Quy luật ngược này theo bà Nguyễn Thị Bình, nhiệm vụ của Hội nghị Trung ương 6 sắp tới bàn về
đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phải mổ xẻ và chỉ ra được thực trạng của tình hình, từ đó có phải nêu được yêu cầu và giải pháp.
Nguyên Phó Chủ tịch nước cũng cho rằng, suốt từ năm trước cho tới đầu năm nay chúng ta đã tổ chức ra nhiều hội thảo để đóng góp ý kiến cho Hội nghị trung ương 6 của Đảng sắp tới để bàn về đổi mới giáo dục, tuy nhiên để cụ thể hóa các vấn đề còn tồn động của nền giáo dục thì không mấy hy vọng.
“Trước hết muốn nêu được vấn đề để đổi mới giáo dục phải đánh giá được thực trạng đúng của giáo dục hiện nay, từ thực trạng đó nêu ra được yêu cầu, giải pháp. Giáo dục chúng ta vừa làm, vừa nói dạy chữ, dạy người, dạy nghề nhưng thực tế chưa được như thế, giáo dục trước hết phải dạy con người, con người ở đây tôi muốn nói là con người lương thiện”, bà Bình nhấn mạnh.
|
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: Nếu không thay đổi tư duy và phương pháp, tiếp tục cách làm chắp vá, thiếu tầm nhìn tổng thể, thiếu kế hoạch đồng bộ thì không thể biến chuyển căn bản, toàn diện nào cả. Ảnh Xuân Trung |
Để đóng góp cho Hội nghị Trung ương 6 sắp tới, nguyên Phó Chủ tịch nước cũng lưu ý, Nghị quyết phải nêu ra được mục tiêu, những quan điểm trọng tâm. Tuy nhiên quan trọng hơn hết vẫn là cách thực hiện, cách làm đổi mới căn bản và toàn diện như thế nào.
Bà Bình cho rằng, muốn đất nước phát triển nhanh và bền vững thì phải khắc phục tình trạng yếu kém, lạc hậu về giáo dục, về hệ thống giáo dục, phải chuyển sang một mô hình phát triển phù hợp vơi những chuyển biến mang tính thời đại, tựu trung là sự phát triển cao độ năng lực con người thể hiện ở những thành tựu khoa học…
Nếu không thay đổi tư duy và phương pháp, tiếp tục cách làm chắp vá, thiếu tầm nhìn tổng thể, thiếu kế hoạch đồng bộ thì không thể biến chuyển căn bản, toàn diện nào cả.
Hầu hết các ý kiến khi bàn về giải pháp, các chuyên gia đều nhận định, công tác xây dựng đội ngũ giáo viên phải được xem như một cốt lõi, quan trọng nhất vì chính đội ngũ này quyết định sự thành bại của việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình lấy làm lo ngại khi nêu thực trạng, một tỷ lệ lớn giáo viên phổ thông đang không đủ sức đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục hiện hành. Nguy hiểm hơn, sắp tới đây chất lượng giáo viên mới vào nghề còn thấp hơn vì phần lớn học sinh/sinh viên đang học tại các trường sư phạm và các cơ sở đào tạo giáo viên của các trường đa ngành vốn chỉ là những học sinh phổ thông trung bình, thêm nữa nội dung và phương pháp đào tạo quá lạc hậu, công tác bồi dưỡng cho giáo viên chỉ mang tính hình thức, kém hiệu quả. Do vậy tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên tồn tại dai dẳng hàng chục năm không giải quyết được.
Theo bà Bình, một trở ngại lớn nhất đối với công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên ở các trường công lập được ví như không còn động lực hoạt động nghề nghiệp, vì
thu nhập từ lương và phụ cấp do Nhà nước trả không đủ đảm bảo cho họ có một cuộc sống tươm tất. Do vậy, để tự cứu mình trước các giáo viên đành “dạy thêm” dẫn đến dạy thêm tràn lan, bên cạnh đó mối lo ngại không kém là tình trạng xuống cấp về đạo đức và văn hóa có tác động nhiều tới trường học, ngay cả giáo viên cũng lây nhiễm.
Thừa nhận tình trạng bất cập trên, bà Nguyễn Thị Bình kết luận:
Vị thế xã hội của người thầy bị hạ thấp trong thang giá trị xã hội. Trong cuộc điều tra gần đây có thể nhận thấy rõ điều này khi 40-60% giáo viên phổ thông đã thẳng thắn bày tỏ, nếu được chọn lại nghề họ sẽ không làm nghề dạy học.
