Dừng đề án 322: Hàng nghìn độc giả lo lắng cho các sinh viên tài năng

27/05/2012 07:27
DL
(GDVN) - Choáng váng, sốc, bức xúc, lo lắng... đó là tâm trạng của hàng nghìn độc giả gửi về Báo Giáo dục Việt Nam sau khi đọc loạt bài đề án 322 bị dừng, khiến mấy chục sinh viên tài năng chưa biết "đi đâu về đâu".
Sau khi Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài phản ánh việc đề án 322 bị dừng, có hàng nghĩn độc giả đã gửi thư về tòa soạn, bày tỏ sự lo lắng và mong muốn được ủng hộ những viên tài năng nhưng lại có phần thiếu may mắn này.

Tại cuộc gặp tại Cục đào tạo nước ngoài ngày 21/5, các ứng viên đều tỏ ra bức xúc khi nhận thông báo dừng du học quá đột ngột
Tại cuộc gặp tại Cục đào tạo nước ngoài ngày 21/5, các ứng viên đều tỏ ra bức xúc khi nhận thông báo dừng du học quá đột ngột


Độc giả Đoàn Phạm Ngọc Thắng - doanthang1998@gmail.com, chia sẻ: "Em có chị gái cũng nằm trong số những người không may mắn. Em còn nhớ, ngày chị thông báo với gia đình mình đã đậu học bổng 322, cả nhà đều vui mừng và hãnh diện, ba và mẹ thì gọi điện báo tin cho cả họ hàng và bạn bè, em thì nói với mấy đứa bạn thân là chị mình sắp đi du học. Ấy rồi, một thời gian sau, chị rời mái trường đại học để ra Hà Nội tập trung và học tập. Cả nhà ai cũng kỳ vọng và tin ở chị. Theo điều kiện của 322, chị em phải thi đậu vòng kiểm tra ngoại ngữ. Như mọi người đều biết, để có thể trong một thời gian ngắn, nắm vững một ngôn ngữ không phải là điều đơn giản, chính vì thế mà chị em quyết định đăng kí học ngoại ngữ ở trung tâm. Khi chị nói ý định này với mẹ, chị rất lo vì vốn gia đình em cũng không mấy khá giả. Nhưng mẹ em chỉ bảo với chị là cứ lo học, chuyện tiền nong để mẹ lo.
Mấy ngày sau, mẹ chạy vạy khắp nơi mới lo đủ tiền học phí cho chị. Mỗi lần có dịp về nhà, mẹ đều hỏi khi nào thi đi, chị chỉ bảo là chưa biết, còn chờ thông báo. Chị cũng lo lắm. Nghe thế, mẹ chỉ khuyên cố gắng, đừng lo lắng, học bổng nhà nước là an tâm, rồi sẽ đi thôi. Nhưng khi chị đi rồi, nỗi lo lắng trên vai mẹ lại thêm nặng trĩu. Thời gian trước, chị điện báo là đã đậu vòng kiểm tra ngoại ngữ, có khả năng tháng 8 năm này là đi, cả nhà ai cũng mừng, nhất là mẹ. Ấy thế mà, tuần trước, chị gọi về bảo là Bộ Giáo dục thông báo cắt học bổng, có khả năng phải về lại trường cũ, cả nhà chả ai nói với ai lời nào. Mẹ chỉ động viên chị, rồi bảo là đừng nản chí. Bản thân em rất buồn và lo. Tương lai của chị em sẽ ra sao đây, gia đình em sẽ như thế nào nếu chị trở lại học năm nhất đại học. Đây là câu chuyện của chị em. Em nghĩ rằng còn hàng trăm trường hợp cũng rơi vào hoàn cảnh giống chị em. Em mong cơ quan có thẩm quyền xem xét".

