Sáng 24-9, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD, Bộ GD&ĐT Trần Văn Nghĩa đã gửi công văn chính thức trả lời Nguyễn Trung Dũng - tân sinh viên HV Ngoại giao, người đã gửi tâm thư tới Bộ GD&ĐT xung quanh
đáp án mã đề 248, đề thi khối D1 tuyển sinh đại học năm 2012.
Trước đó, Phó Cục trưởng Trần Văn Nghĩa cùng đồng nghiệp đã có buổi gặp mặt
Nguyễn Trung Dũng tại HV Ngoại giao về vấn đề này. Nguyễn Trung Dũng đã có những chia sẻ cùng PV Báo Giáo dục Việt Nam.
|
Tâm thư của Nguyễn Trung Dũng gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo được đăng trên Facebook cá nhân. |
HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC
Tại buổi gặp mặt, Phó Cục trưởng Trần Văn Nghĩa đã khẳng định: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nhận được thư góp ý của Trung Dũng từ rất sớm, sau đó chuyển cho bộ phận có thẩm quyền xem xét. Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD luôn ý thức được mọi ý kiến nhận xét đều rất bổ ích. Vì vậy, Cục Khảo thí đã thu xếp để gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp với Trung Dũng để mọi chuyện tốt đẹp lên.
Trong cuộc trò chuyện, phía bên đại diện Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD đã khẳng định: Phương án D. "either" cũng có thể được dùng khi giao tiếp phi trang trọng trong tiếng Anh Mỹ (được sử dụng rất hạn chế ở một số vùng ở Bắc Mỹ). Nhưng đáp án đúng phải là C. "neither". Bởi tiếng Anh cũng như các môn học khác đều bám sát vào chương trình SGK, cụ thể là SGK hiện hành (bài 12, sách giáo khoa lớp 7).
Tuy nhiên, Nguyễn Trung Dũng vẫn giữ quan điểm: Câu hỏi này có tới hai đáp án đúng. Vấn đề chủ yếu xoay quanh việc sử dụng cụm từ "me either" và "me neither". Càng tìm hiểu Trung Dũng càng thấy có nhiều tài liệu uy tín khẳng định cả hai cụm từ này đều được sử dụng.
Cụ thể "me either" được sử dụng rộng rãi ở Anh, còn "me neither" được sử dụng ở Bắc Mỹ. Đã thuộc về giao tiếp thì không thể phụ thuộc vào ngữ pháp mà còn là văn hóa, hoàn cảnh, dân tộc, vùng miền.
Như vậy, đáp án D “either” và đáp án C “neither” (cùng nghĩa “Tôi cũng không”) đều có thể chấp nhận được, phù hợp ngữ pháp và văn cảnh trong câu hỏi này. Hơn nữa, đề bài nêu ra là: “Chọn phương án đúng” chứ không phải là “Chọn phương án đúng nhất”. Như vậy nếu đáp án là “neither” thì đồng nghĩa tất cả các phương án còn lại là sai.
Từ những chia sẻ này, phía lãnh đạo của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng đã nhận định: Vì đề thi được chấm theo hình thức trắc nghiệm nên không bao giờ chấm được hai phương án đúng. Đặc biệt, lãnh đạo Cục Khảo thí có chia sẻ: Đề thi này không hay do Ban ra đề thi chưa kiểm tra lại cẩn thận nên gặp sự tranh cãi trong kiến thức. Thế nhưng, quan trọng là đề thi nằm trong khuôn khổ nào, xét về mặt pháp lý thì chương trình được học như thế nào thì đề thi sẽ được ra như vậy. Sau đó, đáp án cần xử lý theo số đông, làm sao để số đông thuận lợi nhất.