Trước thực trạng rất đáng lo ngại như vậy, nguyên Phó Chủ tịch nước cho biết những giải pháp cấp bách cần thực hiện trong thời gian tới.
Thứ nhất, đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực của ngành giáo dục theo hướng đại học hóa giáo viên phổ thông và nâng cao chất lượng tuyển sinh ngành sư phạm. Từ năm 2013-2014 chấm dứt tuyển sinh đào tạo giáo viên phổ thông ở trình độ Trung cấp và Cao đẳng.
Thứ hai, sắp xếp lại các trường đại học sư phạm thành một hệ thống chung chiến lược phát triển. Xây dựng cơ chế tạo ra quan hệ gắn bó giữa hệ thống các trường sư phạm với hệ thống giáo dục phổ thông ở 3 mặt: Cộng tác xác định mục tiêu đào tạo, cộng tác quá trình thực hiện đào tạo và bồi dưỡng, cộng tác trong nghiên cứu khoa học.
Thứ ba, đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông theo hướng chuyển từ đào tạo một lần sang đào tạo căn bản.
Thứ bốn, sửa đổi chính sách về tiền lương và phụ cấp, đảm bảo giáo viên dạy ở trường công và gia đình họ có mức sống cao hơn mức sống trung bình của xã hội, tạo điều kiện về tài chính để giáo viên nâng cao trình độ nghề nghiệp…
Nhấn mạnh lại, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng, tất cả đều phải được nhìn nhận đúng thực trạng trong Hội nghị trung ương 6 sắp tới. Điều quan trọng là cách thực hiện như thế nào và thực hiện tới đâu. “Tôi cho rằng đây là vấn đề mấu chốt, sự nghiệp giáo dục mỗi lúc một lớn, một rộng không thể để cho một ngành làm được (Bộ GD&ĐT-PV) mặc dù chúng ta có cố gắng. Phải giao đổi mới căn bản và toàn diện cho một tổ chức mang tính quốc gia, tổ chức này chịu trách nhiệm xây dựng từng vấn đề để đổi mới”, bà Bình bày tỏ quan điểm.
Sáu kiến nghị quan trọng của Liên hiệp Hội KHKT Hà Nội gửi Hội nghị TƯ lần 6 khóa XI.
Thứ nhất: Đề nghị đánh giá thực chất nền giáo dục hiện nay. Mọi nghị quyết cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, có sự tham gia đóng góp của các tầng lớp xã hội, có như vậy Nghị quyết mới ban hành bám sát với thực tiễn cuộc sống và có tính khả thi cao.
Thứ hai: Nhà nước xem xét và chấn chỉnh lại hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng gắn kết giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và giáo dục dạy nghề, khắc phục những lệch lạc có tính hệ thống hiện tại, giải quyết tốt, hợp lý phân luồng,liên thông mềm dẻo, linh hoạt trong toàn bộ hệ thống,đảm bảo tính tương thích đồng bộ với cơ chế, tốc độ và yêu cầu mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Thứ ba: Chương trình SGK, đội ngũ giáo viên và trường sở với trang thiết bị đầy đủ là ba vấn đề cốt lõi của giáo dục. Đề nghị Nhà nước tập trung đầu tư giải quyết dứt điểm những vấn để bất cập kể trên.
Thứ bốn: Đề nghị kiểm tra một cách nghiêm túc toàn bộ vấn đề đầu tư, chi tiêu ngân sách Nhà nước và đóng góp của dân cho giáo dục. Đề nghị tách hệ thống lương giáo viên ra khỏi hệ thống lương hành chính sự nghiệp trong việc cải cách sắp tới. Trước mắt, đề nghị giáo viên nghỉ hưu từ ngày 1/1/1994 - 1/5/2011 được hưởng phụ cấp thâm niên đảm bảo công bằng và hợp đạo lý.
Thứ năm: Thành lập Ủy ban GD&ĐT Quốc gia giúp Đảng và Chính phủ điều phối toàn bộ công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.
Thứ sáu: Đảng mạnh dạn cải cách cơ chế tuyển chọn và sử dụng trí thức hiện nay, đổi mới tư duy và công tác lựa chọn, đào tạo và sử dụng những người đủ tâm, đủ tầm cho phát triển giáo dục.
Xuân Trung