Tôi không nhớ nổi mình đã quay cóp bao nhiêu lần...

17/06/2012 06:03
Độc giả Bùi Kim Hà
(GDVN) - Con thi nhưng cả nhà vào cuộc, bố mẹ cũng hí hoáy chép lời giải Toán, tiếng Anh rồi bật tường, vượt mương để ném lời giải vào phòng thi.
Sau hàng loạt clip và những hình ảnh phản ánh tiêu cực tại Hội đồng thi Trường THPT DL Đồi Ngô (Bắc Giang) được đăng tải, Báo Giáo dục Việt Nam nhận được hàng trăm lá thư bày tỏ sự bức xúc, thất vọng vì sự gian dối của chính những người coi thi, sự gian dối của chính những giáo viên - những người luôn tự hào gắn bó với "nghiệp trồng người". Bên cạnh những quan điểm thể hiện sự bất ngờ, hay "sốc" trước những hình ảnh gian lận có tính hệ thống ấy, thì cũng có nhiều độc giả lại cho rằng "đó là chuyện quá đỗi bình thường", vấn đề là ở những hội đồng thi khác không đặt máy quay, còn nếu có thì cũng sẽ phát hiện ra tiêu cực. Báo Giáo dục Việt Nam xin gửi tới bạn đọc chia sẻ của độc giả Bùi Kim Hà về vấn đề này.
Những vụ gian lận trong thi cử trong quá khứ khiến dư luận “sôi sục” không ít, mỗi lần như vậy tất cả lại nói về đổi mới giáo dục, hay chí ít là một thay đổi nào đó để làm trong sạch môi trường giáo dục, ấy vậy mà rồi "đâu vẫn đóng đấy".

Mở đầu là năm 2006, những bằng chứng về việc giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A nhận tiền “bồi dưỡng” thi cử của học sinh hay năm 2007 hai thanh tra Bộ GD & GD phát hiện cán bộ hội đồng nhà trường đang phô tô lời giải tại phòng y tế của trường THPT Lương Tài, Bắc Ninh... Những chuyện như vậy đã lý giải vì sao hàng năm tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở các trường rất cao, có người bảo đó là chạy theo bệnh thành tích, cũng có người bảo học xong rồi thì cho tốt nghiệp chứ giữ lại làm gì (?). 

Thầy giáo chống tiêu cực ở Bắc Giang tiếp tục tố cáo 37 sai phạm

Thầy giáo chống tiêu cực ở Bắc Giang tiếp tục tố cáo 37 sai phạm

Người đương thời Đỗ Việt Khoa: “Tôi còn nhiều clip gian lận khác nữa”

Người đương thời Đỗ Việt Khoa: “Tôi còn nhiều clip gian lận khác nữa”

Bản thân tôi đã từng chứng kiến nhiều cảnh quay cóp “dở khóc dở cười”. Tôi còn nhớ khoảng thời gian thi tốt nghiệp hết cấp 2, ngày đó chúng tôi không dùng “ruột mèo” vì công nghệ làm phao thi chưa cao. Trước kỳ thi tốt nghiệp, học sinh nhốn nháo tìm người “cứu cánh” để giải đề, ném phao. 

Con thi nhưng cả nhà vào cuộc, bố mẹ cũng hí hoáy chép lời giải Toán, tiếng Anh rồi bật tường, vượt mương để ném lời giải vào phòng thi. Xã tôi hồi đó, có phải ai cũng giỏi tiếng Anh đâu, chúng tôi “một chữ bẻ đôi không biết”. Một người làm, đặt dưới lời giải là hàng chục tờ giấy than (giấy để sao chép - PV). Phao ném loạn xạ, người coi thi bỏ ra ngoài hoặc cố tình làm ngơ để dưới học sinh chép, quay ngược xuôi hỏi nhau. Thậm chí có nhiều bạn chép sai, chữ viết vội chẳng đọc nổi chữ gì… nhưng cứ chép cái đã, vì không chép thì cũng ngồi vậy, có biết gì đâu mà làm. Giờ nghĩ lại, tôi mới thấy thật xót xa!

