Sự việc gian lận nghiêm trọng và có hệ thống tại hội đồng thi Trường THPT DL Đồi Ngô, Lục Nam, Bắc Giang gây rúng động dư luận không chỉ bởi mức độ sai phạm mà còn bởi tính chất gian dối được đẩy lên đến đỉnh điểm của vấn đề. Buồn và trớ trêu thay khi đề thi tốt nghiệp năm nay hỏi ý kiến thí sinh về thói dối trá, một mặt thí sinh bình luận, lên án thói dối trá trong bài làm của mình, một mặt lại thực hiện hành vi dối trá dưới sự trợ giúp của chính những người thầy giáo, cô giáo của mình. Theo GS. Hồ Ngọc Đại, không cần phải nói thì ai cũng biết, kỳ thi cấp quốc gia như kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng bấy lâu nay bị xem như một "kỳ thi hình thức", vì thế gian lận thi cử xảy ra ở hầu hết các địa phương trên cả nước ở những mức độ nặng nhẹ khác nhau. Gian lận thi cử đã cũ lắm rồi, nói nhiều lắm rồi nhưng nói mãi thì vẫn thế, không cải thiện được. Sự việc tại Đồi Ngô chỉ là một điểm hình trong các điển hình sai phạm. Thế nhưng, những sai phạm ở Đồi Ngô khiến dư luận khó chấp nhận và lượng thứ bởi tính chất gian dối có hệ thống, sự móc nối dàn xếp để gian lận, âm mưu bỉ ổi của những người làm giáo dục nơi đây. GS. Hồ Ngọc Đại cũng cho rằng, qua vụ việc tại Đồi Ngô, mỗi người làm công tác giáo dục cần kiểm điểm nghiêm khắc bản thân về tính thật thà, thái độ thành khẩn, cầu tiến…
GS. Hồ Ngọc Đại trong chuyến công tác tại Tuyên Quang (Ảnh Thu Hòe) |
“Hai xu” và bài học về sự “thành thật” GS. Hồ Ngọc Đại bắt đầu nói về thói dối trá bằng câu chuyện “hai xu” trong chính tuổi thơ của mình. Hồi đó, cậu bé Hồ Ngọc Đại mới lên 6, lên 7 tuổi. Ngoài thời gian học tập, Hồ Ngọc Đại rất thích chơi cùng những đứa trẻ chăn trâu nhà nghèo. Những đứa trẻ trâu con nhà nghèo hồi đó có những trò chơi, những tài lẻ khiến cậu bé Hồ Ngọc Đại hết sức khâm phục. Khi bị mẹ cấm chơi với những đứa trẻ trâu, cậu vẫn về nhà và kể lại với mẹ của mình bằng sự háo hức, ngưỡng mộ rằng, những người bạn ấy giỏi lắm, có nhiều tài lắm… và cậu muốn được chơi cùng những người bạn như vậy.
Sau gian lận ở Đồi Ngô, không thể tiếp tục sống trong dối trá
Nhà văn Chu Lai: "Gian lận Đồi Ngô là xúc phạm con người"
GS.Nguyễn Minh Thuyết luận bàn về thói dối trá từ gian lận tại Đồi Ngô
Một ngày, mẹ của Hồ Ngọc Đại làm rơi cả một xâu tiền phát cho người ở trong nhà. Bà mẹ mới nhờ cậu con trai tìm nhặt đủ các đồng xu trong xâu tiền ấy. Lúc đó, Hồ Ngọc Đại đang vội đi học nhưng cũng nghe lời, cúi xuống nhặt tiền cho mẹ. Nhặt xong, cậu đưa những đồng xu cho mẹ của mình. Bà mẹ hỏi: “Đủ tất cả chưa con?” Hồ Ngọc Đại trả lời: “Đủ tất cả rồi ạ!” Bà mẹ hỏi lại một lần nữa và vẫn nhận được câu trả lời là đã đủ tất cả của cậu con trai. Cậu bé Hồ Ngọc Đại vui vẻ nhảy chân sáo đi học nhưng những tiếng leng keng… leng keng… phát ra từ trong túi áo đã “tố cáo” cậu. Chỉ vì cái suy nghĩ đơn giản, muốn có một cái gì đó góp vào những cuộc chơi với những đứa trẻ chăn trâu nhà nghèo, cậu bé Hồ Ngọc Đại đã lấy 2 xu của mẹ mình mang cho các