Nhà giáo Phạm Toàn: "Sách giáo khoa phải dạy cho trẻ tính trung thực"

12/10/2012 06:04
Xuân Trung
(GDVN) - "Một đất nước công nghiệp không thể hiện ở nhiều nhà máy, nhiều sản phẩm công nghiệp, mà phải tạo ra được những con người có một đầu óc công nghiệp... Nền giáo dục hiện đại hóa không phải cứ đi mua những thiết bị đắt tiền đem về cho trẻ em chơi, hơn hết phải tìm ra được cơ chế tự học để trẻ học tập suốt đời, để khi ra đời trở thành những người cầm quyền vẫn phải biết học".
Theo nhà giáo Phạm Toàn, xưa nay chúng ta không nói được mạch lạc nhiệm vụ của từng bậc học. Theo ông, bậc Tiểu học là bậc của phương pháp, cách học của trẻ ở Tiểu học là cho trẻ làm ra được những phương pháp chứ không cho trẻ nói những phương pháp đó.

“Như vậy, phương pháp là nằm trong cách làm, tất cả những định nghĩa trong sách chỉ có một câu, không bao giờ dài dòng để làm thế nào cho người nghe có thể làm lại được định nghĩa ấy chứ không chỉ ra được định nghĩa theo cách khoe khoang, đọc lên là xong”, nhà giáo Phạm Toàn nói.
Những thao tác đơn giản tạo điều kiện cho trẻ học

Hiện nhà giáo Phạm Toàn đang cùng một số tác giả trẻ trong nhóm Cánh buồm làm công việc biên soạn lại sách giáo khoa cải cách giáo dục theo quan điểm không xu nào của nhà nước nhưng vẫn làm được sách. 

Theo nhà giáo Phạm Toàn: Khi đã nói Tiểu học là bậc của phương pháp học, ta phải định nghĩa được quy trình phương pháp đó vào tai trẻ em là gì? Ảnh Xuân Trung
Theo nhà giáo Phạm Toàn: Khi đã nói Tiểu học là bậc của phương pháp học, ta phải định nghĩa được quy trình phương pháp đó vào tai trẻ em là gì? Ảnh Xuân Trung

Mới đây, nhóm Cánh buồm có xuất bản bộ sách từ lớp 1 đến lớp 5, được đánh giá là một trong những bộ sách hiện đại theo nghĩa lấy người học làm trung tâm, cho trẻ em thỏa sức sáng tạo. Một bộ sách thể hiện tầm trí tuệ, việc làm sách không phải đến mức tốn nhiều của cải như trước đây chúng ta vẫn làm, nhà giáo Phạm Toàn cho rằng kinh phí để làm nên bộ sách này hoàn toàn do những người tâm huyết đóng góp, và cho tới bây giờ bộ sách đã được xuất bản và đã có trường dùng thử, đã đạt được những kết quả tích cực nhất định. 

Nói về những bất cập xưa nay trong quá trình làm sách giáo khoa và thực hiện giảng dạy của giáo viên với những phương pháp được cho là hiện đại, nhà giáo Phạm Toàn cho rằng, một đất nước muốn hiện đại hóa phải nhờ ở công nghiệp hóa, tuyệt nhiên không có hiện đại theo khẩu hiệu. Tương tự, một đất nước công nghiệp không thể hiện ở nhiều nhà máy, nhiều sản phẩm công nghiệp, mà phải tạo ra được những con người có một đầu óc công nghiệp, tình đoàn kết công nghiệp.

Liên tưởng tới nền giáo dục, nền giáo dục hiện đại hóa không phải cứ đi mua những thiết bị đắt tiền đem về cho trẻ em chơi, hơn hết phải tìm ra được cơ chế tự học để trẻ học tập suốt đời, để khi ra đời trở thành những người cầm quyền vẫn phải biết học.

