Căn bệnh viêm phế quản cấp đã cướp mất cha khi tôi mới chập chững bước vào lớp 1, bỏ lại 3 mẹ con cùng mái nhà tranh cũ nát và một khoản nợ cả chục triệu đồng. Suốt mười mấy năm, để có được bữa rau, bữa cháo nuôi con và trả nợ, mẹ đã phải rời quê ra phố làm đủ mọi việc từ bán hàng rong, lượm ve chai đến vác mướn, gánh thuê, ô sin... Năm chị gái tôi lên 10 tuổi cũng bỏ học theo mẹ đi làm thuê, một mình tôi phải tự xoay sở mọi việc. Lúc ấy dù còn rất nhỏ nhưng tôi đã tự nhủ, dù bất kỳ hoàn cảnh nào mình cũng phải gắng học để mai này chăm lo cho mẹ.
Em Nghề bên góc học tập của mình. |
Một buổi đến lớp, buổi còn lại tôi đi bắt ốc, mò cua bán, rồi làm thuê tất tật những việc có thể để mỗi ngày cố gắng kiếm được ít nhất 5.000 đồng. Không nhớ nổi bao nhiêu tháng mùa khô đi cắt cỏ trâu thuê, miệng khát đắng, tay rướm máu, rồi cả những mùa mưa ngâm nước bắt cua chân tay bợt bạt, nhưng tôi vẫn vượt qua tất cả để suốt 12 năm liền luôn xếp nhất nhì trong lớp. Lần nào nhận được tin vui từ tôi mẹ cũng khóc... Ngày tôi nhận giấy báo trúng tuyển đại học cũng là lúc mẹ ngã bệnh phải về nhà, chị gái thì theo chồng kiếm sống nơi xa. Không ít người khuyên tôi nên bỏ học để đi làm, nhưng mẹ kịch liệt phản đối, bởi "mọi hy vọng mẹ đều đặt cả ở con, dù có phải nhịn ăn và tiếp tục đi vay, mẹ vẫn quyết nuôi con học đại học". Vâng lời mẹ, tôi khăn gói nhập trường, trong tay chỉ có vừa đủ số tiền để đóng theo giấy thông báo. Được ưu tiên vào ở trong ký túc xá với khoản kinh phí có thể gia hạn nộp, ngoài thời gian đến giảng đường, tôi đăng ký đi dạy thêm ở nhiều nơi để có kinh phí trang trải việc học và dành dụm gửi về cho mẹ thuốc thang, trị bệnh. Nhưng số phận vốn trớ trêu, bệnh mẹ ngày càng nặng, tôi phải xin nghỉ học một thời gian để đưa mẹ đi chạy chữa khắp các bệnh viện trong ngoài tỉnh, nhưng vẫn không qua khỏi. Mẹ mất đúng vào ngày 30 Tết năm 2011. Chỗ dựa tinh thần vững chãi duy nhất không còn, tôi phải rất cố gắng để không suy sụp tinh thần, để có thể tiếp tục gắn bó với giảng đường đại học, mai này trở thành thầy giáo về quê dạy văn hóa cho những đứa trẻ nghèo... Giờ đây tôi chuẩn bị được cầm trên tay tấm bằng đại học loại ưu, mong ước thuở sinh thời của mẹ cha sắp trở thành hiện thực. Biết rằng phía trước còn rất nhiều khó khăn, trở ngại nhưng tôi tự tin rằng, với hành trình vượt qua nghịch cảnh mình đã trải, tôi sẽ làm được những điều dự định trong tương lai.
Bùi Văn Nghề - sinh viên khoa Sư phạm Vật lý, Trường Đại học An Giang
ĐIỂM NÓNG |
|
Theo Dân Việt