Kết thúc có hậu cho nữ sinh dân tộc Thái mong thành cô giáo

06/09/2012 15:00
Đỗ Quyên Quyên
((GDVN) - Sau khi Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết: Nữ sinh dân tộc Thái mong thành cô giáo, nhưng không có tiền nhập học (Nguồn: Dân Trí) đã nhận được nhiều sự đồng cảm của độc giả, đặc biệt Báo nhận được tin vui từ học bổng cá nhân anh Tào Đức Hiệp trao tặng em Vi Thị Tâm.
Tặng học bổng cho nữ sinh nghèo vượt khó

Trải qua một tuổi thơ đầy nghèo khó và hiện tại khi đang giữ cương vị Phó Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Công Đoàn Đường sắt Việt Nam, anh Tào Đức Hiệp vẫn đang ở trong căn nhà cấp 4, đi xe máy “cà tàng”, nhưng luôn coi công việc tình nguyện hướng thiện vì người nghèo là niềm vui trong cuộc sống.

Sau khi đọc bài báo nói về hoàn cảnh gia đình em Tâm, rất xúc động, anh Tào Đức Hiệp đã quyết định kêu gọi và ủng hộ cho em Tâm trong 4 năm học Đại học. Tạm thời mức ủng hộ của anh sẽ là 1.500.000 đồng/ tháng.
Cầm giấy bào nhập học mà lòng Tâm trĩu nặng vì hoàn cảnh quá khó khăn.(Ảnh: Dân Trí)
Cầm giấy bào nhập học mà lòng Tâm trĩu nặng vì hoàn cảnh quá khó khăn.(Ảnh: Dân Trí)
Vi Thị Tâm, một học sinh giỏi ở bản Bồn Pủn, xã vùng sâu Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Ngày cầm giấy báo đậu khoa Văn của Trường ĐH Vinh, Tâm về nhà và khóc nói với bố mẹ là con đã thi trượt. Rồi Tâm xin phép bố mẹ để vào Sài Gòn làm thuê nuôi em nhỏ ăn học và chấm dứt giấc mơ gieo chữ của mình. 

Ngày nhận giấy báo đậu đại học em vui mừng không tả xiết nhưng lật lại trang 2 thì nước mắt cô bé lại tuôn trào bởi đó là các khoản đóng góp vào trường. Số tiền nhập học gần 2 triệu với gia đình Tâm bây giờ có bán đi cả gia tài cũng không đủ. 
Trong căn nhà của em không có cái gì đáng giá nổi 10.000 đồng nhưng đó lại là nơi trú ngụ quý giá của 6 con người. Và thứ đáng giá nhất, quý nhất trong túp lều tàn tạ kia là những tấm giấy khen của những năm tháng học sinh mà Tâm đạt được. Để có được ngày hôm nay, Tâm đã phải đi bộ gần 10.000 km qua 2 cánh rừng và hai con suối trong vòng 9 năm học (cấp 1 và cấp 2) mà không một lần nghỉ học. Em khao khát được làm giáo viên đến cháy lòng. Giấc mơ đó theo em suốt gần 4.000 ngày đến trường. Hoàn cảnh khó khăn, Tâm dự định đi làm thuê một năm trong Sài Gòn rồi về tính tiếp, bởi số tiền nhập học gần 2 triệu với gia đình Tâm bây giờ có bán đi cả gia tài cũng không đủ.
Anh Tào Đức Hiệp tâm sự, đã làm từ thiện trong 6 năm qua, giúp đỡ nhiều cho bà con nghèo mắc bệnh đục thủy tinh thể nhìn thấy ánh sáng nhưng đây là lần đầu tiên anh giúp đỡ đối tượng học sinh nghèo hiếu học vượt khó. Ba năm trước, anh đã có ý định giúp đỡ một học sinh đỗ ĐH học mà không có tiền nhập học nhưng dự định không thực hiện được đã làm anh rất trăn trở.

Qua đây, anh Tào Đức Hiệp muốn gửi lời nhắn nhủ tới Vi Thị Tâm: Em hãy luôn vững lòng, bên cạnh em không chỉ có gia đình mà còn có độc giả trên toàn quốc. Chính vì vậy hãy cố gắng học tập, và sống thật tốt.
Anh Tào Đức Hiệp luôn coi công việc tình nguyện hướng thiện vì người nghèo là niềm vui trong cuộc sống.
Anh Tào Đức Hiệp luôn coi công việc tình nguyện hướng thiện vì người nghèo là niềm vui trong cuộc sống.

Hành trình 6 năm làm việc thiện.