bạn. “Tôi bị mẹ gọi lại và bị phát hiện còn 2 xu trong túi áo. Tôi nhớ mãi lời nói của mẹ lúc bấy giờ. Mẹ tôi nói: Cái nhà này là nhà của con. Tiền này là tiền cho các O, các chú trong nhà nhưng cũng là tiền của con. Con không được lấy tiền mồ hôi, nước mắt của các O, các chú ấy… Từ đó về sau, tôi không bao giờ nói dối, không bao giờ ăn cắp, lấy cái gì không phải là của mình…”, GS. Hồ Ngọc Đại nhớ lại.Người lớn thích huân chương, trẻ con thích giấy khen… Bàn về vấn đề dường như bây giờ trẻ con bây giờ bị “tập nhiễm” thói nói dối quá nhiều; trẻ con bây giờ thích nói dối, nói dối nhiều hơn, nói dối giỏi hơn, GS. Hồ Ngọc Đại lí giải: “Trẻ con nói dối là do người lớn. Ngày nay, người lớn cho trẻ con sống trong một môi trường với nhiều sự dối trá quá quá. Trẻ con làm sai, người lớn thường phạt trẻ con. Đó cũng là một lí do khiến trẻ con nói dối. Chúng phải nói dối để tránh bị phạt, bị phạt nhẹ hơn. Người lớn chúng ta không biết và không hiểu rằng, trẻ con sai là tự nhiên. Người lớn không nên áp dụng những hình phạt với trẻ con. Người lớn chỉ nên chỉ bảo và sửa sai cho trẻ. Tôi nhớ đã từng xem một chương trình truyền hình, trong đó có một câu nói tôi thấy tâm đắc: 'Người lớn thì thích huân chương, trẻ con thì thích giấy khen'. Có lẽ, tâm lý thích được khen của trẻ con cũng là nguyên nhân khiến chúng nói dối nhiều hơn trong xã hội hiện nay…”. Khẳng định, trẻ con hiện nay biết nói dối, nói dối nhiều và nói dối giỏi, GS. Hồ Ngọc Đại cũng chỉ ra rằng vẫn còn những môi trường giáo dục với những sản phẩm giáo dục thuần khiết, ở đó trẻ con được tôn trọng, được sống thật là chính mình, được phát triển tự nhiên… và không bao giờ nói dối.
“Trẻ con ở trường Thực nghiệm không biết nói dối. Chúng rất thật! Nó học khá mà nói nó không giỏi, nó sẽ cải chính rằng, nó chỉ học khá. Nó học giỏi mà nói nó khọc khá thì nó sẽ lên tiếng là nó học giỏi chứ không phải khá. Ở trường Thực nghiệm, những lời nói thật của học sinh được khuyến khích. Học sinh trường Thực nghiệm đến lớp không làm bài tập thì nói tối qua chơi không làm bài tập chứ không nói lí do, lí trấu không làm bài tập như học sinh các trường khác. Học sinh trường Thực nghiệm đã nói với tôi rằng: “Ra ngoài đời, nói dối, chúng em thấy ngượng mồm lắm…”, GS. Hồ Ngọc Đại chia sẻ. Nói về lí do của sự khác biệt ấy, GS. Hồ Ngọc Đại cho hay: “Trường Thực nghiệm không có khen thưởng, không có thi đua, không có hình phạt… Những lời nói thật của học sinh không bao giờ bị hề hấn gì”. Ông cũng khẳng định: “Căn nguyên sâu xa của những thói gian dối trong môi trường học đường là sự cho điểm, là xếp loại, là khen thưởng, là thi đua…” . GS. Hồ Ngọc Đại cũng chỉ ra rằng, môi trường sống trong gia đình là điều kiện tiên quyết hình thành nên tính cách của trẻ. Bố mẹ tốt sẽ làm nên những đứa con tốt và ngược lại. Những người trong một gia đình nói dối nhau là điều tối kị. Có thể không bằng lòng về nhau, có thể không nói, nhưng đã nói thì phải nói thật…
ĐIỂM NÓNG |
|
Thu Hòe