Thất vọng và kỳ vọng vào giáo dục Việt Nam:

Quan chức từ chức ở Bộ Giáo dục: Một số người có quyền cũng tầm thường

24/09/2012 06:26
Xuân Trung - Đông Phong
(GDVN) - "Tôi biết chắc chương trình tiểu học 2000 sẽ thất bại vì làm ẩu, làm không có chỉ huy, không có ý tưởng, không có bí quyết và xa với cuộc sống. Chương trình này sai lầm ở chỗ: Tiền + Quyền lực + Cơ chế dự án = Quyết sách. Qua đây, tôi thấy một số người có trí thức, có quyền cũng tầm thường, biết sai mà vẫn ca ngợi".
LTS: Nền giáo dục hiện nay đang được nhìn nhận, đánh giá nhiều chiều ở nhiều góc cạnh khác nhau: Phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, đổi mới quản lý giáo dục... để tiến tới một  nền giáo dục tiên tiến. Trong chuyên đề bàn về "thất vọng và kỳ vọng" vào nền giáo dục nước nhà, Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào – Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) - người đã tạo ra "cú sốc" vào năm 2001 khi từ chức để phản đối việc thay đổi chương trình dạy tiểu học.
"Tôi từ chức vì lương tâm và trách nhiệm"
- Thưa ông, được biết năm 2001, ông đã từ chức để phản đối chương trình tiểu học 2000. Xuất phát từ đâu mà ông lại quyết định như vậy?
PGS.TS Nguyễn Kế Hào: Năm 2001, tôi từ chức bởi vì trước đó khi chuẩn bị chương trình tiểu học 2000 (chương trình sách), tôi đã góp ý nhiều lần, thậm chí góp ý bằng văn bản cũng không ai nghe. Tôi bị dồn vào chân tường và họ buộc tôi vào cuộc. Lúc này có hai con đường, một là theo vì đó là mệnh lệnh và Quyết định của Bộ trưởng thì Vụ trưởng phải theo. Dù sao tôi cũng được học hành, có lương tâm, có trách nhiệm nên tôi có lối thoát của mình, tôi chấp nhận từ chức, tôi không hợp tác với ai nữa. Tôi biết chắc là mình đúng, phía bên kia cũng nhận ra, nhưng họ có lí do riêng.

Ông Nguyễn Kế Hào: Cách làm sách bây giờ không có nhiều người có trình độ, không có nhiều người có tâm đúng nghĩa, nó chỉ là những mảnh ghép.
Ông Nguyễn Kế Hào: Cách làm sách bây giờ không có nhiều người có trình độ, không có nhiều người có tâm đúng nghĩa, nó chỉ là những mảnh ghép.

Tôi cũng biết chắc chương trình tiểu học 2000 sẽ thất bại vì làm ẩu, làm không có chỉ huy, không có ý tưởng, không có bí quyết và xa với cuộc sống. Chương trình này sai lầm ở chỗ: Tiền + Quyền lực + Cơ chế dự án = Quyết sách. Đó là thủ tiêu quản lí nhà nước. Qua đây, tôi thấy một số người có trí thức, có quyền cũng tầm thường, biết sai mà vẫn ca ngợi. 
- Cho tới bây giờ ông vẫn nghĩ quyết định của mình đúng?


PGS.TS 
Nguyễn Kế Hào: Không phải đúng mà càng ngày càng nhiều người nói tôi đúng.

- Đã từng làm công tác quản lí, từng đứng trên bục giảng và cho tới bây giờ vẫn hàng ngày, hàng giờ chứng kiến sự đổi thay của nền giáo dục, ông có nhận thấy giáo dục chúng ta đang đi theo đúng quỹ đạo?

Trước hội nghị Trung ương 6, vấn đề đổi mới giáo dục lại một lần nữa trở thành "điểm nóng". Giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu, là nền tảng cho sự phát triển của đất nước… tuy nhiên sau ba lần hô hào đổi mới thì cho tới nay nền giáo dục nước nhà vẫn còn bộc lộ quá nhiều bất cập. Đó là lý do vì sao Báo Giáo dục Việt Nam tổ chức chuyên đề “Thất vọng và kỳ vọng vào giáo dục Việt Nam”.

