Vụ "canh gà Thọ Xương": Xin đừng làm hại một giáo viên trọng danh dự!

13/10/2012 07:08
Độc giả: Mai Lan
(GDVN) - Liệu đây có phải là cái giá quá đắt mà cô giáo Thủy phải trả hay không? Một giáo viên vì quá “sốc” đến nỗi xin nghỉ việc là một người có lòng tự trọng và đạo đức nghề nghiệp. Trong xã hội hiện đại vẫn có vô số người gian dối, có sai mà không thừa nhận, hoặc gian xảo biến trắng thành đen. Hành động của cô Thủy chứng tỏ cô là một người đáng trân trọng. Cô Thủy đã coi trọng danh dự, nghề nghiệp hơn cả bản thân mình.
LTS: Sau khi Báo Giáo dục Việt Nam cập nhật và phản ánh thông tin về sự việc cô giáo Trường THCS Lômônôxôp đã sai sót khi cho điểm 8 bài viết của học sinh trong đó có nội dung: "Canh gà Thọ Xương là món ăn đặc sản của Hà Nội" đã nhận được sự quan tâm, hồi âm của độc giả. Phần đông độc giả bày tỏ sự thông cảm với cô giáo Hà Thủy, người chấm điểm 8. Sau đây, Báo Giáo dục Việt Nam xin đăng tải bài viết của độc giả Mai Lan về câu chuyện này:

Sau khi một phụ huynh liên lạc với ban giám hiệu nhà trường thắc mắc vì phát hiện ra trong bài tập môn văn của con có sự nhầm lẫn khi cho rằng “canh gà Thọ Xương” trong bài ca dao "Gió đưa cành trúc la đà" là món “canh gà” của Hà Nội đã kéo theo nhiều hệ lụy. Cô giáo chấm 8 điểm cho bài tập trên là cô Hà Thủy. Sự việc xảy ra trong giờ ôn tập chuyên đề ca dao cho học sinh lớp 7.

Trước sức ép của “búa rìu dư luận”, cô Thủy phải đối mặt với nhiều điều tiếng, trong đó phần lớn mỉa mai và bôi nhọ cô khi cho rằng: “đó là vấn đề về kiến thức”, "chấm bài dễ dãi", "cô giáo dởm"... Ngay sau đó, cô giáo Thủy đã lên tiếng giải trình, xin lỗi và sửa lỗi. Theo cô Hà Thủy cho biết, cô đã sửa lỗi kiến thức này cho học sinh trước lớp và yêu cầu các em chữa vào vở. Sau đó, cô cũng có gửi lời xin lỗi đến toàn bộ phụ huynh trên báo chí: "Tôi xin lỗi phụ huynh vì đã không sửa bài thấu đáo cho con và cảm ơn phụ huynh có phản hồi để tôi có thể nhận ra sai sót nghiệp vụ sư phạm của mình. Tôi đã khắc phục bằng cách hướng dẫn học sinh sửa và giảng lại cho các con hiểu. Bài ca dao tôi cho các con làm cũng là bài ca dao ngoài chương trình, tôi muốn các con ôn luyện để hiểu hơn nét đẹp của Hà Nội vì các con là học sinh Thủ đô".
Các bạn học sinh lập hội "Tìm lại công bằng cho cô Hà Thủy" - Ảnh chụp từ Facebook.
Các bạn học sinh lập hội "Tìm lại công bằng cho cô Hà Thủy" - Ảnh chụp từ Facebook.
Thế nhưng làn sóng dư luận vẫn không hề “hạ nhiệt”. Phải chăng vì quá cùng quẫn và bế tắc, cô giáo Thủy đã phải viết đơn xin nghỉ việc? Thậm chí, có thông tin cho là cô đã phải nhập viện vì quá sốc sau sự cố vừa qua.

Liệu đây có phải là cái giá quá đắt mà cô giáo Thủy phải trả hay không? Một giáo viên vì quá “sốc” đến nỗi phải nhập viện và xin nghỉ là một người có lòng tự trọng và đạo đức nghề nghiệp. Trong xã hội hiện đại vẫn có vô số người gian dối, có sai mà không thừa nhận, hoặc gian xảo biến trắng thành đen. Hành động của cô Thủy chứng tỏ cô là một người đáng trân trọng. Cô Thủy đã coi trọng danh dự, nghề nghiệp hơn cả tiền tài, hơn cả bản thân.

Vụ 'canh gà Thọ Xương': Cô Hà Thủy chưa được phép nghỉ việc

Vụ 'canh gà Thọ Xương': Cô Hà Thủy chưa được phép nghỉ việc

Tâm thư xúc động của học sinh trường Lômônôxốp gửi cô giáo dạy Văn

Tâm thư xúc động của học sinh trường Lômônôxốp gửi cô giáo dạy Văn

Nếu quan tâm hơn đến cô Thủy, bạn sẽ biết cô ấy là một cô giáo có một hồ sơ "đẹp", không thể liệt vào dạng kém cỏi. Cô Thủy vốn là học sinh chuyên văn tại Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ), tốt nghiệp khoa Văn, trường ĐH Sư phạm Hà Nội loại giỏi và vừa hoàn thành luận văn thạc sĩ với điểm số 10/10. Luận văn này đã được cô Thủy triển khai thành sáng kiến kinh nghiệm ứng dụng trong trường.

