Để cảm nhận được độ nóng, chúng tôi chọn phương pháp đi bằng xe máy. Mặc dầu đã chuẩn bị kính chống nắng, quần áo dày và khẩu trang nhưng càng đi cái nóng càng ập vào người như rang trên chảo lửa, mồ hôi vã ra như tắm, thoáng chốc quần áo cong queo và loang lổ trắng.
Hơi nóng từ đường nhựa ập vào mặt bỏng rát. Tôi cảm thấy hoa mắt hoa mũi cảm giác như lửa đang chuẩn bị cháy trước mắt. Suốt quãng đường hơn 80km từ Con Cuông đến Cửa Rào (Tương Dương, Nghệ An), rất ít người đi ra đường.
Dừng chân tại một quán nước ở Cửa Rào, xã Xá Lượng, chúng tôi định vào đây để tránh được chút nắng gay gắt, nào ngờ túp lều của chủ quán giống như một lò thiêu. Chiếc quạt máy quay ù ù như máy sấy, phả ra nóng rát cả mặt.
Bà chủ quán Vi Thị Piềng cho biết:
"Bà con ở đây cứ nghe tiếng ve gọi hè là sợ hơn sợ cọp. Nắng kinh khủng lắm. Trước đây cũng nắng nóng nhưng không bằng 5-7 năm trở lại đây.
Vùng ni nắng nóng từ 38 - 42 độ C là chuyện thường. Tui còn nhớ mùa hè 2008 có ngày nắng nóng lên 42,2 độ C, khiến cho 2 người ở xã Xá Lượng say nắng chết, trâu bò cũng chết nhiều.
Bây giờ là 12 giờ trưa, nhiệt độ cũng khoảng 40 độ C. Chiếc khăn tui vừa nhúng nước khoảng vài phút mà giờ như rứa đó".
Bà Piềng đưa chiếc khăn mặt khô cong như cái bánh đa cho chúng tôi xem.
Người dân tìm đến dưới gốc cây, bên kênh nước để tránh nóng
Chúng tôi đến bản Cửa Rào 1 và Cửa Rào 2, nằm hai bên bờ của thượng nguồn sông Cả. Trong những ngôi nhà sàn vắng lặng, những đứa trẻ da đen cháy, tóc xoăn vàng khè đang ngồi thu lu chờ cho trời dịu mát. Người lớn túm năm tụm ba ở những chỗ có bóng cây, tay ai nấy đều vung quạt mải miết.
Ông Vi Văn An (bản cửa Rào 1) nhìn cái nắng như rang lắc đầu: “Mới nắng mấy hôm mà dân bản thiếu nước trầm trọng, phải vào trong rừng sâu cõng nước về. Mấy đứa cháu tui đêm không ngủ được cứ khóc ngằn ngặt, phải bồng ra khe mát cho nó ngủ. Mọi thứ bị đảo lộn hết”.
Một số hộ dân nơi đây do nóng quá đã rủ nhau ra khe, suối hoặc vào hang trú nóng. Dọc cánh rừng Pà On, Cửa Rào, dân của 2 xã Xá Lượng, Lượng Minh thường đến trú nóng. Đi đến đâu, chúng tôi cũng thấy trẻ em dầm mình dưới khe suối...
Chủ tịch xã Xá Lượng Lương Văn Phan ngồi trong căn phòng UBND xã, mồ hôi, mồ kê nhễ nhại, cho hay:
“Cửa Rào còn được biết như là điểm đến đầu tiên của gió Lào, của nắng nóng. Xã Xá Lượng cỏ 1.368 hộ dân, trải rộng trên diện tích 1.697,8ha và nằm gọn trong địa phận Cửa Rào như nằm giữa một cái chảo rang khổng lồ. Nắng nóng quá.
Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa hè là cuộc sống, sinh hoạt của người dân ở vùng này đảo lộn. Người lớn không dám lên rẫy, trẻ con không dám ra đường, trâu bò không dám thả rông... vì nắng. Cây lúa thiếu nước, nắng táp xác xơ như cỏ may".
Mấy ngày qua nắng nóng cũng đã làm cho các bệnh viện huyện và trạm xá các xã quá tải. Bác sĩ Nguyễn Hà ở Bệnh viện huyện Tương Dương cho biết: Trẻ em đến điều trị tăng đột biến, các bệnh thường gặp chủ yếu do nắng nóng như lên sởi, sốt, rối loạn tiêu hóa, cảm nắng”.
Anh Nguyễn Xuân Tiến - Trưởng phòng dự báo, Đài Khí tượng - thủy văn Bắc Trung Bộ, giải thích: “Cửa Rào, Tương Dương là trung tâm của gió phơn hay còn gọi là điểm gió Lào xâm nhập. Gió khô và nóng, nên làm cho khí hậu các vùng nói trên trở nên khắc nghiệt. Độ ẩm có khi xuống 30% trong khi nhiệt độ có khi lên tới 43 độ C”.