Vụ clip phao thi: Lá thư xin tha bổng cho giám thị và người quay clip

18/06/2012 06:03
Độc giả Hữu Quý
(GDVN) - Qua clip này, tôi mong muốn mọi người hãy coi đây là một câu chuyện để tất cả chúng ta cảnh tỉnh, rút ra những bài học giúp cho nền giáo dục Việt Nam phát triển. Còn việc chống tiêu cực đi đôi những hình phạt xứng đáng cho những người liên quan hãy để vào kỳ thi năm sau, cho sự công bằng trên toàn đất nước.
Trên đây là một đoạn ngắn được trích trong bức thư gửi về tòa soạn của độc giả Hữu Quý gửi về Tòa soạn Báo Giáo dục Việt Nam. Chúng tôi xin đăng tải nguyên vẹn bức thư xin tha bổng cho giám thị và người quay clip liên quan đến vụ bê bối thi cử tại Trường THPT DL Đồi Ngô - Bắc Giang: Tôi là phụ huynh của một em học sinh tại THPT DL Đồi Ngô, đã tham gia thi tốt nghiệp trong thời gian qua. Hiện tại, cháu đang rất lo lắng cho kết quả thi tốt nghiệp của mình sau khi clip tố cáo tiêu cực được công bố. Không chỉ cháu mà nhiều bạn bè đồng trang lứa cũng đều lâm vào tình trạng không ăn không ngủ được, thậm chí stress, trầm cảm, không đủ sức để bước vào kỳ thi Cao đẳng, Đại học sắp tới. Cháu tâm sự với tôi: "Mười hai năm học con chỉ cần lấy tấm bằng tốt nghiệp để kiếm việc làm đỡ đần bố mẹ. Con biết gia đình mình không có đủ điều kiện để trang trải cho con học tiếp, thế nhưng bây giờ kết quả thi chưa chắc đã được công nhận". Khi những clip quay lại cảnh gian lận tại Trường THPT DL Đồi Ngô - Bắc Giang được đăng, nhiều người tỏ ra rùng mình và lo sợ, riêng bản thân tôi, đây lại là một câu chuyện hết sức bình thường. Điều đầu tiên tôi muốn khẳng định là không phải chỉ có ở Bắc Giang mới tồn tại tiêu cực giống như trong clip, có rất nhiều địa phương trong cả nước sai phạm, chẳng qua là không có bằng chứng cụ thể, hoặc người ta chưa công bố ra mà thôi. Sau vụ việc này có thể xếp THPT DL Đồi Ngô là một trường hợp... đen đủi, khi đã được lấy ra làm vật "thế mạng" cho một nền giáo dục yếu kém. Có lẽ nhiều trường khác đã thở phào nhẹ nhõm khi mình đã thi cử tiêu cực một cách... "trót lọt".
Hình ảnh lấy từ clip tố cáo tiêu cực tại THPT DL Đồi Ngô, Bắc Giang
Hình ảnh lấy từ clip tố cáo tiêu cực tại THPT DL Đồi Ngô, Bắc Giang

ĐỪNG ĐỂ TIÊU CỰC THOÁT TỘI, NGƯỜI CHỐNG TIÊU CỰC NHẬN TỘI

Mười tám năm trước, tôi cũng tốt nghiệp THPT tại nơi đây, hồi đó đã có quay cóp rồi, có khác một chút là không phải năm thi nào giáo viên cũng "giúp đỡ" thí sinh nhiệt tình đến vậy, nghĩa là học sinh được thả cho 15 phút cuối trao đổi bài với nhau, chứ không "thoáng" đến như hiện nay. Hầu hết bạn bè tôi đều đỗ tốt nghiệp, ra trường, mỗi đứa một việc, ít nhiều thành công. Nhiều đứa ngày xưa tưởng chừng như không đỗ tốt nghiệp nhưng bây giờ lại thành đạt, giàu có, bởi học không toàn diện nhưng lại có năng khiếu nổi trội ở một lĩnh vực khác. Điều đó cho thấy, bằng tốt nghiệp cấp III đơn giản chỉ là "giấy thông hành" để bước vào cuộc đời. Nếu không có nó thì các em sẽ làm gì để kiếm sống trong một xã hội trọng bằng cấp như hiện tại? Trượt tốt nghiệp nhiều sẽ dẫn đến trình trạng lực lượng thanh niên thất nghiệp tăng, tệ nạn xã hội tăng, các em sẽ chỉ là những gánh nặng của xã hội.