“Khi đã nói Tiểu học là bậc của phương pháp học, ta phải định nghĩa được quy trình phương pháp đó vào tai trẻ em là gì? Cuối bậc học này trẻ em sẽ có những năng lực gì? Phương pháp cho trẻ em cấp Tiểu học là: Khi các em học Tiểu học chủ yếu đã thạo tiếng Việt, vậy học để làm gì, học là để các em tự ghi cho mình được ngôn ngữ, khi đã tự ghi được thì các em sẽ tự đọc được”, nhà giáo Phạm Toàn cho biết.

Buổi ra mắt bộ sách thu hút sự quan tâm của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (thứ hai từ phải qua hàng ghế đầu, Nhà văn Nguyên Ngọc (thứ ba từ phải qua hàng ghế đầu), GS Hoàng Tụy (thứ hai từ trái qua hàng ghế đầu)... Ảnh Xuân Trung
Buổi ra mắt bộ sách thu hút sự quan tâm của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (thứ hai từ phải qua hàng ghế đầu, Nhà văn Nguyên Ngọc (thứ ba từ phải qua hàng ghế đầu), GS Hoàng Tụy (thứ hai từ trái qua hàng ghế đầu)... Ảnh Xuân Trung

Theo ông, cách học chính tả của nhóm Cánh buồm là làm sao cho các em tự ghi được, các em tự đọc được. Đối với giai đoạn này những nhà ngôn ngữ thế kỷ XVIII phải làm trong 30 năm, nhưng hiện tại nhóm sẽ nghiên cứu các ngữ âm của các nhà ngôn ngữ học đi trước, và những thao tác này để cho trẻ học nhanh nhất là: Phát âm, phân tích và ghi lại. Do vây, theo nhà giáo Phạm Toàn, cách dạy là dạy thao tác chứ không dạy cho trẻ nhớ bộ chữ như hiện nay vẫn làm. 

Một trong những phương pháp trong bộ sách là tạo cách học từ vựng học sớm, đó là điểm bắt đầu để học các tín hiệu khác, đó là những tín hiệu bằng cơ thể, bằng màu sắc, bằng ánh sáng, bằng tiếng động và bằng lời nói. Có thể nói bằng một từ thuần việt một âm tiết như: Ăn, cơm, sắn, thịt, ngô, khoai, và từ một âm tiết sẽ phát triển lên thành từ ghép: Cơm nếp, cơm tẻ, cơm tập thể, cơm nhà hàng. “Chúng tôi cho trẻ học từ vựng học chứ không phải học từ vựng, tức là học nguyên lý tạo ra và sử dụng từ học tiếng Việt”.
Dạy cho trẻ tính trung thực

Theo đánh giá của nhà giáo Phạm Toàn, đồng tác giả trong bộ sách từ lớp 1 đến lớp 5 vừa được nhóm Cánh buồm xuất bản thì bộ sách chú trọng tới cách thực hành của trẻ.

Ngoài các phần lý thuyết, trong các sách từng lớp đều có phần thực hành, chú trọng cho học sinh học đề thuyết (đề thuyết là để giải quyết logic của câu), chủ vị để giải quyết phương diện cấu trúc câu. Theo nhà giáo Phạm Toàn, trong cấu trúc câu sách hướng dẫn các em chơi trò chơi, cho các em giải thích câu. Thí dụ, giải thích câu: Chim bay, Cò bay, Bò bay, Nhà bay. Vậy tại sao Chim bay, Cò bay, Nhà bay, Bò bay đề đúng về ngữ pháp, chủ vị, nhưng tại sao Bò bay lại là sai? Về logic Bò không thể bay, rút ra từ ví dụ này các em có thể học logic của câu: Nếu Bò có cánh thì Bò có thể bay (Câu điều kiện nếu – thì) hay dạng nâng cao hơn: Nếu Bò có cánh thì Bò có thể bay được, nhưng Bò không bao giờ có cánh, do đó Bò không bao giờ bay được, đó là học phương diện cấu tạo Tam đoạn luận. Nhà giáo Phạm Toàn cho biết, với những logic kiểu này rất cần cho trẻ để có một tư duy thuần khiết trong sáng.
Bộ sách được nhiều phụ huynh đón nhận và mua cho con về tham khảo. Ảnh Xuân Trung
Bộ sách được nhiều phụ huynh đón nhận và mua cho con về tham khảo. Ảnh Xuân Trung

