Cám hiện đại tệ hại hơn cả Cám ngày xưa

13/10/2012 17:40
Độc giả: Thanh Phong
(GDVN) - Nhân vật Cám tệ hại đến nỗi cô giáo chấm bài cho học sinh cũng phải thốt lên: “Nhân vật Cám của em đáng sợ quá”.
LTS: Xung quanh câu chuyện về bài văn gây sốc của nữ sinh nhập vai Cám kể về truyện cổ tích Tấm Cám đang gây xôn xao cư dân mạng, Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết của độc giả Thanh Phong về vấn đề này. Theo độc giả, với đề văn là: "Hãy nhập vai nhân vật Cám, kể lại chuyện cổ tích Tấm Cám" một mặt nào đó học sinh này đã diễn đạt nhân vật Tấm. Điều đáng bàn thêm là xem lại hình ảnh giáo viên trong lời phê với cách ra đề bài, chữ viết ẩu, viết tắt...

“Nhân vật Cám của em đáng sợ quá”
Gần đây, cư dân mạng được dịp ồn ào với bài văn “độc” của nữ sinh Hà Nội trong đề bài: “Nhập vai nhân vật Cám, kể lại chuyện cổ tích Tấm Cám". Tôi cho rằng, đây không chỉ là một bài văn duy nhất mà còn nhiều bài văn khác “đặc sắc” như thế này nữa.

Với đề bài thuộc thể loại nghị luận các vấn đề xã hội. Giáo viên đưa ra đề kiểm tra này mong muốn học sinh có những suy nghĩ, sáng tạo độc lập, không bị phụ thuộc vào SGK, thoát lý khỏi văn mẫu. Quả thực, đề bài ấy đã cho ra đời những bài văn... cười ra nước mắt. Bài văn của một nữ sinh tại Hà Nội đã được cô giáo cho 3,25 điểm với những lời phê “Không biết cách làm bài NLXH (nghị luận xã hội), nhân vật Cám của em đáng sợ quá!”. 

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Ấn tượng xấu về nhân vật Cám ngay đoạn đầu tiên của bài viết bằng cách kể: “Tôi sống với mẹ tôi và con của dượng tôi vì bố nó chết lâu rồi”. Nhân vật Cám đúng bản chất là cô gái lười biếng, thích trưng diện và ỷ nại: “Tôi còn bận chọn vải may quần áo và đi làm tóc tai”. Trong cách suy nghĩ của Cám luôn nham hiểm: “Chiều khi tôi ra thì đã muộn rồi, thôi thì lừa con ngu kia một phen vậy”. Tiếng cười nhạo báng của Cám sau khi hại được Tấm: “Haha, sáng mai cũng chưa xong đâu, rách rưới còn đòi theo quý tộc hahaha"

Đoạn kết, trong khi ướm giầy vua ban đã bộc lộ rõ tính cách của nhân vật Cám qua ngôn ngữ chợ búa và những suy nghĩ ác độc: “Mẹ và tôi cùng thử nhưng giầy con nào mà bé thế, bố tao cũng không ních vào được. Lựa đằng này đằng kia đau cả chân, bực cả mình đành thôi. Rồi có một con đến thử rất giống con Tấm nhưng đẹp hơn, nó chỉ gần bằng tao thôi sao lại vừa giầy nhỉ. Bực quá! Gọi nó thì đúng nó rồi. Vua đưa nó về tổ chức đám cưới luôn mới sợ. Con này là con ôsin mà, vua mù rồi”

Hàng loạt cách xưng hô: “bà, mày, tao, con này” hay những tiếng cười “hahaha” trong ngôn ngữ của giới trẻ thời @ đều được sử dụng trong bài viết. Có lẽ bởi học sinh này đã bị nhiễm văn hóa facebook, ngôn từ trong cách nói chuyện của các diễn đàn trên mạng, nên không phân biệt thế nào là một bài văn cần thiết phải mang tính chất văn học. Bài văn mới chỉ dừng ở mức nhập vai kể chuyện một cách sơ sài theo nội dung truyện mà chưa đầy đủ các nhân vật, hình ảnh như: Ông Bụt, chim vàng anh, cây xoan đào, quả thị. Bên cạnh đó bài văn còn viết sai quá nhiều lỗi chính tả, sử dụng ngôn từ bừa bãi.
Cô giáo chấm bài Tấm Cám chỉ xứng đáng nhận 3 điểm
Ngoài những khuyết điểm trên tôi cho rằng, bài văn này đã thành công, thành công chính trong lời phê của cô giáo: “Nhân vật Cám của em đáng sợ quá”. Đặt vị trí của mình vào nhân vật Cám mà làm cho người đọc cảm thấy đáng sợ là thành công rồi còn gì? Chả nhẽ miêu tả Cám mà lại khiến cho người đọc thấy đáng yêu? Trong khuôn khổ của một bài văn nghị luận, tôi cho rằng câu nhận xét “Nhân vật Cám của em đáng sợ quá” một mặt nào đó đã thui chột đi cá tính sáng tạo của học sinh. Để sau bài kiểm tra này, các em sẽ rất e dè khi đặt bút viết, cái gì cũng vừa vừa, nhàn nhạt mà thôi.

Thêm một điều đáng bàn ở đây là đề bài kiểm tra. Ai cũng biết Tấm Cám là một câu chuyện cổ tích Việt Nam thuộc thể loại truyện cổ tích thần kì, phản ánh những mâu thuẫn trong gia đình, cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cùng ước mơ cái thiện thắng cái ác của người Việt Nam. Trong đó nhân vật Cám đại diện cho cái ác. Tại sao giáo viên đưa ra đề bài không đặt địa vị các em vào nhân vật Cám để kể chuyện, để các em hiểu thế nào là cái thiện thắng cái ác, hướng thiện đến học sinh. Đừng để xảy ra tình huống như trong bài văn này: Cô giáo bắt học sinh đóng vai ác, đến khi chấm điểm cô giáo lại giật mình vì học sinh diễn vai ác...quá đạt. 

Thêm nữa, nếu so sánh bài làm của học sinh và chữ của cô giáo thì thấy đúng là giáo viên nào, trò nấy, xấu và ẩu như nhau. Là giáo viên, nhất là khi viết lời phê trong bài kiểm tra của học sinh nên hạn chế viết tắt. Dù phê chỉ có mấy câu nhưng cô giáo này đã viết tắt chữ “không” thành “ko”, viết tắt “Nghị luận xã hội” thành “NLXH”.

Góp ý về cách chấm điểm trong bài văn này, tôi cho rằng bài làm của học sinh làm đúng đề, diễn tả được cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật, giọng văn kể theo lối cổ tích hiện đại nên cho học sinh 6 điểm. Còn giáo viên thì nên tự nhận mình 3 điểm vì những lỗi văn bản và logic nêu trên. 
Độc giả: Thanh Phong