Sau khi hàng loạt clip gian lận trong thi cử, phòng thi lộn xộn, học sinh quay cóp tại Hội đồng thi THPT Đồi Ngô, Lục Nam, Bắc Giang được đăng lên mạng, đã tốn không ít giấy mực của báo chí. Chưa có tin tức chính thống nào về xét xử vụ việc này, nhưng đã có rất nhiều ý kiến bên lề như: cho học sinh thi lại theo đề thi dự trữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy những người liên quan vào tội có ý làm lộ bí mật quốc gia... Không chỉ vì thương con mà tôi có mong muốn những người làm giáo dục, các cơ quan ban ngành hãy tha bổng cho em thí sinh quay clip, chấp nhận bài thi của các thí sinh dự thi và không phạt thầy cô có liên quan, mà còn bởi họ cũng là những người đáng thương.

Tôi nghĩ, hành động của thí sinh quay clip, giám thị là không đáng trách, bởi đây là hành động được một số người sắp đặt từ trước. Người ta vẫn thường nói: "Nhà dột từ nóc", vậy nên nếu không có sự đồng ý và chủ trương của cấp trên, một cô giáo đâu dám công khai có những hành vi tiêu cực, những học sinh đâu có hả hê vừa ném phao, vừa cười đùa, vừa chép bài của nhau...

Vụ gian lận thi cử Bắc Giang: Thật buồn cười nếu coi là chấn động

Vụ gian lận thi cử Bắc Giang: Thật buồn cười nếu coi là chấn động

Bê bối thi cử ở Bắc Giang: Có dấu hiệu cố ý làm lộ bí mật Nhà nước

Bê bối thi cử ở Bắc Giang: Có dấu hiệu cố ý làm lộ bí mật Nhà nước

Còn về việc em thí sinh quay clip, có lẽ em sẽ nhận được nhiều điều trách móc từ phía bạn bè, ngay cả con trai tôi cũng thế, tôi đã nghe thấy con... chửi thầm bạn. Nhưng tôi không hề trách cậu bé này, bởi cháu đã rất thật thà, dũng cảm, những đức tính không phải ai cũng có, những việc làm không phải ai cũng làm được. Em đã thay mặt cho toàn bộ học sinh trên toàn quốc nói chung và học sinh THPT Đồi Ngô nói riêng "phản ứng" lại những bất cập trong giáo dục. Có như thế thì mới có chuyện ngày hôm nay chúng ta ngồi đây, cùng bàn luận về vấn đề này để đưa ra những ý kiến thông suốt nhất.

Không ít người đã lên án giám thị - những giáo viên dạy dỗ cho thế hệ trẻ về kiến thức, đạo đức... lại tiếp tay cho hành động gian dối. Tuy nhiên, tôi xin bày tỏ sự cảm thông, bởi giám thị cũng ở tình trạng "khó nói" trong quá trình coi thi. Là người trực tiếp làm nhiệm vụ "trồng người", ai chả mong đến ngày thấy học sinh của mình trưởng thành, ra trường để bước vào cuộc sống. Thế nhưng, do sức học quá yếu, đặc biệt khi các em lại nằm trong khối THPT Dân lập tại vùng núi thì mặt bằng kiến thức nói chung là thấp kém. Càng kém các thầy cô càng thương, vì vậy mới có hậu quả là những gì các bạn được tận mắt nhìn thấy trong clip.

Khi coi thi họ dễ dãi như vậy, không có nghĩa họ là những giáo viên không có trách nhiệm. Trong quá trình dạy học, họ đã cố gắng truyền tải kiến thức cũng như "đe dọa" một nỗi lo thi tốt nghiệp để học sinh cùng cố gắng. Thế nhưng từ lâu quay cóp đã là truyền thống của thi tốt nghiệp. Nếu để ý xem clip quay từ phòng thi số 4 tại trường Đồi Ngô, Bắc Giang sẽ thấy rõ giáo viên mặc váy đỏ được bắn tên là Lê Thị Hải, dạy môn tiếng Anh của trường Đồi Ngô đã có mặt ở trong phòng thi, đưa bài giải vào cho thí sinh, chăm sóc thí sinh từng phòng thi rất kỹ lưỡng. Nếu nhìn kỹ giáo viên nói trên, bạn sẽ thấy sự hối hả, lo sợ thể hiện trên nét mặt cũng như hành động. Có thể giám thị áo đỏ sợ mình bị phát hiện, hay đang cảm thấy có lỗi với lương tâm nghề nghiệp của mình? Giám thị vừa phải để ý bên ngoài, vừa phải chăm sóc cho từng thí sinh, để làm sao cho gian lận được nằm trong vỏ bọc yên tĩnh nhất. Nắm trong tay "quyền sinh quyền sát", chỉ có hành động tự "dúng tay" của giám thị thì các em mới có thể vượt qua kỳ thi được. Vì vậy, chúng ta hãy nên thông cảm với giáo viên này. Họ coi học sinh như con em ruột thịt.