Dừng đề án 322: Nhiều gia đình hoang mang, thất vọng

Dừng đề án 322: Nhiều gia đình hoang mang, thất vọng

Bức thư gửi mẹ đầy nước mắt của một ứng viên đề án 322

Bức thư gửi mẹ đầy nước mắt của một ứng viên đề án 322

Lá thư thống thiết gửi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân

Lá thư thống thiết gửi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân

Một độc giả có địa chỉ oz.astark@yahoo.com.vn bày tỏ: "Thời gian qua, tôi đã theo dõi rất nhiều những bài báo về dừng đề án 322. Là một sinh viên cũng có dự dịnh tìm kiếm học bỏng đi du học tôi hiểu phần nào hoàn cảnh của những bạn sinh viên trong diện bị tạm dừng. Hiện nay mà nói rất nhiều gia đình khá giả cho con đi du học tự túc sau khi rớt đại học Việt Nam hoặc không thì là hiện tượng mua bằng cấp một cách tràn lan. Thử hỏi liệu có công bằng không với những bạn sinh viên ưu tú này? Nếu họ không được đi đúng với nguyện vọng phù hợp với trình độ thì tài năng của họ coi như phí hoài rồi, và có lẽ việc chảy máu chất xám ở Việt Nam sẽ tiếp tục diễn ra".
Việc đề án này bị dừng một cách đột ngột không chỉ khiến mấy chục sinh viên tài năng và những gia đình ấy lo lắng, vì đó là chuyện đương nhiên. Nhưng có lẽ, chính vì cách làm việc có phần "lạ" của Bộ Giáo dục, mà ngay cả những chuyên gia đã lớn tuổi như PGS. Văn Như Cương cũng không thể ngồi yên. "Ngày đi cận kề thì Bộ Giáo dục & Đào tạo thông báo dừng lại Đề án. Quyết định này khiến những người trong cuộc thấy choáng váng, sốc, bức xúc và lo lắng khi quyền lợi chính đáng, sát sườn bị tước mất. Đó là điều dễ hiểu và tất nhiên. Ngay cả những người ngoài cuộc như tôi còn thấy bất bình và bức xúc", PGS. Cương nói.
Ông cũng thẳng thắn nêu ra câu hỏi: Tôi không hiểu Bộ dùng cách thức quản lí thế nào mà đến nỗi quân số đủ rồi cũng không biết? Đặt địa vị vào các ứng viên tôi thấy bực mình và bức xúc. Đặt địa vị vào phụ huynh, đón nhận thông tin này tôi thấy rất cáu… Và trên góc độ quản lí giáo dục, tôi thấy buồn cho những tắc trách không nên có đấy.
Sau khi quan điểm của PGS. Văn Như Cương được đăng tải, nhiều độc giả bày tỏ sự đồng tình với vị Giáo sư đáng kính. Độc giả Mỹ Hạnh gửi từ địa chỉ lovelyfrienfd_0405@yahoo.com thì tỏ ra băn khoăn: "Khi đọc được tin này, tôi hoàn toàn bị shock. Không thể nghĩ rằng Bộ GD&ĐT, nơi quyết định mọi vấn đề để đào tạo nên nhân tài cho đất nước lại có một quyết định sai lầm như vậy. Cứ hỏi tại sao Việt Nam chảy máu chất xám nhiều như thế. Chính cách làm việc này đã đẩy những con người có đầy khát khao, nhiệt huyết và đặc biệt là có khả năng vào chỗ chán nản. Nếu không giải quyết được mong mỏi của mấy chục sinh viên này thì thử hỏi xem sau này còn có một học sinh giỏi nào còn dám tin tưởng vào những xuất học bổng du học nước ngoài như vậy nữa không? Quả là một sự lãng phí chất xám cho đất nước. Đó là còn chưa kể tới 2 năm ròng rã các bạn đó đã tốn bao nhiêu tiền của công sức để có đủ điều kiện được đi du học như Bộ GD&ĐT đã thông báo trước đó. Đó là một sự bất công vô cùng lớn".
Trước những lo lắng, bức xúc của cả ứng viên, phụ huynh và hàng nghìn độc giả... trưa ngày 21/5 Cục đào tạo nước ngoài đã tổ chức gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với những ứng viên này.