Khi được hỏi về nguyên nhân của sự chậm trễ trong phần trả lời của Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng cho biết: Câu trả lời khi được đưa ra cũng cần có những thời điểm nhất định. Vào thời điểm nhận được thư của Nguyễn Trung Dũng, Cục Khảo thí đã không có số điện thoại của em nên không tiện trong việc liên lạc. Hơn nữa, lãnh đạo Cục cũng không muốn trả lời trên báo chí, vì sợ khi vấn đề được đưa ra, dư luận từ những người không có chuyên môn sâu sẽ gây bất lợi cho ngành. Vì vậy, Bộ GD đợi Trung Dũng lên nhập học để có cuộc bàn luận thẳng thắn nhất. Thêm nữa, sau khi nhận được thư của Trung Dũng, Cục Khảo thí có yêu cầu Ban đề thi giải trình nhưng lúc này Ban đề thi đều đã "giải tán" nên việc tập hợp ý kiến cũng khó khăn hơn.
Thế nhưng, trong công văn chính thức trả lời của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD gửi tới Nguyễn Trung Dũng đã không hề nêu những điều trên. Nội dung bức thư chỉ cho biết: Ngay sau khi có thông tin về đáp án câu 23 mã đề 248, Cục khảo thí và kiểm định chất lượng GD đã phối hợp với Vụ Hợp tác Quốc tế, liên hệ với các tổ chức quốc tế để tìm hiểu. Vụ HTQT đã gửi câu hỏi thi này xin ý kiến Đại sứ quán Mỹ, Úc và Hội đồng Anh. Cả 3 tổ chức này đều trả lời phương án C.neither là đáp án đúng và mệnh đề này được sử dụng rộng rãi ở các nước nói tiếng Anh.
Bản thân Nguyễn Trung Dũng chia sẻ: Em thấy không rõ lắm về cách Cục khảo thí in đậm trong câu: Đúng như em đã nêu ra trong thư gửi Bộ trưởng, phương án D. either cũng
có thể được dùng trong
giao tiếp phi trang trọng trong tiếng Anh Mỹ (được sử dụng rất hạn chế ở một số vùng bắc Mỹ)... vì cả "me either" và "me neither" đều là những cụm từ phi trang trọng. Nhưng dù sao câu trả lời chính thức từ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng đã cho thấy rằng tiếng nói của em được lắng nghe.
Sau cùng, Cục Khảo thí đã chân thành cảm ơn ý kiến của Nguyễn Trung Dũng và cũng sẽ là kinh nghiệm để Cục chỉ đạo công tác biên soạn đề thi các năm sau tốt hơn.
Thân gửi em Nguyễn Trung Dũng !
Xin chúc mừng em đã trúng tuyển và nhập học ở một cơ sở giáo đại học có uy tín là Học viện Ngoại giao. Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã nhận được thư của em gửi Bộ trưởng về đáp án câu 23 (mã đề 248), đề thi tuyển sinh đại học khối D1 năm 2012. Về vấn đề này, sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia, Cục có ý kiến như sau:
1. Đúng như em đã nêu ra trong thư gửi Bộ trưởng, phương án D. either cũng có thể được dùng trong giao tiếp phi trang trọng trong tiếng Anh Mỹ (được sử dụng rất hạn chế ở một số vùng bắc Mỹ). Tuy nhiên, đề thi (không chỉ đề tiếng Anh mà cả đề thi các môn khác) luôn được ra bám sát chương trình, sách giáo khoa hiện hành. Theo sách giáo khoa Tiếng anh hiện hành (bài 12, sách giáo khoa lớp 7), phương án C. neither là đáp án đúng.
2. Ngay sau khi có thông tin về đáp án câu 23 (mã đề 248), Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã phối hợp với Vụ Hợp tác Quốc tế liên hệ với các tổ chức quốc tế để tìm hiểu. Vụ Hợp tác Quốc tế đã gửi câu hỏi thi này xin ý kiến Đại sứ quán Mỹ, Úc và Hội đồng Anh, Cả ba tổ chức này đều trả lời phương án C. neither là đáp án đúng và mệnh đề này được sử dụng rộng rãi ở các nước nói tiếng Anh.
Cảm ơn em về những thông tin mà em đã cung cấp. Đây cũng là kinh nghiệm để Cục chỉ đạo công tác biên soạn đề thi các năm sau tốt hơn. Chúc em chịu khó học tập và thành công.
Phó Cục trưởng Cục KTKĐCLGD
PGS.TS. Trần Văn Nghĩa
Đỗ Quyên Quyên