Sinh viên không thể... "mù văn hóa xuyên biên giới"

13/10/2012 13:26
Theo Tạp chí Tia sáng
"Chúng tôi muốn đào tạo sinh viên thành những nhà lãnh đạo của thế kỷ 21, và sinh viên không thể là những người "mù văn hóa xuyên biên giới" - Chủ tịch Richard Levin của Đại học Yale phát biểu.
Toàn cầu hóa tri thức và giáo dục
Môi trường văn hóa đại học thế giới ngày càng gần gũi nhau: dân chủ, văn minh, hiện đại, trọng đãi tài năng, tự quản, tự do hàn lâm, học thuật, đó là nền tảng các giá trị phổ quát. Các ‘công dân mới’ tốt nghiệp từ các đại học thế giới có thể cảm thấy gần gũi hay gắn bó với văn hóa đó hơn cả với văn hóa quê nhà. Các sinh viên tài năng của các nước đang phát triển chỉ mơ “nhập học vào Harvard sẽ thay đổi đời tôi”. Cộng đồng hàn lâm dần dần gắn bó với quê hương chung là cộng hòa hàn lâm xuyên biên giới hơn là quê hương sinh trưởng của mình.
Vốn nhân lực, human capital, của một quốc gia là phần chủ yếu nhất tạo nên sự phồn vinh của các quốc gia. Thế kỷ 20 là thế kỷ của vốn nhân lực mà Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu. Con đường đi tới thành công cho quốc gia và cá nhân cuối cùng chính là sự đầu tư vào vốn nhân lực. Một cộng đồng được giáo dục có thể chưa chắc bảo đảm sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và sự kết nạp vào ‘câu lạc bộ hội tụ’ (convergence club) của các quốc gia phát triển.

Nhưng điều ngược lại chắc chắn đúng: Trình độ giáo dục thấp ngăn cản một quốc gia tiến tới biên giới công nghệ và hưởng lợi đầy đủ từ nền kinh tế toàn cầu (C.Goldin và L.Katz). Vốn ấy ngày nay đang chuyển động toàn cầu, để tôi luyện. Họ là những người mang đầy ý tưởng và kỹ năng, skills. Theo Wildavsky, nếu như giới hạn thương mại gây thiệt hại cho người tiêu dùng cũng như cản trở tính sáng tạo kinh tế, thì đóng cửa đối với dòng chảy tự do của con người và ý tưởng là cản trở sự tạo ra tri thức vốn là máu thịt của những thành công kinh tế. Tri thức, và tài năng là những “hàng hóa” không thể giam hãm hay đóng kín mà không gây thiệt hại cho chính mình. Phải làm sao để có sự trao đổi nhiều hơn, có nhiều “hàng hóa” hơn.

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Không chỉ có sự di chuyển chất xám xuyên biên giới, mà các công trình nghiên cứu quốc tế cũng có tính chất xuyên biên giới thông qua sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu của nhiều quốc gia khác nhau. Do vậy đòi hỏi nhà khoa học cần phải có những cái nhìn xa, và hiểu biết văn hóa các miền đất khác. Chủ tịch Richard Levin của Đại học Yale là một người chủ trương mạnh mẽ nhất phát triển đại học ra ngoài biên giới. “Chúng tôi muốn đào tạo sinh viên thành những nhà lãnh đạo của thế kỷ 21, và sinh viên không thể là những người "mù văn hóa xuyên biên giới", Levin nói. “Ngoài kia có những tiềm năng lớn hơn”, “Mỗi người tốt nghiệp ở Yale phải là một người bạn quốc tế”. “Chúng tôi tự hào nói rằng không những đã đào tạo bốn trong sáu vị Tổng thống vừa qua của Hoa Kỳ, mà còn một vị tổng thống Đức, hai Thủ tướng của Hàn Quốc và một Tổng thống của Mexico. Chúng tôi muốn thấy con số này tăng thêm.”

Ông chưa kể thêm: một Tổng thống, và một Phó tổng thống của Philippines. Dĩ nhiên chưa có ai là người Việt Nam được vinh dự bước vào danh sách đó.
Đại học “Made in America”
Thế chiến thứ II nổ ra, chủ nghĩa quốc xã của Hitler và những kẻ cuồng tín đã phá tan nền đại học đỉnh cao đó của nhân loại, gây ra một cuộc di tản khổng lồ của các nhà khoa học hàng đầu lục địa châu Âu qua Tân thế giới Hoa Kỳ, trong đó Einstein là biểu tượng. Sau thế chiến thứ II, Hoa Kỳ với tiềm năng ưu việt của mình, với truyền thống và chính sách phát triển đúng đắn của mình, trong vòng vài thập kỷ tiến lên phát triển đại học thành ngọn đuốc trí tuệ rực rỡ nhất thế giới, kéo dài mãi đến hôm nay.

Đặc tính đại học Hoa Kỳ là dựa trên tính ‘mô-đun’ cho phép thêm bớt bất kỳ, cho phép dạy và nghiên cứu tất cả các môn, và ở mọi trình độ. Tính mô-đun với một số lượng lớn các môn chọn cho phép thầy và trò thực hiện các nguyên lý ‘tự do dạy’, Lehrfreiheit, và ‘tự do học’, Lernfreiheit, của Humboldt. Có thể nói, Đại học Hoa Kỳ là Đại học Humboldt mở rộng. Thế kỷ 20 là thế kỷ của đại học Hoa Kỳ. Đại học phát triển thành multiversity, đa đại học, và cụm đại học. Năm 1987, Henry Rosovsky, cựu chủ nhiệm khoa của khoa Arts and Sciences ở Harvard, đã có thể viết một cách hãnh diện:
“Trong những ngày này, khi mà các đối thủ kinh tế nước ngoài dường như đang qua mặt chúng ta trong hết ngành này đến ngành khác, chúng ta cần tái khẳng định để biết rằng có một ngành công nghiệp sống còn mà ở đó Hoa Kỳ át hẳn thế giới không thể tranh cãi được: lãnh vực giáo dục đại học. Khoảng từ hai phần ba đến ba phần tư đại học tốt nhất của thế giới đều nằm tại Hoa Kỳ”. 
Theo Tạp chí Tia sáng