Tào Đức Hiệp sinh ra trong gia đình có bố mẹ cùng làm giáo viên tại xã Thụy Hương - Chương Mỹ (Hà Tây) nhưng hoàn cảnh gia đình vẫn hết sức khó khăn, đông anh chị em. Tuổi thơ là những ngày khốn khó cơm không đủ bữa, ăn cơm độn với sắn ngô, ăn rau cháo để qua ngày.

Xúc động hình ảnh

Xúc động hình ảnh "chú lính chì" Thiện Nhân vào lớp 1

Thủ khoa khối C ĐH Luật: Cô nàng có trí nhớ siêu việt

Thủ khoa khối C ĐH Luật: Cô nàng có trí nhớ siêu việt

Chùm ảnh: Khoảnh khắc đáng yêu của các bé mầm non ngày đầu đến trường

Chùm ảnh: Khoảnh khắc đáng yêu của các bé mầm non ngày đầu đến trường

Không phải là người giầu có về vật chất nhưng anh Hiệp luôn là người giàu có về tinh thần. Không làm từ thiện theo để trưng diện hay theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, bao giờ anh cũng lựa chọn cho mình nơi đến là những miền xa xôi, nơi nhiều người nghèo cần ánh sáng. Từ đó, anh Hiệp nhận ra rằng, còn rất nhiều cảnh đời thương tâm, hi sinh một chút bằng cách bớt chi tiêu cá nhân, kêu gọi bạn bè mà đem lại cho người khác hạnh phúc là những việc làm ý nghĩa.
Bước vào căn phòng làm việc của anh Tào Đức Hiệp,  tôi nhận thấy rất nhiều Bằng khen, giấy khen sau mỗi chuyến từ thiện. Anh Tào Đức Hiệp đã từng tham gia phẫu thuật thủy tinh thể cho bệnh nhân nghèo ở các tỉnh Điện Biên – Nam Định – Thanh Hóa – Lâm Đồng – Long An – Cần Thơ – Bạc Liêu – Yên Bái…Mỗi bằng khen anh coi là một niềm vui sau khi góp phần nhỏ công sức cho cộng đồng. Chuyến đi từ thiện gần đây nhất của annh đã góp một phần công sức đem lại ánh sáng cho 450 bệnh nhân nghèo tìm lại ánh sáng tại Long An – Cần Thơ. Sau mỗi chuyến đi, anh lại trở về, khấp khởi lên dự định cho những hành trình mới.

Làm việc trong ngành đường sắt cũng giúp anh thỏa chí bay nhảy, có cơ hội làm việc thiện ở nhiều nơi khác nhau. Đi qua nhiều miền đất nhưng kỷ niệm khiến anh xúc động nhất là hình ảnh một cụ già đang chăm sóc người con bị điên tại Sóc Trăng. Căn nhà của hai mẹ con không có gì đáng giá, bốn phía thông gió và ngập nước. Là người qua đường, anh chỉ kịp cho hai mẹ con bà cụ 200.000đ mà lòng vẫn nặng trĩu vì thương cho những kiếp người.

Một kỷ niệm khác cũng khiến anh rất nhớ, đó là chuyến đi từ thiện tại Điện Biên năm 2009. Anh dẫn đoàn giáo sư, bác sỹ đoàn thiện nguyện y tế xã hội Việt - Úc (HOPE) lên mổ mắt đục thủy tinh thể cho người nghèo tại tỉnh Điện Biên đi cùng có phiên dịch tiếng Anh nhưng khi đoàn đến làm việc thiện thì bà con nghèo đến mổ mắt đều là người dân tộc Thái, Mường, Mông. Thế là anh phải nhờ văn phòng UBND Tỉnh bố trí giúp một bạn phiên dịch tiếng Mông ra tiếng Kinh và sau đó chuyển sáng Tiếng Anh để giúp đoàn giải quyết công việc cho bà con dân tộc nghèo.

Tào Đức Hiệp bắt đầu làm từ thiện từ năm 2006, nhiều khi nhìn lại những việc làm anh cho rằng tuy nhỏ bé nhưng thấy lòng vui và thanh thản. Sáu năm qua công việc từ thiện đã gắn bó với anh bằng nhiều kỷ niệm, nhiều niềm vui, cũng nhiều nước mắt. Anh chỉ mong muốn rằng, mọi người hãy quan tâm đến những mảnh đời bất hạnh, bởi cuộc đời luôn tuân theo luật nhân quả, khi mất đi sẽ trở về với cát bụi, chỉ còn tấm lòng hướng thiện là đọng lại với đời.

Độc giả muốn chia sẻ cùng em Vi Thị Tâm, xin vui lòng liên hệ qua số điện thoại: 01633 599 267
Đỗ Quyên Quyên