Mời các chuyên gia, độc giả quan tâm tới vấn đề đổi mới giáo dục Việt Nam gửi bài về toàn soạn theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn

Nguyên Bộ trưởng Giáo dục

Nguyên Bộ trưởng Giáo dục "điểm tên" ba vấn đề bức xúc của ngành

Việt Nam đã mấy lần đổi mới giáo dục?

Việt Nam đã mấy lần đổi mới giáo dục?

GS Hồ Ngọc Đại:

GS Hồ Ngọc Đại: "Giáo dục phổ thông nên rút xuống 11 năm"

PGS.TS Nguyễn Kế Hào: Giáo dục sinh ra như thế thì phải tiếp tục cho đến hết quãng đời của nó, trong cả một quá trình đó có những lúc phải chỉnh sửa, chịu đựng. Nếu trước đó chủ trương, chính sách đưa ra không đúng, không chuẩn thì vừa làm vừa điều chỉnh, vừa làm vừa chịu đựng cho nên mới dẫn đến sáng 6 chiều 1 (sáng học lớp 6, chiều về học lớp 1 -  theo cách ví von của ông Hào).

Tôi thấy rất lạ là các nhà quản lí giáo dục gần đây không học tập “hai tốt” của Bác Hồ. Tôi cũng đã theo dõi, chúng ta không nói tới “dạy tốt, học tốt” mà chỉ nói tới “không”, trên đời này có cái gì tồn tại bằng cái “không” nhỉ?

Tiêu cực trong thi cử thì thời xưa cũng có, thời nay cũng có, nước ta cũng có, nước ngoài cũng có, nước tiên tiến nhất cũng có, tiêu cực chỗ nào thì xử lí chỗ đó, chứ việc gì phải đặt mục tiêu "không".
Và cuối cùng, cho dù anh có quyền nhưng anh không thể điều khiển bằng mệnh lệnh hành chính và lợi ích nhóm vì giáo dục là toàn dân. Giáo dục có phần tự giác, theo đúng quy luật của nó chứ không phải dùng mệnh lệnh. Tuy nhiên, có một số người đã không hiểu được ý nghĩa sâu xa ấy. Tôi thấy buồn vì điều đó.
"Giáo dục của chúng ta không có tính kế thừa"
- Chứng kiến chương trình tiểu học 2000 đang triển khai, ông có suy nghĩ gì?
PGS.TS Nguyễn Kế Hào: Chương trình đã được giảm nhưng giảm vẫn chưa xong vì chữa bao giờ cũng khó hơn làm mới. Ở thời điểm đó (năm 2001) khi làm chương trình Tiểu học có một khoản tiền, họ độc đoán nên cả nước có một loại sách duy nhất, chương trình này không huy động được, không phát huy được sức sống nội tại của giáo dục từng nơi, từng địa phương.
Tôi thấy không có nước nào có một loại sách duy nhất, nhất là tiểu học. Trước đây sở dĩ năm 2000 đạt được thành tựu phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ vì thời điểm đó có tới 4 chương trình về sách, mục tiêu rất thống nhất. Tuy nhiên, chỉ một chữ ký là bỏ hết cả, đó là thiếu văn hóa, thiếu giáo dục.
- Vậy theo ông làm thế nào để khắc phục được tình trạng trên?

PGS.TS Nguyễn Kế Hào: Cái khó khắc phục nhất hiện nay là mệnh lệnh hành chính và lợi ích nhóm, cái này còn lâu dài, không riêng gì tiểu học. 


- Chương trình học, cách làm sách giáo khoa hiện nay theo ông đã hợp lí chưa?

PGS.TS Nguyễn Kế Hào: Cách làm sách bây giờ ít người có trình độ, có tâm đúng nghĩa, nó chỉ là những mảnh ghép. Cái sính của chúng ta bây giờ cứ có nhiều tiền đi nước ngoài, sang Mỹ thấy cái này hay, sang Singapore thấy cái này hay là nhặt về và ghép lại. Sách nó phải là của mình, người mình sống ở đất mình, nền văn hóa của mình thì đào tạo người mình, xây dựng quê hương bằng sách của mình mới đúng. Nhiều người cứ nói đó là để hội nhập, đương nhiên phải là hội nhập rồi, nhưng không có nghĩa là bắt chước, chép lại... như thế rõ ràng là đã phá vỡ chương trình cũ.