Cao hơn cả trong sự việc này là căn bệnh thành tích trong giáo dục. Mà thực chất xã hội bây giờ ngành nào chẳng có tiêu cực, nặng thành tích. Theo quan niệm của nhiều người, kỳ thi tốt nghiệp này được tổ chức ra cũng chỉ để lấy cái bằng nên không nặng nề như thi Đại học. Vì vậy thì làm gì mà phải căng thẳng, đòi phạt nặng giáo viên và thí sinh? Họ vẫn là những người đáng thương, vì suy cho cùng đây là lỗi của hệ thống, còn họ chỉ là những cá nhân cụ thể mà thôi.

Bên cạnh đó, là một người đã qua hết quãng thời gian đi học, tôi thấy hệ thống giáo dục Việt Nam đang truyền thụ rất nặng, đặc biệt là nặng về lý thuyết, ít thực hành. Hết lớp 12, phần lớn số học sinh đã học về tế bào nhưng chưa một lần quan sát qua kính hiển vi, vẫn học phản ứng hóa học nhưng chưa bao giờ tận mục sở thị. Học nghề điện nhưng chắc gì đã biết lắp cầu chì, học may nhưng mà chỉ biết khâu tay, học tin học vẫn chưa đánh thạo bàn phím. Như vậy, điều quan trọng bây giờ là không phải trách tội các thí sinh, giám thị, mà cả xã hội hãy chung tay nêu lên những biện pháp chống tiêu cực, cải cách giáo dục. Hãy nghĩ đến những điều vĩ mô hơn là những điều vi mô, đừng sát phạt nhau mà hãy giúp cho nhau tốt lên. Ông cha đã từng nói: "Đánh kẻ chạy đi chứ không nên đánh người chạy lại".

Giờ đây, khi nhìn con trai mình lo lắng cho kết quả tốt nghiệp, không còn tâm trí đâu mà ôn thi Đại học nữa, tôi rất thương con. Mặc dù biết rằng sự giả dối nào cũng đến lúc bị phát hiện nhưng là bố mẹ ai chả muốn con thi đỗ. Nếu như kết quả thi tốt nghiệp của con và các bạn bị hủy, giám thị bị buộc thôi việc thì tôi sẽ thấy đau lòng và bất công lắm, bởi còn rất nhiều nơi như Trường Đồi Ngô đã "may mắn" thoát hiểm ở kỳ thi này. Qua các năm, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của họ xấp xỉ 100%, nhưng ít ai biết nếu bị dính vào bê bối như THPT DL Đồi Ngô, kết quả thực khi ấy mới hiện lên, thật đau xót.

Qua clip này, tôi mong muốn mọi người hãy coi đây là một câu chuyện để tất cả chúng ta cảnh tỉnh, rút ra những bài học giúp cho nền giáo dục Việt Nam phát triển. Còn việc chống tiêu cực đi đôi những hình phạt xứng đáng cho những người liên quan hãy để vào kỳ thi năm sau, cho sự công bằng trên toàn đất nước.
NẾU TÔI LÀ BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
XEM CÔNG NGHỆ QUAY CÓP QUA 5 MÔN THI TẠI BẮC GIANGSỐC VỚI HÌNH ẢNH GIAN LẬN Ở TRƯỜNG ĐỒI NGÔ  TỪ CAMERA THỨ BA; MẸ GS NGÔ BẢO CHÂU "CHÂU VẪN CÒN KỲ VỌNG VÀO NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM"
Vụ clip phao thi: Lá thư xin tha bổng cho giám thị và người quay clip ảnh 4

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Mẹ GS Ngô Bảo Châu: "Châu vẫn còn kỳ vọng vào nền giáo dục Việt Nam"

Sốc với hình ảnh gian lận ở Đồi Ngô –Bắc Giang từ camera thứ ba

Nguyên Chủ nhiệm VPQH: "Quay cóp là do chương trình học quá nặng"

Đắng lòng nhà trọ ổ chuột sinh viên (P8)

Các chuyên gia giáo dục ủng hộ mạnh tay với tiêu cực ở Bắc Giang

Nếu không có clip Bắc Giang, Ngành GD sẽ báo cáo thành công tốt đẹp

Độc giả Hữu Quý