Trong bộ sách của nhóm Cánh buồm cũng có thêm phần Ngữ pháp nghệ thuật (Dạy cho trẻ những thao tác sử dụng chứ không nói trừu tượng theo kiểu sách này hay lắm, cái này đẹp lắm…) và sau đó là thao tác liên tưởng và thao tác bố cục. Những thao tác này dựa trên lòng đồng cảm, lòng đồng cảm này các em được học từ sách lớp 1. Vậy, lòng đồng cảm học như thế nào và cách nào? Nhà giáo Phạm Toàn giải thích, học lòng đồng cảm bằng cách cho trẻ em chơi trò chơi đóng vai, chơi ở một thái độ triết học, thái độ mỹ học, do đó các em có một tâm hồn phong phú hơn.

PTT Nguyễn Thiện Nhân:

PTT Nguyễn Thiện Nhân: "Phải thích nghi đào tạo với chi phí thấp"

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD: “Giáo dục phổ thông 11 năm là vừa đủ”

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD: “Giáo dục phổ thông 11 năm là vừa đủ”

Xưa nay vấn đề đạo đức trong học sinh thường là chủ đề được bàn đến nhiều nhất do ảnh hưởng tới nhân cách của con người sau này.

“Xưa nay cách dạy đạo đức là bắt trẻ phải thế này hay thế kia, nhưng bây giờ không còn thích hợp nữa vì bất kỳ một đứa trẻ nào cũng đứng giữa ba ngã rẽ về đạo đức: Một lối của những người đã có thành tựu, một lối của những người muốn tìm con đường mới và một lối của trẻ em muốn tìm cho mình con đường riêng. Vậy chúng ta phải tìm ra một nguyên lý chung nhất, từ một em bé lớp 1 đến Tổng Thư ký LHQ phải có chung một nguyên lý về đạo đức, đó là tư tưởng, tinh thần và lòng đồng thuận”, nhà giáo Phạm Toàn khẳng định.

Để đạt được điều đó, theo nhà giáo Phạm Toàn ngay từ lớp 1 phải dạy cho các em biết lòng đồng thuận để sống, lớp 1 các em sống trong cộng đồng và sống như thế nào? Lớp 3 là sống trong gia đình, lớp 4 sống với Tổ quốc, lớp 5 là sống với lòng người và nhân loại. 
“Sau các bài ôn tập chúng tôi để các em tự tìm trong xã hội gồm có những loại ngôn ngữ gì? Cuối cùng tìm ra ba dạng: Dạng hoạt động ngôn ngữ khoa học, dạng hoạt động ngôn ngữ hành chính và dạng hoạt động ngôn ngữ của đời sống thường ngày. Đối với dạng khoa học tập cho các em trung thực ngay từ bé, tập ghi chú nguồn mà mình trích dẫn (ý muốn nói mình học được từ những nguồn này), tạo cho các em bắt buộc phải khiêm nhường, phải khiêm tốn, phải trung thực. Mỗi bài học học sinh đều phải tự đi đến kết luận và nhận thức cho riêng mình, giáo viên chỉ tóm  tắt những điều đã học trong lớp học”, nhà giáo Phạm Toàn chia sẻ.
Cần nhân rộng mô hình sách

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: “Phải sớm hoàn thiện bộ sách này để áp dụng rộng rãi”. 

Giáo sư Hoàng Tụy: "Dù thế nào thì mình vẫn cứ phải làm theo lương tâm của mình!". 

Giáo sư Phạm Khiêm Ích: "Tôi đặc biệt quan tâm đến môn học Lối sống và bộ sách Lối sống - môn học trang bị cho trẻ em lối sống của con người hiện đại”.

Nhà giáo Vũ Thế Khôi: "Dạy theo phương pháp của Cánh Buồm là tổ chức việc làm cho học sinh chứ không phải dùng lời giảng giải!"

Xuân Trung