Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội: Đề văn khối C có chỗ "làm khó" thí sinh

09/07/2012 14:10
Đỗ Quyên (ghi)
(GDVN) - Chia sẻ với PV Báo Giáo dục Việt Nam, TS. Định Văn Thiện, Nguyên Phó chủ nhiệm khoa Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội đã có những nhận xét về đề thi tuyển sinh văn khối C, D.
TS. Đinh Văn Thiện cho rằng, đề ra năm nay sát với chương trình phổ thông, cụ thể, chi tiết, không rơi vào tình trạng chung chung. Khuynh hướng ra đề như vậy giúp cho học sinh phải học kỹ lưỡng, không thể có cảm nhận chung chung.
Các sĩ tử xem lại đề khi bước khỏi phòng thi
Các sĩ tử xem lại đề khi bước khỏi phòng thi
Riêng đề khối D, câu 3a, nội dung yêu cầu rất “vụn”, là câu 5đ nhưng học sinh khó phát triển để được thành bài 5đ. Vì để đạt đến một lượng “chữ nghĩa” đủ 5đ, học sinh dễ rơi vào tình trạng lan man ra ngoài vấn đề. Đề ra kiểu này ở một câu 5đ là không phù hợp, có cảm giác giống yêu cầu viết đoạn văn trong đề thi vào lớp 10.

Đề khối C, câu 3b: “Cảm nhận về hai đoạn thơ” là một yêu cầu rất chung chung, học sinh sẽ khó làm, không biết là so sánh hay cảm nhận từng đoạn. Hai đoạn thơ thuộc hai bài thơ mà cảm hứng cụ thể ở từng bài không giống nhau. Tương tư, cảm hứng chủ đạo là tình yêu đôi lứa. Trong khi đó Đây thôn Vĩ Dạ, cảm hứng chủ đạo là nỗi nhớ của thi sĩ đối với thôn Vĩ. Bức bưu ảnh của Hoàng Cúc gửi cho Hàn Mặc Tử chỉ là sự gợi tứ trực tiếp trong nguồn cảm hứng đầy nhớ thương về thôn Vĩ và cuộc đời “ngoài kia” của thi sĩ. Còn nếu viết riêng từng đoạn thì không nhất thiết phải gộp thành một câu 3b với yêu cầu chung như vậy. 

Câu nghị luận chính trị xã hội của đề khối C rất hay, phù hợp với thực tế không chỉ của ngành giáo dục mà của toàn xã hội hôm nay. 

Câu nghị luận chính trị xã hội của đề khối D cũng là một câu rất hay, cảnh tỉnh những biểu hiện bồng bột, quá trớn đến mức thiếu văn hóa của nhiều bạn trẻ hiện nay đối với các thần tượng của họ mà chủ yếu lại là các thần tượng vui chơi giải trí, trong khi đó các thần tượng trong học tập, tu dưỡng… rất đáng được tôn vinh thì họ lại thờ ơ.
Đỗ Quyên (ghi)