Nhận xét về cô giáo Thủy, thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu phó trường THCS Lômônôxôp cho biết: “Trước khi để cô Thủy đứng lớp chính thức, tổ trưởng chuyên môn và ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức thi tuyển qua hai vòng và có ba tháng để cô thử việc”.
Tôi cho rằng, đây thực sự chỉ là một “tai nạn” nghề nghiệp đáng tiếc, nếu mọi người đều biết cảm thông và chia sẻ thì đã không xảy ra chuyện to tát. Đơn giản chỉ là sai thì sửa mà thôi.

Theo tôi, chúng ta không nên nghi hoặc và chế giễu cô Thủy về trình độ chuyên môn vì nghĩa của câu ca dao "Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ xương". Bởi một người có nhận thức bình thường cũng có thể hiểu và phân biệt được giữa canh giờ và canh gà được chứ đừng nói một cô giáo đã từng học chuyên Văn, trường Hùng Vương, lại tốt nghiệp mái trường “xịn” Sư phạm 1 thì không có lý do gì cho rằng cô Thủy có nhận thức “sai lệch” cả.

Có chăng lỗi lầm ở đây là do nghiệp vụ của một cô giáo trẻ còn thiếu kinh nghiệm trong giảng dạy mà thôi. Cũng có thể do cách cô giáo Thủy muốn đưa một phương pháp mới để học sinh có thể phát triển tư duy, mà thử nghiệm mới không thể thiếu những sai sót. Sai sót ở đây là cô Thủy đã không tự tay chỉ dẫn học sinh để các em hoàn thiện bài học dẫn tới sự hiểu lầm đáng tiếc. Sai sót này hoàn toàn có thể chấp nhận được. Vì thế, đừng để mặt trái của dư luận đè nặng lên vai một cô gái còn trẻ, nhiều nhiệt huyết và khát vọng cống hiến như cô giáo Thủy.

Người xưa vẫn thường nói: “Ai nên khôn chả dại đôi lần”, ý muốn nói ai muốn "khôn" thì đôi lúc phải "dại", có "dại" mới nên "khôn". “Nhân bất thập toàn”, không ai là người hoàn hảo cả, đặc biết khi chưa từng vấp ngã để rồi biết trưởng thành hơn. Nếu dư luận biết rộng lượng, nếu cô giáo Thủy coi đây là một bài học để trưởng thành hơn trong nghiệp vụ của mình thì mọi chuyện đã diễn biến theo chiều hướng tích cực. Đây là cơ hội để cô Thủy nhận ra rằng, khi mất đi cái gì đó lại thấy mình hoàn hảo, sự hoàn hảo có được sau quá trình nỗ lực, cống hiến. Một con người trong cuộc đời mà luôn có đầy đủ mọi thứ họ sẽ trở nên nghèo túng, vì khi đó không còn ước mơ, hoài bão nữa. Thế nhưng, khi cô Thủy chưa kịp có được những nhận thức này thì dư luận đã quá khắt khe, khiến cô không thể bình tĩnh được, nên mới viết đơn xin nghỉ việc và nhập viện vì quá sốc.
Sự việc đáng buồn xảy ra trong một tiết học văn. Văn học vốn có tính nhân đạo hóa con người. Là cô giáo dạy văn, cô Thủy chắc hẳn hiểu điều này hơn ai hết. Nhưng cô không thể ngờ rằng, một sai sót trong nghiệp vụ dạy văn đã dìm mình xuống đáy. Đây quả thực là cú "sốc" lớn đối với một người vẫn tin và yêu cuộc sống.

Khi viết những dòng tâm sự của mình, tôi tưởng tượng đến một cô giáo trẻ mới ra trường, ngoài đôi mươi, rất yêu nghề và yêu học sinh. Cô còn đang chuẩn bị cho mình một đám cưới, hứa hẹn ngày vui sẽ thật nhiều nụ cười con trẻ. Thế nhưng, giờ đây tất cả đã tạm khép lại, cô đã viết đơn xin nghỉ dạy, đã phải nhập viện trong tinh thần suy sụp và hoảng loạn. Nếu như một phút nào đó bạn ngồi nghĩ lại và đặt mình vào bản thân cô giáo Thủy bạn sẽ hiểu. Dư luận hay truyền thông đều quá nhẫn tâm.

Xin đừng để phát ngôn của một số người người khiến cô Thủy trở nên suy sụp. Xin đừng để cuộc sống trở thành cái bẫy. Khi đó chỉ cần một người không may sa vào bẫy lại là cơ hội cho cả đồng loại lại xâu xé, kết tội lẫn nhau. Như thế, liệu chúng ta có đang tàn ác quá với nhau hay không?

Hãy biết sống rộng lượng và bao dung. Hãy biết chấp nhận sự thất bại như một phần cần thiết của con người. Để cô giáo Thủy được trả lại danh dự, để phụ huynh được trả lại niềm tin và để học sinh được trả lại sự bình yên trong môi trường giáo dục.

Độc giả: Mai Lan