Cục trưởng Nguyễn Xuân Vang đã nói rằng đề án này đã hết kinh phí: “Tôi chịu trách nhiệm với các em. Chúng ta không đi chuyến xe này thì sẽ đi chuyến đi khác, chứ không phải lỡ. Tôi rất hy vọng lần trình thứ 3 của Bộ lên Chính phủ để xin chuyển chỉ tiêu sang đề án 911 sẽ đồng ý”.
Tuy nhiên, cũng ngay tại cuộc gặp này, các phụ huynh và ứng viên đều không đồng tình với các giải thích của vị Cục trưởng Cục đào tạo nước ngoài. Ông Ngô Văn Dũng, phụ huynh của em Ngô Mai Hạnh bất bình nói: “Cách giải thích của Cục trưởng cũng như cách giải quyết của Bộ cho các ứng viên được xét tuyển là quá đáng. Việc đào tạo, đáp ứng điều kiện học tập của ứng viên đã căn cứ vào mọi chỉ tiêu để được tuyển chọn năm 2011.Vậy cớ làm sao hiện giờ Bộ lại thông báo là hết chỉ tiêu? Hết kinh phí? Các cháu đã đầu tư cả tiền bạc và công sức trong hai năm trời, để rồi đổ xuống sông xuống biển khi biết được rằng nhà nước không cấp kinh phí nữa. Quyết định đó như một sự đánh đố, không thỏa đáng... Chúng tôi tha thiết đề nghị Cục, Bộ, Nhà nước bằng mọi biện pháp kéo dài đề án để các cháu tiếp tục được đi học".
Khi những trả lời của Cục trưởng Vang được phát đi, nhiều độc giả đã bày tỏ không đồng tình và cho rằng, mọi số liệu đều nằm trong sự kiểm soát của Bộ, để đến phút chót mới ra quyết định như vậy là thiếu trách nhiệm, khiến nhiều người ngoài cuộc cũng thất vọng.
Độc giả có hòm thư thuong_pbc@yahoo.com nói: "Với tư cách là một giáo viên, tôi thấy thật sự thất vọng với cách làm của Bộ giáo dục. Những sinh viên, giảng viên có thành tích xuất sắc đề là nhân tài của đất nước, họ đã bỏ bao công sức để học tập, bây giờ chẳng nhẽ không có ý nghĩa gì sao? Các cuộc thi tìm kiếm tài năng chẳng phải là để chọn ra những con người có khả năng đóng góp sức lực cho tương lai của đất nước hay sao? Vậy thì sao lại để họ rơi vào hoàn cảnh này? Tôi cảm thấy thất vọng, dù gì thì cũng không nên để xảy ra chuyện này, bởi nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến mấy chục sinh viên tài năng này, và gia đình của các em, mà nhiều bạn trẻ khác nữa cũng lo lắng với các đề án tiếp theo".
Còn độc giả Lan Phương - Email: phuongtrinh142000@yahoo.com: "Du học nước ngoài là ước mơ của rất nhiều bạn trẻ, họ ra sức nâng cao kiến thức, trình độ ngoại ngữ mong có ngày ước mơ thành sự thực. Học bổng đào tạo Ths, Ts tại nước ngoài bằng ngân sách nhà nước là một cơ hội, và chỉ những người thực sự xuất sắc mới đạt được cơ hội này. Đề án bị dừng, mấy chục con người giống như được đưa lên mây rồi bị thả xuống, Bộ ra công văn dừng học bổng trong khi tất cả đều đang gấp rút chuẩn bị cho một cuộc cân não trên xứ người xa lạ trong 2 năm tới - với mong muốn mang sự tiến bộ của nước họ về phát triển nước mình.
Sau gần một năm sau khi nhận kết quả trúng tuyển học bổng, Bỏ lại sau lưng công việc, gia đình, con cái… họ vượt hàng ngàn km ra Hà Nội bồi dưỡng ngoại ngữ và các kĩ năng cần thiết khi đi du học… Thời gian, công sức, tiền bạc, tinh thần… một năm họ bỏ ra, giờ thu lại được gì? Nhưng trên tất cả, tôi nghĩ, cái mất lớn nhất đó là niềm tin… Tôi hy vọng, sẽ có hướng giải quyết đúng đắn, ví dụ như tìm một chương trình hay đề án thay thế, để họ có thể đi học theo đúng dự định trong năm nay. Các anh chị hãy vững tâm và tin tưởng vào Bộ, Chính phủ".


DL