Trong suốt hơn chục năm học, tôi không nhớ mình mang phao, mang tài liệu hay quay cóp bạn bao nhiêu lần nữa. Lên cấp 3, chuyện mở tài liệu xảy ra như cơm bữa, nhất là đối với những môn phải học thuộc lòng như Văn, Sử, Địa. Buồn nhất là tôi và nhiều bạn khác phải mở tài liệu ngay khi kiểm tra 15 phút với những môn như Giáo dục công dân. Vì thế, khi xem những clip gian lận thi cử tốt nghiệp ở Bắc Giang (những hình ảnh thí sinh hý hoáy mở tài liệu), tôi không thấy bất ngờ hay sốc vì đó là chuyện bình thường. Chỉ có điều, việc nhà trường tổ chức giải đề thi, rồi phô tô cho học sinh thì… đúng là khó có thể chấp nhận được.

Tất nhiên, thời chúng tôi học ở quê không hề có nhiều máy móc hiện đại như bây giờ, để phô tô cũng phải đi xa vài cây số, chưa kể đến “công nghệ làm phao”, làm “ruột mèo” thì càng không có. Tôi còn nhớ khi tôi học đại học, người bạn của tôi còn chuẩn bị phao, đánh dấu, sắp xếp và ghi nhớ các câu thứ tự theo trình tự túi quần, áo để thuận tiện lấy nhanh nhất. Nhưng giờ, nhiều thủ thuật, chiêu thức quay cóp hiện đại, tinh vi hơn rất nhiều, khiến nhiều giáo viên phải bó tay. Hết “ruột mèo” cho túi quần, túi áo hay dùng điện thoại… thậm chí là chép ra đùi thì khó đỡ được. 

Một vấn đề dễ dàng nhận ra là nếu học sinh bị điểm kém, trường không đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao thì sẽ bị “tuyên dương”, bị nhắc nhở, khiển trách... Vậy, để có thành tích cao thì đương nhiên họ phải ra sức làm cho tỷ lệ đỗ tốt nghiệp gần đạt 100%. Và tất nhiên, từ trên xuống dưới sẽ buông lỏng cho học sinh quay cóp, gian lận. Có một chuyên gia nhận định rằng do chương trình giảng dạy quá nặng, dẫn đến học sinh có nhiều sức ép, có nên giảm tải đề thi không. Tôi không đồng ý, nếu giảm nữa thì chất lượng giáo dục sẽ đi đến đâu, về đâu?

Tôi nghĩ, để hạn chế tiêu cực trong thi cử, điều quan trọng ở người thầy, người quản lý giáo dục. Phải nghiêm, không buông lỏng thì làm sao học sinh dám coi cóp? Họ vẫn nhiễm “bệnh thành tích”, nó mang tính cố hữu. Thay đổi trước tiên chính là ở ý thức của người học, cái tâm của người thầy, cái tài của người lãnh đạo.

HÌNH ẢNH GIAN LẬN THI TỐT NGHIỆP MỚI NHẤT Ở PHÒNG THI THỨ HAI TẠI BẮC GIANG
NHÀ THƠ VŨ QUẦN PHƯƠNG SẴN SÀNG PHÁ RÀO KÉO BỘ TRƯỞNG LUẬN LÊN BỜ

XEM CÔNG NGHỆ QUAY CÓP QUA 5 MÔN THI TẠI BẮC GIANGSỐC VỚI HÌNH ẢNH GIAN LẬN Ở TRƯỜNG ĐỒI NGÔ  TỪ CAMERA THỨ BA; MẸ GS NGÔ BẢO CHÂU "CHÂU VẪN CÒN KỲ VỌNG VÀO NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM"



Độc giả Bùi Kim Hà