Thầy nói bậy, trò ắt sẽ chửi tục

26/08/2012 18:35
Độc giả Trần Thanh Tú
(GDVN) - Người ta nói chỉ có học sinh mới chửi bậy không ngượng ngùng, nhưng thực tế thì bố mẹ, thầy cô giáo của các em cũng chửi bậy.
LTS: Sau khi đăng tải clip về học sinh Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) ngồi hút thuốc, văng tục, chửi bậy ngoài quán nước trước cổng trường, Báo GDVN đã nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả về vấn nạn này trong môi trường giáo dục cũng như trong gia đình và xã hội. Để bạn đọc có một góc nhìn đa chiều, Báo GDVN trích đăng ý kiến của độc giả Trần Thanh Tú về vấn đề này. Tôi thấy chuyện học sinh bây giờ văng tục, chửi bậy, hỗn láo, đánh nhau (đặc biệt là các bạn gái) rồi tung clip lên mạng khá phổ biến ở các trường học kể cả thành thị lẫn nông thôn. Nhưng nếu dựa vào đó mà nói học sinh bây giờ hư quá thì có lẽ oan uổng cho các em rất nhiều.
Học sinh trường THPT Việt Đức (Hà Nội) ngồi hút thuốc, văng tục, chửi bậy ngay trước cổng trường.
Học sinh trường THPT Việt Đức (Hà Nội) ngồi hút thuốc, văng tục, chửi bậy ngay trước cổng trường.
Oan uổng là bởi các em vẫn còn là học sinh, còn trong độ tuổi trau dồi kiến thức, học hỏi thầy cô trong trường học và gia đình là chủ yếu. Nhưng chính trong môi trường đó, lại có những thầy cô giáo, và ngay cả bố mẹ các em cũng văng tục, chửi bậy thì chuyện các em cũng văng tục, chửi bậy là điều dễ hiểu. Chúng ta hãy khoan nói đến các ngôn từ bậy bạ, hỗn láo của các em mà hãy bàn về ngôn từ của người lớn sử dụng hàng ngày để giao tiếp với các em như thế nào?
Không hiểu vì sao, nhưng trong các gia đình ở nông thôn, các bậc phụ huynh ở độ tuổi bốn mươi trở ra thường gọi nhau là ông ơi, bà ơi, chẳng mấy khi xưng hô anh em, vợ chồng. Mặt khác, bố mẹ không mấy khi gọi con cái thân mật, mà thường hay gọi là thằng này, con kia. Khi có xung đột trong gia đình, các ông bố thường xuyên văng tục. Đôi khi các bà mẹ cũng văng tục. Còn trong bữa nhậu hoặc “bàn tròn” với bạn bè thì mọi thứ đều văng ra hết, kể cả với những người có trình độ học vấn cao. Trong Nam thì tôi chưa có nhiều dịp để chứng kiến, nhưng ở các quán ăn miền Bắc, đặc biệt là ở Hà Nội, người ta có thể nghe tiếng chửi thề từ chủ quán cho đến khách hàng rất hồn nhiên. Họ coi việc sử dụng ngôn ngữ tục tĩu đó để giao tiếp với nhau là bình thường, nói ra miệng như một thói quen chứ không phải nhằm chửi bới. Còn ở các bàn nhậu với đối tác, trước khi đi, nhiều người còn dặn dò bạn phải nói chuyện thật bậy bạ, xấc xược, có như vậy mới làm ăn với nhau được. Đó là trong gia đình và ngoài xã hội, còn trong môi trường giáo dục, giờ đây thầy và trò không còn khoảng cách như ngày xưa. Sau buổi học, thầy trò có thể rủ nhau đá bóng, đánh cầu, nhậu nhẹt, chơi những trò cùng sở thích là chuyện bình thường. Nhưng điều không bình thường ở đây là các thầy, thậm chí cả cô giáo coi việc bước ra khỏi cổng trường là thầy cũng như trò, trò cũng như thầy, có thể văng tục, chửi bậy thoải mái mà không ảnh hưởng đến ai. Tôi còn nhớ, thời gian vừa rồi báo chí nói nhiều đến ông Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, người đã từng dạy học ở rất nhiều trường đại học trên cả nước và trên truyền hình Quốc gia. Khi ông nói trên truyền hình thì không sao, nhưng khi đứng trên bục giảng ông lại dùng ngôn ngữ không bình thường để giảng cho học viên của mình. Còn biên tập viên Lê Bình của Đài Truyền hình Việt Nam cũng phát ngôn sốc khi xảy ra sự cố của ê-kíp chương trình trong bản tin Tài chính – Kinh doanh được phát sóng trực tiếp lúc 7 giờ sáng. Chị cau mày, vẩy tay rồi phát ngôn sốc “Cái bọn điên này…” với bộ mặt lạnh lùng. Trường hợp khác, trong khi phát sóng trực tiếp trên Đài Tiếng nói Quốc gia, chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn của chương trình "Cửa sổ tình yêu" đã có phát ngôn gây sốc và bị cộng đồng “ném đá” dữ dội. Nhưng may thay, chuyên gia này đã đi trước các đồng nghiệp khác bằng những giải thích rất kịp thời với cộng đồng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Trong kỳ Euro 2012, cầu thủ Nasri của đội tuyển Pháp sau khi có những phát ngôn không đúng mực, anh ta đã phải chính thức lên tiếng xin lỗi khán giả trước báo giới, đặc biệt là các khán giả trẻ em vì hành vi thiếu suy nghĩ của mình. Trong khi ở nước ta, việc xin lỗi trẻ khi người lớn mắc lỗi ở các gia đình là rất hiếm gặp. Các bậc phụ huynh nếu mắc lỗi thì không nói gì, thậm chí bỏ đi, nhưng khi các em mắc lỗi thì mắng chửi thậm tệ. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tâm sinh lý, cách ứng xử của trẻ. Các em tích tụ ức chế lâu ngày, đến khi bạn bè mắc lỗi, các em thường đối xử như cha mẹ mình đã từng làm để giải tỏa ức chế và căng thẳng. Tôi rất thích chia sẻ của Giáo sư Hồ Ngọc Đại: “Đối với tôi trẻ em là thiêng liêng nhất, vì trẻ em đối với tôi là dân tộc, đối với tôi là lịch sử, đối với tôi là đất nước, cho nên tôi nói trẻ em luôn luôn đúng là tôi nói thật bụng, rất hồn nhiên, rất trong trắng, thiên thần như thế mà dạy không ra gì khiến tôi chảy nước mắt”. Do đó, tôi cho rằng, nếu nói toàn bộ học sinh bây giờ đều văng tục, chửi bậy hay hư đốn là không hoàn toàn chính xác. Chúng ta cần xem xét thái độ, hành vi của người lớn trước khi trách móc hoặc phán xét các em.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Văn hóa ứng xử: Dân miền Nam "ăn đứt" người miền Bắc

PGS Văn Như Cương bàn về thói nói tục, chửi bậy của học trò

Chùm ảnh: Những "trò lố" của sinh viên Trung Quốc trong ký túc xá (P3)

Cười vỡ bụng với clip hát nhép của sinh viên

Cần đưa chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa vào sách Lịch sử phổ thông

Hệ thống giáo dục của Việt Nam đang lỗi thời?

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Độc giả Trần Thanh Tú