Giáo dục của chúng ta không có tính kế thừa, phát triển không bền vững, người trước làm sai một ít, người sau chữa thì nó lại phát sinh ra cái sai khác, giống như cái túi bị rò rỉ, bịt chỗ này lại rò chỗ khác. Cho nên phải làm lại, cái gì được thì giữ lại, cái gì sai phải bỏ,  nhưng quan trọng nhất là cái lõi, cái thần của nhà trường vẫn là “dạy tốt, học tốt”.


- Sai lầm trong một quyết sách giáo dục sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của lớp trẻ, theo ông ai phải đứng ra chịu trách nhiệm về vấn đề này?

PGS.TS Nguyễn Kế Hào: Ảnh hưởng tới trẻ em, học sinh thì quá rõ, học sinh là dân tộc đấy, là tương lai đấy, mình bây giờ cơ chế không rõ ràng, có lẽ là tập thể, chung cả. Cơ chế này chưa quy được cụ thể, quyền lợi thì cứ hưởng còn trách nhiệm thì chung chung, cứ tung hỏa mù là xong. Hồi tôi còn làm Vụ trưởng, trước khi mất, bác Phạm Văn Đồng có gọi tôi lên và nhắc “Giáo dục tiểu học làm sao phải đồng đều các nơi, phải là nền móng, nơi nào cũng phải tốt”. Cuối cùng, Cụ nói là phải thực hiện “hai tốt” của Bác Hồ, từ đó mới đẩy tiêu cực trong giáo dục được. 
“Giáo dục tiểu học làm sao phải đồng đều các nơi, phải là nền móng, nơi nào cũng phải tốt”
“Giáo dục tiểu học làm sao phải đồng đều các nơi, phải là nền móng, nơi nào cũng phải tốt”
- Hiện tại ông có tham gia giảng dạy và hướng dẫn luận văn cho các sinh viên ngành Sư phạm, mỗi khi lên lớp với các em – những nhà giáo tương lai, ông sẽ nói gì đầu tiên?
PGS.TS Nguyễn Kế Hào: Tôi vẫn thường nói sinh viên sư phạm cần nhận thức đúng về giáo dục, từng triết lí cho đến những quan điểm và những quy định cụ thể. Nhưng nhận thức đúng rồi thì cố gắng làm cho đúng, nếu cái gì chưa làm được thì cũng cố gắng đừng dấn vào cái sai.
- Thời còn đương chức, ông có nhiều lần khiến Bộ trưởng phật lòng?
PGS.TS Nguyễn Kế Hào: Chắc là có vì tính tôi vốn thẳng thắn. Tôi là một trong số rất ít người dám "phê bình" Bộ trưởng. Nhưng tính tôi vốn như vậy, chỉ nói những gì thực bụng, khi xây dựng phải nói thẳng với nhau.

- Ông có kỳ vọng gì vào nền giáo dục của chúng ta sắp tới?

PGS.TS Nguyễn Kế Hào: Tôi rất kỳ vọng sắp tới giáo dục chúng ta lành mạnh hơn, khoa học hơn, tính giáo dục cao hơn. Cụ thể là chương trình học và sách giáo khoa, làm cần nghiêm túc hơn, không có lợi ích nhóm xen vào, không có mệnh lệnh hành chính ở trong đó. Mục tiêu phải thống nhất, chuẩn - chuẩn là cái “đế” cuối cùng, bình thường phát triển rất khác nhau, nhưng muốn phát triển gì thì phải đạt chuẩn. Thí dụ, hết tiểu học thì học sinh phải đọc thông viết thạo, thành thạo 4 phép tính, có hiểu biết cơ bản.

PGS TSKH Nguyễn Kế Hào sinh năm 1942 tại Vĩnh Phúc. Năm 1961, ông là giáo viên cấp II và 6 năm sau, ông học tại Đại học Lômônôxốp (Nga). Năm 1979, ông làm nghiên cứu sinh tại Viện hàn lâm Khoa học Giáo dục Liên Xô. Sau khi bảo vệ xuất sắc luận án Phó tiến sĩ, năm 1984 ông trở lại Nga làm luận án tiến sĩ khoa học với đề tài: “Hình thành hoạt động học cho học sinh tiểu học”.

Năm 1994, ông được bổ nhiệm Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD&ĐT) và năm 2001, làm đơn xin từ chức để phản đối chương trình tiểu học mới sẽ được triển khai đại trà từ năm 2002. Ông chia sẻ, một nền giáo dục mà còn có lợi ích nhóm và mệnh lệnh hành chính thì không thể phát triển được.

Xuân Trung - Đông Phong