trung tâm I (Tổng cục đo lường chất lượng) trả lời cho công luận biết trong xăng ở Đồi Nên còn có gì trong xăng? Nếu trung tâm I không làm được thì đưa cho một số cơ sở khoa học khác làm hoặc cùng phối hợp làm nhằm đáp ứng quyền của người tiêu dùng: “được biết thông tin về sản phẩm mà mình mua”. Nhà nước có thể đấu thầu việc nghiên cứu những vấn đề nóng của xã hội thì giải quyết mới nhanh được, cách giải quyết hiện nay chưa đáp ứng được những việc “nóng” của đất nước.

Đối với một số vụ cháy không liên quan đến xăng ở Đồi Nên thì cũng phải nghiên cứu, xét nghiệm kịp thời vì hiện tượng cháy khó phát hiện dấu vết. Mặt khác mà nhiên liệu cháy lại bay rất nhanh vì vậy nên chăng có sự cải tiến tổ chức khám nghiệm hiện trường xe cháy nổ. 
Hiện, phản ứng của mình còn chậm. Khi cháy một cái là phải đến ngay lập tức, xem xăng như thế nào, đến ngay chỗ cây xăng mà chủ xe đã mua ngay trước đó. Hiện một số nơi đã làm được nhưng còn chậm. Cháy xong mà vài giờ sau thì không hiệu quả. Việc quan trong nhất trong việc tìm chứng cứ là phải kịp thời, bảo vệ hiện trường.

Xăng và những chất phụ gia là những chất để trong không khí rất dễ bay hơi. Đó cũng là một đặc điểm khó của khám nghiệm hiện trường. Tuy nhiên khám nghiệm hiện trường một vụ cháy nổ là cực kỳ khó khăn vì đã mất dấu vết rồi. Các hỗn hợp khí giải phóng bay ra biến mất cũng rất nhanh. Giới hạn cháy của hơi nhiên liệu hoặc khí có khả năng cháy nổ với không khí cũng rất rộng. Ngay từ 1 vài phần trăm trở nên, nửa giờ đồng hồ mới đến thì còn gì. Do đó công tác phòng cần nhiều hơn chống.  

Rõ ràng có báo động về nhiên liệu, có kiểm tra sít sao của các cơ quan chủ quản nên từ tháng 2 đến nay tỷ lệ cháy cũng giảm một phần.
Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Tuệ Minh