Nhà có 8 con vào đại học

28/08/2012 11:25
Năm nay, nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng (xã Phú Thượng, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) có tám đứa con dự thi đại học, cao đẳng thì đậu cả tám. Cả nhà ấm áp niềm vui. Nhưng vui đấy và cũng lo đấy: tiền nhập học...
Nhà bảo trợ Phú Thượng ra đời đã năm năm (2007) do một nhóm từ thiện của bác sĩ Phạm Thị Xuân Quế quyên góp tiền để nuôi dưỡng những học sinh hiếu học nhưng gặp hoàn cảnh quá khó khăn. Ba năm trước, tám cô cậu học trò giỏi ấy đã bước vào ngôi nhà này từ nhiều vùng quê của Thừa Thiên - Huế.

Bữa cơm ấm áp ở nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng.
Bữa cơm ấm áp ở nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng.

Những cảnh đời cơ cực
Khi cô bé Nguyễn Thị Thanh, người làng Xuân Ổ (xã Phú Xuân, Phú Vang) được sinh ra thì ba bỏ đi biền biệt. Thời gian sau, mẹ cũng đi thêm bước nữa rồi chuyển vào sống ở Bình Dương, để lại Thanh cho ông bà ngoại đã ngoài tuổi 60 nuôi dưỡng. 
Thương hoàn cảnh đứa học trò côi cút, thầy hiệu phó Trường THPT Phan Đăng Lưu đã giới thiệu Thanh đến nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học. Thanh tâm sự: “Mẹ thương con lắm nhưng mẹ vẫn còn bổn phận của một người mẹ, người vợ ở gia đình mới”. Thanh vừa trúng tuyển vào đại học Kinh tế Đà Nẵng với số điểm 19.
Ngày nhận tin đậu đại học, Trần Ngọc Nhật Bình (quê xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) từ nhà nuôi dưỡng chạy về báo tin cho mẹ và khóc. Bình nói Bình khóc vì lo nhiều hơn là mừng, bởi lại thêm một gánh nặng đè lên vai người mẹ vốn đã quá dư thừa sự khổ nhọc. 
Sau khi chia tay với người chồng vũ phu, bà mẹ ấy đã bắt đầu cuộc sống mới với gánh rau vốn liếng 200.000 đồng. Lúc đó Bình mới vào lớp 1. Trong mái nhà xiêu vẹo ấy, người mẹ vẫn tần tảo nuôi ba đứa con. Ước mơ trở thành một bác sĩ giỏi nhưng Bình phải chọn thi vào ngành sư phạm toán (ĐH Sư phạm Huế), đơn giản là để đỡ tốn học phí.
Sáu bạn còn lại cũng đều có những hoàn cảnh xót xa như thế và cùng ghi tên mình trong danh sách trúng tuyển năm nay. 
Quốc Huy thi đậu cả hai ngành công nghệ thông tin và môi trường của đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM. Trương Thị Nga đậu đại học Ngoại ngữ và đại học Kinh tế Huế. Lê Thị Kim Ngọc đậu đại học Kinh tế TP.HCM, Nguyễn Thị Thanh (có hai cô Thanh cùng họ) đậu đại học Ngoại ngữ Huế, Minh Cương đậu CĐSP Huế ngành tài chính ngân hàng, Huỳnh Thị Tơ đậu Cao đẳng Y Huế ngành dược.
Đi tiếp con đường đầy gian nan
Từ khi biết kết quả cả tám em đều thi đậu, các cô bảo mẫu ở nhà bảo trợ Phú Thượng không còn yên lòng. Những ngày qua, các cô phải chạy đôn chạy đáo tìm nhà hảo tâm tài trợ cho các em nhập học. “Thương các em quá, nhưng kinh phí nhà bảo trợ lại hạn hẹp, còn phải nuôi các em khác đang đi học cấp 3”, cô Bùi Thị Phương Hương - phụ trách kế toán nhà bảo trợ, chia sẻ.
Khác với các tân sinh viên khác, đặt chân vào ngưỡng cửa đại học với biết bao mơ ước, cả tám cô cậu tân sinh viên này đều có chung một mong muốn: tìm được việc làm thêm để theo đuổi việc học. Hồ Quốc Huy rắn rỏi: “Chỉ cần vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu. Còn sau đó cố gắng học thật giỏi để lấy học bổng, rồi đi làm thêm, thế nào cũng qua bốn năm”.