Cụ thể, môn Lịch sử cần có sự liên kết các sự kiện; còn môn Địa lý, phải nắm vững kiến thức và sử dụng tốt “cẩm nang” Atlat...
Theo nhiều giáo viên, học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản là có thể đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Q.Anh |
Môn Lịch sử: Học theo barem điểm
Khi ôn tập môn Lịch sử đòi hỏi học sinh phải hệ thống hóa kiến thức, chứ không nên học tủ, học vẹt. Theo cô Nguyễn Thị Kim Dung, giáo viên môn Lịch sử (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam): “Các em cần dựa vào sách giáo khoa để làm đề cương ôn tập cho hiệu quả. Trong đề cương, các em không nên học từng câu lẻ mà nên hệ thống thành những vấn đề. Chẳng hạn, phần lịch sử Việt Nam có thể chia thành những vấn đề lớn, sau đó lại chia ra thành những vấn đề nhỏ hơn. Tương tự, phần lịch sử thế giới cũng được chia thành các vấn đề lớn, nhỏ. Các em lưu ý, do khối lượng phần lịch sử Việt Nam nhiều hơn, nên đặc biệt dành thời gian nhiều hơn để ôn, đề thi thường có nhiều câu hỏi của phần này”.
Theo cô Dung, học sinh thường nghĩ rằng, môn Lịch sử khó nhớ nên học từng câu cho chắc, nhưng cách học này không hiệu quả bởi đề thi mỗi năm một đa dạng, học sinh sẽ gặp khó khăn, lúng túng nếu gặp phải câu đòi hỏi có sự liên kết các sự kiện lịch sử. Theo đó, học sinh cần có sự liên kết các sự kiện, các mốc thời gian lịch sử, sau đó phát triển ra thành các mốc nhỏ khác, như thế sẽ dễ nhớ hơn.
“Trong quá trình ôn tập, các em nên tham khảo barem điểm ở các kỳ thi, từ đó lựa chọn cách trình bày đúng, đủ ý của câu hỏi đề ra. Trước khi làm bài, phải đọc kỹ đề bài, xem đề hỏi gì mới xác định trọng tâm trả lời, tránh hiện tượng lạc đề. Bài viết phải mạch lạc, hết ý phải xuống dòng, tránh sai lỗi chính tả. Làm bài phải trình bày đủ các ý, bởi nhiều em có khi thuộc bài nhưng trình bày không đủ ý sẽ bị mất điểm đáng tiếc. Tránh lối dẫn dắt bài dài dòng, như một bài văn. Không nhất thiết phải có mở bài, thân bài, kết luận như làm văn mà chỉ cần có dòng mở đầu và kết thúc hết sức ngắn gọn. Đặc biêt, ở phần lựa chọn, các em chỉ được làm một câu, nếu làm cả hai sẽ không được điểm”, cô Dung cho biết thêm.
Môn Địa lý: Phát huy “cẩm nang”
Hình phạt "tàn khốc" ở ĐH Công Nghiệp TP.HCM có thật 100%
Theo nhiều giáo viên, để kiếm điểm cao môn Địa lý không quá khó, chỉ cần học sinh biết bao quát toàn bộ chương trình, sau đó hệ thống lại nội dung kiến thức từng chuyên đề hoặc từng phần, chương, bài theo một dàn ý rõ ràng, chặt chẽ. Khi tiến hành ôn tập phải bám sát vào cấu trúc đề thi. Không cần phải học chuyên sâu mà chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản để kết hợp với dữ liệu của cuốn tài liệu Atlat Địa lý Việt Nam, được sử dụng trong phòng thi là hoàn toàn có thể đạt điểm cao.
Ôn tập theo cấu trúc đề thi cũng là lời khuyên của cô Ngô Thanh Hương, giáo viên môn Địa lý (THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) dành cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm nay. Cô Hương cho biết: “Cấu trúc của đề thi môn Địa lý bao gồm phần chung và phần riêng. Đề thi có hai phần lý thuyết và bài tập thực hành. Dựa theo cấu trúc đề thi, các câu hỏi lý thuyết có thể chia thành các dạng như: Trình bày, nêu, phân tích, giải thích, chứng minh về vấn đề nào đó. Phần bài tập thực hành chủ yếu là vẽ biểu đồ, nhận xét, giải thích, so sánh. Do đó, học sinh cần nắm được cấu trúc đề thi để có hướng ôn tập hiệu quả. Làm quen với các dạng câu hỏi cũng giúp các em định hình được nội dung trả lời theo đúng yêu cầu của đề thi”.
Theo cô Hương, học sinh cần biết tận dụng và khai thác hiệu quả “cẩm nang” Atlat Địa lý. Đây là nguồn cung cấp kiến thức, thông tin tổng hợp và có hệ thống giúp học sinh học tập, rèn luyện các kĩ năng và trả lời phần lớn các câu hỏi kiểm tra về địa lí, kết hợp với việc tái hiện kiến thức bằng hệ thống các bài tập, giúp nâng cao hiệu quả của việc ôn tập và nắm vững kiến thức. Cuốn Atlat sẽ giúp các em giảm tải khối lượng lớn kiến thức phải học thuộc lòng như trước đây. Theo cấu trúc đề như đã đưa ra, sử dụng Atlat đúng cách là các em hoàn toàn có thể trả lời hầu hết các câu hỏi đề ra.
Cô Hương lưu ý, trong quá trình làm bài thi tốt nghiệp, các em nên đọc kỹ đề thi, xác định đúng trọng tâm câu hỏi, có thể chọn những câu hỏi dễ để làm trước. Nên phân chia thời gian cho các câu theo hệ số điểm, không nên mất quá nhiều thời gian vào các câu bài tập, vẽ biểu đồ. Trình bày phải sạch sẽ, đủ ý. Cách diễn giải chính xác, cụ thể, không lan man lạc trọng tâm. Lựa chọn biểu đồ chính xác, có tên biểu đồ, nhập số liệu, chú thích. Khai thác dữ liệu trong Atlat phải biết nắm các ký hiệu, chọn lọc nội dung để đưa vào bài thi.
ĐIỂM NÓNG |
|
Theo Giadinh.net